BÀI HỌC 2

BÀI HÁT 19 Bữa Ăn Tối Của Chúa

Anh chị đã sẵn sàng cho ngày quan trọng nhất trong năm chưa?

Anh chị đã sẵn sàng cho ngày quan trọng nhất trong năm chưa?

“Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”.LU 22:19.

TRỌNG TÂM

Hãy xem tại sao Lễ Tưởng Niệm rất đặc biệt, chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị cho buổi lễ và làm thế nào để giúp người khác tham dự sự kiện này.

1. Tại sao Lễ Tưởng Niệm là ngày quan trọng nhất trong năm? (Lu-ca 22:19, 20)

 Ðối với dân của Ðức Giê-hô-va, Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su là ngày quan trọng nhất trong năm. Ðó là sự kiện duy nhất mà Chúa Giê-su lệnh cho các môn đồ cử hành. (Ðọc Lu-ca 22:19, 20). Chúng ta trông mong Lễ Tưởng Niệm vì nhiều lý do. Hãy xem xét một số lý do ấy.

2. Chúng ta trông mong Lễ Tưởng Niệm vì một số lý do nào?

2 Lễ Tưởng Niệm giúp chúng ta suy ngẫm về giá trị của giá chuộc. Buổi lễ này nhắc chúng ta nhớ những cách để thể hiện lòng biết ơn về sự hy sinh của Chúa Giê-su (2 Cô 5:14, 15). Lễ Tưởng Niệm cũng là dịp để chúng ta “khích lệ lẫn nhau” (Rô 1:12). Mỗi năm, nhiều tín đồ ngưng hoạt động cũng tham dự buổi lễ. Thậm chí, một số người còn được thúc đẩy trở về với Ðức Giê-hô-va vì họ được chào đón nồng nhiệt. Nhiều người chú ý cũng ấn tượng trước những gì họ thấy và nghe, nên muốn bước đi trên con đường dẫn đến sự sống. Không lạ gì khi Lễ Tưởng Niệm có một vị trí quan trọng trong lòng chúng ta!

3. Lễ Tưởng Niệm hợp nhất đoàn thể anh em chúng ta trên toàn cầu như thế nào? (Cũng xem hình).

3 Cũng hãy nghĩ về cách Lễ Tưởng Niệm hợp nhất đoàn thể anh em của chúng ta trên toàn cầu. Nhân Chứng Giê-hô-va ở mỗi nơi trên thế giới lần lượt nhóm lại để cử hành buổi lễ khi mặt trời lặn. Tất cả chúng ta được nghe một bài giảng nhấn mạnh tầm quan trọng của giá chuộc. Chúng ta hát hai bài hát ngợi khen Ðức Giê-hô-va, chuyền các món biểu tượng và chân thành nói “a-men” ở cuối bốn lời cầu nguyện. Trong vòng 24 giờ, tất cả các hội thánh đều cử hành theo cùng một khuôn mẫu. Hẳn Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su vui mừng biết bao khi thấy chúng ta hợp nhất để tôn vinh hai đấng ấy theo cách này!

Lễ Tưởng Niệm hợp nhất đoàn thể anh em chúng ta trên toàn cầu (Xem đoạn 3) e


4. Bài này sẽ xem xét điều gì?

4 Bài này sẽ xem xét những câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị lòng cho Lễ Tưởng Niệm? Chúng ta có thể giúp người khác ra sao để họ nhận được lợi ích từ buổi lễ? Làm thế nào để giúp đỡ những người ngưng hoạt động? Câu trả lời cho những câu hỏi ấy sẽ giúp chúng ta sẵn sàng cho dịp rất quan trọng này.

LÀM THẾ NÀO ÐỂ CHUẨN BỊ LÒNG CHO LỄ TƯỞNG NIỆM?

5. (a) Tại sao chúng ta nên suy ngẫm về giá trị của giá chuộc? (Thi thiên 49:7, 8) (b) Anh chị học được gì từ video Tại sao Chúa Giê-su chết?

5 Một trong những cách quan trọng nhất để chuẩn bị lòng cho Lễ Tưởng Niệm là suy ngẫm về giá trị của giá chuộc. Chúng ta không bao giờ có thể tự chuộc mình khỏi tội lỗi và sự chết. (Ðọc Thi thiên 49:7, 8; cũng xem video Tại sao Chúa Giê-su chết?). a Vì vậy, Ðức Giê-hô-va đã sắp xếp để Chúa Giê-su hy sinh mạng sống vì chúng ta; điều này đòi hỏi hai đấng ấy phải trả một giá rất cao (Rô 6:23). Càng suy ngẫm về những gì Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su hy sinh, chúng ta càng quý trọng giá chuộc. Chúng ta sẽ xem xét một số điều mà hai đấng ấy đã sẵn lòng làm cho chúng ta. Nhưng trước hết, giá chuộc ấy bao hàm điều gì?

6. Giá chuộc bao hàm điều gì?

6 Giá chuộc là giá phải trả để mua lại điều gì đó. Lúc được tạo ra, người đầu tiên là A-đam là người hoàn hảo. Khi phạm tội, ông đánh mất triển vọng sống vĩnh cửu không chỉ của chính mình mà của tất cả con cháu ông. Ðể mua lại điều A-đam đã đánh mất, Chúa Giê-su dâng mạng sống hoàn hảo của mình làm giá chuộc. Suốt thời gian sống trên đất, Chúa Giê-su “chẳng hề phạm tội, trong miệng ngài không có điều chi gian trá” (1 Phi 2:22). Khi Chúa Giê-su chết, mạng sống hoàn hảo của ngài hoàn toàn tương xứng với mạng sống mà A-đam đã đánh mất.—1 Cô 15:45; 1 Ti 2:6.

7. Chúa Giê-su gặp phải một số thử thách nào khi còn ở trên đất?

7 Chúa Giê-su gặp nhiều thử thách trên đất, nhưng luôn tuyệt đối vâng lời Cha trên trời. Lúc còn nhỏ, Chúa Giê-su phải phục tùng cha mẹ bất toàn dù ngài là người hoàn hảo (Lu 2:51). Khi ở tuổi thanh thiếu niên, ngài phải kháng cự bất cứ áp lực nào có thể khiến ngài không vâng lời hoặc bất trung. Lúc trưởng thành, ngài phải kháng cự những cám dỗ của Sa-tan Ác Quỷ, kể cả sự tấn công trực diện vào lòng trung thành của ngài dành cho Ðức Chúa Trời (Mat 4:1-11). Sa-tan quyết tâm khiến cho Chúa Giê-su phạm tội để ngài không thể trả được giá chuộc.

8. Chúa Giê-su đã phải chịu đựng những thử thách nào khác?

8 Trong thời gian thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su đã chịu đựng những thử thách khác. Ngài bị ngược đãi và tính mạng bị đe dọa (Lu 4:28, 29; 13:31). Chúa Giê-su phải chịu đựng sự bất toàn của các môn đồ (Mác 9:33, 34). Khi bị đưa ra xét xử để định đoạt sự sống chết, Chúa Giê-su bị tra tấn và chế nhạo. Rồi ngài bị hành quyết một cách vô cùng đau đớn và nhục nhã (Hê 12:1-3). Chúa Giê-su cũng phải chịu đựng những giờ phút cuối cùng bằng sức riêng của mình mà không được Ðức Giê-hô-va bảo vệ. bMat 27:46.

9. Chúng ta cảm thấy thế nào về sự hy sinh của Chúa Giê-su? (1 Phi-e-rơ 1:8)

9 Rõ ràng, Chúa Giê-su đã phải trả một giá rất cao để làm giá chuộc. Chúng ta yêu thương ngài sâu xa khi suy ngẫm về mọi điều ngài đã sẵn sàng hy sinh cho chúng ta.—Ðọc 1 Phi-e-rơ 1:8.

10. Ðức Giê-hô-va đã phải hy sinh điều gì để cung cấp giá chuộc?

10 Còn Ðức Giê-hô-va thì sao? Ngài đã sẵn sàng hy sinh điều gì để Chúa Giê-su có thể trả giá chuộc? Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su có mối quan hệ gần gũi nhất mà người cha và người con có thể có (Châm 8:30). Vậy hãy thử nghĩ Ðức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi thấy Chúa Giê-su phải chịu đựng nhiều thử thách như thế. Hẳn ngài đã rất đau lòng khi chứng kiến Con yêu dấu bị ngược đãi, chối bỏ và chịu đựng thử thách.

11. Ví dụ nào giúp chúng ta hiểu cảm xúc của Ðức Giê-hô-va khi Chúa Giê-su bị hành quyết?

11 Bất cứ cha mẹ nào có con đã mất đều có thể hiểu được nỗi đau tột bậc mà sự mất mát ấy gây ra. Chúng ta có niềm tin chắc nơi sự sống lại, nhưng điều đó không xóa được nỗi đau khi mất người thân yêu. Ví dụ này giúp chúng ta hiểu Ðức Giê-hô-va hẳn đã cảm thấy thế nào khi chứng kiến Con yêu dấu phải chịu đau đớn và chết vào ngày đó năm 33 CN.—Mat 3:17.

12. Chúng ta có thể làm gì trong những tuần trước Lễ Tưởng Niệm?

12 Từ giờ cho đến Lễ Tưởng Niệm, hãy tìm hiểu kỹ hơn về giá chuộc trong buổi học hỏi cá nhân hoặc Buổi thờ phượng của gia đình. Hãy dùng Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc các công cụ giúp học Kinh Thánh khác để nghiên cứu kỹ hơn về đề tài này. c Ðồng thời, hãy theo sát chương trình đọc Kinh Thánh vào mùa Lễ Tưởng Niệm trong Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức. Và vào ngày Lễ Tưởng Niệm, đừng quên xem chương trình Thờ phượng buổi sáng đặc biệt. Khi chuẩn bị lòng cho Lễ Tưởng Niệm, chúng ta sẽ hữu hiệu hơn trong việc giúp người khác nhận được lợi ích từ sự kiện này.—Ê-xơ-ra 7:10.

GIÚP NGƯỜI KHÁC NHẬN ÐƯỢC LỢI ÍCH

13. Bước đầu tiên để giúp người khác nhận được lợi ích từ Lễ Tưởng Niệm là gì?

13 Làm thế nào chúng ta có thể giúp người khác nhận được lợi ích từ Lễ Tưởng Niệm? Dĩ nhiên, bước đầu tiên là mời họ đến tham dự. Ngoài việc mời những người mình gặp trong thánh chức, hãy lên danh sách những người mà mình sẽ mời. Ðó có thể là họ hàng, đồng nghiệp, bạn học và những người khác. Ngay cả nếu không có đủ giấy mời bản in thì chúng ta có thể gửi cho họ bản điện tử. Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy nhiều người đến tham dự!—Truyền 11:6.

14. Hãy nêu ví dụ cho thấy sức mạnh của lời mời trực tiếp.

14 Ðừng bao giờ xem nhẹ sức mạnh của lời mời trực tiếp. Ngày nọ, một chị có chồng không cùng niềm tin đã rất ngạc nhiên khi anh nói là sẽ đến tham dự Lễ Tưởng Niệm cùng chị. Tại sao chị ngạc nhiên? Vì trước đây nhiều lần chị đã mời anh đến tham dự nhưng anh đều từ chối. Tại sao lần này anh ấy lại đồng ý? Anh nói với chị: “Anh đã nhận được lời mời trực tiếp”. Một trưởng lão địa phương mà anh quen biết đã mời anh. Chồng chị đã tham dự Lễ Tưởng Niệm năm đó và nhiều năm sau.

15. Chúng ta muốn nhớ điều gì khi mời người khác tham dự Lễ Tưởng Niệm?

15 Hãy nhớ rằng những người mà chúng ta mời có thể có thắc mắc, đặc biệt nếu họ chưa bao giờ tham dự buổi nhóm họp. Chúng ta có thể suy nghĩ trước những câu mà họ có thể hỏi và cách trả lời (Cô 4:6). Chẳng hạn, một số người có thể thắc mắc: “Ðiều gì diễn ra tại sự kiện này?”, “Chương trình sẽ kéo dài bao lâu?”, “Có yêu cầu về cách ăn mặc không?”, “Có mất phí không?”, “Sẽ có quyên góp không?”. Khi mời một người dự Lễ Tưởng Niệm, chúng ta có thể hỏi: “Ông/Bà có thắc mắc gì không?”, rồi giải đáp những thắc mắc đó. Chúng ta cũng có thể dùng các video Hãy tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-suÐiều gì diễn ra tại Phòng Nước Trời? để giúp họ hiểu buổi nhóm họp diễn ra như thế nào. Bài 28 của sách Vui sống mãi mãi! cũng có nhiều điểm hay mà chúng ta có thể chia sẻ với họ.

16. Những người tham dự Lễ Tưởng Niệm có thể nêu những câu hỏi nào khác?

16 Sau khi tham dự Lễ Tưởng Niệm, những người chú ý có thể nêu một số câu hỏi khác. Có lẽ họ thắc mắc: “Tại sao chỉ có ít người (hoặc không có ai) dùng các món biểu tượng?”, “Buổi lễ được cử hành bao lâu một lần?”, “Có phải tất cả các buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va đều diễn ra giống như thế không?”. Dù một số thắc mắc này đã được giải đáp trong bài diễn văn Lễ Tưởng Niệm, nhưng những người mới có thể vẫn cần được giải thích thêm. Bài “Tại sao cách Nhân Chứng Giê-hô-va cử hành Tiệc Thánh của Chúa không giống với các tôn giáo khác?” trên jw.org có thể giúp chúng ta giải đáp một số câu hỏi của họ. Chúng ta muốn làm mọi điều có thể vào trước, trong và sau Lễ Tưởng Niệm để giúp những người “có lòng ngay thẳng” nhận được lợi ích từ buổi lễ này.—Công 13:48.

GIÚP NHỮNG NGƯỜI NGƯNG HOẠT ÐỘNG

17. Các trưởng lão có thể làm gì để giúp những người ngưng hoạt động? (Ê-xê-chi-ên 34:12, 16)

17 Trong mùa Lễ Tưởng Niệm, các trưởng lão có thể làm gì để giúp những người ngưng hoạt động? Hãy cho thấy các anh quan tâm đến họ. (Ðọc Ê-xê-chi-ên 34:12, 16). Trước Lễ Tưởng Niệm, hãy liên lạc với càng nhiều người ngưng hoạt động càng tốt. Hãy cho họ biết rằng các anh yêu quý và muốn giúp họ theo bất cứ cách nào có thể. Hãy mời họ tham dự Lễ Tưởng Niệm. Nếu họ đến, hãy chào đón một cách nồng ấm. Sau Lễ Tưởng Niệm, hãy liên lạc với những anh chị yêu dấu này và cung cấp bất cứ sự hỗ trợ nào về mặt thiêng liêng mà họ cần để trở về với Ðức Giê-hô-va.—1 Phi 2:25.

18. Tất cả chúng ta có thể giúp đỡ những người ngưng hoạt động bằng cách nào? (Rô-ma 12:10)

18 Mọi thành viên trong hội thánh có thể giúp đỡ những người ngưng hoạt động đã đến tham dự Lễ Tưởng Niệm. Bằng cách nào? Ðó là đối xử với họ một cách yêu thương, tử tế và tôn trọng. (Ðọc Rô-ma 12:10). Hãy nhớ rằng những chiên yêu dấu này đã có thể ngần ngại tới Phòng Nước Trời. Có lẽ họ sợ là mình sẽ không được chào đón. d Vì thế, hãy tránh hỏi những câu khiến họ xấu hổ hoặc nói những điều khiến họ đau lòng (1 Tê 5:11). Các anh chị này là anh em đồng đạo của chúng ta. Chúng ta vui mừng khi lại cùng họ thờ phượng Ðức Giê-hô-va!—Thi 119:176; Công 20:35.

19. Việc tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại những lợi ích nào?

19 Không lạ gì khi Chúa Giê-su lệnh cho chúng ta cử hành Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của ngài hằng năm. Khi chúng ta làm thế, chính mình và những người khác nhận được lợi ích theo nhiều cách (Ê-sai 48:17, 18). Chúng ta càng yêu thương Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su nhiều hơn. Chúng ta thể hiện lòng biết ơn sâu xa về những điều mà hai đấng ấy đã làm cho mình. Chúng ta củng cố mối quan hệ với anh em đồng đạo, và có thể giúp người khác hiểu họ cần làm gì để cũng được hưởng những ân phước nhờ giá chuộc. Vậy hãy làm mọi điều có thể để sẵn sàng cho Lễ Tưởng Niệm sắp đến, là ngày quan trọng nhất trong năm!

LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ…

  • chuẩn bị lòng cho Lễ Tưởng Niệm?

  • giúp người khác nhận được lợi ích từ buổi lễ?

  • giúp đỡ những người ngưng hoạt động?

BÀI HÁT 18 Biết ơn về giá chuộc

a Dùng chức năng tìm kiếm trên jw.org để tìm những bài và video được đề cập trong bài này.

b Xem bài “Ðộc giả thắc mắc” trong Tháp Canh tháng 4 năm 2021.

d Xem các hình và khung “ Hội thánh phản ứng như thế nào?”. Một anh ngưng hoạt động cảm thấy ngại bước vào Phòng Nước Trời, nhưng anh vượt qua cảm xúc ấy. Anh được chào đón nồng nhiệt và vui vẻ kết hợp với anh em.

e HÌNH ẢNH: Trong khi dân của Ðức Giê-hô-va tại một khu vực cử hành Lễ Tưởng Niệm, thì anh em đồng đạo ở những khu vực khác trên thế giới chuẩn bị cho sự kiện đặc biệt này.