Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

KINH NGHIỆM

Tôi thích học hỏi và dạy dỗ về Đức Giê-hô-va

Tôi thích học hỏi và dạy dỗ về Đức Giê-hô-va

Tôi lớn lên ở Easton, bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi tập trung vào mục tiêu học đại học và quyết tâm trở thành một người thành đạt. Tôi rất thích học và học giỏi toán cũng như khoa học. Năm 1956, một tổ chức dân quyền bênh vực người da đen đã tặng tôi 25 đô-la vì có điểm cao nhất trong số các học sinh người da đen. Nhưng sau đó, mục tiêu của tôi đã thay đổi. Tại sao?

HỌC VỀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

Vào đầu thập niên 1940, cha mẹ tôi tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù sau đó họ ngưng tìm hiểu nhưng mẹ tôi vẫn nhận các tạp chí Tháp CanhTỉnh Thức!. Năm 1950, có một hội nghị quốc tế ở thành phố New York và gia đình tôi đã nhận lời mời tham dự.

Không lâu sau đó, anh Lawrence Jeffries đến thăm chúng tôi. Anh cố gắng giúp tôi biết chân lý. Lúc đầu, tôi không đồng ý với anh về lập trường của Nhân Chứng Giê-hô-va, tức việc họ không tham gia chính trị và quân sự. Tôi lý luận với anh ấy rằng nếu mọi người ở nước Mỹ từ chối tham gia chiến tranh, kẻ thù có thể đến và xâm chiếm cả đất nước. Anh Jeffries kiên nhẫn lý luận với tôi: “Em nghĩ Đức Giê-hô-va sẽ làm gì nếu tất cả người Mỹ đều phụng sự ngài và kẻ thù đến tấn công họ?”. Cách lý luận của anh về điều này và những vấn đề khác giúp tôi nhận ra rằng suy nghĩ của mình không đúng. Điều đó khiến tôi càng tò mò hơn.

Khi tôi báp-têm

Tôi dành nhiều tiếng để đọc các số Tháp CanhTỉnh Thức! cũ mà mẹ cất ở tầng hầm. Với thời gian, tôi nhận ra rằng mình đang học chân lý nên tôi đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh với anh Jeffries. Tôi cũng bắt đầu tham dự nhóm họp đều đặn. Tôi rất yêu mến những gì mình học nên đã trở thành người công bố tin mừng. Mục tiêu của tôi đã thay đổi khi tôi hiểu rằng “ngày lớn của Đức Giê-hô-va gần kề” (Xô 1:14). Thay vì đặt mục tiêu vào đại học, tôi muốn giúp người khác học về chân lý trong Kinh Thánh.

Tôi tốt nghiệp trung học phổ thông vào ngày 13-6-1956, và ba ngày sau tôi báp-têm tại một hội nghị vòng quanh. Lúc đó, tôi chưa biết là có rất nhiều ân phước đang đón đợi mình khi tôi dùng cuộc đời để học hỏi và dạy dỗ về Đức Giê-hô-va.

HỌC HỎI VÀ DẠY DỖ KHI LÀM TIÊN PHONG

Sau khi báp-têm được sáu tháng, tôi trở thành tiên phong đều đều. Thánh Chức Nước Trời tháng 12 năm 1956 có bài với tựa đề “Anh chị có thể phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn không?” (Anh ngữ). Lời kêu gọi đó cũng dành cho tôi. Tôi muốn giúp những nơi có ít người rao giảng về tin mừng.—Mat 24:14.

Tôi chuyển đến Edgefield, Nam Carolina. Hội thánh ở đó chỉ có bốn công bố và tôi là người thứ năm. Chúng tôi tổ chức nhóm họp ở phòng trước tại nhà của một anh. Mỗi tháng, tôi dành 100 giờ cho thánh chức. Tôi bận rộn dẫn đầu trong công việc rao giảng và phụ trách các phần của buổi nhóm họp. Điều thú vị là càng dành nhiều thời gian cho hoạt động thiêng liêng, tôi càng học được nhiều hơn về Đức Giê-hô-va.

Một phụ nữ học Kinh Thánh với tôi có nhà tang lễ ở Johnston, một thị trấn cách đó vài cây số. Bà đã tốt bụng cho tôi làm công việc bán thời gian mà tôi cần và cho chúng tôi sử dụng một tòa nhà nhỏ làm Phòng Nước Trời.

Anh Jolly Jeffries là con trai của anh đã dạy Kinh Thánh cho tôi chuyển đến đây từ Brooklyn, New York, và là bạn cùng làm tiên phong của tôi. Chúng tôi thuê một xe moóc nhỏ của một anh để ở.

Thời bấy giờ, tiền lương ở miền nam Hoa Kỳ rất thấp. Một ngày lao động, chúng tôi chỉ kiếm được hai hoặc ba đô-la. Lần nọ, tôi đã dùng những đồng xu cuối cùng để mua thực phẩm tại một cửa hàng. Khi tôi ra khỏi đó, một người đàn ông đến gần và hỏi: “Anh có muốn làm việc không? Tôi sẽ trả anh một đô-la một giờ”. Ông ấy đã thuê tôi làm công việc dọn dẹp ở công trình xây cất trong ba ngày. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đang giúp để tôi ở lại Edgefield. Ngoài ra, tôi cũng có đủ tiền để đi dự hội nghị quốc tế ở thành phố New York vào năm 1958.

Vào ngày cưới của chúng tôi

Vào ngày thứ hai của hội nghị, một điều đặc biệt đã xảy ra. Tôi gặp một chị tiên phong đều đều là Ruby Wadlington, đến từ Gallatin, bang Tennessee. Vì cả hai đều quan tâm đến mục tiêu làm giáo sĩ nên chúng tôi tham dự buổi họp về Trường Ga-la-át tại hội nghị. Kể từ đó, chúng tôi viết thư cho nhau. Rồi tôi được mời đến Gallatin để làm bài diễn văn công cộng. Tôi đã tận dụng cơ hội đó để cầu hôn Ruby. Sau đó, tôi chuyển đến hội thánh của Ruby và chúng tôi kết hôn vào năm 1959.

HỌC HỎI VÀ DẠY DỖ TRONG HỘI THÁNH

Năm 23 tuổi, tôi được bổ nhiệm làm tôi tớ hội thánh (nay gọi là giám thị điều phối của hội đồng trưởng lão) ở Gallatin. Chúng tôi là hội thánh đầu tiên được anh Charles Thompson đến thăm với tư cách là giám thị vòng quanh. Dù có nhiều kinh nghiệm nhưng anh đã hỏi ý kiến của tôi về điều các anh em cần và cách các giám thị vòng quanh khác chăm sóc cho những nhu cầu đó. Tôi học được từ anh là nên tham khảo ý kiến và thu thập mọi thông tin trước khi đưa ra quyết định.

Vào tháng 5 năm 1964, tôi được mời tham dự Trường thánh chức Nước Trời kéo dài một tháng được tổ chức ở South Lansing, New York. Các giảng viên của trường đã vun trồng trong tôi ước muốn mạnh mẽ là học hỏi thêm và tiến bộ hơn về thiêng liêng.

HỌC HỎI VÀ DẠY DỖ KHI LÀM CÔNG VIỆC VÒNG QUANH VÀ ĐỊA HẠT

Vợ chồng tôi nhận được lời mời làm công việc vòng quanh vào tháng 1 năm 1965. Chúng tôi được bổ nhiệm đến một vòng quanh rộng lớn từ Knoxville, bang Tennessee, cho đến gần tới Richmond, bang Virginia. Vòng quanh này bao gồm các hội thánh ở Bắc Carolina, Kentucky và West Virginia. Tôi chỉ phụng sự trong hội thánh các anh chị da đen vì vào thời đó chính phủ miền nam Hoa Kỳ có luật không cho phép người da đen nhóm lại với người da trắng. Các anh em ở đây rất nghèo và chúng tôi học cách chia sẻ điều mình có với những anh chị gặp khó khăn. Một giám thị vòng quanh lâu năm dạy tôi một bài học quan trọng là: “Hãy là một người anh em chứ đừng như một ông chủ khi đến hội thánh. Anh chỉ có thể giúp họ nếu họ xem anh là anh em”.

Trong thời gian chúng tôi đến thăm một hội thánh nhỏ, Ruby bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với một phụ nữ trẻ có con gái một tuổi. Khi không ai trong hội thánh có thể điều khiển cuộc học hỏi đó, thì Ruby tiếp tục làm thế qua thư. Trong lần viếng thăm tiếp theo của chúng tôi, cô ấy đã tham dự mỗi buổi nhóm họp. Sau đó, có hai chị tiên phong đặc biệt chuyển đến và họ tiếp tục điều khiển cuộc học hỏi với cô, rồi không lâu sau cô báp-têm. Khoảng 30 năm sau đó, vào năm 1995, tại Bê-tên Patterson, có một chị trẻ đến chào Ruby. Đó chính là con gái của người phụ nữ đã học Kinh Thánh với Ruby. Người con gái và chồng chị lúc ấy đang học khóa thứ 100 của Trường Ga-la-át.

Vòng quanh thứ hai của chúng tôi là miền trung của bang Florida. Lúc đó, vì cần xe nên chúng tôi đã mua một chiếc với giá rất tốt. Tuy nhiên, vào tuần đầu tiên động cơ xe bị hỏng và chúng tôi không còn tiền để sửa. Tôi gọi cho một anh mà tôi nghĩ là có thể giúp đỡ. Anh ấy đã nhờ thợ của mình sửa xe và không lấy tiền. Anh ấy chỉ nói: “Anh yên tâm, chúng tôi lo hết rồi”. Thậm chí anh ấy còn tặng chúng tôi một ít tiền! Đó quả là bằng chứng tuyệt vời cho thấy Đức Giê-hô-va chăm sóc cho tôi tớ ngài. Điều đó cũng nhắc chúng tôi rằng mình nên rộng rãi với người khác.

Mỗi khi đến thăm một hội thánh, chúng tôi ở nhà của anh em. Nhờ thế, chúng tôi vun đắp được nhiều tình bạn lâu dài. Ngày nọ, khi tôi đang đánh bản báo cáo về một hội thánh nửa chừng thì phải đi ra ngoài. Khi trở về vào buổi tối, tôi biết được bé trai ba tuổi của gia đình tiếp đón chúng tôi đã “giúp” tôi hoàn thành bản báo cáo. Nhiều năm sau, tôi vẫn chọc em ấy về điều đó.

Năm 1971, tôi nhận được thư bổ nhiệm làm giám thị địa hạt ở thành phố New York. Chúng tôi vô cùng bất ngờ! Khi chúng tôi chuyển đến đó, tôi chỉ mới 34 tuổi. Anh em ở đấy nồng ấm chào đón tôi, một giám thị địa hạt người da đen đầu tiên.

Là giám thị địa hạt, tôi thích dạy dỗ về Đức Giê-hô-va vào mỗi cuối tuần tại hội nghị vòng quanh. Nhiều anh giám thị vòng quanh giàu kinh nghiệm hơn tôi, trong đó có một anh đã làm bài giảng báp-têm cho tôi và cũng có anh Theodore Jaracz, sau này là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo. Ngoài ra, cũng có nhiều anh giàu kinh nghiệm phụng sự tại trụ sở trung ương Brooklyn. Tôi rất biết ơn là các giám thị vòng quanh và các thành viên Bê-tên làm tôi cảm thấy thoải mái. Tôi được tận mắt chứng kiến những anh này là những người chăn yêu thương luôn dựa vào Lời Đức Chúa Trời và trung thành ủng hộ tổ chức. Sự khiêm nhường của họ đã giúp tôi dễ chu toàn trách nhiệm của một giám thị địa hạt.

TRỞ LẠI VỚI CÔNG VIỆC VÒNG QUANH

Vào năm 1974, Hội đồng Lãnh đạo chỉ định nhóm giám thị vòng quanh khác làm công việc địa hạt, vì thế tôi làm giám thị vòng quanh trở lại, lần này là tại Nam Carolina. Mừng thay là lúc đó hội thánh các anh chị người da đen và da trắng không còn bị phân biệt nữa. Anh em ở đó rất vui về điều này.

Vào cuối năm 1976, tôi được giao phụ trách vòng quanh Georgia, trải dài từ Atlanta đến Columbus. Tôi nhớ rất rõ lần làm bài giảng tang lễ cho năm em người da đen bị thiệt mạng khi nhà của các em bị những kẻ ác phóng hỏa. Mẹ của các em phải nhập viện vì bị thương nặng. Có rất nhiều Nhân Chứng, cả anh chị người da đen lẫn da trắng, đến bệnh viện để an ủi họ. Tôi thấy tình yêu thương của anh em thật tuyệt vời. Lòng quan tâm như thế có thể giúp các tôi tớ của Đức Chúa Trời đương đầu với những hoàn cảnh khó khăn nhất.

HỌC HỎI VÀ DẠY DỖ TẠI BÊ-TÊN

Vào năm 1977, chúng tôi được mời vào Bê-tên Brooklyn trong vài tháng để trợ giúp một dự án. Khi dự án sắp kết thúc, hai thành viên thuộc Hội đồng Lãnh đạo đã gặp tôi và hỏi xem vợ chồng chúng tôi có sẵn sàng ở lại Bê-tên phụng sự lâu dài không. Chúng tôi đã nhận lời mời.

Suốt 24 năm, tôi làm việc trong Ban Công tác, là ban thường xử lý những câu hỏi khó và phức tạp. Trong nhiều năm qua, Hội đồng Lãnh đạo đã cung cấp chỉ dẫn kịp thời và phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh. Các chỉ dẫn đó không chỉ được dùng làm cơ sở để trả lời những câu hỏi mà còn được dùng để huấn luyện giám thị vòng quanh, trưởng lão và tiên phong. Tài liệu huấn luyện này đã giúp nhiều anh chị ngày càng mạnh mẽ về thiêng liêng. Và điều đó làm vững mạnh tổ chức của Đức Giê-hô-va.

Từ năm 1995 đến năm 2018, tôi thăm nhiều văn phòng chi nhánh trong vai trò người đại diện trung ương, trước kia gọi là giám thị vùng. Tôi gặp Ủy ban Chi nhánh, thành viên Bê-tên và giáo sĩ để khích lệ họ và giúp họ trong một số vấn đề cá nhân. Thật ra, vợ chồng chúng tôi luôn được khích lệ khi nghe những kinh nghiệm mà họ chia sẻ. Chẳng hạn, khi thăm Rwanda vào năm 2000, chúng tôi rất cảm động khi nghe về cách anh em và gia đình Bê-tên ở đó trải qua cuộc diệt chủng năm 1994. Nhiều anh em bị mất người thân. Dù phải đương đầu với những điều đó, nhưng các anh em này vẫn giữ vững đức tin, hy vọng và niềm vui.

Kỷ niệm 50 năm ngày cưới

Hiện nay, chúng tôi đã ngoài 80. Trong 20 năm qua, tôi phụng sự trong Ủy ban Chi nhánh Hoa Kỳ. Dù không có bằng đại học nhưng tôi nhận được nền giáo dục tốt nhất từ Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài. Điều này trang bị cho tôi để dạy người khác những sự thật trong Kinh Thánh có thể mang lại lợi ích lâu dài cho họ (2 Cô 3:5; 2 Ti 2:2). Tôi cũng thấy cách thông điệp Kinh Thánh đã giúp người ta cải thiện đời sống và vun trồng mối quan hệ với Đấng Tạo Hóa (Gia 4:8). Bất cứ khi nào có thể, vợ chồng chúng tôi đều khuyến khích người khác quý trọng đặc ân được học hỏi về Đức Giê-hô-va và dạy dỗ người khác những sự thật trong Kinh Thánh. Đó là đặc ân cao quý nhất mà một tôi tớ của Đức Giê-hô-va có thể có!