Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 42

Anh chị có “sẵn sàng vâng lời” không?

Anh chị có “sẵn sàng vâng lời” không?

“Sự khôn ngoan từ trên thì... sẵn sàng vâng lời”.—GIA 3:17.

BÀI HÁT 101 Cùng hợp nhất phụng sự

GIỚI THIỆU a

1. Có thể chúng ta thấy khó vâng lời vì những lý do nào?

 Có bao giờ anh chị thấy khó vâng lời không? Vua Đa-vít từng cảm thấy như thế, nên ông đã cầu xin Đức Chúa Trời: ‘Xin khơi dậy trong con tinh thần sẵn sàng vâng lời’ (Thi 51:12). Đa-vít yêu mến Đức Giê-hô-va. Dù vậy có đôi lúc ông thấy khó vâng lời, và chúng ta cũng thế. Tại sao? Thứ nhất, chúng ta bị di truyền khuynh hướng bất tuân. Thứ hai, Sa-tan luôn cố xúi giục chúng ta phản nghịch Đức Giê-hô-va giống như hắn đã làm (2 Cô 11:3). Thứ ba, nhiều người xung quanh chúng ta có thái độ phản nghịch, là “tinh thần đang tác động trên con cái của sự bất tuân” (Ê-phê 2:2). Vì thế, chúng ta cần cố gắng hết sức để không chỉ chống lại khuynh hướng phạm tội, mà còn kháng cự áp lực của Ác Quỷ và thế gian nhằm khiến chúng ta bất tuân. Chúng ta cũng cần nỗ lực vâng lời Đức Giê-hô-va và những người được ngài ban quyền hành.

2. “Sẵn sàng vâng lời” có nghĩa gì? (Gia-cơ 3:17)

2 Đọc Gia-cơ 3:17. Gia-cơ được soi dẫn để viết rằng người khôn ngoan thì “sẵn sàng vâng lời”. Điều đó có nghĩa gì? Chúng ta nên sẵn lòng và sốt sắng vâng lời những ai mà Đức Giê-hô-va giao cho quyền hành. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta phải vâng lời những người muốn mình lờ đi các mệnh lệnh của ngài.—Công 4:18-20.

3. Tại sao việc chúng ta vâng lời những người có quyền trên mình là điều quan trọng với Đức Giê-hô-va?

3 Có lẽ chúng ta cảm thấy dễ vâng lời Đức Giê-hô-va hơn con người. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va luôn ban những chỉ dẫn hoàn hảo (Thi 19:7). Còn con người có quyền hành thì hoàn toàn khác. Dù vậy, Cha trên trời ban một số quyền hành cho cha mẹ, các bậc cầm quyền và trưởng lão (Châm 6:20; 1 Tê 5:12; 1 Phi 2:13, 14). Khi vâng lời họ, thật ra chúng ta đang vâng lời Đức Giê-hô-va. Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể vâng lời những người mà Đức Giê-hô-va giao quyền hành, dù đôi khi mình cảm thấy khó chấp nhận và vâng theo chỉ dẫn của họ.

VÂNG LỜI CHA MẸ

4. Tại sao nhiều người trẻ không vâng lời cha mẹ?

4 Xung quanh các em trẻ trong vòng chúng ta có nhiều bạn đồng trang lứa “không vâng lời cha mẹ” (2 Ti 3:1, 2). Tại sao nhiều người trẻ không vâng lời? Một số cảm thấy cha mẹ sống giả tạo, họ bảo con làm những điều mà chính họ không làm. Số khác thì xem lời khuyên của cha mẹ là lỗi thời, thiếu thực tế hoặc quá khắt khe. Nếu là người trẻ, có bao giờ bạn cảm thấy như thế không? Nhiều người trẻ thấy khó vâng theo mệnh lệnh sau của Đức Giê-hô-va: “Hãy vâng lời cha mẹ theo cách đẹp lòng Chúa, vì điều đó là công chính” (Ê-phê 6:1). Điều gì có thể giúp bạn vâng lời cha mẹ?

5. Tại sao việc Chúa Giê-su vâng lời cha mẹ như được ghi nơi Lu-ca 2:46-52 là điều đáng chú ý?

5 Bạn có thể học vâng lời qua gương mẫu tốt nhất là Chúa Giê-su (1 Phi 2:21-24). Ngài là người hoàn hảo nhưng có cha mẹ bất toàn. Dù vậy, Chúa Giê-su vẫn kính trọng cha mẹ, ngay cả khi họ mắc lỗi và hiểu lầm ngài (Xuất 20:12). Hãy xem điều đã xảy ra khi Chúa Giê-su 12 tuổi. (Đọc Lu-ca 2:46-52). Cha mẹ đã vô tình bỏ ngài lại Giê-ru-sa-lem. Đáng lẽ họ phải đảm bảo là tất cả các con có mặt đầy đủ để trở về nhà sau kỳ lễ. Nhưng khi họ tìm thấy Chúa Giê-su, Ma-ri lại trách ngài là gây phiền phức cho họ! Rất dễ để Chúa Giê-su cho rằng hành động đó là bất công. Tuy nhiên, ngài không làm thế mà đã đáp lại cha mẹ một cách ngắn gọn và lễ phép. Nhưng Giô-sép và Ma-ri “chẳng hiểu những gì ngài nói”. Dù vậy, Chúa Giê-su “tiếp tục phục tùng họ”.

6, 7. Điều gì có thể giúp người trẻ vâng lời cha mẹ?

6 Bạn có thấy khó vâng lời cha mẹ khi họ mắc lỗi hoặc hiểu lầm mình không? Điều gì có thể giúp ích? Thứ nhất, nghĩ đến cảm xúc của Đức Giê-hô-va. Kinh Thánh nói khi bạn vâng lời cha mẹ, thì “điều đó đẹp lòng Chúa” (Cô 3:20). Đức Giê-hô-va biết những lúc cha mẹ không hiểu rõ bạn hoặc những lúc họ đưa ra quy tắc có vẻ không hợp lý lắm. Nhưng khi vẫn vâng lời họ, bạn làm ngài vui lòng.

7 Thứ hai, nghĩ đến cảm xúc của cha mẹ. Khi vâng lời cha mẹ, bạn sẽ khiến họ vui lòng và được họ tin cậy (Châm 23:22-25). Hẳn bạn cũng sẽ gần gũi với họ hơn. Một anh từ Bỉ tên Alexandre cho biết: “Khi tôi bắt đầu vâng theo những đòi hỏi của cha mẹ thường xuyên hơn, thì mối quan hệ của tôi với họ được cải thiện, trở nên nồng ấm và vui vẻ hơn”. b Thứ ba, nghĩ về lợi ích sau này của việc bạn vâng lời. Anh Paulo sống ở Brazil cho biết: “Việc tập vâng lời cha mẹ đã giúp tôi vâng lời Đức Giê-hô-va và những người khác được ngài ban quyền hành”. Lời Đức Chúa Trời đưa ra lý do chính đáng để vâng lời cha mẹ: “Hầu cho mọi việc sẽ tốt đẹp với ngươi và ngươi được sống lâu trên đất”.—Ê-phê 6:2, 3.

8. Tại sao nhiều người trẻ chọn vâng lời cha mẹ?

8 Nhiều người trẻ thấy được kết quả tốt khi vâng lời. Chị Luiza, cũng từ Brazil, lúc đầu cảm thấy khó hiểu tại sao mình lại không được phép có điện thoại di động trong một thời gian. Chị lý luận là đa số người trẻ ở tuổi mình đều đã có điện thoại di động. Nhưng rồi chị nhận ra rằng cha mẹ làm thế là để bảo vệ mình. Giờ đây chị nói: “Tôi xem việc vâng lời cha mẹ không phải là dây trói, mà là dây an toàn có thể cứu mạng mình”. Elizabeth, một chị trẻ từ Hoa Kỳ, đôi lúc vẫn cảm thấy khó vâng lời cha mẹ. Chị cho biết: “Khi không hiểu rõ tại sao cha mẹ đặt ra một quy tắc nào đó, tôi nhớ lại những lúc mà quy tắc của cha mẹ đã bảo vệ mình”. Chị Monica sống ở Armenia nói rằng vâng lời cha mẹ luôn mang lại kết quả tốt hơn là cãi lời họ.

VÂNG LỜI “CÁC BẬC CẦM QUYỀN”

9. Nhiều người cảm thấy thế nào về việc vâng theo luật pháp?

9 Nhiều người công nhận rằng chúng ta cần chính quyền và phải tuân theo ít nhất một số điều luật mà “các bậc cầm quyền” đề ra (Rô 13:1). Nhưng có thể chính những người đó lại không tuân theo một điều luật mà họ cảm thấy bất công hoặc đòi hỏi quá nhiều. Chẳng hạn, hãy xem việc nộp thuế. Tại một nước ở châu Âu, 1/4 số người được thăm dò ý kiến cho rằng “việc không nộp những khoản thuế mà mình cảm thấy bất công thì không có gì sai”. Chẳng lạ gì khi công dân ở nước đó chỉ nộp khoảng 2/3 khoản thuế mà chính phủ đòi hỏi.

Chúng ta học được gì về sự vâng lời từ gương của Giô-sép và Ma-ri? (Xem đoạn 10-12) c

10. Tại sao chúng ta tuân theo ngay cả những điều luật mà mình không thích?

10 Kinh Thánh công nhận rằng các chính phủ loài người gây ra đau khổ, ở dưới sự kiểm soát của Sa-tan và sẽ sớm bị hủy diệt (Thi 110:5, 6; Truyền 8:9; Lu 4:5, 6). Sách này cũng cho biết: “Ai chống lại bậc cầm quyền là chống lại sự sắp đặt của Đức Chúa Trời”. Việc chúng ta vâng phục các bậc cầm quyền một cách tương đối là một phần trong sắp đặt tạm thời của Đức Giê-hô-va để giữ trật tự. Vì thế, chúng ta cần ‘trả cho họ điều mình phải trả’, bao gồm thuế, lòng tôn trọng và sự vâng lời (Rô 13:1-7). Có lẽ chúng ta thấy một điều luật gây bất tiện, không công bằng hoặc đòi hỏi quá nhiều. Nhưng chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va, và ngài bảo chúng ta vâng lời các bậc cầm quyền, miễn là họ không đòi hỏi chúng ta vi phạm các điều luật của ngài.—Công 5:29.

11, 12. Như được ghi nơi Lu-ca 2:1-6, Giô-sép và Ma-ri đã làm gì để vâng theo một điều luật khó, và kết quả là gì? (Cũng xem các hình).

11 Chúng ta có thể học từ gương của Giô-sép và Ma-ri, những người sẵn sàng vâng lời các bậc cầm quyền, ngay cả khi khó để làm thế. (Đọc Lu-ca 2:1-6). Khi Ma-ri mang thai khoảng chín tháng, cô và Giô-sép đối mặt với một thử thách về sự vâng lời. Hoàng đế La Mã là Au-gút-tơ đã tiến hành thống kê dân số. Vì thế, Giô-sép và Ma-ri phải đi một quãng đường dài tới 150km qua vùng đồi núi để đến Bết-lê-hem. Hẳn chuyến hành trình đó rất khó khăn, đặc biệt là đối với Ma-ri. Có lẽ họ lo lắng cho sự an toàn của Ma-ri và thai nhi. Nếu cô chuyển dạ giữa đường thì sao? Suy cho cùng, cô đang mang thai Đấng Mê-si tương lai. Liệu họ có viện cớ đó để không vâng lời chính phủ không?

12 Giô-sép và Ma-ri đã không để cho những mối lo lắng ấy cản trở mình vâng theo luật pháp. Đức Giê-hô-va ban phước cho sự vâng lời của họ. Ma-ri đã đến Bết-lê-hem an toàn, sinh hạ một em bé khỏe mạnh và thậm chí góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh.—Mi 5:2.

13. Việc chúng ta vâng lời có thể ảnh hưởng thế nào đến anh em?

13 Việc vâng lời các bậc cầm quyền mang lại lợi ích cho chúng ta và người khác. Như thế nào? Một lợi ích là chúng ta tránh được hình phạt mà những người không vâng theo luật pháp phải gánh chịu (Rô 13:4). Việc cá nhân chúng ta vâng lời có thể khiến các bậc cầm quyền có cái nhìn tốt về Nhân Chứng Giê-hô-va. Chẳng hạn, cách đây nhiều năm ở Nigeria, quân lính đã vào Phòng Nước Trời trong khi buổi nhóm họp diễn ra để tìm những kẻ phản loạn, chống lại việc nộp thuế. Nhưng viên sĩ quan trưởng bảo quân lính rời đi và nói: “Nhân Chứng Giê-hô-va không bao giờ trốn thuế”. Khi vâng theo luật pháp, anh chị góp phần tạo tiếng tốt cho dân của Đức Giê-hô-va, là danh tiếng mà một ngày nào đó có thể bảo vệ anh em đồng đạo.—Mat 5:16.

14. Điều gì đã giúp một chị “sẵn sàng vâng lời” các bậc cầm quyền?

14 Dù vậy, có thể có những lúc chúng ta không muốn vâng lời các bậc cầm quyền. Chị Joanna ở Hoa Kỳ thừa nhận: “Tôi thấy rất khó vâng lời các bậc cầm quyền vì một số thành viên trong gia đình tôi đã bị họ đối xử bất công”. Nhưng chị nỗ lực nhiều để thay đổi suy nghĩ. Thứ nhất, chị ngưng đọc các bài trên mạng xã hội nói tiêu cực về chính quyền (Châm 20:3). Thứ hai, chị cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình tin cậy ngài, thay vì mong là có sự thay đổi trong chính phủ loài người (Thi 9:9, 10). Thứ ba, chị đọc các bài nói về sự trung lập trong ấn phẩm của chúng ta (Giăng 17:16). Giờ đây, chị Joanna cho biết việc tôn trọng và vâng lời các bậc cầm quyền đã giúp chị cảm thấy bình an và thỏa lòng.

VÂNG THEO CHỈ DẪN TỪ TỔ CHỨC CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

15. Tại sao có thể chúng ta thấy khó vâng theo chỉ dẫn từ tổ chức của Đức Giê-hô-va?

15 Đức Giê-hô-va bảo chúng ta “vâng lời những người đang dẫn đầu” trong tổ chức (Hê 13:17). Dù Chúa Giê-su, Đấng Lãnh Đạo của chúng ta, là hoàn hảo nhưng những người mà ngài dùng để dẫn đầu trên đất thì không. Có lẽ chúng ta thấy khó vâng lời họ, nhất là khi họ chỉ thị cho chúng ta làm điều mà mình không muốn. Sứ đồ Phi-e-rơ có lần thấy khó vâng lời. Khi một thiên sứ bảo ông ăn những con vật không tinh sạch theo Luật pháp Môi-se, Phi-e-rơ đã từ chối, không những một lần mà ba lần! (Công 10:9-16). Tại sao? Ông thấy chỉ dẫn mới này không hợp lý. Nó hoàn toàn khác so với điều ông làm từ trước đến giờ. Nếu Phi-e-rơ cảm thấy khó vâng theo chỉ dẫn của một thiên sứ hoàn hảo, thì không ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy khó vâng theo chỉ dẫn của những người bất toàn!

16. Dù sứ đồ Phao-lô đã có thể xem chỉ dẫn mình nhận được là không hợp lý, nhưng ông vẫn làm gì? (Công vụ 21:23, 24, 26)

16 Sứ đồ Phao-lô “sẵn sàng vâng lời”, ngay cả khi ông nhận được chỉ dẫn có vẻ không hợp lý. Các tín đồ gốc Do Thái đã nghe tin đồn là Phao-lô dạy người ta “phải bỏ Luật pháp Môi-se” và ông tỏ ra bất kính với Luật pháp ấy (Công 21:21). Các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem đã chỉ thị cho Phao-lô dẫn theo bốn người nam đến đền thờ và tẩy uế theo nghi thức để cho thấy ông vâng theo Luật pháp. Nhưng Phao-lô biết rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô không còn ở dưới Luật pháp, và ông không làm gì sai như tin đồn. Dù vậy, ông vẫn vâng theo chỉ dẫn ngay lập tức. “Hôm sau, Phao-lô dẫn những người ấy theo, ông cùng họ tẩy uế theo nghi thức”. (Đọc Công vụ 21:23, 24, 26). Sự vâng lời của Phao-lô đã đẩy mạnh sự hợp nhất.—Rô 14:19, 21.

17. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của chị Stephanie?

17 Một chị tên Stephanie thấy khó chấp nhận quyết định của những anh có trách nhiệm trong nước mình. Vợ chồng chị đang vui mừng phụng sự trong một nhóm ngôn ngữ nước ngoài thì văn phòng chi nhánh giải tán nhóm đó. Họ được chỉ định trở lại hội thánh ngôn ngữ địa phương. Chị Stephanie thừa nhận: “Tôi không hài lòng với điều đó. Tôi không nghĩ là có nhu cầu lớn hơn trong tiếng mẹ đẻ”. Dù vậy, chị quyết định làm theo chỉ dẫn mới. Chị cho biết: “Với thời gian, tôi nhận ra quyết định đó của các anh rất khôn ngoan. Trong hội thánh này, chúng tôi đã trở thành cha mẹ thiêng liêng của một số anh chị mà không có gia đình theo chân lý. Tôi đang học Kinh Thánh với một chị vừa hoạt động trở lại. Và giờ đây tôi có nhiều thời gian hơn để học hỏi cá nhân”. Chị nói thêm: “Tôi có một lương tâm trong sạch vì biết rằng mình đã cố gắng hết sức để vâng lời”.

18. Sự vâng lời mang lại lợi ích nào cho chúng ta?

18 Chúng ta có thể học vâng lời. Chúa Giê-su đã “học vâng lời” không phải từ những hoàn cảnh lý tưởng, nhưng “từ những điều mình phải chịu” (Hê 5:8). Như Chúa Giê-su, chúng ta thường học vâng lời trong những hoàn cảnh khó khăn. Chẳng hạn, trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19, chúng ta được chỉ dẫn là ngưng nhóm họp tại Phòng Nước Trời và ngưng rao giảng từng nhà. Khi đó, anh chị có thấy khó vâng lời không? Nhưng anh chị vẫn vâng lời. Điều đó đã bảo vệ anh chị, giúp anh chị hợp nhất với anh em đồng đạo và làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Nhờ thế, giờ đây chúng ta được trang bị tốt hơn để vâng theo bất cứ chỉ dẫn nào mà mình nhận được trong hoạn nạn lớn. Có thể sự sống của chúng ta tùy thuộc vào điều đó!—Gióp 36:11.

19. Tại sao anh chị muốn vâng lời?

19 Chúng ta đã học được rằng sự vâng lời mang lại vô vàn ân phước. Nhưng chúng ta chọn vâng lời Đức Giê-hô-va chủ yếu vì yêu thương ngài và muốn làm ngài vui lòng (1 Giăng 5:3). Chúng ta không bao giờ có thể đền đáp Đức Giê-hô-va vì mọi điều ngài đã làm cho mình (Thi 116:12). Nhưng chúng ta có thể vâng lời ngài và những người có quyền hành trên mình. Nếu vâng lời, chúng ta cho thấy mình là người khôn ngoan. Và khi khôn ngoan, chúng ta làm cho lòng Đức Giê-hô-va vui mừng.—Châm 27:11.

BÀI HÁT 89 Nghe và giữ Lời Chúa sẽ được ban phước

a Là người bất toàn, tất cả chúng ta đều có những lúc thấy khó vâng lời, ngay cả khi người đưa ra chỉ dẫn hoàn toàn có quyền làm thế. Bài này sẽ thảo luận những lợi ích của việc vâng lời cha mẹ, “các bậc cầm quyền” và những anh dẫn đầu trong tổ chức.

b Để biết cách nói chuyện với cha mẹ về những quy tắc mà bạn thấy khó vâng theo, xem bài “Làm sao để nói với cha mẹ về các quy tắc trong gia đình?” trên jw.org.

c HÌNH ẢNH: Giô-sép và Ma-ri vâng theo sắc lệnh của Sê-sa là đến Bết-lê-hem để đăng ký tên vào sổ. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay vâng theo luật giao thông, đòi hỏi về thuế và quy định về sức khỏe đến từ “các bậc cầm quyền”.