Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 3

Đức Giê-hô-va đang giúp anh chị thành công

Đức Giê-hô-va đang giúp anh chị thành công

“Đức Giê-hô-va ở cùng Giô-sép,… khiến mọi việc cậu làm đều thành công”.—SÁNG 39:2, 3.

BÀI HÁT 30 Ngài là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn tôi

GIỚI THIỆU a

1, 2. (a) Tại sao chúng ta không ngạc nhiên khi đối mặt với thử thách? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?

 Là dân Đức Giê-hô-va, chúng ta không ngạc nhiên khi đối mặt với thử thách. Kinh Thánh nói: “Để vào được Nước Đức Chúa Trời, chúng ta phải trải qua nhiều gian khổ” (Công 14:22). Chúng ta cũng biết rằng một số vấn đề của mình chỉ có thể được giải quyết hoàn toàn khi vào thế giới mới của Đức Chúa Trời, là nơi “sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”.—Khải 21:4.

2 Đức Giê-hô-va không bảo vệ chúng ta khỏi các thử thách. Tuy nhiên, ngài giúp chúng ta chịu đựng. Hãy lưu ý điều sứ đồ Phao-lô nói với các tín đồ ở Rô-ma. Trước hết, ông liệt kê một số thử thách mà ông và các anh em đang phải đối mặt. Rồi ông viết: “Chúng ta được toàn thắng nhờ đấng đã yêu thương chúng ta” (Rô 8:35-37). Điều này có nghĩa là Đức Giê-hô-va có thể giúp anh chị thành công ngay cả khi anh chị đang đương đầu với thử thách. Hãy xem Đức Giê-hô-va đã giúp Giô-sép thành công như thế nào, và ngài có thể giúp anh chị ra sao.

KHI CÓ SỰ THAY ĐỔI BẤT NGỜ

3. Cuộc đời của Giô-sép đã bất ngờ thay đổi như thế nào?

3 Tộc trưởng Gia-cốp làm những điều cho thấy ông yêu thương cậu con trai là Giô-sép rất nhiều (Sáng 37:3, 4). Vì thế, các con trai khác của Gia-cốp sinh lòng ghen ghét em mình. Rồi khi cơ hội đến, họ đã bán Giô-sép cho một nhóm lái buôn người Ma-đi-an. Những lái buôn này đã dẫn Giô-sép sang Ai Cập, cách quê nhà của cậu hàng trăm cây số. Tại đây, Giô-sép bị bán một lần nữa, và lần này là cho Phô-ti-pha, quan chỉ huy vệ binh của Pha-ra-ôn. Cuộc đời của Giô-sép đã nhanh chóng thay đổi, từ một con trai yêu dấu của cha trở thành một nô lệ thấp hèn ở Ai Cập!—Sáng 39:1.

4. Chúng ta có thể phải đối mặt với những thử thách nào?

4 Kinh Thánh nói “chuyện bất trắc xảy đến cho tất cả” (Truyền 9:11). Đôi khi chúng ta phải đối mặt với những khó khăn ‘không khác với mọi người’, tức là những thử thách mà ai cũng đều gặp phải (1 Cô 10:13). Hoặc có lẽ chúng ta phải chịu khổ chỉ vì là môn đồ của Chúa Giê-su. Chẳng hạn, có thể chúng ta bị chế giễu, chống đối hoặc thậm chí bị ngược đãi vì đức tin (2 Ti 3:12). Dù anh chị đối mặt với thử thách nào đi nữa, Đức Giê-hô-va cũng có thể giúp anh chị thành công. Ngài đã làm thế với Giô-sép như thế nào?

Đức Giê-hô-va đã giúp Giô-sép thành công ngay cả khi cậu bị bán làm nô lệ cho Phô-ti-pha ở Ai Cập (Xem đoạn 5)

5. Phô-ti-pha kết luận điều gì về sự thành công của Giô-sép? (Sáng thế 39:2-6)

5 Đọc Sáng thế 39:2-6. Phô-ti-pha nhận thấy Giô-sép là chàng trai có năng lực và làm việc chăm chỉ. Ông cũng biết lý do tại sao. Phô-ti-pha thấy “Đức Giê-hô-va khiến mọi việc [Giô-sép] làm đều thành công”. b Cuối cùng, ông cho Giô-sép làm người hầu việc thân cận của mình. Ông cũng giao cho Giô-sép coi sóc cả nhà mình. Kết quả là gì? Phô-ti-pha trở nên thịnh vượng.

6. Giô-sép có lẽ cảm thấy thế nào về tình cảnh của mình?

6 Hãy hình dung Giô-sép cảm thấy thế nào. Điều Giô-sép mong muốn nhất là gì? Có phải là được Phô-ti-pha chú ý và ban thưởng? Không. Hẳn Giô-sép muốn được trả tự do để trở về với cha. Suy cho cùng, dù có nhiều quyền trong nhà của Phô-ti-pha nhưng Giô-sép vẫn là nô lệ của người chủ thờ thần ngoại giáo. Đức Giê-hô-va đã không khiến Phô-ti-pha trả tự do cho Giô-sép. Và tình cảnh của Giô-sép sắp trở nên tồi tệ hơn.

NẾU TÌNH CẢNH TRỞ NÊN TỒI TỆ HƠN

7. Tình cảnh của Giô-sép tồi tệ hơn như thế nào? (Sáng thế 39:14, 15)

7 Sáng thế chương 39 cho biết vợ của Phô-ti-pha để mắt đến Giô-sép và nhiều lần cố quyến rũ cậu. Nhưng mỗi lần, Giô-sép đều khước từ lời mời mọc của bà. Cuối cùng, bà tức giận với Giô-sép đến mức vu oan cho cậu là cố hãm hiếp bà. (Đọc Sáng thế 39:14, 15). Khi biết chuyện, Phô-ti-pha bỏ tù Giô-sép và cậu phải ở đấy nhiều năm (Sáng 39:19, 20). Nhà tù đó là nơi như thế nào? Từ Hê-bơ-rơ mà Giô-sép dùng được dịch là “tù” có thể có nghĩa là “hố” hay “hố nước”, cho thấy mọi thứ xung quanh cậu tối đen và cậu cảm thấy vô vọng (Sáng 40:15). Ngoài ra, Kinh Thánh cũng cho thấy trong một thời gian, chân cậu phải mang xiềng xích và cổ thì phải đeo gông cùm (Thi 105:17, 18). Tình cảnh của Giô-sép ngày càng tồi tệ. Từ một nô lệ được tin cậy, Giô-sép trở thành một tù nhân thấp hèn.

8. Ngay cả khi thử thách trở nên tồi tệ hơn, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

8 Đã bao giờ anh chị ở trong một tình huống căng thẳng và ngày càng tồi tệ dù đã cầu nguyện tha thiết rồi không? Điều đó có thể xảy ra. Đức Giê-hô-va không bảo vệ chúng ta khỏi những thử thách trong thế gian dưới sự cai trị của Sa-tan (1 Giăng 5:19). Dù vậy, anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va biết rõ những điều mình đang trải qua, và ngài quan tâm đến anh chị (Mat 10:29-31; 1 Phi 5:6, 7). Ngoài ra, ngài hứa: “Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con” (Hê 13:5). Đức Giê-hô-va có thể giúp anh chị chịu đựng ngay cả khi tình cảnh dường như vô vọng. Hãy xem ngài đã làm thế ra sao trong trường hợp của Giô-sép.

Đức Giê-hô-va đã ở cùng Giô-sép ngay cả khi cậu ngồi tù và được giao quản lý tất cả các tù nhân (Xem đoạn 9)

9. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va ở cùng Giô-sép khi cậu ngồi tù? (Sáng thế 39:21-23)

9 Đọc Sáng thế 39:21-23. Thậm chí trong giai đoạn ảm đạm bị ngồi tù, Đức Giê-hô-va vẫn giúp Giô-sép thành công. Như thế nào? Với thời gian, Giô-sép có được sự tin cậy và tôn trọng của quan cai ngục, giống như những điều mà cậu có nơi Phô-ti-pha. Không lâu sau đó, quan cai ngục giao cho Giô-sép quản lý các tù nhân khác. Thực tế, Kinh Thánh nói rằng “quan cai ngục không phải lo gì đến những việc đã giao cho Giô-sép”. Giờ đây, Giô-sép có công việc hữu ích để làm. Quả là sự thay đổi bất ngờ! Làm sao một tù nhân bị cáo buộc tội định hãm hiếp vợ của một triều thần lại được giao chức vụ đáng tin cậy như thế? Chỉ có một lý do để giải thích cho điều đó. Sáng thế 39:23 cho biết: “Đức Giê-hô-va ở cùng cậu và Đức Giê-hô-va khiến mọi việc cậu làm đều thành công”.

10. Tại sao có lẽ Giô-sép không cảm thấy mình thành công trong mọi việc?

10 Một lần nữa, hãy hình dung Giô-sép cảm thấy thế nào. Anh chị có nghĩ sau khi bị vu oan và bị bỏ tù, Giô-sép cảm thấy mình thành công trong mọi việc không? Điều Giô-sép mong muốn nhất là gì? Có phải là được ơn trước mắt quan cai ngục? Không. Hẳn Giô-sép muốn được minh oan và được trả tự do. Thậm chí Giô-sép còn nhờ một tù nhân sắp ra tù tâu với Pha-ra-ôn để cậu được ra khỏi nhà tù ảm đạm ấy (Sáng 40:14). Tuy nhiên, ông ta đã không nói với Pha-ra-ôn về chuyện của Giô-sép ngay lập tức. Vì thế, Giô-sép phải ngồi tù thêm hai năm nữa (Sáng 40:23; 41:1, 14). Dù vậy, Đức Giê-hô-va tiếp tục làm cho đường lối của Giô-sép thành công. Như thế nào?

11. Đức Giê-hô-va ban cho Giô-sép khả năng đặc biệt nào, và điều này đóng vai trò nào trong việc thực hiện ý định của ngài?

11 Trong khi Giô-sép ngồi tù, Đức Giê-hô-va đã khiến cho vua Ai Cập có hai giấc mơ làm vua lo lắng. Pha-ra-ôn rất muốn hiểu những giấc mơ ấy có nghĩa gì. Khi được biết Giô-sép có khả năng giải nghĩa các giấc mơ, vua cho triệu tập cậu đến. Với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, Giô-sép đã giải nghĩa được các giấc mơ, và Pha-ra-ôn rất ấn tượng về lời khuyên thực tế của cậu. Nhận thấy Đức Giê-hô-va ở cùng chàng trai này, Pha-ra-ôn đã bổ nhiệm Giô-sép làm người quản lý lương thực trong cả xứ Ai Cập (Sáng 41:38, 41-44). Về sau, có một nạn đói nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến Ai Cập mà còn đến Ca-na-an, là nơi mà gia đình của Giô-sép đang sinh sống. Giờ đây, Giô-sép ở vị thế có thể cứu gia đình mình, và nhờ đó bảo tồn được dòng dõi dẫn đến Đấng Mê-si.

12. Đức Giê-hô-va giúp Giô-sép thành công như thế nào?

12 Hãy nghĩ đến những biến cố lạ thường trong cuộc đời của Giô-sép. Ai đã khiến Phô-ti-pha chú ý đến Giô-sép, một nô lệ không hơn không kém? Ai đã khiến quan cai ngục ưu ái Giô-sép, một tù nhân thấp hèn? Ai đã khiến Pha-ra-ôn có những giấc mơ làm vua lo lắng và ban cho Giô-sép khả năng giải nghĩa chúng? Ai đứng đằng sau quyết định bổ nhiệm Giô-sép làm người quản lý lương thực của Ai Cập? (Sáng 45:5). Rõ ràng, đó là Đức Giê-hô-va, đấng khiến mọi việc Giô-sép làm đều thành công. Cuối cùng, Đức Giê-hô-va đã biến âm mưu độc ác của các anh Giô-sép trở thành phương tiện để thực hiện ý muốn ngài.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA GIÚP ANH CHỊ THÀNH CÔNG NHƯ THẾ NÀO?

13. Đức Giê-hô-va có can thiệp vào mọi tình huống mà chúng ta gặp phải không? Hãy giải thích.

13 Chúng ta học được gì từ lời tường thuật về Giô-sép? Đức Giê-hô-va có can thiệp vào mọi tình huống mà chúng ta gặp phải không? Ngài có lèo lái mọi biến cố trong đời sống chúng ta, hầu cho những điều xấu xảy ra là vì một lý do chính đáng nào đó không? Không, Kinh Thánh không dạy như thế (Truyền 8:9; 9:11). Tuy nhiên, chúng ta biết rằng khi chúng ta đối mặt với thử thách, Đức Giê-hô-va biết rõ và nghe tiếng kêu cầu giúp đỡ của chúng ta (Thi 34:15; 55:22; Ê-sai 59:1). Hơn thế nữa, Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta chịu đựng thử thách thành công. Như thế nào?

14. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta như thế nào trong những lúc khó khăn?

14 Một cách Đức Giê-hô-va giúp chúng ta là cung cấp sự an ủi và sự khích lệ, thường vào đúng lúc chúng ta cần (2 Cô 1:3, 4). Điều này đúng trong trường hợp của anh Eziz ở Turkmenistan, bị kết án hai năm tù vì đức tin. Anh kể lại: “Vào sáng ngày xét xử, một anh đã cho tôi xem câu Kinh Thánh ở Ê-sai 30:15, câu này nói: ‘Thế mạnh các ngươi là sự bình tĩnh và lòng tin cậy’. Câu đó đã luôn giúp tôi giữ bình tĩnh và nương cậy Đức Giê-hô-va trong mọi điều. Suy ngẫm về câu ấy đã giúp tôi trong suốt thời gian ngồi tù”. Anh chị có nhớ một thời điểm trong đời mà Đức Giê-hô-va giúp mình qua việc cung cấp sự an ủi và khích lệ vào lúc mình cần nhất không?

15, 16. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của chị Tori?

15 Thường thì chỉ sau khi nhìn lại thử thách, chúng ta mới nhận ra cách Đức Giê-hô-va đã giúp mình vượt qua. Chị Tori thấy điều này rất đúng. Con trai của chị là Mason phải chiến đấu với bệnh ung thư sáu năm cho đến khi qua đời. Điều dễ hiểu là chị Tori vô cùng đau lòng. Chị nói: “Tôi nghĩ không có nỗi đau nào lớn hơn thế đối với một người mẹ”. Chị nói thêm: “Chắc chắn các bậc cha mẹ đều đồng ý rằng chứng kiến con mình đau đớn còn tệ hơn là chính mình bị đau đớn”.

16 Dù rất đau lòng khi thấy con mình chịu đau đớn, nhưng sau này chị Tori đã suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va giúp chị vượt qua. Chị cho biết: “Giờ đây nhìn lại, tôi có thể thấy bàn tay yêu thương của Đức Giê-hô-va trong suốt thời gian con tôi bị bệnh. Chẳng hạn, ngay cả khi Mason mệt đến mức không thể tiếp những người đến thăm thì anh em vẫn lái xe hai tiếng để đến bệnh viện. Lúc nào cũng có người ở phòng chờ, sẵn sàng trợ giúp chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi cũng được chăm sóc về vật chất. Ngay cả trong lúc khó khăn nhất, chúng tôi luôn có những điều mình cần”. Đức Giê-hô-va đã ban cho chị Tori những điều chị cần để chịu đựng, và ngài cũng làm thế với Mason.—Xem khung “ Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng tôi đúng điều mình cần”.

NGHĨ ĐẾN NHỮNG ÂN PHƯỚC

17, 18. Điều gì sẽ giúp chúng ta nhận ra và biết ơn sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va khi đương đầu với thử thách? (Thi thiên 40:5)

17 Đọc Thi thiên 40:5. Mục tiêu của người leo núi là lên tới đỉnh. Tuy nhiên, trên đường leo núi, có nhiều điểm mà người ấy có thể dừng lại và ngắm cảnh. Tương tự, hãy thường xuyên dành thời gian để ngừng lại và suy ngẫm về cách mà Đức Giê-hô-va đang giúp anh chị thành công, ngay cả khi đang phải chịu đựng thử thách. Vào cuối mỗi ngày, hãy tự hỏi: “Hôm nay mình nhận thấy ân phước nào từ Đức Giê-hô-va? Dù thử thách vẫn còn nhưng Đức Giê-hô-va đang giúp mình ra sao để chịu đựng?”. Hãy cố gắng nhận ra ít nhất một ân phước từ Đức Giê-hô-va mà đã giúp anh chị thành công.

18 Có lẽ anh chị đang cầu xin cho thử thách chấm dứt, và điều đó là dễ hiểu và thích hợp (Phi-líp 4:6). Nhưng chúng ta cũng nên nhận ra những ân phước mà mình có ngay bây giờ. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va hứa sẽ thêm sức và giúp chúng ta chịu đựng. Vì thế, hãy luôn biết ơn là ngài hỗ trợ anh chị. Rồi anh chị sẽ thấy cách Đức Giê-hô-va đang giúp mình thành công ngay cả khi đương đầu với thử thách, như ngài đã làm với Giô-sép.—Sáng 41:51, 52.

BÀI HÁT 32 Hãy đứng về phía Đức Giê-hô-va!

a Khi đương đầu với khó khăn thử thách, có lẽ chúng ta không nghĩ mình đang “thành công”. Chúng ta có thể cho rằng từ đó chỉ đúng khi thử thách chấm dứt. Tuy nhiên, những biến cố trong cuộc đời của Giô-sép dạy chúng ta một bài học quan trọng, đó là Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta thành công ngay cả khi chúng ta đang đương đầu với thử thách. Bài này sẽ cho biết ngài làm thế bằng cách nào.

b Những sự thay đổi về nhiệm vụ của Giô-sép khi làm nô lệ chỉ được miêu tả trong vài câu Kinh Thánh nhưng có lẽ đã xảy ra trong nhiều năm.