Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

1923—Một trăm năm trước

1923—Một trăm năm trước

Tháp Canh ngày 1-1-1923 nói: “Chúng ta mong đợi năm 1923 là một năm đầy hào hứng. Thật là đặc ân khi được làm chứng cho… những người đang chịu áp bức rằng một tương lai tốt đẹp hơn sắp đến!”. Năm ấy thật sự là một năm đầy hào hứng vì các Học viên Kinh Thánh đã thực hiện những thay đổi về buổi nhóm họp, hội nghị và công việc rao giảng. Nhờ thế, họ ngày càng hợp nhất với nhau.

CÁC BUỔI NHÓM HỌP CỦNG CỐ SỰ HỢP NHẤT

Lịch ghi câu Kinh Thánh và số bài hát

Trong năm ấy, tổ chức đã thực hiện một số điều chỉnh giúp củng cố sự hợp nhất trong vòng các Học viên Kinh Thánh. Tháp Canh bắt đầu giải thích câu Kinh Thánh mà họ xem xét trong buổi Cầu nguyện, Ca ngợi và Làm chứng hằng tuần. Ngoài ra, các Học viên Kinh Thánh cũng sản xuất lịch liệt kê câu Kinh Thánh cho mỗi tuần cũng như bài thánh ca được hát trong buổi thờ phượng của gia đình và học hỏi cá nhân.

Tại buổi nhóm họp, các Học viên Kinh Thánh chia sẻ những “lời làm chứng” bao gồm kinh nghiệm trong thánh chức, lời cảm tạ Đức Giê-hô-va, bài hát hoặc ngay cả lời cầu nguyện. Chị Eva Barney, báp-têm năm 1923 khi được 15 tuổi, nhớ lại: “Nếu muốn chia sẻ một lời làm chứng, anh chị cần đứng lên và bắt đầu nói những lời như: ‘Tôi muốn cảm tạ Chúa về mọi điều tốt lành ngài làm cho tôi’”. Một số anh rất thích chia sẻ lời làm chứng. Chị Barney nói tiếp: “Anh Godwin lớn tuổi đáng quý có rất nhiều điều để cảm tạ Chúa. Nhưng khi vợ anh thấy anh chủ tọa bắt đầu sốt ruột thì chị giật đuôi áo của anh, và anh ngồi xuống”.

Mỗi tháng một lần, mỗi lớp (hội thánh) sẽ tổ chức một buổi Cầu nguyện, Ca ngợi và Làm chứng đặc biệt. Tháp Canh ngày 1-4-1923 miêu tả về buổi nhóm họp này như sau: “Một nửa buổi nhóm họp là để các anh chị chia sẻ lời làm chứng về công việc rao giảng và khích lệ công nhân của lớp [người công bố]… Chúng tôi tin rằng hoạt động giúp hợp nhất này sẽ làm cho các anh chị gần gũi nhau hơn”.

Anh Charles Martin, một người công bố 19 tuổi, đến từ Vancouver, Canada, nhận được nhiều lợi ích từ những buổi nhóm họp ấy. Sau này anh kể lại: “Đó là nơi mà lần đầu tiên tôi học được nên nói gì ở cửa nhà người ta. Các anh chị thường kể kinh nghiệm về việc rao giảng từng nhà. Nhờ thế, tôi có ý tưởng về điều mình sẽ nói và cách đáp lại những lời thoái thác”.

CÔNG VIỆC RAO GIẢNG CỦNG CỐ SỰ HỢP NHẤT

Tờ Bản tin (Bulletin) ngày 1-5-1923

“Ngày rao giảng” cũng góp phần vào sự hợp nhất của tổ chức. Tháp Canh ngày 1-4-1923 thông báo: “Để có hoạt động giúp hợp nhất,… thứ Ba ngày 1-5-1923 được chỉ định là ngày dành cho công việc rao giảng. Thứ Ba đầu tiên của mỗi tháng sau đó cũng vậy… Mỗi thành viên của lớp nên tham gia công việc này”.

Ngay cả người trẻ cũng tham gia. Chị Hazel Burford, lúc đó chỉ mới 16 tuổi, kể lại: “Tờ Bản tin (Bulletin) có các bài giảng làm chứng (tương tự với lời trình bày mẫu) để chúng tôi học thuộc. a Ông tôi và tôi rất hăng say tham gia hoạt động này”. Tuy nhiên, chị Burford gặp phải một sự chống đối không ngờ. Chị nói: “Một anh lớn tuổi kịch liệt phản đối việc tôi rao giảng cho người ta. Thời đó, một số người không hiểu rằng mọi Học viên Kinh Thánh, gồm cả ‘nam thanh và nữ tú’, nên tham gia vào việc ngợi khen Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại” (Thi 148:12, 13). Nhưng chị không bỏ cuộc. Sau này, chị tham dự khóa thứ hai của Trường Ga-la-át và làm giáo sĩ ở Panama. Với thời gian, những người đó đã thay đổi quan điểm về việc người trẻ tham gia thánh chức.

HỘI NGHỊ CỦNG CỐ SỰ HỢP NHẤT

Các hội nghị cũng giúp anh em hợp nhất hơn. Nhiều hội nghị đã tổ chức ngày rao giảng, chẳng hạn hội nghị ở Winnipeg, Canada. Vào ngày 31 tháng 3, hội nghị này có một sự kiện gọi là “Chiến dịch Winnipeg”, và mọi người ở hội nghị đều được mời tham gia. Những ngày rao giảng như thế mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Vào ngày 5 tháng 8, một hội nghị khác ở Winnipeg có khoảng 7.000 người tham dự, là con số cao nhất trong một hội nghị ở Canada thời đó.

Hội nghị nổi bật nhất của dân Đức Giê-hô-va vào năm 1923 được tổ chức vào ngày 18-26 tháng 8 ở Los Angeles, California. Nhiều tuần trước đó, các tờ báo đã quảng cáo về sự kiện ấy và các Học viên Kinh Thánh đã phân phát hơn 500.000 giấy mời. Các tấm quảng cáo được dán trên những loại xe khác nhau.

Hội nghị của Học viên Kinh Thánh năm 1923 tại Los Angeles

Vào thứ Bảy, ngày 25 tháng 8, anh Rutherford trình bày bài giảng có tựa đề “Chiên và dê”, trong đó nhận diện “chiên” là người có lòng ngay thẳng sẽ được sống trong địa đàng. Anh cũng nêu lên nghị quyết “Lời cảnh báo”. Nghị quyết này lên án khối Ki-tô giáo và khuyến giục những người có lòng thành ra khỏi “Ba-by-lôn Lớn” (Khải 18:2, 4). Vài tháng sau, các Học viên Kinh Thánh trên khắp thế giới đã sốt sắng và hợp nhất trong việc phân phát hàng triệu bản của nghị quyết này.

“Hoạt động giúp hợp nhất này sẽ làm cho các anh chị gần gũi nhau hơn”

Vào ngày cuối của hội nghị, cử tọa gồm hơn 30.000 người đã nghe anh Rutherford trình bày bài giảng “Mọi nước đang tiến tới Ha-ma-ghê-đôn, nhưng hàng triệu người hiện đang sống sẽ không bao giờ chết”. Dự đoán sẽ có đông người đến nên trước đó các Học viên Kinh Thánh đã thuê một sân vận động mới tại Los Angeles. Để mọi người có thể nghe được chương trình, các anh dùng hệ thống loa của sân vận động, là công nghệ mới vào lúc bấy giờ. Cũng có nhiều người khác nghe chương trình qua radio.

SỰ PHÁT TRIỂN TOÀN CẦU

Vào năm 1923, công việc rao giảng phát triển mạnh ở châu Phi, châu Âu, Ấn Độ và Nam Mỹ. Ở Ấn Độ, anh Joseph vừa chăm sóc vợ và sáu con vừa chăm lo cho việc sản xuất ấn phẩm trong tiếng Hindi, Tamil, Telugu và Urdu.

Anh William Brown cùng gia đình

Ở Sierra Leone, các Học viên Kinh Thánh là anh Alfred Joseph và anh Leonard Blackman đã viết thư cho trụ sở trung ương ở Brooklyn, New York, để xin sự giúp đỡ. Vào ngày 14-4-1923, họ được hồi đáp. Anh Alfred kể lại: “Vào một đêm thứ Bảy, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi”. Anh nghe một giọng to rõ hỏi: “Anh có phải là người đã viết thư cho Hội Tháp Canh để yêu cầu thêm người rao giảng không?”. Anh Alfred trả lời: “Vâng, tôi đây”. Đầu dây bên kia nói: “Họ đã phái tôi đến”. Đó là anh William Brown. Anh ấy đã từ Ca-ri-bê đến vào ngày hôm đó cùng với vợ là chị Antonia và hai con gái nhỏ là Louise và Lucy. Các anh em không phải chờ lâu để gặp anh ấy và gia đình.

Anh Alfred nói tiếp: “Ngay sáng hôm sau, khi anh Leonard và tôi đang có buổi học Kinh Thánh hằng tuần thì thấy một người cao lớn đứng trước cửa. Đó là anh Brown. Anh sốt sắng với chân lý đến mức muốn trình bày bài giảng công cộng vào hôm sau”. Chưa đầy một tháng, anh Brown đã phân phát hết ấn phẩm mang theo. Rồi anh nhận được thêm 5.000 sách, và không lâu sau thì cần thêm sách nữa. Nhưng anh Brown không được biết đến là người bán sách. Là tôi tớ sốt sắng của Đức Giê-hô-va, anh thường xuyên trích Kinh Thánh trong bài giảng của mình, vì thế người ta gọi anh là Brown Kinh Thánh.

Nhà Bê-tên Magdeburg vào thập niên 1920

Trong thời gian đó, văn phòng chi nhánh ở Barmen, Đức, quá đông người và thành phố này sắp bị nước láng giềng là Pháp xâm chiếm. Các Học viên Kinh Thánh đã tìm được một tòa nhà ở Magdeburg có vẻ lý tưởng cho việc in ấn phẩm. Vào ngày 19 tháng 6, các anh đã hoàn tất việc đóng gói đồ đạc và thiết bị để di dời đến nhà Bê-tên mới ở Magdeburg. Một ngày sau khi các anh báo cáo với trụ sở trung ương là việc di dời hoàn tất, các tờ báo cho biết Pháp đã chiếm được thành phố Barmen. Các anh nhận ra việc di dời này là bằng chứng cho thấy sự ban phước và bảo vệ của Đức Giê-hô-va.

Anh George Young và chị Sarah Ferguson (phải) cùng em gái chị ấy

Ở Brazil, anh George Young, người từng đi nhiều nơi để loan báo tin mừng, đã mở văn phòng chi nhánh mới và xuất bản Tháp Canh trong tiếng Bồ Đào Nha. Chỉ trong vài tháng, anh đã phân phát hơn 7.000 ấn phẩm. Nhờ anh đến Brazil mà chị Sarah Ferguson có một cơ hội đặc biệt. Chị đã đọc Tháp Canh từ năm 1899, nhưng không có cách nào để biểu trưng sự dâng mình qua phép báp-têm. Cuối cùng, vài tháng sau, chị và bốn người con đã có thể thực hiện bước quan trọng này.

“PHỤNG SỰ ĐỨC CHÚA TRỜI VỚI LÒNG VUI MỪNG”

Vào cuối năm ấy, Tháp Canh ngày 15-12-1923 cho biết những thay đổi về buổi nhóm họp, thánh chức và hội nghị nhằm củng cố sự hợp nhất đã tác động thế nào đến các Học viên Kinh Thánh. Tháp Canh nói: “Rõ ràng các lớp… đang ở trong tình trạng thiêng liêng tốt… Chúng ta hãy mặc lấy bộ khí giới và củng cố lòng sốt sắng cũng như quyết tâm luôn phụng sự Đức Chúa Trời với lòng vui mừng trong năm tới”.

Năm sau đó cũng là năm đầy hào hứng đối với các Học viên Kinh Thánh. Các anh ở Bê-tên đã làm việc trong nhiều tháng liên quan đến một mảnh đất ở đảo Staten, gần trụ sở ở Brooklyn. Các cơ sở trên mảnh đất mới đó được xây xong vào đầu năm 1924, và giúp hợp nhất đoàn thể anh em cũng như đẩy mạnh công việc rao truyền tin mừng theo những cách chưa từng có.

Đội xây cất ở đảo Staten

a Nay là Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức.