Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 9

Quý trọng món quà sự sống Đức Chúa Trời ban

Quý trọng món quà sự sống Đức Chúa Trời ban

Nhờ ngài mà chúng ta có sự sống, hoạt động và tồn tại”. —CÔNG 17:28.

BÀI HÁT 141 Điều kỳ diệu của sự sống

GIỚI THIỆU a

1. Sự sống của chúng ta quý giá với Đức Giê-hô-va đến mức nào?

 Hãy hình dung một người bạn tặng anh chị bức tranh cũ nhưng rất quý giá, đó là một kiệt tác. Bức tranh bạc màu, bị bẩn và nứt. Dù có những khuyết điểm đó nhưng bức tranh có giá trị hàng triệu đô-la. Hẳn anh chị sẽ quý trọng và bảo vệ tác phẩm nghệ thuật ấy. Tương tự, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà quý giá là sự sống. Thật vậy, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài rất quý trọng sự sống của chúng ta khi ban Con một làm giá chuộc cho chúng ta.—Giăng 3:16.

2. Theo 2 Cô-rinh-tô 7:1, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì?

2 Đức Giê-hô-va là Nguồn Sự Sống (Thi 36:9). Sứ đồ Phao-lô nhận biết sự thật này khi nói: “Nhờ ngài mà chúng ta có sự sống, hoạt động và tồn tại” (Công 17:25, 28). Vì thế, chúng ta có thể nói rằng sự sống là món quà đến từ Đức Chúa Trời. Ngài yêu thương cung cấp cho chúng ta những điều mình cần để sống (Công 14:15-17). Nhưng Đức Giê-hô-va không làm phép lạ để gìn giữ sự sống của chúng ta. Thay vì thế, ngài muốn chúng ta cố gắng hết khả năng để chăm sóc sức khỏe về thể chất lẫn thiêng liêng. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 7:1). Tại sao chúng ta nên bảo vệ sức khỏe và sự sống của mình, và chúng ta có thể làm thế bằng cách nào?   

QUÝ TRỌNG MÓN QUÀ SỰ SỐNG

3. Một lý do chúng ta nên cố gắng giữ sức khỏe là gì?

3 Một lý do chúng ta nên cố gắng giữ sức khỏe là để có thể phụng sự Đức Giê-hô-va hết khả năng của mình (Mác 12:30). Chúng ta muốn dâng “thân thể mình làm vật tế lễ sống, thánh và đẹp lòng Đức Chúa Trời”; thế nên chúng ta tránh làm những điều mà mình biết sẽ gây hại cho sức khỏe (Rô 12:1). Dĩ nhiên, dù chúng ta làm gì đi nữa thì cũng không đảm bảo là mình sẽ không bị bệnh. Nhưng chúng ta làm những gì có thể vì muốn cho Cha trên trời thấy mình biết ơn về món quà sự sống.

4. Vua Đa-vít muốn làm gì?

4 Vua Đa-vít cho biết lý do ông quý trọng sự sống đến từ Đức Chúa Trời khi viết: “Con chết đi có ích gì, con xuống huyệt có lợi chi? Cát bụi làm sao ca ngợi ngài được, làm sao rao ra lòng trung tín ngài?” (Thi 30:9). Có lẽ Đa-vít viết những lời này vào những năm cuối đời. Nhưng ông quyết tâm giữ sức khỏe và sống càng lâu càng tốt để có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va. Hẳn tất cả chúng ta đều có lòng quyết tâm như thế.

5. Dù bị bệnh hoặc lớn tuổi đến mấy, chúng ta có thể làm gì?

5 Bệnh tật và tuổi già có thể khiến chúng ta không thể làm những điều mà mình từng làm trước đây. Vì thế, chúng ta có thể cảm thấy buồn và bực bội. Nhưng đừng bao giờ buông xuôi và bỏ bê sức khỏe. Tại sao? Vì dù bị bệnh hoặc lớn tuổi đến mấy, chúng ta vẫn có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va như vua Đa-vít đã làm. Thật cảm động khi biết Đức Chúa Trời quý trọng chúng ta dù chúng ta bất toàn! (Mat 10:29-31). Ngay cả nếu chúng ta chết, ngài cũng mong mỏi làm chúng ta sống lại (Gióp 14:14, 15). Vậy, khi còn sống, chúng ta muốn làm những gì có thể để bảo vệ sức khỏe và sự sống.

TRÁNH NHỮNG THÓI QUEN CÓ HẠI

6. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì liên quan đến thói quen ăn uống?

6 Dù không phải là sách chăm sóc sức khỏe hoặc cẩm nang ăn uống, nhưng Kinh Thánh cho biết quan điểm của Đức Giê-hô-va về những khía cạnh này. Chẳng hạn, ngài khuyến giục chúng ta “đuổi những điều tai hại” có thể gây hại cho thân thể mình (Truyền 11:10). Kinh Thánh lên án việc tham ăn và say sưa, là những điều gây hại cho sức khỏe, thậm chí có thể cướp đi mạng sống (Châm 23:20). Đức Giê-hô-va muốn chúng ta thể hiện sự tự chủ khi quyết định ăn uống những thứ gì và bao nhiêu.—1 Cô 6:12; 9:25.

7. Làm thế nào lời khuyên nơi Châm ngôn 2:11 giúp chúng ta quyết định khôn ngoan trong vấn đề sức khỏe?

7 Chúng ta có thể đưa ra những quyết định cho thấy mình biết ơn sâu xa về món quà sự sống bằng cách vận dụng khả năng suy xét (Thi 119:99, 100; đọc Châm ngôn 2:11). Chẳng hạn, chúng ta có những lựa chọn khôn ngoan trong việc ăn uống. Nếu thích một món ăn nào đó nhưng biết nó sẽ làm chúng ta bị bệnh, thì điều hợp lý là nên tránh. Chúng ta cũng cho thấy mình có óc suy xét khi ngủ đủ giấc, tập thể dục đều đặn, có thói quen giữ vệ sinh cá nhân tốt và giữ cho nhà cửa sạch sẽ.

Ý THỨC VỀ SỰ AN TOÀN

8. Kinh Thánh cho biết gì về quan điểm của Đức Chúa Trời liên quan đến sự an toàn?

8 Luật pháp Đức Giê-hô-va ban cho dân Y-sơ-ra-ên bao gồm các chỉ dẫn để tránh xảy ra những tai nạn nghiêm trọng tại nhà và nơi làm việc (Xuất 21:28, 29; Phục 22:8). Những người ngộ sát gây tai nạn chết người sẽ phải gánh hậu quả nghiêm trọng (Phục 19:4, 5). Luật pháp quy định rằng ngay cả những người vô tình gây hại cho một thai nhi cũng sẽ bị trừng phạt (Xuất 21:22, 23). Kinh Thánh cho thấy rõ Đức Giê-hô-va muốn chúng ta ý thức về sự an toàn.

Trong những tình huống này, làm sao để cho thấy chúng ta tôn trọng sự sống? (Xem đoạn 9)

9. Chúng ta có thể làm gì để tránh gây tai nạn? (Cũng xem các hình).

9 Chúng ta cho thấy mình biết ơn món quà sự sống bằng cách cố gắng giữ nhà cửa và nơi làm việc được an toàn. Chẳng hạn, chúng ta bỏ đi những vật nhọn, hóa chất độc hại hoặc thuốc men một cách an toàn. Chúng ta để những thứ đó xa tầm tay trẻ em. Chúng ta cẩn trọng khi dùng lửa, chất lỏng nóng, thiết bị điện và luôn để mắt đến chúng. Chúng ta không lái xe khi khả năng phán đoán bị suy giảm do uống thuốc, rượu bia hoặc thiếu ngủ. Và chúng ta không dùng thiết bị điện tử cầm tay khi đang lái xe để tránh bị phân tâm.

KHI THẢM HỌA ẬP ĐẾN

10. Chúng ta có thể làm gì trước và trong khi có thảm họa xảy ra?

10 Đôi khi chúng ta không thể ngăn cản những thảm họa đe dọa mạng sống xảy ra. Điều này đặc biệt đúng với tai ương, đại dịch và những cuộc xung đột bạo lực. Tuy nhiên, khi những thảm họa như thế ập đến, chúng ta có thể cố gắng để giảm thiểu rủi ro và tăng khả năng sống sót bằng cách tuân theo lệnh giới nghiêm, lệnh sơ tán và những hạn chế khẩn cấp (Rô 13:1, 5-7). Một số mối nguy hiểm có thể dự đoán trước. Vì thế, chúng ta nên vâng theo những hướng dẫn đến từ chính quyền địa phương để giúp mình chuẩn bị cho thảm họa. Chẳng hạn, có lẽ chúng ta thấy thực tế để dự trữ nước, thực phẩm giữ được lâu và bộ sơ cứu cơ bản.

11. Khi có bệnh truyền nhiễm ở nơi mình sống, chúng ta nên sẵn sàng làm gì?

11 Chúng ta nên làm gì nếu một bệnh truyền nhiễm lây lan ở nơi mình sống? Chúng ta nên vâng theo những quy định khẩn cấp, chẳng hạn như quy định về việc rửa tay, giữ khoảng cách xã hội, đeo khẩu trang và cách ly. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình biết ơn sâu xa về món quà sự sống mà Đức Chúa Trời ban.

12. Làm thế nào nguyên tắc nơi Châm ngôn 14:15 giúp chúng ta chọn lọc thông tin khi có thảm họa?

12 Trong những trường hợp khẩn cấp, đôi khi chúng ta nghe các thông tin không chính xác từ bạn bè, hàng xóm và phương tiện truyền thông. Thay vì tin “hết mọi lời”, chúng ta muốn nghe nguồn thông tin đáng tin cậy nhất từ chính quyền và cơ sở y tế. (Đọc Châm ngôn 14:15). Hội đồng Lãnh đạo và các văn phòng chi nhánh nỗ lực hết sức để thu thập thông tin chính xác trước khi đưa ra chỉ dẫn liên quan đến các buổi nhóm họp và công việc rao giảng (Hê 13:17). Bằng cách hợp tác, chúng ta bảo vệ chính mình và người khác, cũng như có thể góp phần tạo tiếng tốt cho hội thánh trong cộng đồng.—1 Phi 2:12.

CHUẨN BỊ TRƯỚC ĐỂ VÂNG THEO MỆNH LỆNH KIÊNG HUYẾT

13. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình quý trọng món quà sự sống khi vâng theo luật pháp của Đức Chúa Trời về máu?

13 Nhân Chứng Giê-hô-va được biết đến là những người tôn trọng sự thánh khiết của máu. Chúng ta làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời liên quan đến máu bằng cách từ chối truyền máu, ngay cả trong trường hợp y tế khẩn cấp (Công 15:28, 29). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta muốn chết. Trái lại, chúng ta rất quý trọng món quà sự sống. Chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ của những bác sĩ sẵn lòng cung cấp phương pháp chữa trị tốt mà không truyền máu.

14. Làm thế nào để giảm thiểu nguy cơ phải trải qua những cuộc điều trị?

14 Chúng ta có thể giảm thiểu nguy cơ phải trải qua những cuộc điều trị bằng cách làm theo những gợi ý về sức khỏe được đề cập trong bài này. Càng có sức khỏe tốt, chúng ta sẽ càng chóng bình phục nếu như phải phẫu thuật. Chúng ta cũng có thể giảm thiểu nguy cơ phải phẫu thuật cấp cứu bằng cách giữ nhà cửa và nơi làm việc được an toàn, cũng như nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông.

Vì quý trọng món quà sự sống, chúng ta điền Giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe và luôn mang bên mình (Xem đoạn 15) c

15. (a) Tại sao mang theo Giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe được cập nhật là điều quan trọng? (Cũng xem hình). (b) Như video cho thấy, làm thế nào để đưa ra quyết định sáng suốt về phương pháp điều trị liên quan đến máu?

15 Vì biết ơn về món quà sự sống nên chúng ta điền Giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe và luôn mang bên mình. Qua giấy này, chúng ta nói lên nguyện vọng về việc không truyền máu và một số phương pháp điều trị. Anh chị đã cập nhật Giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe chưa? Nếu cần điền hoặc cập nhật giấy đó, thì đừng chần chừ. Ghi rõ nguyện vọng của mình sẽ giúp tránh gây ra sự trì hoãn không cần thiết về việc điều trị. Chúng ta cũng sẽ giúp nhân viên y tế tránh những sự hiểu lầm có thể gây hại cho mình. b

16. Chúng ta có thể làm gì nếu không biết cách điền Giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe?

16 Dù còn trẻ hay khỏe mạnh đến đâu, tất cả chúng ta đều có thể gặp tai nạn hoặc bị bệnh (Truyền 9:11). Vì thế, điều khôn ngoan là điền Giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe. Nếu không biết cách điền giấy này, hãy nhờ trưởng lão giúp. Họ cố gắng để quen thuộc với cách điền giấy đó, nhưng họ sẽ không quyết định thay cho anh chị. Đó là trách nhiệm của anh chị (Ga 6:4, 5). Tuy nhiên, họ có thể giúp anh chị hiểu những lựa chọn và điền nguyện vọng của mình.

HÃY PHẢI LẼ

17. Liên quan đến vấn đề sức khỏe, làm thế nào chúng ta cho thấy mình phải lẽ?

17 Nhiều quyết định của chúng ta về sức khỏe và phương pháp điều trị dựa trên lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện (Công 24:16; 1 Ti 3:9). Khi đưa ra quyết định và thảo luận điều đó với người khác, chúng ta muốn áp dụng nguyên tắc nơi Phi-líp 4:5: “Hãy cho mọi người thấy tính phải lẽ của anh em”. Khi phải lẽ, chúng ta không quá chú tâm đến sức khỏe thể chất và cũng không gây áp lực để người khác có cùng quan điểm với mình. Chúng ta yêu mến và tôn trọng anh em đồng đạo, ngay cả nếu họ quyết định khác với mình.—Rô 14:10-12.

18. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình biết ơn về món quà sự sống?

18 Chúng ta cho thấy mình biết ơn Đức Giê-hô-va, Nguồn Sự Sống, bằng cách bảo vệ sự sống của mình và dâng cho ngài điều tốt nhất (Khải 4:11). Hiện nay, chúng ta phải đối mặt với bệnh tật và thảm họa. Nhưng đó không phải là đời sống mà Đấng Tạo Hóa muốn cho chúng ta. Không lâu nữa, ngài sẽ ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu, không còn đau đớn và sự chết (Khải 21:4). Trong thời gian chờ đợi, thật tốt thay khi được sống và phụng sự Cha yêu thương trên trời, Đức Giê-hô-va!

BÀI HÁT 140 Sự sống vĩnh cửu là đây!

a Bài này sẽ giúp chúng ta xây đắp lòng biết ơn về món quà sự sống mà Đức Chúa Trời ban. Hãy xem chúng ta có thể làm những điều cụ thể nào để bảo vệ sức khỏe và sự sống khi thảm họa ập đến, cũng như giảm thiểu nguy cơ bị tai nạn. Chúng ta cũng sẽ xem mình cần làm gì để chuẩn bị cho trường hợp y tế khẩn cấp.

c HÌNH ẢNH: Một anh trẻ điền Giấy ủy quyền chăm sóc sức khỏe và luôn mang bên mình.