BÀI HỌC 25

BÀI HÁT 7 Ðức Giê-hô-va, ngài là sức mạnh của chúng con

Hãy nhớ rằng Ðức Giê-hô-va là “Ðức Chúa Trời hằng sống”

Hãy nhớ rằng Ðức Giê-hô-va là “Ðức Chúa Trời hằng sống”

“Ðức Giê-hô-va hằng sống!”THI 18:46.

TRỌNG TÂM

Chúng ta nhận được nhiều lợi ích khi nhớ rằng đấng mà chúng ta thờ phượng là “Ðức Chúa Trời hằng sống”.

1. Ðiều gì giúp dân của Ðức Giê-hô-va tiếp tục thờ phượng ngài bất kể những vấn đề mà họ phải đương đầu?

 Kinh Thánh miêu tả giai đoạn mà chúng ta sống “là một thời kỳ đặc biệt và rất khó đương đầu” (2 Ti 3:1). Ngoài những khó khăn, thử thách mà mọi người trong thế gian này gặp phải, dân của Ðức Giê-hô-va phải đương đầu với sự chống đối và ngược đãi. Ðiều gì giúp chúng ta tiếp tục thờ phượng ngài bất kể những vấn đề này? Một điều quan trọng là qua trải nghiệm của mình, chúng ta biết Ðức Giê-hô-va là “Ðức Chúa Trời hằng sống”.—Giê 10:10; 2 Ti 1:12.

2. Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời hằng sống theo nghĩa nào?

2 Ðức Giê-hô-va là đấng có thật, ngài thấy mọi thử thách mà chúng ta gặp và sẵn sàng trợ giúp (2 Sử 16:9; Thi 23:4). Khi xem Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời hằng sống, chúng ta có thể đương đầu thành công với bất cứ thử thách nào. Hãy xem điều này đúng như thế nào trong trường hợp của vua Ða-vít.

3. Ý của Ða-vít là gì khi ông nói “Ðức Giê-hô-va hằng sống”?

3 Ða-vít biết rõ Ðức Giê-hô-va và nương cậy ngài. Khi bị vua Sau-lơ và những kẻ thù khác truy đuổi, Ða-vít đã cầu xin Ðức Giê-hô-va trợ giúp (Thi 18:6). Sau khi được ngài đáp lời cầu nguyện và giải cứu, ông thốt lên: “Ðức Giê-hô-va hằng sống!” (Thi 18:46). Ý của Ða-vít là gì? Một tài liệu tham khảo cho biết ông đang thể hiện lòng tin chắc rằng Ðức Giê-hô-va “là một đấng hằng sống luôn hành động vì lợi ích của dân ngài”. Thật vậy, qua kinh nghiệm của bản thân, Ða-vít biết rằng đấng mà ông thờ phượng là Ðức Chúa Trời hằng sống, và niềm tin chắc ấy giúp ông quyết tâm phụng sự và ngợi khen Ðức Giê-hô-va.—Thi 18:28, 29, 49.

4. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời hằng sống?

4 Niềm tin chắc Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời hằng sống có thể giúp chúng ta phụng sự ngài với lòng sốt sắng. Chúng ta sẽ có sức mạnh để chịu đựng thử thách và có động lực để tiếp tục siêng năng phụng sự Ðức Chúa Trời. Chúng ta cũng sẽ quyết tâm luôn gắn bó với ngài.

ÐỨC CHÚA TRỜI HẰNG SỐNG SẼ THÊM SỨC CHO ANH CHỊ

5. Ðiều gì giúp chúng ta đối mặt với thử thách với lòng tin chắc? (Phi-líp 4:13)

5 Nếu nhớ rằng Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời hằng sống và luôn sẵn sàng trợ giúp chúng ta, chúng ta có thể chịu đựng bất cứ thử thách nào, dù lớn hay nhỏ. Suy cho cùng, chẳng có vấn đề nào mà chúng ta gặp là quá khó với Ðức Chúa Trời. Ngài là Ðức Chúa Trời toàn năng, và có thể ban cho chúng ta sức mạnh để chịu đựng. (Ðọc Phi-líp 4:13). Vì thế, chúng ta có thể đối mặt với thử thách với lòng tin chắc. Nhờ cảm nghiệm Ðức Giê-hô-va trợ giúp mình trong những thử thách nhỏ, chúng ta tin chắc ngài cũng sẽ giúp mình trong những thử thách lớn.

6. Những trải nghiệm nào khi còn trẻ đã giúp Ða-vít gia tăng lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va?

6 Hãy xem hai trải nghiệm giúp Ða-vít gia tăng lòng tin cậy nơi Ðức Giê-hô-va. Khi Ða-vít còn là chàng chăn cừu, một con gấu, và lần khác là một con sư tử, đã bắt cừu trong bầy của cha cậu. Trong cả hai trường hợp, Ða-vít đều can đảm đuổi theo và giải cứu được con cừu. Nhưng cậu không nghĩ rằng tự mình giành được chiến thắng đó. Cậu biết Ðức Giê-hô-va đã ban cho mình sức mạnh (1 Sa 17:34-37). Ða-vít không bao giờ quên những trải nghiệm này. Nhờ suy ngẫm những trường hợp ấy, cậu tin chắc Ðức Chúa Trời hằng sống sẽ thêm sức cho mình trong tương lai.

7. Việc có quan điểm đúng giúp Ða-vít như thế nào để đối mặt với Gô-li-át?

7 Một thời gian sau, rất có thể khi Ða-vít vẫn còn ở tuổi thanh thiếu niên, cậu đến thăm trại quân Y-sơ-ra-ên. Cậu thấy quân lính khiếp sợ vì Gô-li-át, một gã khổng lồ người Phi-li-tia, đã “chế nhạo đội quân Y-sơ-ra-ên ở chiến tuyến” (1 Sa 17:10, 11). Quân lính sợ hãi là vì họ tập trung vào gã khổng lồ đó và những lời chế nhạo của hắn (1 Sa 17:24, 25). Tuy nhiên, Ða-vít có quan điểm hoàn toàn khác. Cậu xem việc Gô-li-át chế nhạo đội quân của Y-sơ-ra-ên là đang sỉ nhục “đội quân của Ðức Chúa Trời hằng sống” (1 Sa 17:26). Ða-vít đã tập trung vào Ðức Giê-hô-va. Cậu tin chắc rằng đấng đã giúp mình khi là chàng chăn cừu cũng sẽ giúp mình trong tình huống này. Với lòng tin chắc ấy, Ða-vít đối mặt với Gô-li-át, và dĩ nhiên cậu đã giành chiến thắng!—1 Sa 17:45-51.

8. Ðiều gì giúp chúng ta củng cố lòng tin chắc là Ðức Giê-hô-va sẽ giúp mình khi gặp thử thách? (Cũng xem hình).

8 Chúng ta cũng có thể đương đầu thành công với thử thách nếu nhớ rằng Ðức Chúa Trời hằng sống sẵn sàng trợ giúp mình (Thi 118:6). Chúng ta có thể củng cố lòng tin chắc đó bằng cách suy ngẫm về những gì ngài đã làm trong quá khứ. Hãy đọc những lời tường thuật trong Kinh Thánh nhắc anh chị nhớ rằng Ðức Giê-hô-va đã giải cứu những người thờ phượng ngài (Ê-sai 37:17, 33-37). Cũng hãy xem các báo cáo trên jw.org cho thấy cách ngài trợ giúp anh em của chúng ta vào thời hiện đại. Ngoài ra, hãy nhớ lại những lúc Ðức Giê-hô-va hành động để giúp anh chị. Có lẽ anh chị cảm thấy ngài chưa làm điều gì đáng kinh ngạc như giải cứu mình khỏi sư tử và gấu. Nhưng sự thật là Ðức Giê-hô-va đã làm nhiều điều cho anh chị! Ngài đã kéo anh chị đến làm bạn của ngài (Giăng 6:44). Thậm chí trong hiện tại, chính nhờ sự trợ giúp của ngài, anh chị vẫn còn theo chân lý. Hãy cầu xin Ðức Giê-hô-va giúp anh chị nhớ lại những lần ngài đáp lời cầu nguyện của mình, hỗ trợ đúng lúc hoặc trợ giúp anh chị trong tình huống khó khăn. Việc nhớ lại những trải nghiệm như thế giúp anh chị càng tin chắc Ðức Giê-hô-va sẽ tiếp tục hành động để giúp mình.

Việc chúng ta đối mặt với thử thách là một phần của vấn đề lớn hơn (Xem đoạn 8, 9)


9. Chúng ta nên có quan điểm nào về thử thách của mình? (Châm ngôn 27:11)

9 Việc xem Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời hằng sống và có cảm xúc sẽ giúp chúng ta có quan điểm đúng về thử thách của mình. Như thế nào? Chúng ta bắt đầu xem thử thách của mình là một phần trong vấn đề lớn hơn giữa Ðức Giê-hô-va và Sa-tan. Ác Quỷ cho rằng khi chịu đau khổ, chúng ta sẽ từ bỏ Ðức Giê-hô-va (Gióp 1:10, 11; đọc Châm ngôn 27:11). Nhưng khi giữ lòng trung thành với Ðức Giê-hô-va bất kể thử thách, chúng ta cho thấy mình yêu thương ngài và chứng tỏ Ác Quỷ là kẻ nói dối. Anh chị có đang gặp sự chống đối từ chính quyền, khó khăn về kinh tế, phản ứng tiêu cực của người trong khu vực hoặc thử thách nào khác không? Nếu có, hãy nhớ rằng những thử thách đó cho anh chị cơ hội để làm lòng Ðức Giê-hô-va vui mừng. Cũng hãy nhớ là ngài sẽ không bao giờ để anh chị bị thử thách quá sức (1 Cô 10:13). Ngài sẽ ban cho anh chị sức mạnh để chịu đựng.

ÐỨC CHÚA TRỜI HẰNG SỐNG SẼ BAN THƯỞNG CHO ANH CHỊ

10. Ðức Chúa Trời hằng sống sẽ làm gì cho những người thờ phượng ngài?

10 Ðức Giê-hô-va là Ðấng Ban Thưởng cho những người thờ phượng ngài (Hê 11:6). Ngài ban cho chúng ta sự bình an và thỏa lòng ngay bây giờ, cũng như sự sống vĩnh cửu trong tương lai. Chúng ta có thể đặt hy vọng nơi Ðức Giê-hô-va, tin chắc ngài có cả ước muốn lẫn quyền năng để ban thưởng cho chúng ta. Niềm tin chắc ấy thôi thúc chúng ta tiếp tục bận rộn trong việc thờ phượng Ðức Giê-hô-va, giống như các tôi tớ trung thành của ngài đã làm trong quá khứ. Một trong số đó là Ti-mô-thê.—Hê 6:10-12.

11. Ðiều gì thôi thúc Ti-mô-thê làm việc siêng năng trong hội thánh? (1 Ti-mô-thê 4:10)

11 Ðọc 1 Ti-mô-thê 4:10. Ti-mô-thê đặt hy vọng nơi Ðức Chúa Trời hằng sống. Vì thế, ông đã siêng năng và cố gắng hết sức trong việc phục vụ. Bằng cách nào? Sứ đồ Phao-lô khuyến khích Ti-mô-thê tiến bộ để trở thành người dạy dỗ hữu hiệu hơn trong thánh chức và hội thánh. Ti-mô-thê cũng cần nêu gương tốt cho anh em đồng đạo, cả già lẫn trẻ. Và ông được giao một số nhiệm vụ khó, trong đó có việc đưa ra lời khuyên thẳng thắn nhưng yêu thương cho những người cần được khuyên (1 Ti 4:11-16; 2 Ti 4:1-5). Ti-mô-thê có thể tin chắc là ngay cả nếu người khác không thấy hoặc không biết ơn về công việc của mình, Ðức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho ông.—Rô 2:6, 7.

12. Ðiều gì có thể thôi thúc các trưởng lão làm việc siêng năng? (Cũng xem hình).

12 Ngày nay, các trưởng lão cũng có thể chắc chắn là Ðức Giê-hô-va thấy và quý trọng công việc tốt lành của họ. Ngoài việc chăn chiên, dạy dỗ và rao giảng, nhiều trưởng lão cũng hỗ trợ các dự án xây cất và công việc cứu trợ thảm họa. Các trưởng lão khác thì phục vụ trong Nhóm Thăm viếng Bệnh nhân hoặc Ủy ban Liên lạc Bệnh viện. Những trưởng lão sẵn sàng làm các công việc như thế xem hội thánh là sắp đặt của Ðức Giê-hô-va, chứ không phải của con người. Nhờ vậy, họ hết lòng chu toàn nhiệm vụ của mình và tin chắc ngài sẽ ban thưởng cho họ.—Cô 3:23, 24.

Ðức Chúa Trời hằng sống sẽ ban thưởng cho anh chị khi anh chị làm việc siêng năng cho hội thánh (Xem đoạn 12, 13)


13. Ðức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về nỗ lực của chúng ta trong việc phụng sự ngài?

13 Không phải mọi người đều có thể làm trưởng lão. Nhưng tất cả chúng ta đều có thể dâng cho Ðức Giê-hô-va một điều gì đó. Ðức Chúa Trời hài lòng khi chúng ta cố gắng hết sức phụng sự ngài. Ngài thấy những khoản đóng góp của chúng ta cho công việc toàn cầu, dù chúng khiêm tốn đến mấy. Ðức Giê-hô-va vui khi chúng ta nỗ lực vượt qua tính nhút nhát và giơ tay bình luận tại buổi nhóm họp. Ngài cũng rất vui khi chúng ta tha thứ cho người xúc phạm mình. Ngay cả nếu anh chị cảm thấy không làm được nhiều cho Ðức Giê-hô-va như mong muốn, hãy tin chắc ngài quý trọng nỗ lực của mình. Ngài yêu thương anh chị vì những gì anh chị làm trong khả năng của mình, và sẽ ban thưởng cho anh chị.—Lu 21:1-4.

HÃY LUÔN GẮN BÓ VỚI ÐỨC CHÚA TRỜI HẰNG SỐNG

14. Làm thế nào việc có tình bạn mật thiết với Ðức Giê-hô-va giúp chúng ta giữ trung thành? (Cũng xem hình).

14 Nếu Ðức Giê-hô-va có thật với chúng ta, chúng ta sẽ thấy dễ hơn để giữ trung thành với ngài. Ðiều này đúng trong trường hợp của Giô-sép. Chàng trai này cương quyết không phạm tội vô luân. Ðức Chúa Trời là đấng có thật với cậu, và cậu không muốn làm ngài buồn lòng (Sáng 39:9). Ðể xem Ðức Giê-hô-va là đấng có thật, chúng ta cần dành thời gian cầu nguyện và học hỏi Lời ngài. Nhờ thế, tình bạn của chúng ta với ngài sẽ lớn mạnh. Giống như Giô-sép, khi có tình bạn mật thiết với Ðức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không muốn làm bất cứ điều gì khiến ngài buồn lòng.—Gia 4:8.

Việc đến gần Ðức Chúa Trời hằng sống sẽ giúp anh chị giữ trung thành (Xem đoạn 14, 15)


15. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ điều đã xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc? (Hê-bơ-rơ 3:12)

15 Những người quên rằng Ðức Giê-hô-va là Ðức Chúa Trời hằng sống có thể dễ rời xa ngài. Hãy xem điều đã xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc. Họ biết rằng Ðức Giê-hô-va hiện hữu, nhưng lại bắt đầu nghi ngờ việc ngài chăm sóc cho họ. Thậm chí họ còn hỏi: “Ðức Giê-hô-va có ở giữa chúng ta hay không?” (Xuất 17:2, 7). Hậu quả là họ đã phản nghịch ngài. Chắc chắn chúng ta muốn tránh bắt chước gương xấu ấy.—Ðọc Hê-bơ-rơ 3:12.

16. Ðiều gì có thể thử thách đức tin của chúng ta?

16 Thế gian làm cho chúng ta khó tiếp tục gắn bó với Ðức Giê-hô-va. Nhiều người bác bỏ ý tưởng là Ðức Chúa Trời hiện hữu. Trong nhiều trường hợp, những người lờ đi các đòi hỏi của ngài dường như lại có đời sống tốt đẹp. Khi chúng ta thấy điều đó, đức tin của chúng ta có thể bị thử thách. Dù không phủ nhận sự hiện hữu của Ðức Chúa Trời nhưng chúng ta có thể bắt đầu phân vân liệu ngài có hành động để giúp mình hay không. Người viết bài Thi thiên 73 cũng từng cảm thấy như thế. Ông thấy những người xung quanh lờ đi luật pháp của Ðức Chúa Trời nhưng vẫn sống sung sướng. Vì thế, ông bắt đầu băn khoăn liệu việc phụng sự ngài có đáng công hay không.—Thi 73:11-13.

17. Ðiều gì giúp chúng ta luôn gắn bó với Ðức Giê-hô-va?

17 Ðiều gì giúp người viết Thi thiên điều chỉnh quan điểm? Ông suy ngẫm về hậu quả mà những người quên Ðức Giê-hô-va phải gánh chịu (Thi 73:18, 19, 27). Ông cũng xem xét lợi ích của việc phụng sự ngài (Thi 73:24). Chúng ta cũng có thể suy ngẫm về những ân phước mà Ðức Giê-hô-va đã ban cho mình. Hãy hình dung đời sống mình sẽ khác thế nào nếu không phụng sự ngài. Làm những điều ấy có thể giúp chúng ta tiếp tục trung thành với ngài và kết luận giống như người viết Thi thiên: “Phần con, thật tốt khi được đến gần với Ðức Chúa Trời”.—Thi 73:28.

18. Tại sao chúng ta có thể đối mặt với tương lai với lòng tin chắc?

18 Vì là “đầy tớ của Ðức Chúa Trời thật và hằng sống”, chúng ta có thể đối phó thành công với bất cứ thử thách nào trong những ngày sau cùng (1 Tê 1:9). Ðức Chúa Trời của chúng ta là đấng có thật, và ngài hành động để giúp những người thờ phượng ngài. Ðức Chúa Trời đã ở bên cạnh các tôi tớ ngài trong quá khứ, và cũng ở cùng chúng ta ngày nay. Chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ đối mặt với hoạn nạn lớn nhất chưa từng xảy ra trên đất. Nhưng chúng ta sẽ không đơn độc (Ê-sai 41:10). Mong sao tất cả chúng ta “có sự can đảm và nói: ‘Ðức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ chẳng sợ hãi gì’”.—Hê 13:5, 6.

BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con