Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 23

BÀI HÁT 28 Để được làm bạn với Đức Giê-hô-va

Đức Giê-hô-va mời chúng ta làm khách của ngài

Đức Giê-hô-va mời chúng ta làm khách của ngài

“Lều của ta sẽ ở với họ, ta sẽ là Đức Chúa Trời của họ”.Ê-XÊ 37:27.

TRỌNG TÂM

Gia tăng lòng biết ơn về lời mời trở thành khách trong lều theo nghĩa bóng của Đức Giê-hô-va và về cách ngài chăm sóc chúng ta với tư cách là Chủ Nhà.

1, 2. Đức Giê-hô-va đưa ra lời mời nào cho những người thờ phượng trung thành?

 Đức Giê-hô-va đóng vai trò nào trong đời sống anh chị? Có lẽ anh chị nói: “Đức Giê-hô-va là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn tôi”. Anh chị cũng có thể nghĩ đến những tước hiệu khác để miêu tả về Đức Giê-hô-va. Tuy nhiên, anh chị có xem ngài là Chủ Nhà tiếp đãi mình không?

2 Vua Đa-vít ví tình bạn giữa Đức Giê-hô-va và những người trung thành thờ phượng ngài với mối quan hệ giữa chủ nhà và khách. Ông hỏi ngài: “Lạy Đức Giê-hô-va, ai được làm khách trong lều ngài? Ai được ngụ tại núi thánh ngài?” (Thi 15:1). Qua những lời được soi dẫn này, chúng ta biết rằng mình có thể trở thành khách của Đức Giê-hô-va, tức là bạn ngài. Chẳng phải đó là đặc ân tuyệt vời sao?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MUỐN CHÚNG TA LÀM KHÁCH CỦA NGÀI

3. Ai là vị khách đầu tiên của Đức Giê-hô-va? Đức Giê-hô-va và vị khách ấy cảm thấy thế nào về nhau?

3 Trước công cuộc sáng tạo, chỉ một mình Đức Giê-hô-va hiện hữu. Nhưng đến một lúc, ngài chào đón Con đầu lòng vào lều theo nghĩa bóng của ngài. Đức Giê-hô-va rất vui với vai trò mới là Chủ Nhà. Kinh Thánh cho biết rằng ngài “đặc biệt quý mến” Con ngài. Và vị khách đầu tiên ấy cũng “luôn luôn vui mừng tại trước mặt [Đức Giê-hô-va]”.—Châm 8:30.

4. Ai khác cũng được mời làm khách trong lều của Đức Giê-hô-va?

4 Sau đó, Đức Giê-hô-va tạo ra các thiên sứ, và cũng mời họ trở thành khách của ngài. Kinh Thánh gọi các thiên sứ là “con trai Đức Chúa Trời” và cho biết họ vui mừng được ở bên ngài (Gióp 38:7; Đa 7:10). Trong một thời gian, khách của Đức Chúa Trời chỉ gồm những thiên sứ ở trên trời, là nơi ngài ngự. Sau này, khách của ngài cũng bao gồm con người trên đất, trong số đó có Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham và Gióp. Những người thờ phượng chân chính này được miêu tả là bạn của Đức Chúa Trời, hay những người đồng đi “với Đức Chúa Trời thật”.—Sáng 5:24; 6:9; Gióp 29:4; Ê-sai 41:8.

5. Chúng ta học được gì từ lời tiên tri nơi Ê-xê-chi-ên 37:26, 27?

5 Suốt nhiều thế kỷ, Đức Giê-hô-va tiếp tục mời các bạn ngài trở thành khách trong lều ngài. (Đọc Ê-xê-chi-ên 37:26, 27). Chẳng hạn, qua lời tiên tri của Ê-xê-chi-ên, chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời thật sự muốn những người trung thành thờ phượng ngài có mối quan hệ mật thiết với ngài. Đức Chúa Trời hứa sẽ lập “giao ước bình an với họ”. Lời tiên tri ấy nói đến thời kỳ mà những người có hy vọng lên trời và những người có hy vọng sống trên đất được hợp nhất trong lều theo nghĩa bóng của ngài với tư cách là “một bầy” (Giăng 10:16). Hiện nay chính là thời kỳ đó!

ĐỨC CHÚA TRỜI CHĂM SÓC CHÚNG TA DÙ CHÚNG TA Ở ĐÂU

6. Làm thế nào để trở thành khách trong lều của Đức Giê-hô-va, và lều của ngài có thể được tìm thấy ở đâu?

6 Vào thời Kinh Thánh, lều là nơi để người ta nghỉ ngơi và được bảo vệ khỏi thời tiết xấu. Khách trong lều sẽ được chủ nhà chăm sóc chu đáo. Khi dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta trở thành khách trong lều theo nghĩa bóng của ngài (Thi 61:4). Chúng ta có thức ăn thiêng liêng dồi dào và tình bạn với những người cũng là khách của Đức Giê-hô-va. Lều theo nghĩa bóng của ngài không giới hạn ở một nơi cụ thể. Có lẽ anh chị đã đi đến nước khác, chẳng hạn để tham dự hội nghị đặc biệt, và gặp gỡ những anh chị cũng có đặc ân làm khách trong lều của Đức Chúa Trời. Lều của ngài có thể được tìm thấy ở bất cứ nơi nào có tôi tớ trung thành của ngài.—Khải 21:3.

7. Tại sao có thể nói rằng những người trung thành đã qua đời vẫn là khách trong lều của Đức Giê-hô-va? (Cũng xem hình).

7 Nói sao về những người trung thành đã qua đời? Có hợp lý để kết luận rằng họ vẫn là khách trong lều của Đức Giê-hô-va không? Có! Tại sao có thể nói thế? Vì những người ấy vẫn còn sống trong trí nhớ của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su giải thích: “Về việc người chết được sống lại, chính Môi-se cũng cho biết trong lời tường thuật về bụi gai khi ông gọi Đức Giê-hô-va là ‘Đức Chúa Trời của Áp-ra-ham, Đức Chúa Trời của Y-sác và Đức Chúa Trời của Gia-cốp’. Ngài không phải là Đức Chúa Trời của người chết, mà là của người sống, vì đối với ngài tất cả họ đều sống”.—Lu 20:37, 38.

Ngay cả những người trung thành đã qua đời vẫn được xem là khách trong lều của Đức Chúa Trời (Xem đoạn 7)


LỢI ÍCH VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA KHÁCH

8. Khách của Đức Giê-hô-va nhận được lợi ích nào khi ở trong lều ngài?

8 Giống như lều theo nghĩa đen là nơi để một người nghỉ ngơi và được bảo vệ khỏi thời tiết xấu, lều của Đức Giê-hô-va bảo vệ khách của ngài khỏi những mối nguy hại về thiêng liêng và tình trạng vô vọng. Khi chúng ta tiếp tục gắn bó với ngài, Sa-tan không thể gây hại lâu dài cho chúng ta (Thi 31:23; 1 Giăng 3:8). Trong thế giới mới, Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục bảo vệ các bạn trung thành của ngài, không chỉ khỏi những mối nguy hại về thiêng liêng mà còn khỏi sự chết.—Khải 21:4.

9. Đức Giê-hô-va muốn khách của ngài cư xử thế nào?

9 Thật vinh dự khi được làm khách trong lều của Đức Giê-hô-va, tức là có mối quan hệ mật thiết và lâu dài với ngài! Chúng ta nên cư xử thế nào để tiếp tục làm khách của ngài? Nếu được mời đến nhà ai đó, anh chị muốn biết điều làm vui lòng chủ nhà. Chẳng hạn, chủ nhà có thể muốn anh chị cởi giày trước khi bước vào, và anh chị sẵn sàng làm thế. Tương tự, chúng ta muốn biết điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi những người muốn tiếp tục làm khách của ngài. Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta làm mọi điều có thể để “làm ngài vui lòng trọn vẹn” (Cô 1:10). Dù xem Đức Giê-hô-va là Bạn, chúng ta nhận biết ngài cũng là Đức Chúa Trời và Cha của mình, là đấng xứng đáng được chúng ta tôn kính (Thi 25:14). Ghi nhớ điều đó, chúng ta sẽ luôn kính sợ ngài. Lòng kính sợ ấy sẽ giúp chúng ta tránh những hành vi khiến ngài phật lòng và luôn “bước đi khiêm tốn cùng Đức Chúa Trời mình”.—Mi 6:8.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐỐI XỬ VỚI DÂN Y-SƠ-RA-ÊN MỘT CÁCH KHÔNG THIÊN VỊ

10, 11. Trường hợp nào giúp chúng ta hiểu thêm về tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va?

10 Đức Giê-hô-va đối xử không thiên vị với khách của ngài (Rô 2:11). Chúng ta có thể hiểu thêm về tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va qua cách ngài đối xử với dân Y-sơ-ra-ên trong hoang mạc Si-nai.

11 Sau khi giải cứu dân ngài khỏi ách nô lệ ở Ai Cập, Đức Giê-hô-va bổ nhiệm các thầy tế lễ để phục vụ tại lều thánh. Người Lê-vi được chỉ định để thực hiện những nhiệm vụ khác liên quan đến lều ấy. Có phải những người phục vụ tại lều thánh hoặc đóng trại gần đó thì được Đức Giê-hô-va chăm sóc tốt hơn những người khác không? Không! Đức Giê-hô-va không thiên vị.

12. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va không thiên vị khi đối xử với dân Y-sơ-ra-ên? (Xuất Ai Cập 40:38) (Cũng xem hình).

12 Mọi người trong trại đều có cơ hội như nhau để có tình bạn với Đức Giê-hô-va, cho dù họ có phục vụ tại lều thánh hoặc sống gần đó hay không. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng toàn thể dân chúng có thể nhìn thấy trụ mây kỳ diệu và trụ lửa xuất hiện ở trên lều thánh. (Đọc Xuất Ai Cập 40:38). Khi đám mây bắt đầu di chuyển, ngay cả những người đóng trại ở xa lều thánh nhất cũng có thể nhìn thấy, thu dọn đồ đạc, tháo dỡ lều của mình và theo kịp những người khác (Dân 9:15-23). Tất cả mọi người đều có thể nghe thấy tiếng lớn phát ra từ hai cái kèn bằng bạc báo hiệu việc cần di chuyển (Dân 10:2). Rõ ràng, việc sống gần lều thánh không có nghĩa là một người có tình bạn mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, mọi người trong dân Y-sơ-ra-ên đều có thể làm khách của ngài, cũng như nhận được sự hướng dẫn và bảo vệ từ ngài. Ngày nay cũng thế, dù sống ở đâu trên đất, chúng ta vẫn có thể được Đức Giê-hô-va chăm sóc và bảo vệ một cách đầy yêu thương.

Sắp đặt liên quan đến lều thánh cho thấy Đức Chúa Trời không thiên vị (Xem đoạn 12)


NGÀY NAY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VẪN KHÔNG THIÊN VỊ

13. Ngày nay, Đức Giê-hô-va thể hiện tính không thiên vị qua cách nào?

13 Ngày nay, một số người trong vòng dân Đức Chúa Trời sống gần trụ sở trung ương hoặc một văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Số khác thì phụng sự ngay tại những cơ sở ấy. Vì thế, những anh chị này có thể tham gia các hoạt động tại những nơi đó và tiếp xúc trực tiếp với các anh dẫn đầu. Cũng có một số người làm giám thị lưu động hoặc tham gia hình thức khác của công tác đặc biệt. Nếu anh chị thuộc về đại đa số những người không phụng sự theo các hình thức đó, hãy yên tâm vì Đức Giê-hô-va yêu thương tất cả khách của ngài. Ngài hiểu rõ và chăm sóc từng cá nhân chúng ta (1 Phi 5:7). Mọi người trong dân của Đức Chúa Trời đều được nuôi dưỡng, hướng dẫn và bảo vệ về thiêng liêng.

14. Điều gì khác cho thấy Đức Giê-hô-va không thiên vị?

14 Một điều khác cho thấy Đức Giê-hô-va không thiên vị là ngài đảm bảo sao cho người trên khắp thế giới ngày nay đều có thể đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh nguyên thủy được viết trong ba ngôn ngữ: Hê-bơ-rơ, A-ram và Hy Lạp. Phải chăng những người đọc được các ngôn ngữ nguyên thủy của Kinh Thánh có mối quan hệ mật thiết hơn với Đức Giê-hô-va so với những người không đọc được? Không phải vậy.—Mat 11:25.

15. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va không thiên vị? (Cũng xem hình).

15 Việc được Đức Giê-hô-va chấp nhận không tùy thuộc vào trình độ học vấn hoặc khả năng về ngôn ngữ của chúng ta. Đức Giê-hô-va sẵn sàng ban sự khôn ngoan của ngài cho mọi người trên khắp đất, chứ không chỉ cho những người có trình độ học vấn cao. Lời ngài là Kinh Thánh được dịch ra hàng ngàn ngôn ngữ; vì thế, người trên khắp thế giới có thể nhận lợi ích từ sự dạy dỗ trong sách này và biết cách trở thành bạn ngài.—2 Ti 3:16, 17.

Tại sao việc Kinh Thánh được dịch ra rất nhiều thứ tiếng cho thấy Đức Chúa Trời không thiên vị? (Xem đoạn 15)


TIẾP TỤC ‘ĐƯỢC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHẤP NHẬN’

16. Theo Công vụ 10:34, 35, làm thế nào chúng ta có thể được Đức Giê-hô-va chấp nhận?

16 Thật là đặc ân vô giá khi được làm khách trong lều theo nghĩa bóng của Đức Giê-hô-va! Ngài là Chủ Nhà tử tế, yêu thương và hiếu khách nhất. Đức Giê-hô-va cũng không thiên vị. Ngài chào đón tất cả chúng ta bất kể nơi ở, gốc gác, trình độ học vấn, chủng tộc, tuổi tác hoặc giới tính của chúng ta. Nhưng chỉ những ai làm theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va mới được chấp nhận làm khách của ngài.—Đọc Công vụ 10:34, 35.

17. Chúng ta có thể tìm thêm thông tin về việc làm khách trong lều của Đức Giê-hô-va ở đâu?

17 Nơi Thi thiên 15:1, Đa-vít nêu lên những câu hỏi: “Lạy Đức Giê-hô-va, ai được làm khách trong lều ngài? Ai được ngụ tại núi thánh ngài?”. Đa-vít được soi dẫn để trả lời những câu hỏi ấy. Bài tiếp theo sẽ thảo luận một số điều kiện cụ thể mà chúng ta cần hội đủ để tiếp tục được Đức Giê-hô-va chấp nhận.

BÀI HÁT 32 Hãy đứng về phía Đức Giê-hô-va!