Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Độc giả thắc mắc

Độc giả thắc mắc

Ý của sứ đồ Phao-lô là gì khi ông nói mình là “một đứa bé sinh non”? (1 Cô-rinh-tô 15:8)

Phao-lô nói nơi 1 Cô-rinh-tô 15:8: “Cuối cùng, ngài hiện ra với tôi như thể với một đứa bé sinh non”. Trước đây, chúng ta từng giải thích rằng dường như Phao-lô đang nói đến kinh nghiệm cá nhân khi ông nhận khải tượng về Chúa Giê-su được vinh hiển trên trời. Điều này như thể ông được ban cho đặc ân được sinh ra, hoặc sống lại, trong thể thần linh nhiều thế kỷ trước khi có sự sống lại đó. Tuy nhiên, việc nghiên cứu thêm về câu này dẫn đến việc cần điều chỉnh sự giải thích trước kia.

Đúng là ở đây Phao-lô đang nói đến điều đã xảy ra lúc ông cải đạo. Nhưng ý của ông là gì khi ông nói mình là “đứa bé sinh non”? Dưới đây là vài cách giải thích.

Sự cải đạo của ông xảy ra đột ngột và kinh hoàng. Việc sinh non thường xảy đến bất thình lình. Khi Sau-lơ (người sau này được biết đến là Phao-lô) đang trên đường đến Đa-mách để ngược đãi các tín đồ đạo Đấng Ki-tô ở đó, ông không ngờ là mình thấy khải tượng về Chúa Giê-su được vinh hiển trên trời. Sự cải đạo của Phao-lô không chỉ bất ngờ đối với ông mà còn đối với các tín đồ ở thành mà ông định ngược đãi. Ngoài ra, trải nghiệm này kinh hoàng đến mức khiến ông bị mù tạm thời.—Công 9:1-9, 17-19.

Ông cải đạo “không đúng thời điểm”. Từ Hy Lạp được dịch là “một đứa bé sinh non” cũng có thể được dịch là “một đứa bé sinh ra không đúng thời điểm”. Bản dịch Kinh Thánh Giê-ru-sa-lem (The Jerusalem Bible) dịch câu này như sau: “Điều đó như thể tôi được sinh ra vào lúc không ai ngờ đến”. Vào lúc Phao-lô cải đạo, Chúa Giê-su đã trở về trời rồi. Khác với những người mà Phao-lô nhắc đến trong những câu trước đó, ông không được thấy Chúa Giê-su sau khi ngài được sống lại và trở về trời (1 Cô 15:4-8). Việc Chúa Giê-su bất ngờ hiện ra với Phao-lô cho ông cơ hội được thấy ngài, dù điều đó có vẻ xảy ra “không đúng thời điểm”.

Ông đang nói về chính mình theo cách khiêm tốn. Theo một số học giả, cụm từ mà Phao-lô dùng ở đây có thể mang nghĩa là khiêm nhường hạ thấp bản thân. Nếu đó là ý của Phao-lô thì ông đang nhìn nhận là mình không xứng đáng với đặc ân được ban cho. Thực tế, ông nói tiếp: “Tôi hèn mọn nhất trong các sứ đồ và không đáng được gọi là sứ đồ, bởi tôi đã bắt bớ hội thánh của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, nhờ lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời mà tôi được như ngày nay”.—1 Cô 15:9, 10.

Vậy, dường như Phao-lô đang nói đến việc Chúa Giê-su hiện ra với ông một cách bất ngờ và đột ngột, việc ông cải đạo không đúng thời điểm hoặc việc ông không xứng đáng nhận được khải tượng đáng kinh ngạc như thế. Dù là trường hợp nào đi nữa, trải nghiệm này rất quý giá đối với Phao-lô vì nhờ đó mà ông tin chắc là Chúa Giê-su đã được sống lại. Không ngạc nhiên gì khi ông thường nhắc đến trải nghiệm đặc biệt này lúc rao giảng cho người khác về sự sống lại của Chúa Giê-su.—Công 22:6-11; 26:13-18.