Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 8

“Hãy giữ mình tỉnh táo, hãy cảnh giác!”

“Hãy giữ mình tỉnh táo, hãy cảnh giác!”

“Hãy giữ mình tỉnh táo, hãy cảnh giác!”—1 PHI 5:8.

BÀI HÁT 144 Hãy đặt phần thưởng trước mặt luôn!

GIỚI THIỆU a

1. Chúa Giê-su nói gì với các môn đồ về thời điểm kết thúc, và ngài cảnh báo họ điều gì?

 Vài ngày trước khi Chúa Giê-su chết, bốn môn đồ hỏi ngài: “Có dấu hiệu gì cho thấy… kỳ cuối cùng của thế gian [hay “hệ thống”] này?” (Mat 24:3, chú thích). Có lẽ những môn đồ ấy thắc mắc làm thế nào họ có thể biết hệ thống Do Thái sắp bị hủy diệt. Trong câu trả lời, Chúa Giê-su không chỉ nói về sự kết thúc của hệ thống Do Thái mà còn về “kỳ cuối cùng của thế gian” chúng ta đang sống. Liên quan đến thời điểm kết thúc, Chúa Giê-su cho biết: “Về ngày hoặc giờ đó thì không ai biết, kể cả thiên sứ trên trời hay Con cũng vậy, nhưng chỉ mình Cha biết mà thôi”. Rồi ngài cảnh báo tất cả các môn đồ ‘hãy tỉnh thức’ và “hãy luôn thức canh”.—Mác 13:32-37.

2. Tại sao những người sống trong hệ thống Do Thái phải giữ tinh thần cảnh giác?

2 Những tín đồ sống ở Giu-đê vào thế kỷ thứ nhất phải giữ tinh thần cảnh giác vì sự sống của họ tùy thuộc vào điều đó. Chúa Giê-su cho các môn đồ biết dấu hiệu cho thấy hệ thống Do Thái sắp bị hủy diệt. Ngài nói: “Khi anh em thấy quân lính bao vây thành Giê-ru-sa-lem, hãy biết rằng nó sắp bị tàn phá”. Vào lúc đó, họ phải làm theo lời cảnh báo của Chúa Giê-su và “chạy trốn lên núi” (Lu 21:20, 21). Những ai làm theo lời cảnh báo ấy đã sống sót khi quân La Mã hủy diệt Giê-ru-sa-lem.

3. Bài này sẽ thảo luận điều gì?

3 Ngày nay chúng ta đang sống trong kỳ cuối cùng của thế gian gian ác này. Vì thế, chúng ta cũng cần giữ mình tỉnh táo và luôn cảnh giác. Bài này sẽ thảo luận làm thế nào chúng ta có thể giữ thăng bằng trong khi quan sát kỹ các biến cố trên thế giới, làm sao để cẩn thận giữ lấy mình và làm thế nào để tận dụng thì giờ còn lại.

GIỮ THĂNG BẰNG KHI QUAN SÁT CÁC BIẾN CỐ TRÊN THẾ GIỚI

4. Tại sao chúng ta nên chú ý đến cách những biến cố trên thế giới đang làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh?

4 Chúng ta có lý do để chú ý đến cách những biến cố trên thế giới đang làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói đến những biến cố cụ thể giúp chúng ta biết sự kết thúc của thế gian Sa-tan đã gần kề (Mat 24:3-14). Sứ đồ Phi-e-rơ khuyến khích chúng ta chú ý đến sự ứng nghiệm của các lời tiên tri để giữ đức tin mình vững mạnh (2 Phi 1:19-21). Sách cuối cùng của Kinh Thánh bắt đầu bằng những lời sau: “Đây là sự mạc khải qua Chúa Giê-su Ki-tô mà Đức Chúa Trời đã ban cho ngài, để tỏ cho các đầy tớ ngài biết những điều không lâu nữa sẽ phải xảy ra” (Khải 1:1). Vì vậy, chúng ta rất quan tâm đến các biến cố trên thế giới hiện nay và việc chúng làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh như thế nào. Có lẽ chúng ta háo hức thảo luận những biến cố này với nhau.

Khi thảo luận lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta nên tránh điều gì và nên làm điều gì? (Xem đoạn 5) b

5. Chúng ta nên tránh điều gì, và nên làm điều gì? (Cũng xem các hình).

5 Tuy nhiên, khi thảo luận về lời tiên tri trong Kinh Thánh, chúng ta nên tránh suy đoán. Tại sao? Vì chúng ta không muốn nói bất cứ điều gì có thể gây chia rẽ trong hội thánh. Chẳng hạn, có lẽ chúng ta nghe các nhà lãnh đạo thế giới nói về cách họ có thể giải quyết cuộc xung đột nào đó cũng như mang lại hòa bình và an ninh. Thay vì suy đoán là lời tuyên bố như thế làm ứng nghiệm lời tiên tri nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:3, chúng ta cần cập nhật thông tin mới nhất đến từ tổ chức Đức Giê-hô-va. Khi thảo luận dựa trên tài liệu do tổ chức cung cấp, chúng ta giúp hội thánh giữ sự hợp nhất và “có cùng lối suy nghĩ”.—1 Cô 1:10; 4:6.

6. Chúng ta rút ra bài học nào từ 2 Phi-e-rơ 3:11-13?

6 Đọc 2 Phi-e-rơ 3:11-13. Sứ đồ Phi-e-rơ giúp chúng ta giữ quan điểm thăng bằng khi xem xét lời tiên tri trong Kinh Thánh. Ông khuyến giục chúng ta “ghi nhớ sự hiện diện của ngày Đức Giê-hô-va”. Tại sao? Không phải vì chúng ta muốn tìm cách xác định ngày và giờ Ha-ma-ghê-đôn xảy ra, nhưng vì muốn dùng thì giờ còn lại để có “cách ăn ở thánh khiết và những việc làm thể hiện lòng sùng kính” (Mat 24:36; Lu 12:40). Nói cách khác, chúng ta muốn giữ hạnh kiểm ngay thẳng và đảm bảo rằng mọi điều mình làm cho Đức Giê-hô-va là vì yêu thương ngài sâu đậm. Để chú tâm vào mục tiêu đó, chúng ta cần cẩn thận giữ lấy mình.

CẨN THẬN GIỮ LẤY MÌNH CÓ NGHĨA GÌ?

7. Làm thế nào để cho thấy chúng ta đang cẩn thận giữ lấy mình? (Lu-ca 21:34)

7 Chúa Giê-su bảo các môn đồ không chỉ chú ý đến các biến cố thế giới mà còn cẩn thận giữ lấy mình. Điều đó được nói rõ trong lời cảnh báo nơi Lu-ca 21:34. (Đọc). Hãy chú ý lời sau của Chúa Giê-su: “Hãy cẩn thận giữ lấy mình”. Một người cẩn thận giữ lấy mình thì cảnh giác trước bất cứ mối nguy hiểm nào gây hại cho mối quan hệ của mình với Đức Giê-hô-va, và cố gắng tránh các mối nguy hiểm đó. Khi làm thế, người ấy giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời.—Châm 22:3; Giu 20, 21.

8. Sứ đồ Phao-lô đưa ra lời khuyên nào cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô?

8 Sứ đồ Phao-lô khuyên các tín đồ đạo Đấng Ki-tô cẩn thận giữ lấy mình. Chẳng hạn, ông nói với các tín đồ ở Ê-phê-sô: “Hãy giữ gìn cẩn thận cách ăn ở của anh em, chớ ăn ở như người dại dột nhưng như người khôn ngoan” (Ê-phê 5:15, 16). Sa-tan không ngừng tìm cách hủy hoại tình bạn của chúng ta với Đức Chúa Trời. Vì thế, Kinh Thánh khuyên chúng ta “luôn nhận biết thế nào là ý muốn của Đức Giê-hô-va” để đối phó với mọi đòn tấn công của Sa-tan.—Ê-phê 5:17.

9. Làm thế nào để nhận biết ý muốn của Đức Giê-hô-va đối với chúng ta?

9 Kinh Thánh không cho biết về mọi mối nguy hiểm có thể gây hại cho tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Thường chúng ta phải đưa ra quyết định về những vấn đề mà Kinh Thánh không trực tiếp nói đến. Để có quyết định khôn ngoan, chúng ta cần nhận biết “ý muốn của Đức Giê-hô-va”. Chúng ta có thể làm thế bằng cách đều đặn học và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời. Càng hiểu rõ về ý muốn của Đức Giê-hô-va và vun trồng “tư tưởng của Đấng Ki-tô”, chúng ta sẽ càng dễ bước đi “như người khôn ngoan”, ngay cả khi không có luật cụ thể cho biết mình nên làm gì (1 Cô 2:14-16). Một số mối nguy hiểm dễ nhận ra, số khác thì tinh vi hơn.

10. Chúng ta cần tránh một số mối nguy hiểm nào?

10 Một số mối nguy hiểm mà chúng ta cần tránh bao gồm việc tán tỉnh, uống rượu bia quá mức, ăn vô độ, nói lời gây tổn thương, cũng như xem chương trình giải trí hung bạo, tài liệu khiêu dâm và những thứ tương tự (Thi 101:3). Kẻ thù của chúng ta là Ác Quỷ luôn tìm cơ hội để gây hại cho tình bạn của chúng ta với Đức Giê-hô-va (1 Phi 5:8). Nếu chúng ta không cảnh giác, Sa-tan có thể gieo vào tâm trí chúng ta sự đố kỵ, thiếu trung thực, tham lam, ghen ghét, kiêu ngạo và oán giận (Ga 5:19-21). Mới đầu, có lẽ những khuynh hướng này không mạnh lắm. Nhưng nếu chúng ta không lập tức nhổ chúng khỏi lòng, chúng sẽ tiếp tục phát triển giống như một cây độc hại và gây ra vấn đề.—Gia 1:14, 15.

11. Một mối nguy hiểm tinh vi mà chúng ta cần tránh là gì, và tại sao?

11 Một mối nguy hiểm tinh vi là bạn bè xấu. Hãy xem tình huống sau. Anh chị làm việc với một đồng nghiệp không cùng niềm tin. Vì muốn tạo ấn tượng tốt về Nhân Chứng Giê-hô-va nên anh chị tử tế và sẵn sàng giúp đỡ người đó. Có lẽ anh chị thỉnh thoảng đi ăn trưa chung với người đó. Không lâu sau, hai người thường xuyên đi ăn trưa chung. Đôi khi người đó nói đến điều vô luân, và lúc đầu thì anh chị lờ đi. Nhưng dần dần, anh chị quen với cuộc nói chuyện như thế đến mức không còn khó chịu nữa. Rồi một ngày, người đó rủ anh chị đi ăn uống sau giờ làm, và anh chị đồng ý. Với thời gian, anh chị bắt đầu suy nghĩ giống người đó. Chẳng phải không lâu sau, anh chị sẽ hành động giống như người đó sao? Dĩ nhiên, chúng ta tử tế và tôn trọng mọi người, nhưng chúng ta cần nhớ rằng mình sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những người mà mình dành thời gian kết hợp (1 Cô 15:33). Nếu cẩn thận giữ lấy mình, như Chúa Giê-su khuyến giục, chúng ta sẽ tránh việc kết hợp không cần thiết với những người không sống theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va (2 Cô 6:15). Chúng ta sẽ thấy được mối nguy hiểm và tránh xa nó.

TẬN DỤNG THÌ GIỜ

12. Chúa Giê-su muốn các môn đồ làm gì trong khi chờ đợi sự kết thúc của thế gian này?

12 Chúa Giê-su muốn các môn đồ bận rộn trong khi chờ đợi sự kết thúc của thế gian này. Ngài giao cho họ công việc để làm, đó là rao giảng tin mừng “tại Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đê, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công 1:6-8). Quả là nhiệm vụ lớn lao! Bằng cách làm nhiệm vụ này hết lòng, họ đang tận dụng thì giờ.

13. Tại sao chúng ta cần tận dụng thì giờ? (Cô-lô-se 4:5)

13 Đọc Cô-lô-se 4:5. Để cẩn thận giữ lấy mình, chúng ta cần xem xét cách mình sử dụng thì giờ. “Chuyện bất trắc” có thể xảy đến cho bất cứ ai trong chúng ta (Truyền 9:11). Chúng ta có thể bất ngờ bị mất mạng sống.

Làm thế nào để tận dụng thì giờ? (Xem đoạn 14, 15)

14, 15. Làm thế nào để tận dụng thì giờ? (Hê-bơ-rơ 6:11, 12) (Cũng xem hình).

14 Chúng ta có thể tận dụng thì giờ bằng cách làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va và củng cố tình bạn với ngài (Giăng 14:21). Chúng ta cần “kiên định, không lay chuyển, luôn làm công việc Chúa một cách dư dật” (1 Cô 15:58). Nhờ thế, khi sự cuối cùng đến, dù là cuối cùng của đời mình hay của thế gian gian ác này, chúng ta sẽ không hối tiếc.—Mat 24:13; Rô 14:8.

15 Ngày nay Chúa Giê-su tiếp tục hướng dẫn các môn đồ khi họ rao truyền về Nước Trời trên khắp đất. Ngài đã làm phần của ngài. Qua tổ chức Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su huấn luyện chúng ta cách rao giảng tin mừng và cung cấp những công cụ mình cần để làm công việc này (Mat 28:18-20). Chúng ta làm phần của mình bằng cách siêng năng trong công việc rao giảng và dạy dỗ, cũng như luôn cảnh giác trong khi chờ đợi Đức Giê-hô-va kết liễu thế gian này. Nhờ áp dụng lời khuyên nơi Hê-bơ-rơ 6:11, 12, chúng ta sẽ nắm chắc niềm hy vọng của mình “cho đến cuối cùng”.—Đọc.

16. Chúng ta quyết tâm làm gì?

16 Đức Giê-hô-va đã ấn định ngày và giờ để kết liễu thế gian Sa-tan. Khi ngày ấy đến, Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ làm ứng nghiệm mọi lời tiên tri về thế giới mới mà ngài cho ghi lại trong Kinh Thánh. Trong khi chờ đợi, có lẽ đôi khi chúng ta cảm thấy sự kết thúc của thế gian dường như chậm đến. Tuy nhiên, ngày Đức Giê-hô-va sẽ “không chậm trễ đâu!” (Ha-ba 2:3). Vậy, mong sao chúng ta quyết tâm “tiếp tục thức canh trông chờ Đức Giê-hô-va” và “kiên nhẫn chờ đợi Đức Chúa Trời của sự giải cứu [chúng ta]”.—Mi 7:7.

BÀI HÁT 139 Hình dung cuộc sống bạn trong thế giới mới

a Trong bài này, chúng ta sẽ xem cách để giữ thăng bằng về thiêng liêng và luôn cảnh giác. Ngoài ra, chúng ta cũng sẽ xem làm thế nào để cẩn thận giữ lấy mình và tận dụng thì giờ.

b HÌNH ẢNH: (Bên trên) Một cặp vợ chồng xem tin tức. Sau đó, sau một buổi nhóm họp, họ nêu lên ý kiến mạnh mẽ của mình với anh chị khác về ý nghĩa của những biến cố trong tin tức. (Bên dưới) Một cặp vợ chồng xem báo cáo của Hội đồng Lãnh đạo để có sự hiểu biết mới nhất về lời tiên tri trong Kinh Thánh. Họ mời người khác nhận ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh do đầy tớ trung tín cung cấp.