Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Sự yếu đuối của tôi tôn vinh sức mạnh của Đức Chúa Trời

Sự yếu đuối của tôi tôn vinh sức mạnh của Đức Chúa Trời

Khi vợ chồng tôi đến Colombia vào năm 1985, đất nước này đang ở trong tình trạng vô cùng bạo lực. Chính quyền phải chống lại các tập đoàn ma túy đầy quyền lực ở thành phố và quân du kích trên núi. Tại khu vực Medellín, nơi mà sau này chúng tôi phụng sự, những tên giang hồ trẻ mang theo súng hoành hành trên các con phố. Họ buôn bán ma túy, bảo kê và đâm thuê chém mướn. Không ai trong số họ sống được lâu. Chúng tôi cảm thấy như thể mình đang sống ở một thế giới khác.

Tại sao hai người dân bình thường của Phần Lan, một trong những nước ở cực bắc của trái đất, lại sống ở Nam Mỹ? Và tôi đã rút ra những bài học nào qua nhiều năm tháng của cuộc đời?

LỚN LÊN Ở PHẦN LAN

Tôi sinh năm 1955, và là con út trong một gia đình có ba anh em trai. Tôi lớn lên ở gần bờ biển phía nam của Phần Lan, tại một khu vực mà nay được gọi là thành phố Vantaa.

Mẹ tôi báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vài năm trước khi tôi sinh ra. Tuy nhiên, cha tôi chống đối chân lý và không cho mẹ dạy anh em chúng tôi Kinh Thánh hoặc đưa chúng tôi đến nhóm họp. Vì thế, mẹ dạy chúng tôi những sự thật cơ bản trong Kinh Thánh khi cha không có mặt.

Tôi đứng về phía Đức Giê-hô-va lúc bảy tuổi

Từ lúc nhỏ, tôi đã đứng về phía Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, khi tôi lên bảy, cô giáo đã rất tức giận khi tôi không chịu ăn bánh verilättyjä (bánh kếp Phần Lan có huyết). Một tay cô bóp hai bên má tôi để miệng đang mím chặt phải mở ra, còn tay kia thì cố nhét nĩa bánh vào. Tôi đã hất cái nĩa ra khỏi tay cô.

Năm tôi 12 tuổi, cha tôi qua đời. Sau đó, tôi có thể tham dự nhóm họp. Các anh trong hội thánh đã rất quan tâm đến tôi, và điều này thúc đẩy tôi tiến bộ về thiêng liêng. Tôi bắt đầu đọc Kinh Thánh hằng ngày và siêng năng học các ấn phẩm của chúng ta. Thói quen học hỏi tốt này giúp tôi tiến đến bước báp-têm lúc 14 tuổi vào ngày 8-8-1969.

Sau khi học xong phổ thông, tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều. Chỉ trong vài tuần, tôi chuyển đến phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn là Pielavesi, gần trung tâm của Phần Lan.

Tại Pielavesi, tôi gặp được người mà sau này trở thành vợ yêu dấu của mình là Sirkka. Tôi được thu hút trước sự khiêm tốn và thiêng liêng tính của cô ấy. Sirkka không tìm kiếm sự nổi trội và đời sống thoải mái về vật chất. Cả hai chúng tôi đều muốn phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều nhất có thể, và sẵn sàng làm bất cứ nhiệm vụ nào được giao. Chúng tôi kết hôn vào ngày 23-3-1974. Thay vì đi hưởng tuần trăng mật, chúng tôi chuyển đến nơi có nhu cầu còn lớn hơn nữa là Karttula.

Ngôi nhà chúng tôi thuê ở Karttula, Phần Lan

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHĂM SÓC CHÚNG TÔI

Xe mà anh trai tặng chúng tôi

Từ lúc chúng tôi mới kết hôn, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài sẽ chăm lo nhu cầu vật chất nếu chúng tôi tìm kiếm Nước Trời trước hết (Mat 6:33). Chẳng hạn, ở Karttula, chúng tôi không có xe hơi. Lúc đầu, chúng tôi đi lại bằng xe đạp. Tuy nhiên, vào mùa đông, nhiệt độ ở đó giảm xuống âm độ. Để rao giảng trong khu vực rộng lớn của hội thánh, chúng tôi cần xe hơi nhưng lại không có đủ tiền mua.

Anh trai tôi bất ngờ đến thăm chúng tôi. Anh rộng rãi đề nghị tặng cho chúng tôi xe hơi của mình. Tiền bảo hiểm xe đã được trả nên chúng tôi chỉ cần mua xăng. Thế là chúng tôi có phương tiện mà mình cần.

Đức Giê-hô-va cho thấy ngài đã đảm nhận trách nhiệm chăm lo nhu cầu vật chất cho chúng tôi. Còn trách nhiệm của chúng tôi là đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu.

TRƯỜNG GA-LA-ÁT

Lớp mà chúng tôi tham dự của Trường dành cho tiên phong năm 1978

Khi chúng tôi tham dự Trường dành cho tiên phong vào năm 1978, một trong các giảng viên là anh Raimo Kuokkanen a đã khuyến khích chúng tôi nộp đơn xin học Trường Ga-la-át. Vì thế, chúng tôi bắt đầu học tiếng Anh với mục tiêu là hội đủ điều kiện tham dự trường. Tuy nhiên, vào năm 1980, khi chúng tôi chưa kịp nộp đơn Trường Ga-la-át thì đã được mời phụng sự tại văn phòng chi nhánh Phần Lan. Lúc đó, thành viên Bê-tên không được nộp đơn học Trường Ga-la-át. Nhưng chúng tôi muốn phụng sự ở nơi mà Đức Giê-hô-va, chứ không phải chúng tôi, nghĩ là tốt nhất. Vì thế, chúng tôi nhận lời mời ấy. Dù vậy, chúng tôi tiếp tục học tiếng Anh phòng khi có cơ hội nộp đơn học Trường Ga-la-át.

Vài năm sau, Hội đồng Lãnh đạo cho biết là thành viên Bê-tên có thể nộp đơn học Trường Ga-la-át. Chúng tôi bèn nộp đơn ngay, nhưng không phải vì không thích ở Bê-tên nữa. Dù rất thích làm việc tại đó nhưng chúng tôi sẵn sàng phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn nếu hội đủ điều kiện. Chúng tôi được mời tham dự Trường Ga-la-át và tốt nghiệp khóa thứ 79 vào tháng 9 năm 1985. Nhiệm sở của chúng tôi là Colombia.

NHIỆM SỞ GIÁO SĨ ĐẦU TIÊN

Ở Colombia, đầu tiên chúng tôi được bổ nhiệm đến văn phòng chi nhánh. Tôi cố gắng hết sức trong nhiệm sở này, nhưng sau một năm, tôi cảm thấy chúng tôi cần có sự thay đổi. Lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời, tôi đã xin đổi nhiệm sở. Sau đó, chúng tôi được bổ nhiệm làm giáo sĩ ở khu Huila thuộc thành phố Neiva.

Tôi luôn thích rao giảng. Lúc còn là tiên phong độc thân ở Phần Lan, đôi khi tôi rao giảng từ sáng sớm đến tận buổi tối. Còn khi mới kết hôn, vợ chồng chúng tôi dành cả sáng lẫn chiều để rao giảng. Khi làm chứng ở những khu vực xa xôi, có lúc chúng tôi ngủ trong xe hơi. Nhờ thế, chúng tôi tiết kiệm được thời gian đi lại và có thể bắt đầu rao giảng tiếp vào sáng sớm hôm sau.

Là giáo sĩ, chúng tôi một lần nữa cảm nhận được lòng nhiệt huyết dành cho thánh chức mà mình từng có trước đây. Hội thánh của chúng tôi lớn mạnh, còn các anh chị ở Colombia thì có lòng tôn trọng, yêu thương và biết ơn người khác.

SỨC MẠNH CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

Không xa nhiệm sở của chúng tôi ở Neiva là những thị trấn không có Nhân Chứng. Tôi lo không biết là làm thế nào tin mừng đến được những nơi này. Do cuộc chiến của quân du kích, những khu vực ấy nguy hiểm cho người không phải là người địa phương. Vì thế, tôi cầu nguyện để có ai đó trong những thị trấn này trở thành Nhân Chứng. Tôi nghĩ là người ấy sẽ phải sống ở Neiva mới biết được chân lý. Thế nên, tôi cũng cầu xin là sau khi báp-têm, người ấy sẽ thành thục về thiêng liêng và quay về quê nhà để rao giảng. Nhưng Đức Giê-hô-va có giải pháp tốt hơn nhiều so với giải pháp của tôi.

Không lâu sau, tôi bắt đầu học Kinh Thánh với một thanh niên tên là Fernando González. Anh ấy sống ở Algeciras, một trong những thị trấn không có Nhân Chứng. Fernando phải đi hơn 50km đến Neiva để làm việc. Anh chuẩn bị rất kỹ cho các buổi học và liền tham dự tất cả các buổi nhóm họp. Ngay tuần đầu tiên bắt đầu học, Fernando tập hợp một số người trong thị trấn và dạy họ những gì mình học được trong buổi thảo luận Kinh Thánh.

Với anh Fernando năm 1993

Sáu tháng kể từ khi học Kinh Thánh, Fernando báp-têm vào tháng 1 năm 1990. Sau đó, anh làm tiên phong đều đều. Vì có một Nhân Chứng địa phương ở Algeciras, văn phòng chi nhánh thấy an toàn để bổ nhiệm tiên phong đặc biệt đến đó. Vào tháng 2 năm 1992, một hội thánh được thành lập ở thị trấn này.

Có phải Fernando chỉ rao giảng ở quê nhà không? Không! Sau khi kết hôn, vợ chồng anh chuyển đến San Vicente del Caguán, một thị trấn khác cũng không có Nhân Chứng. Tại đây, họ giúp thành lập một hội thánh. Năm 2002, Fernando được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh. Anh và vợ là chị Olga tiếp tục công tác lưu động cho đến ngày nay.

Qua kinh nghiệm này, tôi học được rằng cầu nguyện cụ thể về những điều liên quan đến nhiệm sở của mình là rất quan trọng. Đức Giê-hô-va làm được những điều nằm ngoài khả năng của chúng ta. Suy cho cùng, đây là mùa gặt của ngài, chứ không phải của chúng ta.—Mat 9:38.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN “ƯỚC MUỐN LẪN SỨC MẠNH ĐỂ HÀNH ĐỘNG”

Năm 1990, chúng tôi được chỉ định làm công tác lưu động. Vòng quanh đầu tiên của chúng tôi là thủ đô Bogotá. Chúng tôi lo sợ khi nhận được nhiệm sở này. Vợ chồng tôi chỉ là những người bình thường, không có khả năng gì đặc biệt. Chúng tôi cũng không quen sống ở một thành phố sầm uất. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã thực hiện lời hứa của ngài nơi Phi-líp 2:13: “Theo điều đẹp lòng ngài, Đức Chúa Trời thêm sinh lực cho anh em và ban cho anh em ước muốn lẫn sức mạnh để hành động”.

Sau đó, chúng tôi được phái đến một vòng quanh ở khu vực Medellín, thành phố mà tôi đã đề cập lúc đầu. Người dân ở đó đã quen thuộc với cảnh bạo động trên đường phố đến mức không còn hoảng sợ. Chẳng hạn, có lần khi tôi đang điều khiển cuộc học hỏi tại một nhà thì có vụ bắn nhau xảy ra bên ngoài. Tôi định nằm sấp xuống sàn, nhưng học viên thì vẫn bình tĩnh đọc đoạn đang thảo luận. Khi đọc xong, anh xin ra ngoài. Một lúc sau, anh trở lại với hai đứa trẻ và bình tĩnh nói: “Xin lỗi, tôi phải ra đưa hai con của tôi vào”.

Có những lần khác, chúng tôi cũng gặp nguy hiểm. Lần nọ, khi chúng tôi đang rao giảng từng nhà, vợ tôi chạy vội đến chỗ tôi, mặt tái xanh. Cô ấy nói rằng có người nào đó đã bắn về phía mình. Tôi giật cả mình. Nhưng sau này, chúng tôi được biết là tay súng đó không nhắm vào Sirkka, mà nhắm vào người đàn ông đi ngang qua ngay cạnh cô ấy.

Theo thời gian, chúng tôi học cách đương đầu với bạo lực ngoài đường phố. Chúng tôi được khích lệ bởi tinh thần kiên cường của những Nhân Chứng địa phương, những người đối mặt với các tình huống như thế và thậm chí tệ hơn. Chúng tôi kết luận là nếu Đức Giê-hô-va trợ giúp họ, ngài cũng sẽ giúp đỡ chúng tôi. Chúng tôi luôn thận trọng, làm theo chỉ dẫn của các trưởng lão địa phương và để phần còn lại trong tay Đức Giê-hô-va.

Dĩ nhiên, một số tình huống không nguy hiểm như chúng tôi nghĩ. Có lần tôi nghe thấy tiếng giống như hai người phụ nữ đang chửi bới nhau bên ngoài ngôi nhà mà tôi đến thăm. Tôi không muốn xem cãi nhau, nhưng chủ nhà bảo tôi ra ngoài hiên. Hóa ra “cuộc cãi nhau” đó là tiếng của hai con vẹt đang bắt chước hàng xóm.

NHỮNG ĐẶC ÂN VÀ THỬ THÁCH MỚI

Năm 1997, tôi được bổ nhiệm làm giảng viên của Trường Huấn luyện Thánh chức. b Tôi luôn quý trọng việc tham dự các trường thần quyền, nhưng không bao giờ nghĩ là mình lại có đặc ân dạy một trường.

Sau này, tôi làm giám thị địa hạt. Khi không còn sự sắp đặt đó, tôi trở lại với công việc vòng quanh. Suốt hơn 30 năm, tôi rất vui với công việc làm giảng viên và giám thị lưu động. Những nhiệm sở này đã mang lại nhiều ân phước. Nhưng mọi chuyện không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Hãy để tôi giải thích.

Tôi có cá tính mạnh. Điều này đã giúp tôi đương đầu với những tình huống khó khăn. Nhưng có lúc tôi quá sốt sắng trong việc chỉnh sửa những vấn đề trong các hội thánh. Thỉnh thoảng tôi đã nhiệt tình khuyến giục một số anh chị cần yêu thương và phải lẽ với người khác. Nhưng trớ trêu là vào những lúc đó, tôi lại thiếu các phẩm chất này.—Rô 7:21-23.

Đôi khi tôi cảm thấy rất nản lòng trước những thiếu sót của mình (Rô 7:24). Có lần, tôi cầu nguyện rằng tốt nhất là tôi nên ngưng công việc giáo sĩ và trở lại Phần Lan. Tối đó, tôi tham dự buổi nhóm họp. Sự khích lệ mà tôi nhận được ở buổi nhóm ấy thuyết phục tôi là nên tiếp tục ở lại nhiệm sở và cải thiện thiếu sót của mình. Đến bây giờ, tôi rất cảm động trước việc Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình một cách rõ ràng. Ngoài ra, tôi cũng rất biết ơn vì ngài đã nhân từ giúp tôi vượt qua những điểm yếu của mình.

HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI VỚI LÒNG TIN CHẮC

Vợ chồng tôi vô cùng biết ơn Đức Giê-hô-va vì có đặc ân phụng sự trọn thời gian trong phần lớn cuộc đời. Tôi cũng rất biết ơn vì ngài đã ban cho tôi người vợ trung thành và đầy lòng yêu thương suốt ngần ấy năm tháng.

Tôi sắp 70 tuổi, nên sẽ không còn có đặc ân làm giảng viên và giám thị lưu động. Nhưng điều này không khiến tôi buồn. Tại sao? Vì tôi tin chắc điều tôn vinh Đức Giê-hô-va nhất là việc chúng ta phụng sự ngài với lòng khiêm tốn và ngợi khen ngài với một tấm lòng tràn đầy tình yêu thương và biết ơn (Mi 6:8; Mác 12:32-34). Để tôn vinh Đức Giê-hô-va, chúng ta không cần có một vị trí nổi trội.

Khi nhìn lại các nhiệm sở mà mình có, tôi thấy mình nhận được những nhiệm sở ấy không phải vì mình xứng đáng hơn người khác. Tôi cũng không nhận được đặc ân vì có khả năng nổi bật nào đó. Hoàn toàn không phải thế! Thay vì vậy, Đức Giê-hô-va ban cho tôi những nhiệm sở ấy vì lòng nhân từ bao la của ngài. Ngài ban cho tôi những đặc ân bất kể điểm yếu của mình. Tôi biết là mình chỉ hoàn thành được những nhiệm vụ này nhờ sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va. Vì vậy, có thể nói sự yếu đuối của tôi tôn vinh sức mạnh của Đức Chúa Trời.—2 Cô 12:9.

a Tự truyện của anh Raimo Kuokkanen, “Quyết tâm phụng sự Đức Giê-hô-va”, được đăng trong Tháp Canh ngày 1-4-2006.

b Trường này đã được thay thế bằng Trường dành cho người rao truyền Nước Trời.