Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 36

Hãy mang những điều phải mang và quăng đi những điều khác

Hãy mang những điều phải mang và quăng đi những điều khác

“Hãy quăng hết mọi gánh nặng,… hãy bền bỉ chạy cuộc đua đặt trước mặt mình”.—HÊ 12:1.

BÀI HÁT 33 Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va

GIỚI THIỆU a

1. Theo Hê-bơ-rơ 12:1, chúng ta cần làm gì để chạy đến đích trong cuộc đua giành sự sống?

 Kinh Thánh ví đời sống của tín đồ đạo Đấng Ki-tô với một cuộc đua. Những người chạy về đích thành công sẽ nhận được phần thưởng là sự sống vĩnh cửu (2 Ti 4:7, 8). Chúng ta cần nỗ lực hết sức để tiếp tục chạy, đặc biệt vì đích đến đang gần hơn bao giờ hết. Sứ đồ Phao-lô, người đã hoàn tất cuộc đua giành sự sống, cho biết điều sẽ giúp chúng ta đoạt giải trong cuộc đua. Ông khuyên chúng ta “quăng hết mọi gánh nặng,… bền bỉ chạy cuộc đua đặt trước mặt mình”.—Đọc Hê-bơ-rơ 12:1.

2. “Quăng hết mọi gánh nặng” có nghĩa gì?

2 Khi viết chúng ta phải “quăng hết mọi gánh nặng”, có phải ý Phao-lô là một tín đồ không cần mang bất cứ gánh nào không? Không phải vậy. Thay vì thế, ý ông là chúng ta cần bỏ đi mọi gánh nặng không cần thiết. Loại gánh nặng này có thể khiến chúng ta chậm lại và kiệt sức. Để chịu đựng trên đường đua, chúng ta cần nhanh chóng nhận ra và loại bỏ bất cứ gánh nặng nào không cần thiết có thể làm mình chậm lại. Tuy nhiên, chúng ta cũng không muốn gạt qua một bên những gánh mà mình cần mang. Vì nếu làm thế, chúng ta sẽ không còn hội đủ điều kiện để ở trong cuộc đua (2 Ti 2:5). Vậy, chúng ta phải mang những gánh nào?

3. (a) Theo Ga-la-ti 6:5, chúng ta phải gánh lấy điều gì? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì, và tại sao?

3 Đọc Ga-la-ti 6:5. Phao-lô cho biết điều mà chúng ta phải gánh. Ông viết: “Mỗi người sẽ gánh lấy phần riêng của mình”. Ở đây, Phao-lô muốn nói đến trách nhiệm riêng của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, là điều mà chúng ta phải tự gánh. Trong bài này, chúng ta sẽ xem “phần riêng của mình” bao gồm những gì và cách để gánh lấy phần ấy. Bài này cũng sẽ giúp chúng ta nhận ra những gánh nặng không cần thiết mà mình có thể đang mang và học cách để quăng chúng đi. Gánh lấy phần riêng của mình và quăng đi mọi gánh nặng không cần thiết sẽ giúp chúng ta thành công trong cuộc đua giành sự sống.

NHỮNG GÁNH MÀ CHÚNG TA PHẢI MANG

Gánh lấy phần riêng bao gồm việc sống đúng với lời hứa nguyện dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chu toàn trách nhiệm gia đình và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình (Xem đoạn 4-9)

4. Tại sao lời hứa nguyện dâng mình không phải là gánh nặng? (Cũng xem hình).

4 Lời hứa nguyện dâng mình. Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta hứa nguyện sẽ thờ phượng ngài và làm theo ý muốn ngài. Chúng ta phải giữ lời hứa nguyện đó. Sống đúng với sự dâng mình là trách nhiệm hệ trọng, nhưng không phải là gánh nặng. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va đã tạo ra chúng ta để làm theo ý muốn ngài (Khải 4:11). Ngài ban cho chúng ta ước muốn được biết và thờ phượng ngài, cũng như tạo ra chúng ta theo hình ảnh ngài. Nhờ thế, chúng ta có thể đến gần ngài và tìm được niềm vui trong việc làm theo ý muốn ngài (Thi 40:8). Hơn nữa, khi làm theo ý muốn Đức Chúa Trời và đi theo Con ngài, chúng ta “sẽ được lại sức”.—Mat 11:28-30.

(Xem đoạn 4, 5)

5. Điều gì có thể giúp anh chị sống đúng với sự dâng mình? (1 Giăng 5:3)

5 Làm thế nào để mang gánh này? Có hai điều có thể giúp anh chị. Thứ nhất, hãy tiếp tục củng cố tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va. Anh chị có thể làm thế bằng cách suy ngẫm về mọi điều tốt lành ngài đã làm cho anh chị và những ân phước ngài sẽ ban trong tương lai. Càng yêu thương Đức Chúa Trời, anh chị càng dễ vâng lời ngài hơn. (Đọc 1 Giăng 5:3). Thứ hai, hãy noi gương Chúa Giê-su. Ngài đã thành công trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời vì ngài cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và luôn tập trung vào phần thưởng (Hê 5:7; 12:2). Như Chúa Giê-su, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban sức mạnh và luôn ghi nhớ hy vọng về sự sống vĩnh cửu. Khi củng cố tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và noi gương Con ngài, anh chị sẽ có thể sống đúng với sự dâng mình.

6. Tại sao chúng ta phải chăm lo cho các trách nhiệm gia đình? (Cũng xem hình).

6 Trách nhiệm gia đình. Trong cuộc đua giành sự sống, chúng ta phải yêu thương Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su hơn là người thân của mình (Mat 10:37). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể bỏ bê các trách nhiệm gia đình, như thể những trách nhiệm đó cản trở mình làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su. Trái lại, để được hai đấng ấy chấp nhận, chúng ta cần chu toàn vai trò của mình trong gia đình (1 Ti 5:4, 8). Khi làm thế, chúng ta sẽ vui hơn. Đức Giê-hô-va biết gia đình sẽ hạnh phúc khi vợ chồng yêu thương và tôn trọng nhau, khi cha mẹ yêu thương và huấn luyện con cái cũng như khi con cái vâng lời cha mẹ.—Ê-phê 5:33; 6:1, 4.

(Xem đoạn 6, 7)

7. Anh chị có thể chu toàn vai trò của mình trong gia đình như thế nào?

7 Làm thế nào để mang gánh này? Dù anh chị có vai trò nào trong gia đình, hãy tin cậy sự khôn ngoan trong Kinh Thánh thay vì dựa vào cảm xúc, văn hóa hoặc lời khuyên của những người được gọi là chuyên gia (Châm 24:3, 4). Hãy tận dụng các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Những ấn phẩm này chứa đựng các đề nghị thực tế về cách áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. Chẳng hạn, loạt bài “Xây đắp tổ ấm” có thông tin giúp các cặp vợ chồng, cha mẹ và thanh thiếu niên đối phó với những khó khăn cụ thể mà họ gặp ngày nay. b Hãy quyết tâm áp dụng điều Kinh Thánh dạy, ngay cả khi các thành viên khác trong gia đình không làm thế. Khi anh chị làm điều này, gia đình anh chị sẽ nhận được lợi ích, và anh chị sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước.—1 Phi 3:1, 2.

8. Những quyết định của chúng ta ảnh hưởng thế nào đến mình?

8 Chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta món quà tự do ý chí và muốn chúng ta hưởng lợi ích từ những quyết định khôn ngoan. Nhưng ngài cũng không bảo vệ chúng ta khỏi hậu quả của những quyết định thiếu khôn ngoan (Ga 6:7, 8). Vì thế, chúng ta phải chịu trách nhiệm về hậu quả của những lựa chọn sai lầm, lời nói thiếu suy nghĩ và hành động hấp tấp của mình. Tùy theo những gì mình làm, lương tâm của chúng ta có thể cắn rứt. Tuy nhiên, khi biết mình phải chịu trách nhiệm về quyết định của bản thân, chúng ta có thể được thôi thúc để thú nhận tội lỗi, sửa chữa lỗi lầm và tránh tái phạm. Làm những điều đó sẽ giúp chúng ta tiếp tục ở trong cuộc đua giành sự sống.

(Xem đoạn 8, 9)

9. Anh chị có thể làm gì nếu đã quyết định thiếu khôn ngoan? (Cũng xem hình).

9 Làm thế nào để mang gánh này? Nếu anh chị không thể thay đổi một quyết định thiếu khôn ngoan, hãy chấp nhận hoàn cảnh hiện tại. Hãy ý thức rằng anh chị không thể thay đổi được quá khứ. Không nên phí thời gian và sức lực để bào chữa cho mình hoặc đổ lỗi cho bản thân hay người khác về quyết định thiếu khôn ngoan. Thay vì thế, hãy thừa nhận lỗi lầm và cố gắng hết sức để làm những gì có thể trong hoàn cảnh hiện tại. Nếu thấy mặc cảm về sai lầm mình đã phạm, hãy khiêm nhường cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, thừa nhận lỗi lầm và xin ngài tha thứ (Thi 25:11; 51:3, 4). Hãy xin lỗi những người mà anh chị đã làm tổn thương, và nếu cần, hãy nhờ trưởng lão giúp đỡ (Gia 5:14, 15). Hãy học từ lỗi lầm của mình và cố gắng tránh tái phạm. Khi làm thế, anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ thể hiện lòng thương xót và cung cấp sự hỗ trợ mà anh chị cần.—Thi 103:8-13.

NHỮNG GÁNH NẶNG MÀ CHÚNG TA CẦN QUĂNG ĐI

10. Tại sao những mong đợi không thực tế là gánh nặng? (Ga-la-ti 6:4)

10 Những mong đợi không thực tế. Chúng ta có thể làm mình nặng gánh bằng những mong đợi không thực tế khi so sánh mình với người khác. (Đọc Ga-la-ti 6:4). Nếu cứ so sánh mình với người khác, chúng ta có thể đố kỵ và ganh đua (Ga 5:26). Khi cố làm những điều người khác làm dù ngoài khả năng của mình, chúng ta sẽ gây hại cho bản thân. Và nếu “ước vọng bị trì hoãn khiến cho lòng đau đớn” thì việc đặt ra những mong đợi không bao giờ đạt được còn khiến nản lòng hơn biết bao! (Châm 13:12). Làm thế có thể khiến chúng ta kiệt sức và chậm lại trong cuộc đua giành sự sống.—Châm 24:10.

11. Điều gì có thể giúp anh chị tránh có những mong đợi không thực tế?

11 Làm thế nào để quăng đi gánh nặng này? Đừng mong đợi nơi bản thân nhiều hơn những gì Đức Giê-hô-va đòi hỏi. Ngài không bao giờ đòi hỏi anh chị dâng cho ngài những gì anh chị không có (2 Cô 8:12). Hãy tin chắc rằng Đức Giê-hô-va không so sánh điều anh chị làm với điều người khác làm (Mat 25:20-23). Ngài quý trọng việc phụng sự hết mình, lòng trung thành và sự chịu đựng của anh chị. Hãy khiêm tốn chấp nhận rằng có thể vì tuổi tác, sức khỏe và hoàn cảnh nên anh chị không thể làm mọi điều mình muốn ngay bây giờ. Như Bát-xi-lai, hãy sẵn sàng từ chối đặc ân nếu sức khỏe hoặc tuổi tác khiến mình khó đảm nhận đặc ân ấy (2 Sa 19:35, 36). Như Môi-se, hãy chấp nhận sự giúp đỡ và san sẻ trách nhiệm khi thích hợp (Xuất 18:21, 22). Sự khiêm tốn sẽ giúp anh chị tránh có những mong đợi thiếu thực tế mà có thể khiến mình mệt mỏi trong cuộc đua giành sự sống.

12. Chúng ta có phải chịu trách nhiệm về quyết định sai lầm của người khác không? Hãy giải thích.

12 Cảm thấy có trách nhiệm về quyết định sai lầm của người khác. Chúng ta không thể quyết định thay cho người khác, và không phải lúc nào chúng ta cũng có thể bảo vệ họ khỏi hậu quả do quyết định sai lầm của họ gây ra. Chẳng hạn, một người con trong gia đình quyết định ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Quyết định đó có thể khiến cha mẹ đau lòng vô cùng. Tuy nhiên, những bậc cha mẹ đổ lỗi cho mình về quyết định sai lầm của con thì tự chất trên mình một gánh nặng. Đó không phải là gánh mà Đức Giê-hô-va muốn họ mang.—Rô 14:12.

13. Cha mẹ có thể đối phó thế nào khi con quyết định sai lầm?

13 Làm thế nào để quăng đi gánh nặng này? Hãy nhìn nhận rằng Đức Giê-hô-va ban cho tất cả chúng ta sự tự do ý chí. Ngài để mỗi người tự đưa ra lựa chọn, trong đó có việc chọn phụng sự ngài hay không. Đức Giê-hô-va biết anh chị không phải là cha mẹ hoàn hảo; ngài chỉ muốn anh chị cố gắng hết sức. Con của anh chị phải chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình, chứ không phải anh chị (Châm 20:11). Dù vậy, có lẽ anh chị cứ nghĩ mãi về những lỗi lầm của mình trong việc dạy con. Nếu thế, hãy cho Đức Giê-hô-va biết cảm xúc của anh chị và xin ngài tha thứ. Ngài biết anh chị không thể trở về quá khứ và thay đổi những gì đã xảy ra. Ngài cũng không đòi hỏi anh chị bảo vệ con khỏi hậu quả của những gì con đã gieo. Hãy nhớ rằng nếu con anh chị nỗ lực để trở về với Đức Giê-hô-va, ngài sẽ sẵn lòng đón nhận.—Lu 15:18-20.

14. Tại sao chúng ta nên quăng đi gánh nặng mặc cảm tội lỗi quá mức?

14 Mặc cảm tội lỗi quá mức. Khi phạm tội, việc chúng ta thấy mặc cảm tội lỗi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, mặc cảm tội lỗi quá mức là một gánh nặng mà Đức Giê-hô-va không bao giờ muốn chúng ta mang. Đó là gánh nặng mà chúng ta phải quăng đi. Làm thế nào chúng ta biết mình đang mang mặc cảm tội lỗi quá mức? Nếu đã thú nhận tội lỗi, ăn năn và làm những điều có thể để tránh tái phạm, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va đã tha thứ cho mình (Công 3:19). Sau khi chúng ta thực hiện những điều đó, Đức Giê-hô-va không muốn chúng ta tiếp tục mang mặc cảm tội lỗi. Ngài biết làm thế có thể gây hại thế nào cho chúng ta (Thi 31:10). Nếu bị chìm ngập trong nỗi đau buồn, có thể chúng ta sẽ bỏ cuộc trong cuộc đua giành sự sống.—2 Cô 2:7.

Sau khi anh chị đã thật lòng ăn năn, Đức Giê-hô-va không nghĩ mãi về tội lỗi của anh chị, và anh chị cũng không nên làm thế (Xem đoạn 15)

15. Điều gì có thể giúp anh chị đối phó với mặc cảm tội lỗi quá mức? (1 Giăng 3:19, 20) (Cũng xem hình).

15 Làm thế nào để quăng đi gánh nặng này? Khi bị đè nặng bởi mặc cảm tội lỗi quá mức, hãy tập trung vào “ơn tha thứ thật sự” của Đức Chúa Trời (Thi 130:4). Khi tha thứ cho những người thật lòng ăn năn, ngài hứa: ‘Ta sẽ không nhớ đến tội họ nữa’ (Giê 31:34). Điều này có nghĩa là Đức Giê-hô-va sẽ không nhắc lại tội lỗi của anh chị trong quá khứ để kết án anh chị. Vì thế, đừng nghĩ rằng hậu quả mà anh chị chịu vì tội lỗi là bằng chứng cho thấy ngài không tha thứ cho anh chị. Tội lỗi trong quá khứ có thể khiến anh chị bị hạn chế một số đặc ân, nhưng đừng cứ tự trách mình về điều đó. Đức Giê-hô-va không nghĩ mãi về tội lỗi của anh chị, và anh chị cũng không nên làm thế.—Đọc 1 Giăng 3:19, 20.

CHẠY SAO CHO ĐOẠT GIẢI

16. Là người chạy đua, chúng ta cần nhận ra điều gì?

16 Trong cuộc đua giành sự sống, chúng ta phải “chạy sao cho đoạt giải” (1 Cô 9:24). Chúng ta có thể làm thế nếu nhận ra sự khác biệt giữa những gánh phải mang và những gánh nặng phải quăng đi. Bài này đã thảo luận chỉ vài ví dụ về những điều mình phải mang và những điều mình phải từ bỏ. Nhưng cũng còn những điều khác nữa. Chẳng hạn, Chúa Giê-su nói rằng chúng ta có thể ‘để sự ăn uống vô độ, say sưa và lo lắng trong đời choán hết lòng mình’ (Lu 21:34). Câu Kinh Thánh này và những câu khác có thể giúp anh chị nhận ra mình cần điều chỉnh những gì khi chạy trong cuộc đua giành sự sống.

17. Tại sao chúng ta tin chắc mình sẽ đoạt giải trong cuộc đua giành sự sống?

17 Chúng ta tin chắc mình sẽ đoạt giải trong cuộc đua giành sự sống vì Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta sức mạnh cần thiết (Ê-sai 40:29-31). Vì thế, đừng chậm lại! Hãy noi gương sứ đồ Phao-lô, người đã nỗ lực hết sức để đoạt lấy giải thưởng đặt trước mặt mình (Phi-líp 3:13, 14). Không ai có thể chạy cuộc đua này thay cho anh chị, nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, anh chị có thể thành công. Đức Giê-hô-va có thể giúp anh chị mang những gánh phải mang và quăng đi những gánh nặng không cần thiết (Thi 68:19). Với sự trợ giúp của ngài, anh chị sẽ có thể bền bỉ chạy cuộc đua và đoạt giải!

BÀI HÁT 65 Hãy tấn tới!

a Bài này sẽ giúp chúng ta tiếp tục chạy trong cuộc đua giành sự sống. Là người chạy đua, chúng ta phải mang một số gánh, trong đó có lời hứa nguyện dâng mình, trách nhiệm gia đình và trách nhiệm đối với những quyết định của mình. Nhưng chúng ta phải quăng đi bất cứ gánh nặng nào không cần thiết có thể làm mình chậm lại. Đó là gì? Bài này sẽ trả lời câu hỏi đó.

b Anh chị có thể tìm loạt bài “Xây đắp tổ ấm” trên jw.org. Chẳng hạn, một số bài dành cho các cặp vợ chồng: “Làm sao bày tỏ lòng tôn trọng?” và “Làm sao bày tỏ lòng quý trọng?”; dành cho cha mẹ: “Dạy con dùng điện thoại thông minh cách khôn ngoan”, “Cách trò chuyện với con ở tuổi mới lớn”; và dành cho thanh thiếu niên: “Làm sao kháng cự áp lực bạn bè?” và “Làm sao đối phó với nỗi cô đơn?”.