Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 44

Tìm hiểu mọi khía cạnh của Lời Đức Chúa Trời

Tìm hiểu mọi khía cạnh của Lời Đức Chúa Trời

“Hiểu thấu chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu của chân lý”.—Ê-PHÊ 3:18.

BÀI HÁT 95 Ánh sáng càng sáng thêm

GIỚI THIỆU a

1, 2. Cách tốt nhất để đọc và học hỏi Kinh Thánh là gì? Hãy minh họa.

 Hãy hình dung anh chị đang xem xét có nên mua một ngôi nhà hay không. Anh chị muốn thấy gì trước khi đưa ra quyết định? Có phải chỉ là bức ảnh của mặt trước ngôi nhà không? Hẳn anh chị muốn tận mắt thấy ngôi nhà, đi xung quanh, vào bên trong để kiểm tra tất cả các phòng và thấy mọi khía cạnh của ngôi nhà ấy. Thậm chí anh chị còn muốn xem bản vẽ của ngôi nhà để biết nó được xây như thế nào. Dĩ nhiên, anh chị muốn thấy mọi chi tiết của ngôi nhà tương lai.

2 Chúng ta có thể làm điều tương tự khi đọc và học hỏi Kinh Thánh. Một học giả ví thông điệp trong Kinh Thánh với “một tòa nhà rộng mênh mông, cao vút và có nền móng sâu”. Vậy làm thế nào chúng ta có thể quen thuộc với mọi điều trong Kinh Thánh? Nếu chỉ đọc lướt qua, có lẽ anh chị chỉ học được những sự thật căn bản, là “những điều sơ đẳng trong lời phán thánh của Đức Chúa Trời” (Hê 5:12). Thay vì thế, giống như với một ngôi nhà, hãy vào “bên trong” để khám phá những chi tiết đáng kinh ngạc. Một cách hữu hiệu để học Kinh Thánh là xem các khía cạnh của thông điệp trong sách này liên quan với nhau như thế nào. Hãy cố gắng hiểu mình tin điều gìtại sao mình tin.

3. Sứ đồ Phao-lô khuyến giục anh em đồng đạo làm gì, và tại sao? (Ê-phê-sô 3:14-19)

3 Để hiểu đầy đủ hơn mọi khía cạnh của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta cần học các sự thật sâu sắc trong Kinh Thánh. Sứ đồ Phao-lô khuyến giục anh em đồng đạo siêng năng học Lời Đức Chúa Trời để có thể “hiểu thấu chiều rộng, chiều dài, chiều caochiều sâu của chân lý”. Nhờ thế, họ có thể “được đâm rễ và lập vững chắc” hơn trong đức tin. (Đọc Ê-phê-sô 3:14-19). Chúng ta cũng cần làm như thế. Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể học hỏi Kinh Thánh để hiểu đầy đủ hơn về ý nghĩa sâu xa của sách này.

TÌM HIỂU NHỮNG SỰ THẬT SÂU SẮC TRONG KINH THÁNH

4. Chúng ta có thể làm gì để đến gần hơn với Đức Giê-hô-va? Hãy nêu ví dụ.

4 Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta không chỉ hài lòng với sự hiểu biết căn bản về Kinh Thánh. Chúng ta háo hức muốn học “ngay cả những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời”, và chúng ta làm được điều đó nhờ sự giúp đỡ của thần khí thánh (1 Cô 2:9, 10). Hãy bắt đầu một chương trình học hỏi cá nhân giúp anh chị đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, anh chị có thể xem xét ngài thể hiện tình yêu thương với các tôi tớ thời xưa như thế nào, và điều đó chứng tỏ ngài yêu thương anh chị ra sao. Anh chị cũng có thể xem xét sắp đặt của Đức Giê-hô-va về sự thờ phượng ở Y-sơ-ra-ên và so sánh với sắp đặt về sự thờ phượng ngày nay. Hoặc anh chị có thể nghiên cứu sâu sắc các lời tiên tri mà Chúa Giê-su làm ứng nghiệm khi ngài sống trên đất và thi hành thánh chức.

5. Anh chị muốn nghiên cứu đề tài nào trong chương trình học hỏi cá nhân?

5 Một số anh chị siêng năng học Kinh Thánh được hỏi họ muốn xem xét những sự thật sâu sắc nào. Một số câu trả lời của họ được liệt kê trong khung “ Đề tài cho chương trình học hỏi cá nhân”. Anh chị có thể tìm được rất nhiều niềm vui khi nghiên cứu những chủ đề như thế với sự giúp đỡ của Thư viện Tháp Canh hoặc Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va. Việc học hỏi sâu sắc về Kinh Thánh có thể củng cố đức tin và giúp anh chị “tìm được tri thức về Đức Chúa Trời” (Châm 2:4, 5). Giờ đây, hãy xem một số sự thật sâu sắc mà chúng ta có thể nghiên cứu.

SUY NGẪM VỀ Ý ĐỊNH CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

6. (a) Kế hoạch và ý định khác nhau như thế nào? (b) Tại sao có thể nói rằng ý định của Đức Giê-hô-va dành cho con người và trái đất là “ý định muôn đời”? (Ê-phê-sô 3:11)

6 Chẳng hạn, hãy xem Kinh Thánh nói gì về ý định của Đức Chúa Trời. Có sự khác biệt lớn giữa kế hoạch và ý định. Kế hoạch có thể được ví như một con đường để đi đến nơi mình muốn. Tuy nhiên, giống như con đường đó bị chặn lại và không thể đi đến đích, kế hoạch có thể thất bại khi gặp trở ngại. Mặt khác, ý định có thể được ví như đích đến. Chúng ta biết chính xác nơi mình muốn đến, nhưng có thể đi những đường khác nhau để đến đó. Chúng ta có thể điều chỉnh đường đi nếu cần. Bằng cách này hay cách khác, Đức Giê-hô-va luôn thành công vì ngài “làm mọi việc để thực hiện ý định” (Châm 16:4). Kinh Thánh cũng cho biết ý định của ngài là “muôn đời” (Ê-phê 3:11). Ý định ấy là muôn đời vì Đức Giê-hô-va để cho một thời gian dài trôi qua trước khi ý định ấy được hoàn thành. Ngoài ra, kết quả của những điều ngài làm sẽ còn đến mãi mãi. Vậy ý định của Đức Giê-hô-va là gì, và ngài đã thực hiện những điều chỉnh nào để hoàn thành ý định đó?

7. Sau khi cặp vợ chồng đầu tiên phản nghịch, Đức Giê-hô-va đã điều chỉnh cách thực hiện ý định của ngài như thế nào? (Ma-thi-ơ 25:34).

7 Đức Chúa Trời cho cặp vợ chồng đầu tiên biết ý định của ngài dành cho họ. Họ sẽ “sinh sản và gia tăng nhiều, làm cho đầy cả đất và quản trị nó… cùng mọi sinh vật” (Sáng 1:28). Khi A-đam và Ê-va phản nghịch, khiến cho tội lỗi vào gia đình nhân loại, ý định của Đức Giê-hô-va vẫn không thất bại. Ngài đã điều chỉnh cách để thực hiện ý định ấy. Ngay lập tức, ngài quyết định thành lập một Nước ở trên trời sẽ hoàn thành ý định ban đầu dành cho nhân loại và trái đất. (Đọc Ma-thi-ơ 25:34). Đến đúng kỳ định, Đức Giê-hô-va đã yêu thương phái Con đầu lòng xuống trái đất để dạy người ta về Nước Trời và hy sinh mạng sống hầu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Rồi Chúa Giê-su được sống lại và trở về trời để làm vua Nước Trời. Nhưng còn có nhiều điều hơn nữa để suy ngẫm về ý định của Đức Chúa Trời.

Hãy hình dung thời kỳ mà mọi tạo vật thông minh trên trời và dưới đất sẽ hợp nhất và trung thành với Đức Giê-hô-va! (Xem đoạn 8)

8. (a) Chủ đề của Kinh Thánh là gì? (b) Theo Ê-phê-sô 1:8-11, ý định tối hậu của Đức Giê-hô-va là gì? (Xem hình nơi trang bìa).

8 Chủ đề chính của Kinh Thánh là danh của Đức Giê-hô-va sẽ được biện minh khi ngài thực hiện ý định dành cho trái đất qua Nước Trời do Chúa Giê-su cai trị. Ý định của Đức Giê-hô-va không thể thay đổi. Ngài đảm bảo rằng ngài sẽ thực hiện thành công ý định ấy (Ê-sai 46:10, 11, các chú thích; Hê 6:17, 18). Với thời gian, trái đất sẽ trở thành địa đàng, nơi mà con cháu hoàn hảo, công chính của A-đam và Ê-va sẽ “được sống cho đến mãi mãi” (Thi 22:26). Hơn thế nữa, Đức Giê-hô-va còn có ý định lớn hơn. Ý định tối hậu của ngài là hợp nhất mọi tạo vật thông minh trên trời và dưới đất. Lúc ấy, mọi vật sống sẽ trung thành phục tùng ngài, xem ngài là Chúa Tối Thượng của họ. (Đọc Ê-phê-sô 1:8-11). Chẳng phải anh chị kinh ngạc khi thấy cách tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va thực hiện ý định của ngài sao?

SUY NGHĨ VỀ TƯƠNG LAI CỦA MÌNH

9. Nhờ đọc Kinh Thánh, chúng ta có thể thấy tương lai xa đến mức nào?

9 Hãy xem xét lời tiên tri mà Đức Giê-hô-va phán ở vườn Ê-đen như được ghi nơi Sáng thế 3:15. b Lời tiên tri ấy nói về những biến cố sẽ hoàn thành ý định của ngài nhưng hàng ngàn năm sau mới xảy ra. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời cho Áp-ra-ham biết rằng sau nhiều thế hệ, một con cháu của ông sẽ trở thành Đấng Ki-tô (Sáng 22:15-18). Rồi vào năm 33 CN, Chúa Giê-su bị cắn gót chân như được báo trước (Công 3:13-15). Biến cố cuối cùng của lời tiên tri ấy, tức là việc giày đạp đầu Sa-tan, vẫn còn hơn 1.000 năm nữa mới ứng nghiệm (Khải 20:7-10). Kinh Thánh tiết lộ nhiều hơn nữa về những điều sẽ xảy ra khi sự thù nghịch giữa thế gian Sa-tan và tổ chức Đức Giê-hô-va lên đến đỉnh điểm.

10. (a) Những biến cố nào sắp xảy ra trong tương lai? (b) Chúng ta có thể chuẩn bị lòng và trí như thế nào? (Xem chú thích).

10 Hãy nghĩ về những biến cố làm rung chuyển thế giới mà Kinh Thánh báo trước. Đầu tiên, các nước sẽ tuyên bố: “Hòa bình và an ninh!” (1 Tê 5:2, 3). “Ngay lúc ấy”, hoạn nạn lớn sẽ bắt đầu khi các nước tấn công tất cả tôn giáo sai lầm (Khải 17:16). Sau đó, có thể sẽ có một hiện tượng siêu nhiên khi “Con Người đến trong các đám mây trên trời, với quyền lực và đầy vinh hiển” (Mat 24:30). Chúa Giê-su sẽ phán xét nhân loại, tách chiên với dê (Mat 25:31-33, 46). Tuy nhiên, Sa-tan sẽ không chịu ngồi yên. Với lòng đầy thù ghét, hắn sẽ kích động một liên minh các nước mà Kinh Thánh gọi là Gót ở xứ Ma-gót để tấn công dân của Đức Giê-hô-va (Ê-xê 38:2, 10, 11). Vào một thời điểm nào đó trong hoạn nạn lớn, những người được xức dầu còn sót lại sẽ được thu nhóm để lên trời. Họ sẽ cùng Đấng Ki-tô và lực lượng trên trời của ngài chiến đấu trong trận chiến Ha-ma-ghê-đôn, là biến cố cuối cùng của hoạn nạn lớn. c (Mat 24:31; Khải 16:14, 16). Rồi Triều Đại Một Ngàn Năm của Đấng Ki-tô sẽ bắt đầu.—Khải 20:6.

Anh chị sẽ cảm thấy gần gũi với Đức Giê-hô-va đến mức nào sau hàng tỉ năm học về ngài? (Xem đoạn 11)

11. Triển vọng về sự sống vĩnh cửu có nghĩa gì với anh chị? (Cũng xem hình).

11 Giờ đây, hãy nhìn về tương lai xa hơn nữa. Kinh Thánh nói Đấng Tạo Hóa “đặt sự vĩnh cửu trong lòng [chúng ta]” (Truyền 3:11). Hãy nghĩ xem điều này có nghĩa gì với anh chị và mối quan hệ của anh chị với Đức Giê-hô-va. Sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va, trang 319, nói những lời đáng chú ý: “Sau khi đã sống hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu, thậm chí hàng tỉ năm, chúng ta sẽ biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng lúc ấy chúng ta vẫn sẽ cảm thấy còn vô số điều kỳ diệu để học hỏi… Sự sống vĩnh cửu sẽ phong phú và đa dạng ngoài sức tưởng tượng—và việc đến gần Đức Giê-hô-va hơn sẽ luôn luôn là điều mãn nguyện nhất trong đời sống”. Từ đây đến lúc đó, trong khi tiếp tục học hỏi Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tìm hiểu điều gì khác nữa?

CHĂM CHÚ NHÌN LÊN TRỜI

12. Chúng ta có thể chăm chú nhìn lên trời bằng cách nào? Hãy nêu ví dụ.

12 Lời Đức Chúa Trời cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về chỗ ngự của Đức Giê-hô-va “trên các nơi cao” (Ê-sai 33:5). Kinh Thánh tiết lộ những điều đáng kinh ngạc về Đức Giê-hô-va và phần trên trời của tổ chức ngài (Ê-sai 6:1-4; Đa 7:9, 10; Khải 4:1-6). Chẳng hạn, chúng ta có thể đọc về những điều kỳ diệu mà Ê-xê-chi-ên quan sát được khi “các tầng trời mở ra và [ông] thấy các khải tượng của Đức Chúa Trời”.—Ê-xê 1:1.

13. Anh chị biết ơn vai trò nào của Chúa Giê-su ở trên trời được nói nơi Hê-bơ-rơ 4:14-16, và tại sao?

13 Cũng hãy nghĩ về vai trò của Chúa Giê-su là Vua cai trị và Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm đầy lòng cảm thông ở trên trời. Nhờ ngài, chúng ta có thể đến gần “ngôi của lòng nhân từ bao la” của Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện, xin được thương xót và giúp đỡ “vào đúng lúc”. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:14-16). Mong sao chúng ta không để một ngày trôi qua mà không nghĩ đến những điều Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã và đang làm cho mình từ trời. Tình yêu thương của hai đấng ấy nên động đến lòng chúng ta và thôi thúc mình sốt sắng phụng sự Đức Giê-hô-va.—2 Cô 5:14, 15.

Hãy hình dung niềm vui của anh chị trong thế giới mới khi biết rằng mình đã giúp người khác trở thành Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va và môn đồ của Chúa Giê-su! (Xem đoạn 14)

14. Một trong những cách tốt nhất để thể hiện lòng biết ơn sâu xa với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su là gì? (Cũng xem các hình).

14 Một trong những cách tốt nhất để thể hiện lòng biết ơn sâu xa với Đức Chúa Trời và Con ngài là nỗ lực giúp người khác trở thành Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va và môn đồ của Chúa Giê-su (Mat 28:19, 20). Đó là điều mà sứ đồ Phao-lô đã làm vì lòng biết ơn với Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô. Ông biết ý muốn của Đức Giê-hô-va là “mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về chân lý” (1 Ti 2:3, 4). Ông cố gắng hết sức trong thánh chức để giúp càng nhiều người càng tốt hầu “cứu một số người, bằng bất cứ cách nào có thể được”.—1 Cô 9:22, 23.

VUI THÍCH TÌM HIỂU LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI

15. Theo Thi thiên 1:2, điều gì sẽ khiến chúng ta hạnh phúc?

15 Thật thích hợp khi người viết Thi thiên miêu tả một người hạnh phúc và thành công là người ‘vui thích nơi luật pháp Đức Giê-hô-va’ và ‘ngày đêm suy ngẫm luật pháp ngài’ (Thi 1:1-3; chú thích). Bình luận về câu Kinh Thánh này trong một tác phẩm nghiên cứu về sách Thi thiên (Studies in the Psalms), dịch giả Kinh Thánh là ông Joseph Rotherham nói rằng một người nên “vui thích nơi sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời đến mức tìm kiếm, học hỏi và dành nhiều thời gian suy ngẫm”. Ông nói thêm: “Một ngày mà một người không tiếp thu sự hiểu biết sâu sắc hơn về sự khôn ngoan trong Kinh Thánh là ngày bị lãng phí”. Anh chị có thể vui thích trong việc học hỏi Kinh Thánh bằng cách tìm hiểu càng nhiều càng tốt những chi tiết đáng chú ý và xem chúng liên kết với nhau như thế nào. Việc tìm hiểu mọi khía cạnh của Lời Đức Chúa Trời mang lại nhiều niềm vui biết bao!   

16. Bài kế tiếp sẽ thảo luận điều gì?

16 Những sự thật tuyệt vời mà Đức Giê-hô-va dạy chúng ta trong Lời ngài không quá khó hiểu. Bài kế tiếp sẽ xem xét một trong những sự thật sâu sắc hơn. Đó là đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Đức Giê-hô-va, được Phao-lô miêu tả trong thư gửi cho tín đồ người Hê-bơ-rơ. Mong sao việc tìm hiểu về đề tài này sẽ mang lại nhiều niềm vui thích cho anh chị!

BÀI HÁT 94 Biết ơn Đức Chúa Trời vì đã ban Lời ngài

a Việc học hỏi Kinh Thánh có thể mang lại niềm vui và phần thưởng suốt đời cũng như giúp chúng ta đến gần hơn với Cha trên trời. Trong bài này, hãy xem làm thế nào để tìm hiểu “chiều rộng, chiều dài, chiều cao và chiều sâu” của Lời Đức Chúa Trời.

b Xem bài “Một lời tiên tri xưa ảnh hưởng đến anh chị” trong Tháp Canh tháng 7 năm 2022.

c Để biết cách chuẩn bị cho những biến cố sắp đến sẽ làm rung chuyển thế giới, hãy xem sách Nước Đức Chúa Trời đang cai trị! trg 230.