Đi đến nội dung

Đi tìm một người Cha

Đi tìm một người Cha

Đi tìm một người Cha

Khâm cảm thấy mệt nhoài vì làm việc vất vả cả ngày, nhưng anh yêu nghề và cảm thấy toại nguyện. Anh vừa thưởng thức một bữa ăn ngon lành mà vợ anh đã nấu và hưởng được những giây phút êm đềm với chị cùng hai đứa con thơ. Chị Ổi, vợ anh, đang bận may đồ, nhưng không bận đến nỗi không nói chuyện được với ai sẵn lòng nghe chị. Trong lúc ậm ừ theo câu chuyện rời rạc mà Ổi kể, tâm trí Khâm bắt đầu nghĩ ngợi.

Vợ anh trông đẹp hơn trước, có thật thế không hay là anh đang tưởng tượng? Ngay đến bữa ăn hình như cũng ngon hơn đối với anh. Hay là tại tâm trạng của anh? Đành rằng anh vui vẻ, nhưng khi nhìn vợ kỹ hơn, anh thấy chị chải chuốt hơn. Nhưng anh chú ý nhiều nhất đến gương mặt chị. Từ lâu rồi anh không thấy chị lộ vẻ thoải mái và tươi tắn như thế. Anh thấy vui sướng về sự thay đổi này, vì anh yêu vợ và nghĩ rằng chị cũng yêu anh, dù đời sống vợ chồng của hai người đôi khi xào xáo. Vợ anh đảm đang và thành thật, nhưng cũng hay tự ái và bất cứ lời chỉ trích bóng gió nào cũng dễ làm chị nổi cáu.

Mải miết nghĩ ngợi về điều này, anh nhận ra rằng từ suốt nhiều tuần nay, cả hai không còn cãi nhau nữa. Anh sực nhớ lại cuộc trò chuyện sôi nổi và thân mật của họ hôm trước, khi cùng ngồi ăn cơm với soài. Đành rằng có một lần hai người đã bất đồng ý kiến, nhưng họ đã thảo luận một cách thân thiện, và anh cảm thấy quí lần nói chuyện đó.

Khâm lớn lên nhưng không biết mặt cha mẹ. Mẹ anh đã mất khi anh còn tấm bé. Còn cha anh thì anh không nhớ nổi nữa, vì cuộc đời của ông hơi bí ẩn. Các anh chị trong nhà cho là ông đã bỏ rơi gia đình. Họ luôn luôn tránh nói về ông. Chị hai của anh đảm việc bếp núc và nhà cửa. Tuy nhiên, Khâm không bao giờ nhìn thấy cảnh gia đình sum hợp, mạnh ai muốn ra vào tùy ý. Dĩ nhiên, chị Hai cố gắng hết sức mình, nhưng chị luôn luôn mệt mỏi, ít có thì giờ và tiền bạc. Anh hiểu là chị nuôi được đàn em nhỏ nhờ tiền của anh cả Tuyên ở xa gửi về cho chị, nhưng chỉ gần đủ sống; bởi vậy mỗi sáng chị phải đi bán hàng ở chợ. Còn về phần Khâm thì chẳng ai để ý gì nhiều. Anh có cảm tưởng mình là đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi và cô độc. Hồi nhỏ anh thường thui thủi chơi đùa một mình, suy nghĩ một mình và sau đó, hành động một mình. Điều đó đã khiến anh sống nhiều về nội tâm.

MỘT CHIẾC XE ĐẨY VÀ VÀI BỨC THƯ

Khâm có tính quí trọng vật gì được làm khéo léo. Một vật đã ảnh hưởng anh rất nhiều là một cái xe đẩy bằng gỗ mà cha anh, đã từng là một tay thợ đóng xe, đã đóng cho anh trước khi ra đi. Chiếc xe đẩy đó là một công trình khéo léo và đã khiến anh sinh lòng thán phục sâu xa tài thủ công của cha anh, nhất là khi anh lớn lên. Thật thế, đó là lý do tại sao anh đã chọn theo nghề của cha, dù cho việc chọn nghề ấy đã buộc anh phải tự học lấy, mò mẫm từng ly từng tí, bằng cách dùng những dụng cụ còn sót lại trong ngôi nhà cũ kỹ của cha anh. Ngay cả khi nhìn con cái chơi với chiếc xe đẩy đó, anh luôn luôn nghĩ đến cha mình, nhưng lòng lại bị dằng co bởi những cảm nghĩ trái ngược nhau. Làm sao cha anh, một mặt có thể ban cho anh một món đồ chơi đẹp đẽ như thế, nhưng mặt khác lại có thể bỏ rơi vợ con không ai chăm sóc?

Một thời gian sau khi anh lập gia đình, nhân dịp thăm chị hai lúc bấy giờ đã lấy chồng rồi và sống trong ngôi nhà cũ, thì anh mới biết thêm chút ít về cha. Vì có cặp mắt tinh xảo nhận biết cái gì được làm khéo léo, tình cờ anh đứng chiêm ngưỡng ngôi nhà mà cha anh đã xây cất, rồi anh lại liên tưởng đến ông và một lần nữa anh hỏi chị hai chuyện gì xảy ra cho ông rồi. Chị nóng nảy đáp: “Ơ hay, chị có biết gì đâu”. Đoạn chị nói thêm: “Đây nè, em hãy đọc mấy lá thư này đi; hồi trước Ba đã gửi cho anh Tuyên”. Vừa nói chị vừa lôi ra một xấp thư cũ từ cuối một ngăn kéo và quăng ra trước mặt anh: “Em cứ giữ đi. Chị không cần nữa đâu”. Khâm đem mấy cái thư về nhà, và bắt đầu đọc.

Anh nhớ lại mình cảm thấy phấn khởi làm sao về những lá thư này đến độ anh đã đọc cho Ổi nghe vài đoạn. Anh nói: “Em thấy không, chung qui ba anh là người tốt đấy, không những về nghề nghiệp mà thôi, nhưng cũng là một người cha tốt nữa. Ba đã cung cấp cho cả gia đình qua trung gian anh Tuyên. Nghĩ cho cùng, Ba đã lo cho anh chị em của anh. Đây này, ba có nói cả đến anh trong một lá thư của ba. Chính anh Tuyên đã xài tiền bậy khi chạy theo cô bạn gái của ảnh. Số tiền ít ỏi mà ảnh gởi về cho chị hai, ảnh lại nói là tiền riêng của ảnh”. Anh nhấn mạnh lần nữa với Ổi: “Em nghĩ xem, Ba anh là người tốt, và đã lo lắng cho gia đình anh”. Những lá thư đó không đầy đủ và không cho biết cha anh ở đâu hoặc khi nào người định về nhà. Khâm nhớ là có nói với Ổi anh mong mỏi làm sao để được biết cha nhiều hơn. Anh nói với vợ: “Có lẽ một ngày nào đó Ba sẽ về nhà”.

Đang nghĩ ngợi về những chuyện vừa qua thì anh bị đứa con trai nhỏ ngắt dòng tư tưởng, vì nó muốn anh chuốt cây viết chì cho nó. Thay vì chuốt luôn cho nó, anh chỉ nó cách chuốt và giúp nó tự chuốt lấy cây viết chì. Để ý thấy là đứa con trai anh vui sướng chỉ cho em gái biết nó đã được Ba dạy cho làm gì, Khâm cảm thấy anh đáng được chấm điểm là người cha hạng “ưu”, chứ không phải chỉ là người biết chuốt viết chì thôi. Nghĩ đến đó, anh cảm thấy là từ ngày đọc các lá thư ấy, anh làm đầy đủ hơn trong vai trò người cha. Nhưng anh đủ thành thật với chính mình để nhận ra rằng sở dĩ bầu không khí gia đình có vẻ khả quan hơn là nhờ một nguyên nhân lớn hơn thế. Anh tự hỏi: Nguyên nhân đó là gì? Cái gì đã làm cho Ổi thay đổi vậy?”

Ngay lúc ấy anh lại không biết rằng Ổi rất cảm động khi thấy anh mừng rỡ về việc tìm biết thêm về cha. Nhưng thật ra đó là lần đầu tiên chị bắt đầu hiểu được rằng tìm ra một người cha tốt khiến một người vui mừng nhiều đến độ nào nhất là khi người đó không bao giờ biết mặt cha.

Khâm nghĩ ngợi triền miên, đưa mắt nhìn quanh quẩn rồi dừng lại nơi Ổi một lần nữa. Kìa, trông chị rạng rỡ làm sao! Giống như thuở anh mới bắt đầu tán tỉnh chị. Ý nghĩ này khiến anh mạnh dạn hỏi: “Em nè, em có thấy gì trong nhà mình mấy lúc gần đây không em?” Thấy vợ có vẻ bối rối, anh nói thêm: “À, anh muốn nói tới bầu không khí gia đình ấy mà”. Chị đáp: “Ồ, có chứ. Em thấy đằm thắm hơn xưa”. Vốn biết tánh chị hay tự ái khi nói động đến thái độ của chị, anh hỏi chị với vẻ dè dặt: “Em có biết lý do tại sao không?”

Ổi tiếp tục khâu một hồi, dù không có vẻ chăm chú như trước nữa, rồi ngừng lại. Khâm gần như nín thở. Anh biết đây có thể là một tình thế mà chị đoán là có sự chỉ trích và sẽ nổi nóng lên. Nhưng thay vì nổi giận, anh thấy mặt chị lộ vẻ tư lự. Sau một chặp chị nói: “Có chứ, em thấy việc tìm hiểu về Ba anh chắc hẳn khiến anh đổi khác đó anh. Em nhận ra điều đó, và nó khiến em thật tình nghĩ là có một người cha tốt hẳn phải quan trọng không ít. Em nghĩ là kinh nghiệm ‘tìm ra’ Ba anh cũng giúp em tìm ra một người cha nữa”. “Ủa, em nói sao? Em tìm được một người cha à? Lúc nào mà em lại không biết Ba em? Ba em ở đằng ngã tư đường kia mà?” “Đành vậy, em biết, và có lẽ nhiều khi em coi có Ba là chuyện đương nhiên. Nhưng em không muốn nói tới Ba đó, mà một người cha khác, người Cha nguyên thủy đó mà”. Khâm cảm thấy nhẹ nhõm trước thái độ của vợ, nhưng thấy câu trả lời của chị rắc rối quá. Anh đã thấy khó khăn lắm mới tìm ra một người cha rồi, mà bây giờ chị lại nói tới “một người cha khác” nữa, “Cha nguyên thủy”. “Ổi nè, em nói tới ‘một người cha khác’, ‘Cha nguyên thủy’ của em, nghĩa là sao?” Ổi quay lại, mỉm cười một cách thật quyến rũ làm sao mà đã từ lâu anh không thấy. Chị đáp: “Anh có thật tình muốn biết không?” “Đó là cái chắc”. Khâm vừa đáp vừa cười, chuẩn bị tư thế để sẵn sàng nghe.

Ổi đứng dậy khỏi máy may và tiến lại ngồi cạnh bên Khâm. “Anh à, anh có để ý thấy hai cô lại nhà mình gặp em mỗi trưa Thứ Ba không?” “Không, nhưng anh thấy vài cô đâu đây mà anh không biết là ai. Ai thế, hả em?” “Ồ, cách đây vài tháng hai cô ấy lại gõ cửa nhà mình nói là muốn nói chuyện với em. Em thấy họ có vẻ thân thiện, nên em mời vào nhà. Một trong hai cô nói với em về tình hình xáo trộn trên thế giới và nói là có một giải pháp. Lúc đó em mới biết họ là những người đi bán sách về đạo hết nhà này tới nhà kia. Mặc kệ, em tiếp tục nghe, vì em nghĩ mình phải luôn luôn lịch sự với người ta chớ, phải không anh, nhưng cũng tại em thấy mấy cổ nói cũng có lý, dù em không hiểu vài điều mà họ nói. Thế rồi một cô nói về điều làm em chú ý. Cô ấy nói là Đấng Tạo hóa, tức là Cha của người đàn ông đầu tiên, hiện nay đang thâu nhóm người từ mọi nước để hợp họ lại thành một gia đình lớn mà Ngài là Cha...”. Rồi do dự một chút, Ổi nói tiếp: “... và Ông Trời của họ. Anh biết mà, nghĩ tới việc mình có phần trong một gia đình lớn hơn với một người Cha lớn hơn khiến cho em thấy thích lắm. Thế là em nói em thích biết thêm nữa về chuyện đó. Hai cô trở lại tuần sau nữa để nói chuyện nhiều hơn với em, và thế là từ đó mỗi tuần họ đều trở lại. Giờ đây em bắt đầu cảm thấy là họ nói thật đó anh. Vì thế mà hồi nãy em nói em đã tìm được một người Cha đấy”.

Nghe vợ nói tới đây, Khâm trầm ngâm không nói gì và thâm tâm cảm thấy xáo trộn. Lúc đầu Ổi nói tới “người Cha nguyên thủy” đã khiến anh thấy hấp dẫn thật đấy, nhưng hai chữ “Ông Trời” khiến anh cảm thấy lo lắng và ngạc nhiên về Ổi. Liệu chị sắp trở thành một người cuồng tín không? Rồi anh nhận thấy chị ngồi sát bên cạnh mình. Ồ, không biết bao nhiêu năm rồi hai người không ngồi sát nhau đến thế khi bàn chuyện hệ trọng! Hẳn là mấy cái ý nghĩ mới của chị về tôn giáo không đến đỗi xấu, còn ngược lại là khác, nếu nó có thể làm chị thay đổi nhiều như vậy. Vừa nghĩ thế anh vừa choàng tay lên vai vợ và ôm sát Ổi vào lòng mình. Làm như vậy, anh cảm thấy thoải mái hơn—nhưng hai chữ “Ông Trời” khiến anh lo âu. Hẳn chị biết là anh sẽ có cảm nghĩ ấy vì trước khi nói ra hai chữ đó chị tỏ vẻ ngập ngừng.

Có cảm giác là tâm trí họ khắng khít nhau một cách khác thường, anh thấy dễ dàng thổ lộ tâm tư với chị. “Em à, hai chữ ‘Ông Trời’ làm anh khó chịu. Em thì sao?” “Khi mới nghe qua, em cũng thấy khó chịu đó anh, nhưng em không hiểu tại sao nữa. Dĩ nhiên, phần đông thiên hạ chung quanh mình không tin đến Ông Trời, và một số người còn cười chế giễu khi nghe nói đến hai chữ đó”. Sau một hồi trầm ngâm, Khâm nói: “Ồ, rất có thể đó là nguyên nhân đấy. Em biết không, gia đình anh có vẻ mỉa mai mỗi khi nhắc đến Ba anh, và đôi khi anh cũng đã làm vậy; nếu như không có chiếc xe đẩy, và dĩ nhiên mấy lá thư kia nữa, chắc hẳn anh cũng như thế mãi”. “Điều anh nói hay lắm đó; nó cho thấy mình dễ bị dư luận chi phối đó. Tốt hơn hết là mình tin cậy vào sự thật và không để cho thành kiến của thiên hạ chi phối, phải không?” Ôm ghì lấy chị, anh nói: “Em nói vậy mà có lý. Chúng ta hãy theo nguyên tắc đó và đừng hùa theo đám đông. Nhưng còn có một chuyện khác làm anh khó nghĩ. Những kẻ cười ngất khi nghe nói đến hai chữ “Ông Trời” và nói: ‘Trời ở đâu?’ hoặc là: ‘Tôi có thấy Trời đâu?’ thì phần nhiều trong số đó lại làm hả dạ ma quỉ mà họ cũng không thể thấy. Và nhiều người dường như còn sợ chúng nữa. Liệu họ có xem Ông Trời như một Đấng đáng khiếp hãi và phải cầu an không?” Đoạn anh ngừng một chút và hỏi tiếp: “Em có nghĩ là anh xua đuổi ý tưởng có Ông Trời vì trong tiềm thức anh coi Ông Trời như một quỉ thần siêu việt toàn năng chuyên hành hạ kẻ nào chống lại Ngài không?”

Ổi đáp: “Có lẽ nhiều người nghĩ vậy, nhưng mà mấy cô kia có chỉ cho em thấy rằng Ông Trời thật có danh là Đức Giê-hô-va không giống như vậy đâu. Đành rằng Ngài đầy quyền năng, nhưng Ngài cũng giàu lòng thương xót đối với những ai làm quấy nữa; và Ngài không bao giờ hành hạ người nào cả. Ngài giống như một người cha thật tốt mà lại toàn năng, bất tử và vì vậy Ngài luôn luôn sẵn sàng giúp chúng ta. Ngài không giống ma quỉ đâu. Ngài tự ý ra tay giúp loài người. Kinh-thánh nói Ngài là Ông Trời đầy yêu thương”. “À, em nói ‘yêu thương’ hả? Nếu quả thật như vậy, thì anh muốn nghe thêm. Yêu thương hợp lại với quyền năng làm được nhiều việc lắm”. Ổi đáp: “Em cũng nghĩ vậy”. Sau một hồi lâu trầm ngâm, anh nói thêm: “Nhưng dường như trên thực tế thì không phải vậy, và chúng ta đã đồng ý chỉ dựa vào sự kiện thực tế mà thôi. Chẳng hạn như, những nước kia hay những đạo tự xưng là tin nơi một Ông Trời, nhưng chả thấy họ có lòng yêu thương gì đâu. Họ bóc lột và chém giết nhau cũng như mấy người không tin có Trời. Chị quả quyết: “Đúng thế, bởi vì họ đâu có phụng sự Đức Giê-hô-va nhưng họ thờ thần riêng do họ đặt ra. Quả là họ làm người ta hiểu sai về Ông Trời đó. Nhiều nước ấy tự nhận là theo đấng Christ, nhưng thật ra thì ngày nay không có nước nào theo đấng Christ cả”. Anh đáp: “Ừ, anh có thể thấy là có lý, nhưng tại sao họ lại làm người ta hiểu sai về Ngài?” Chị sẵn trớn nói tới: “Này, tại sao gia đình anh làm méo mó hình ảnh của Ba anh, nhất là anh Tuyên?” Anh thở dài: “Ồ, anh hiểu rồi, nhất là trường hợp của anh Tuyên, anh ấy làm thế là vì lợi riêng. Em biết không, anh thấy điều này đáng chú ý lắm; nhưng sao mà dường như rắc rối quá đến đỗi anh không biết đường đâu mà mò”.

MỘT Ý NGHĨ KỲ DIỆU

Ổi quay mặt nhìn thẳng về phía anh với vẻ tha thiết nhưng thân mật, và hỏi: “Anh à, anh nói thật cho em biết đi, anh có tin nơi Đấng Tạo hóa không?” Anh đáp: “Cái này hơi khó trả lời. Em thấy không, nghĩ lại thì hẳn là phải có một Đấng Tạo hóa để tạo ra tất cả những vật kỳ diệu chung quanh chúng ta”. Anh ngừng lại một lát rồi nhìn Ổi kỹ hơn, ngắm nghía nét đẹp cân xứng của chị, tia mắt và nụ cười duyên dáng ấy. Anh tự hỏi thầm: ‘Nét đẹp và hình dạng đó làm sao lại có thể có được; chắc chắn không phải chỉ do một sự ngẫu nhiên hay sức mạnh mù quáng nào đó—không thể được’. Tất phải là công trình nghệ thuật của một đấng nào đó. Nhìn làn da tươi mát và mịn màng của chị, anh hiểu đó là một yếu tố khiến chị đẹp, nhưng đó không phải là yếu tố chính. Anh nhớ là đã thấy hình một số trẻ con bị đói. Cho dù da chúng hãy còn mịn, nhưng chúng trông thật thương hại vì má hóp, và mắt cứ nhìn chòng chọc, ốm cà tong cà teo. Mặt khác, nhiều người đã quá tuổi thanh xuân, mất dáng dấp xinh đẹp. Thân thể họ bị mập sai chỗ, mất cả thẫm mỹ.

Để phá tan bầu không khí yên lặng, Ổi nói: “Sao em thấy anh nhìn em hoài, anh nghĩ gì trong đầu vậy?” Mỉm cười một lần nữa, anh chậm rãi nói: “Em à, làm sao mà một người con gái đẹp như em lại có thể ngẫu nhiên mà có được, không cần một Đấng Tạo hóa nào, và Ngài còn là mỹ thuật gia lỗi lạc nữa? Nhưng dù có tất cả những bằng chứng này về một Đấng Tạo hóa, anh vẫn còn thắc mắc. Tại sao mọi xáo trộn và mọi sự gian ác trắng trợn cứ mặc tình diễn ra? Hẳn là có một Đấng Tạo hóa, nhưng tại sao Ngài không làm gì hết vậy?” Ổi đáp: “Hồi xưa em cũng thắc mắc như vậy đó anh. Nhưng mấy cô kia có cắt nghĩa cho em biết lý do rất chính đáng tại sao Ông Trời không ra tay hành động trước đây, nhưng Ngài sắp sửa ra tay rồi đó”.

“Em nói là mấy cổ ‘cắt nghĩa’ cho em. Nhưng họ ‘cắt nghĩa’ ra sao?” “Ồ, họ chỉ cho em xem trong Kinh-thánh đó”. Khâm hỏi với vẻ bối rối: “Được rồi, em tưởng như là tìm được câu trả lời trong Kinh-thánh là xong. Nhưng Kinh-thánh mà em nói tới đây là cái gì mới được chứ?” Ổi giải thích: “Đó là một cuốn sách dày lắm, sách lịch sử xưa nhứt của loài người đó anh, kể lại những chuyện xảy ra từ hồi tạo thiên lập địa. Một cô thì nói đó là bộ sưu tầm những lá thư của Ông Trời. Em nghĩ là cổ nói có trên 60 lá thư đấy”. Khâm lặp lại, lộ vẻ hứng thú: “Thư của Ông Trời”. “Anh à, em nhớ là anh nói với em rằng khi anh đọc mấy lá thư của Ba, anh có một quan niệm khác về Ba, anh cảm thấy anh thuộc về Ba”. “Hẳn là thế, vì mấy lá thư đó nói cho anh biết Ba anh đã không có bỏ rơi gia đình như mọi người lầm tưởng, mà Ba đã lo lắng cho tụi anh và chính anh Tuyên mới là người gây rắc rối”. “Anh biết không, chính em cũng có cùng một cảm nghĩ ấy khi đọc Kinh-thánh, những ‘lá thư’ ấy của Ông Trời, Người Cha nguyên thủy của em. Các lá thư đó cũng cho thấy ai thật sự phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề ngày nay”. Anh mỉm cười nhận xét: “Anh thấy em có vẻ hứng thú lắm về những ‘lá thư’ mà em nói tới đó thì phải”. “Đúng vậy, chứ chẳng phải anh cũng thấy thích thú về mấy lá thư mà anh đã tìm được hay sao? Và những lá thư đó chỉ là do một người phàm viết mà thôi!” Khâm buột miệng cười. Ổi nói thật là chí lý.

Ổi hỏi: “Tại sao đối với anh mấy lá thư đó lại quan trọng đến thế?” Anh nghĩ ngợi một hồi lâu trước khi trả lời. “Này nhé, anh thì lúc nào cũng có cảm tưởng Ba là người tốt cả, nhưng sau khi đọc mấy lá thư đó anh biết rằng Ba quả là tốt và anh hiểu là Ba đã bị nghĩ quấy, và rồi anh có thể công khai nhìn nhận Ba và bênh Ba”. Ổi đáp: “Đấy, mấy cái thư của Người Cha nguyên thủy cũng làm sáng tỏ danh Ngài như thế. Mấy cô kia có hứa với em là Thứ Ba tuần tới sẽ đem lại cho em một cuốn Kinh-thánh, tức là những lá thư đó”. Khâm bắt đầu thấy chú ý tới những lá thư đó, nhưng anh không muốn để lộ ra mặt. Thật thế, anh muốn có thì giờ suy nghĩ đã. Tình cờ đứa con gái nhỏ của anh đến đúng lúc gọi mẹ vì nó làm đổ tháo vật gì dưới đất. Sau đó, vợ anh quyết định cho mấy đứa nhỏ đi ngủ.

Sự thật là có cái gì đó cắn rứt lương tâm Khâm. Anh nhận thấy là kể từ khi bắt gặp được mấy lá thư của cha, lòng anh đã nảy sinh một cảm giác biết ơn và có trách nhiệm đối với cha về những gì ông đã làm cho gia đình và cho chính anh. Thế thì chẳng lẽ anh lại không có cùng cảm nghĩ như thế đối với Đấng Tạo hóa của loài người hay sao, nếu thật sự có một Đấng như thế. Anh cảm thấy có cái gì thúc giục mình phải giải quyết cho xong vấn đề đó trong trí, nhưng làm sao đây? Anh nhớ lại là nhờ công khéo của cha làm ra chiếc xe đẩy kia đã khiến cho anh chú ý muốn biết đến cha anh. Rồi một ý nghĩ chợt đến với anh. ‘Người Cha nguyên thủy có để lại một “chiếc xe đẩy” nào không? Dĩ nhiên phải có’. Khâm nghĩ ngợi trong khi nhìn một con thằn lằn bò trên trần nhà. Anh suy nghĩ, thì ra là cả vạn vật đều thật giống như chiếc xe đẩy cho người ta học! Vậy tại sao lại không học cho biết? Anh quyết định nghiên cứu khi chăm chú nhìn con thằn lằn lo săn mồi. Nó có mấy cái chân bé—thật khó làm hơn là các bánh xe. Chân nó bám trên trần nhà được là nhờ có sức hút, chứ không chỉ tựa trên mặt đất mà thôi. Ai đã nghĩ cách làm ra mấy con thằn lằn này? Anh biết là mình không làm được. Anh nhớ lại kinh nghiệm đầu tiên của mình khi làm ra chiếc xe đầu tiên, nhất là mấy cái bánh xe. Mới ban đầu thì thấy có vẻ giản dị; nhưng thật là trần ai lai khổ mới làm được cái bánh đầu tiên. Đúng, anh đã phải nghĩ ra cách làm. Nếu chỉ việc làm mấy cái bánh xe đã mà lại suy nghĩ nhiều dường ấy, huống gì mấy cái chân của con thằn lằn!

Anh đưa mắt lơ đãng nhìn quanh phòng rồi dừng lại nơi Ổi, bấy giờ chị đã quay trở lại bàn máy may. Chị thoáng cau mày và tay cầm một mẩu giấy. Cảm thấy mình cần phải để ý đến các cố gắng của vợ, Khâm hỏi: “Em đang làm gì đó?” Chị bực mình đáp lại: “Làm gì à? Em không biết bắt đầu sao nữa. Em mua vải để may áo, nhưng lại không biết cắt làm sao cho đủ cái áo”. Anh hỏi với vẻ trêu chọc và dừng lại xem chị phản ứng ra sao: “Ủa, may áo mà cũng phải tính toán nữa à?” Chị thốt lên: “Tính tới, tính lui, tính xuôi, tính ngược, dĩ nhiên là mình phải tính cách may một cái áo chứ. Đâu phải nó tự nhiên mà có!” Anh nói: “Vâng, anh đồng ý, không vật gì tự nhiên mà có đâu”. Và cả hai bật cười khi anh nói lên kết luận của anh về chân con thằn lằn.

Trong khi vợ Khâm trở lại ‘tính toán’ cách may áo, anh trở lại dòng tư tưởng của mình. Đưa mắt liếc nhìn con thằn lằn, anh nhớ lại chỉ một hay hai hôm trước anh thấy một thằn lằn con từ trong trứng mới nở ra là đi bắt mồi liền. Ai đã dạy nó làm thế? Vừa rồi anh đọc sách thấy có nói đến người máy mà người ta chế tạo để làm những việc khác nhau như là hàn sườn xe hơi. Người ta đã tính tới tính lui qua mấy ngàn năm mới chế ra được vật đó; và Khâm nghĩ chưa chắc có người máy nào lại có thể khôn khéo hơn con ruồi. Và như vậy, càng suy nghĩ, Khâm càng tin chắc phải có một Đấng Tạo hóa, và phải là Đấng Tạo hóa thông minh tuyệt vời nữa là khác. Nhưng để thỏa mãn hơn về vấn đề này, Khâm cảm thấy cần phải bàn luận nghiêm chỉnh với vài người phủ nhận có Đấng Tạo hóa. Thật thế, anh có thể nhớ là không bao giờ nghe ai bàn về vấn đề này một cách nghiêm chỉnh cả.

NHỮNG CÂU TRẢ LỜI KHÔNG THỎA ĐÁNG

Vài ngày sau đó, khi băng qua phố, Khâm gặp một người bạn học cũ mà anh không thấy mặt một thời gian, và hai người dừng lại tán gẩu trong một quán cà phê. Anh bạn trẻ này trông dễ mến và khá thông minh. Thật ra, anh ta đã học đại học và được xem là một gã trí thức có nhiều triển vọng. Khi anh ta hỏi thăm về vợ Khâm, bỗng dưng Khâm nảy ra một ý nghĩ. Tại sao không hỏi thử xem anh ta nghĩ gì về Đấng Tạo hóa. Thế là Khâm nói với anh ta là vợ Khâm chú ý đến một tôn giáo tin nơi Ông Trời.

Anh ta trả lời một cách chế giễu làm cho Khâm ngạc nhiên, bởi vì bạn Khâm hồi xưa không phải là hạng người hay chế giễu. Dù vậy, Khâm sẵn trớn hỏi ngay một câu: “Loài người và vạn vật mà chúng ta nhìn thấy trong thiên nhiên từ đâu ra?” Dù anh chăm chú lắng nghe, Khâm khó mà hiểu hết câu trả lời. Bạn anh nói về sự hỗn độn lúc khởi thủy với bốn nguyên tố là lửa, nước, không khí và đất (anh chỉ nhớ có thế), nhưng sự vật bắt đầu tiến triển từng giai đoạn một, do sự ngẫu nhiên. Trước hết có một tế bào đơn giản đầu tiên bắt đầu tách ra thành nhiều tế bào khác. Rồi theo giòng thời gian những sự vật khác phát triển. Nếu là tế bào tốt, chúng tiếp tục sanh sôi nảy nở; nếu không, chúng chết đi. Chúng ngẫu nhiên xuất hiện và sống sót tùy theo hoàn cảnh. Khâm không hiểu nhiều về tế bào, nhưng anh lại rất thực tế—bởi vậy anh cứ so sánh chúng với vật gì mà anh biết đến—các bánh xe.

Bởi lẽ ngay đến cái tế bào đơn giản nhất nếu muốn làm được việc đã phải tự sanh sản, và chúng rắc rối hơn một cái bánh xe nhiều biết mấy. Trước khi bắt tay vào việc, Khâm nghĩ đục những cái lỗ vuông vức trong một trục gỗ và làm những cây căm để lắp vào cho vừa và chặt là chuyện dễ. Nhưng khi lắp mỗi cây căm chặt vào đúng vị trí của nó lại là cả một vấn đề khó khăn. Bất kể tất cả những sự tính toán và cặm cụi cưa gỗ, anh đã phải vất đi một đống đồ làm hư trước khi làm xong chỉ một cái bánh xe. Chỉ tin cậy vào sự ngẫu nhiên mà thôi cũng giống như ném một ít gỗ và cái dùi đục vào máy trộn xi-măng. Biết bao giờ mới làm ra chỉ một cây căm mà thôi? Sự ngẫu nhiên chỉ sanh ra một đống đồ bỏ mà thôi. Tin cậy vào sự ngẫu nhiên trong mọi sự thì sẽ không làm gì được cả, bất luận làm bánh xe hay làm tế bào gì đó. Chỉ lơ đễnh một chút xíu khi đang làm một cái bánh xe thì cũng đủ làm cho anh bị rắc rối rồi; kinh nghiệm riêng đã dạy anh bài học đau đớn đó. Chắc chắn việc làm ra tế bào và ngay cả nguyên cơ thể còn phải hơn thế nữa. Anh nghĩ: ‘Chẳng phải đó là chuyện xảy ra cho một người bị bệnh ung thư hay sao? Có lẽ chỉ một tế bào trở nên loạn xạ và bắt đầu sanh sôi nảy nở khác với kiểu mẫu đã định trước làm cho cơ thể đầy dẫy những cặn bã và đồng thời ngăn chận chất dinh dưỡng đến những tế bào lành lặn. Cái trò ngẫu nhiên có thể là nguyên nhân gây ra sự chết—chứ không bao giờ đem lại sự sống!

Hễ mỗi lần Khâm toan biện luận nghịch lại lý thuyết của bạn thì anh đều gặp phải câu trả lời là mỗi giai đoạn kéo dài hàng triệu năm. Anh bạn kia quen dùng câu này, làm như đó là một cái gì mầu nhiệm lắm. Khâm hơi buồn cười trên đường về nhà khi nghĩ lại anh bạn kia cố giúp anh hình dung ra một triệu năm dài bao nhiêu. Anh kia đã thành công đấy, nhưng không phải theo cách anh ta mong muốn. Điều mà Khâm hình dung được không phải là hình dạng của những tế bào hữu dụng sau hàng triệu năm, nhưng là một đống cẳng chân thằn lằn bị hỏng chất cao như núi. Và càng suy nghĩ nhiều chừng nào, anh càng cảm thấy tin chắc rằng phải có một Đấng Tạo hóa.

MỘT CÂU HỎI HUYỀN BÍ ĐƯỢC NÊU RA

Nhưng trước khi chia tay, bạn anh nói một câu chót làm anh lo lắng. “Nếu như mọi vật đều được tính toán trước rồi, thế thì Đấng Tạo hóa của anh từ đâu ra?” Khâm vốn là một người rất thành thật, không chỉ về tiền bạc, nhưng cũng về tư tưởng và tín ngưỡng. Anh không muốn lừa dối chính mình và người khác. Đối với anh, khám phá ra sự thật về một vấn đề gì còn quan trọng hơn là thắng một cuộc tranh luận. Bởi vậy, để tự thỏa mãn, anh muốn nghe lời giải đáp cho câu hỏi đó. Hẳn là phải có Đấng Tạo hóa, nhưng Ngài làm sao mà có? Anh sẽ không muốn bỏ qua đề tài này cho đến khi nào tìm ra một lời giải đáp thỏa đáng. Có lẽ Ổi trả lời được cho anh.

Về tới nhà sớm hơn mọi khi, và đầu óc hãy còn nghĩ ngợi về vấn đề rắc rối này, anh ở nán lại ngoài vườn. Lần này anh có mục đích rõ rệt. Anh muốn ngắm vườn để thưởng thức công lao giữ vườn, như anh đã chiêm ngưỡng các sản phẩm của cha mình. Anh cảm thấy ngạc nhiên hết sức! Tại sao anh đã không ý thức được điều này trước đây? Anh nhận thức rằng mình có cặp mắt tinh xảo biết nhìn đồ gỗ và đồ kim loại nào được làm khéo léo. Anh cũng khá hãnh diện về điều đó; chính điểm này đã khiến anh cảm thấy mình gần gũi cha hơn. Bây giờ anh cảm thấy cần phải phân tích kỹ lưỡng vạn vật thiên nhiên để quí trọng thêm những gì mà con người không làm ra.

Ngồi trên một khúc cây, Khâm đưa mắt nhìn chòng chọc chung quanh. Dù anh hướng mắt về phía những ngọn đồi cây cối rậm rạp cách phía sau xưởng mộc của anh không xa hoặc dừng mắt ngắm nhiều loại hoa khác nhau mà vợ anh đã trồng—mọi vật đều đẹp mắt, êm đềm và đáng nhìn, rất khác với mấy cái chòi lụp sụp tồi tàn mà người ta dựng lên, chung quanh toàn là những bịt ny-lông, chai và rác rưới khác, trong khu xóm nghèo nàn mà anh vừa mới đi ngang qua trên đường về nhà. Anh nghĩ: ‘Đúng, Đấng Tạo hóa không có làm ra những xóm nhà nghèo nàn, tồi tệ như thế’. Khâm đủ biết tại người ta nên mới có các khu chòi lụp sụp tồi tàn. Nói cho cùng, các khu này mọc lên là cũng tại người ta thiếu thốn phương tiện và khả năng, phần thì mệt nhọc, phần thì lười biếng và tại vì họ thờ ơ đối với việc sửa soạn khu xóm cho đẹp đẽ, vì họ làm việc thiếu suy nghĩ và cẩu thả. Nhưng hiển nhiên, Đấng Tạo hóa vạn vật mà bây giờ anh nhìn biết không có các khuyết điểm như thế.

Lòng Khâm bắt đầu tràn ngập sự thán phục trước sự khôn ngoan và thông sáng bao la vô tận hiện rõ trong vạn vật, các loài biết cử động, có sự sống. Thật là khác biệt hẳn với những vật mà loài người tạo ra, những vật giống như mấy cái bánh xe chẳng hạn, mà anh hy vọng là bắt chước được! Anh đủ sức làm bánh xe. Đây là lý do chính tại sao anh chú ý đến bánh xe. Khâm nhớ có lần đã tháo một bánh xe cũ của cha để thử xem mình có thể làm giống như vậy không. Nhìn thấy một con ong bay lên từ một đóa hoa gần đó, anh nghĩ thật là hoài công nếu “xé” con ong hoặc đóa hoa ra từng mảnh rồi làm lại. Ngồi bất động quan sát con ong làm việc, anh bắt đầu nhìn nó dưới một khía cạnh mới. Con ong là nhà máy sản xuất ra mật ong thật là hữu hiệu, nhưng sạch sẽ và đẹp đẽ. Anh nghĩ: ‘Tại sao các nhà máy lọc đường lại không thể giống như con ong?’ Anh nhớ là có đọc thấy mấy nhà máy đó làm ô nhiễm sông ngòi và không khí, và lại chẳng đẹp đẽ tí nào cả. Là một người thợ thủ công nghệ, anh biết cần phải cố gắng vượt bực để làm ra một vật gì vừa công dụng vừa đẹp mắt. Hẳn Đấng Tạo hóa phải quan tâm rất nhiều đến con người nên mới ban cho họ mật ngon đến thế mà lại được một nhà máy xinh đẹp dường ấy sản xuất.

Bây giờ Khâm bắt đầu nghĩ Đấng Tạo hóa là một đấng nhân từ chứ không phải là một cái máy điện toán khô khan không tình cảm. Nhìn thấy đóa hoa thụ động và con ong bận rộn hút nhụy, anh bắt đầu suy nghĩ đến tài năng bao la của Đức Chúa Trời thể hiện qua các tạo vật trong sự sáng tạo. Con ong kia hẳn biết suy nghĩ chút đỉnh như thế mới làm được việc. Rồi anh chú ý thấy một con rắn mối nằm bất động trên một cây cột hàng rào ở gần đó, đang nhìn chăm chăm vào một cái gì ở đàng xa. Anh kiên nhẫn theo dõi nó. Thình lình nó vội tuột xuống cây cột và xông tới miếng mồi ngon mà nó nhận ra từ xa. Đúng, con rắn mối cũng phải suy nghĩ gì đó và có lẽ còn hơn con ong nữa. Rồi đầu óc anh bắt đầu nghĩ ngợi về các khả năng suy nghĩ khác nhau. Hiển nhiên, không phải tất cả mọi tầng lớp sinh vật đều có cùng một khả năng suy nghĩ, nhưng mỗi loài dường như có điều mà nó cần. Dĩ nhiên loài người có khả năng suy nghĩ cao nhất, nhưng dù vậy họ vẫn còn không hiểu một số vấn đề. Con người cũng có những giới hạn. Vậy thì sao? Người ta không thể nào chấp nhận giới hạn của mình và dùng những gì mình có hay sao? Anh nghĩ: ‘À, thì ra câu hỏi của mình “Ông Trời từ đâu đến?” phải chăng vượt quá giới hạn của con người?’ Kìa, anh còn không biết Ông Trời là ai nữa đây! Ngài có phải là một đấng làm trung gian trong công việc sáng tạo hay lại là một Đấng Tạo hóa nguyên thủy hay người Cha đầu nhất? Có thể là bộ óc của con người đã không được tạo ra để tự lý luận về vấn đề này; hay là Khâm không nắm đủ dữ kiện để nghĩ ngợi xa hơn. Nhưng anh có cần phải hiểu Ông Trời từ đâu mà ra không?

Khâm đã không bao giờ biết hết sự thật về cha anh cho đến khi tìm được mấy lá thư kia! Vậy có thể nào người ta cũng cần có những lá thư đến từ Đấng Tạo hóa để thật sự hiểu biết Ngài không? Thiên nhiên, các tạo vật của Ngài, cho thấy bằng chứng là Ngài hiện hữu, nhưng thiên nhiên không nói Trời nghĩ gì và có ý định gì cho tương lai. Người ta không thể đọc được tư tưởng của những người mà họ thấy được, vậy thì làm sao họ có thể đọc được tư tưởng của Đấng Tạo hóa mà họ không thể nhìn thấy? Đúng, người ta cần có những lá thư của Ông Trời để thật sự biết Ngài.

Khâm càng bắt đầu chú ý muốn biết đến những lá thư của Ông Trời mà Ổi nói đến. Chấp nhận giới hạn của chúng ta và học hỏi những lá thư ấy dường như là bí quyết để thật sự tiến bộ trong sự hiểu biết về Ngài và được Ngài giúp đỡ. Chẳng hạn Khâm không hiểu tại sao cái dùi đục lại cứng hơn gỗ; nhưng hễ anh giữ kỹ cái dùi và dùng đúng theo lời chỉ dẫn thì sẽ làm được mấy cái bánh xe. Anh không làm nghề chế tạo cái dùi đục; anh cũng không tạo ra thần thánh. Hoặc là lấy một thí dụ khác: Một người có khi nào đòi biết từng chi tiết về lý lịch của ông chủ trước khi làm công cho ông để kiếm tiền sinh sống không? Thế thì trên thực tế nếu đòi biết Ông Trời từ đâu ra trước khi nghe lời Ngài để có được đời sống sướng hơn thì quả là tự phụ biết mấy. Rồi Khâm nhớ lại là bạn anh không có đòi biết ‘các nguyên tố hỗn độn’ từ đâu đến trước khi tin tưởng nơi thuyết tiến hóa cho rằng muôn vật hiện hữu bởi sự ngẫu nhiên, chứ không có đầu óc thông minh tạo ra.

Khâm biết bất cứ vật gì mà người ta không làm ra thì họ thường qui cho “thiên nhiên”. Anh hồi xưa cũng thế. Anh đã nghĩ ngợi về sự khác biệt giữa “thiên nhiên”, “Đấng Tạo hóa” và “Ông Trời”. Về phần “thiên nhiên”, nó cho người ta sẵn mọi thứ, họ không cần phải cám ơn ai cả. Tuy nhiên, khi dùng chữ “Đấng Tạo hóa” thì người ta phải có cảm giác biết ơn, dù không nói ra. Đối với Khâm thì chữ “Ông Trời” bao hàm các cảm nghĩ biết ơn và vâng phục đối với Ngài vì địa vị của Ngài. Điều đó có hợp lý không? Anh tự hỏi. Khâm rất thích vì tự làm chủ xưởng mình, nhưng anh vẫn còn nằm dưới quyền người khác. Anh không thể đốn cây để làm xe gỗ nếu không có giấy phép. Anh và mọi người trong quận dù tự hào là được tự do nhưng lại phục dưới quyền của ông quận trưởng và các phụ tá của ông. Anh cảm thấy việc vâng phục như thế sẽ giúp giữ gìn trật tự và nếu ông quận trưởng là người tốt thì chuyện đó không phải là một gánh nặng. Vậy Khâm cảm thấy lương tâm không có quyền từ chối vâng phục “Ông Trời” nếu Ngài thật sự là Đấng Tạo hóa của loài người. Rồi anh bắt đầu cảm thấy có tội phần nào vì thiếu lòng biết ơn và đã xem vẻ đẹp của những vật chung quanh như là chuyện đương nhiên. Thật thế, thậm chí anh chưa bao giờ cám ơn vợ đã bỏ công khó ra để trồng và chăm sóc bông hoa ngay trước mặt anh đây.

Ngay vào lúc đó luồng tư tưởng của anh bị gián đoạn, anh đờ người vì tiếng vang rầm của một chiếc máy bay trực thăng quân đội bay thật thấp để trinh sát quân du kích đóng ở mấy ngọn đồi kế cận. Vì tiếng động điếc tai đó anh nhướng mắt và ngẩng đầu lên nhìn theo, cho đến khi máy bay khuất dạng sau mấy lùm cây cao nghệu. Bình thường anh thích nhìn nó vì đầu óc ham thích máy móc. Nhưng bây giờ anh thấy thật là bực mình vì bị tiếng ầm ĩ phá rối. Anh nghĩ: ‘Tại sao máy bay lại phải ầm ĩ như thế; và tại sao ngay trong lúc tâm tư mình đang chìm vào sự yên tĩnh và thơ mộng của cảnh vườn này chứ? Người ta không thể làm cho nó bay êm hơn sao?’ Rồi làm như là phép lạ, anh có được câu trả lời ‘có!’ lặng lẽ mà hùng hồn. Ngay trước mặt anh có một kiểu máy bay trực thăng tí hon đẹp nhất, bay gần sát anh mà anh lại không nghe thấy nữa kìa. Một con chuồn chuồn đó! Nhìn nó bay lượn đây đó tìm kiếm côn trùng, anh hiểu rằng con chuồn chuồn hay hơn máy bay trực thăng về mọi mặt. Có lẽ người ta không có khả năng làm một chiếc máy bay trực thăng êm hơn, nhưng anh cảm thấy Đấng Tạo hóa chắc chắn làm được. Anh cũng hiểu một điều khác nữa mà trước đây anh chưa hề ý thức đến: nhu cầu cần phải dẹp đi tất cả những lời tuyên truyền khó nghe tán tụng những công trạng của loài người và để ý đến bằng chứng hiển nhiên nhưng thầm lặng về những kỳ công huyền diệu hơn của Đấng Tạo hóa. Khi Khâm đứng dậy đi vào nhà, anh nhất định dành ra nhiều thì giờ hơn để ngắm cảnh vườn—tức “chiếc xe đẩy của Ông Trời”, và bỏ ít thì giờ hơn vào việc đọc những lời tuyên truyền đề cao loài người trên mặt báo.

Khi anh vào nhà rồi, vợ anh nói: “Em thấy anh ngồi ngoài vườn. Anh đã làm gì trong suốt khoảng thời gian đó?” Trầm ngâm một hồi, anh đáp: “Anh ngắm ‘cái xe đẩy’ ”. Vợ anh lộ vẻ bối rối. Rồi ngước mắt lên chị nói: “Anh muốn nói ‘cái xe đẩy của Ông Trời’, phải không?” Anh mỉm cười bảo: “Này, chẳng phải anh có một người vợ thông minh hay sao? Lát nữa đây anh sẽ hỏi em về mấy lá thư đó và một chuyện làm anh vẫn còn bận tâm đây”.

Tối hôm đó, sau khi ăn uống xong và ngồi nghỉ thoải mái, Khâm quay sang vợ hỏi: “Ổi à, em sẽ nghĩ sao nếu có người hỏi em: ‘Ông Trời từ đâu ra?’ ” Chị đáp: “Chẳng từ đâu ra cả, Ngài luôn luôn hiện hữu. Kinh-thánh nói Ngài có ‘từ trước đời đời cho đến vô cùng’. Ngài là nguyên nhân tối cao tối đại”. Khâm thì thầm: “Ừ, để mình xem nhé, ‘một nguyên nhân đầu nhất luôn luôn hiện hữu’. Dường như khó hiểu đấy”. Chị hỏi ngược lại: “Nhưng có gì khác hơn giải thích được không?” “Đó là một câu hỏi tốt đó Ổi. Lời giải đáp phải là: không có gì, tuyệt đối không gì hết. Nếu là như vậy, vật đầu tiên phải từ đâu ra? Có điều là cái đó không thể nào hiện hữu, vì không có gì cả, không có nguyên nhân nào đưa đến cái đó. Như vậy thì phải luôn luôn có một quyền lực cội rễ hiện hữu—và đó phải là một quyền lực biết suy nghĩ, một đấng, tạo dựng mọi vật trong thiên nhiên”.

“Vậy lời giải đáp cho câu hỏi của anh ‘Ông Trời ở đâu ra?’ sẽ là như em đã nói: ‘Ngài luôn luôn có’ ”. Quay lại phía Ổi, Khâm hỏi: “Nhưng em có khó chịu không khi không hiểu làm sao lại như thế được?” Chị, đưa mắt nghiêm trang nhìn Khâm rồi nói thêm: “Tại sao em phải khó chịu chứ? Có hằng hà sa số chuyện mà em còn chưa biết nè. Điện lực là gì? Em không biết, nhưng nếu em bấm cái nút này ở dưới chân thì máy may nó chạy. Anh đâu có cần phải hiểu hết mọi chuyện để thụ hưởng lợi ích của chúng. Muốn biết hết là quá tự phụ, nhất là về Đấng Tạo hóa của con người”. “Anh đồng ý với em đó. Nhưng anh đã tốn nhiều thì giờ mới đi đến cùng một kết luận”. Chị chế giễu đáp lại: “Dĩ nhiên, chẳng phải anh mới vừa nói anh có một người ‘vợ thông minh’ hay sao?” Rồi chị nghiêm nghị nói tiếp: “Anh chớ nên quên là em hiểu được phần nào là nhờ có Kinh-thánh đấy”. Anh cười: “Được rồi, ‘vợ thông minh’ của anh trả lời câu hỏi này thế nào đây? Hôm nọ em nói Kinh-thánh giống như một bộ sưu tầm các lá thư đến từ Đấng Tạo hóa”. “Đúng thế, em nhớ”. “Thế thì làm sao anh có thể biết các lá thư đó từ Ông Trời mà ra?”

Ổi trầm ngâm một hồi trước khi đáp: “Em thật sự nghĩ là những điều ghi trong đó nói cho mình biết”. Khâm bắt bẻ: “Anh thấy lý lẽ này không vững lắm”. “Thế còn có cách nào khác để biết đâu? Làm sao hồi trước anh biết mấy cái lá thư anh đọc là do Ba anh viết ra?” Khi suy nghĩ đến đó, anh không thấy có bằng chứng thật sự nào. Anh đâu có thấy cha anh viết ra. Anh cũng không trực tiếp nhận được thư từ tay cha anh. Ba anh cũng không có ký tên gì cả. Dù cha anh có ký tên đi nữa, anh cũng không có cách nào để chứng thực chữ ký đó. Bất kể điều đó, anh chắc chắn các thư đó là của cha anh. Tất cả các thư đều viết bằng một tuồng chữ giống nhau. Nội dung trong thư cho thấy chính cha anh đã viết ra. Tất cả các lá thư đều tiết lộ cha anh biết rõ và quan tâm đến gia đình, và cuối mọi lá thư đều có ghi “Ba yêu dấu của các con”. Còn ai khác nữa lại có động lực và có thể viết ra những lá thư kỳ diệu dường ấy? Bởi vậy anh mãn nguyện vì có đầy đủ bằng chứng để yểm trợ điều anh tin chắc. Này, ngay đến cách anh tìm ra mấy thư đó đã củng cố sự tin tưởng ấy!

Quay về phía Ổi, anh nói: “Anh thắc mắc một điều, nhưng em hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi trả lời cho anh. Em có bằng chứng tuyệt đối là Kinh-thánh gồm có những lá thư đến từ Ông Trời không? Hay là em chỉ có bằng chứng có sức thuyết phục?” Ổi trầm ngâm một hồi lâu. Chị không thể lường trước Khâm muốn đi đến kết luận nào. Rốt cuộc chị đáp: “Em không biết gì về bằng chứng tuyệt đối...nhưng em tin”. Bây giờ tới phiên Khâm trầm ngâm nghĩ ngợi. Có bằng chứng suông thay vì bằng chứng tuyệt đối có ích lợi gì không? Anh lại quay sang Ổi và hỏi: “Kinh-thánh được viết ra cho ai và với mục đích gì?” Chị lại nghĩ ngợi một hồi trước khi đáp: “Em nghĩ là cho những người tìm kiếm Ông Trời để họ đọc và có thể đến gần Ngài. Em nhớ mấy cô kia đã cho em thấy chỗ mà Giê-su chỉ dùng ví dụ mà nói để mấy kẻ nghịch lại ngài không hiểu được, nhưng những người thành thật sẽ hỏi thêm để hiểu. Em đã từng thấy như thế về Kinh-thánh. Nhiều chỗ rất khó hiểu, nhưng khi em hỏi thì thường được toại nguyện”. “Em biết không, Ổi, điều này nêu lên một câu hỏi đáng lưu ý. Đấng Tạo hóa của con người và trái đất có thể dễ dàng làm cho thông điệp của Ngài vang lên như sấm ở trên trời hoặc hiện ra trên bầu trời bằng một ngôn ngữ rõ ràng và giản dị để cho mỗi người có thể hiểu; vậy mà em nói Ngài dùng cuốn Kinh-thánh, khó hiểu và cần phải tra cứu mới hiểu được. Tại sao? Em có ý kiến nào không?”

“Em hiểu là Kinh-thánh đã được viết ra để động lòng người ta. Thật thế, em nhớ là có lần em đọc thấy Kinh-thánh được ví như gươm hai lưỡi có thể động đến lòng và phân biệt ý định của lòng”. Khâm ngắt lời: “Như vậy bằng chứng có sức thuyết phục hữu hiệu hơn là bằng chứng không thể bắt bẻ được. Bởi vậy Kinh-thánh giống như một cục nam châm, chỉ kéo những người thành thật đến mà thôi; nhưng hễ ai muốn kiếm cớ để không tin thì cũng kiếm ra và như thế biểu lộ trong lòng họ có gì”. Ổi cười: “Em đồng ý với anh đó, nhưng điều làm em ngạc nhiên là tại sao anh lại hiểu trước được tất cả những điều này bây giờ khi mà anh chưa hề thấy một cuốn Kinh-thánh bao giờ”. “Anh đã học được rằng hễ mình càng suy nghĩ trước chừng nào, thì kết quả càng tốt chừng nấy. Em chớ quên là anh đã học làm mấy cái xe đẩy như thế. Dù sao anh chưa có Kinh-thánh. Và bây giờ thì anh biết rõ mình mong thấy gì nơi Kinh-thánh khi có được một cuốn”.

“Tất cả những điều này nêu ra câu hỏi là tại sao mất nhiều thời gian như thế để phổ biến Kinh-thánh cho người ta”. Chị giải thích: “Trước hết, mấy người lúc ban đầu được giao cho nhiệm vụ giữ Kinh-thánh thì lại làm ác theo thời gian, ngưng phổ biến Kinh-thánh và ngay cả bắt bớ những ai tìm cách phổ biến Kinh-thánh”. Anh hỏi: “Tại sao họ lại muốn làm như thế chứ?” Chị bẻ lại: “Thế thì tại sao anh Tuyên của anh lại giấu mấy lá thư của Ba anh trong hộc tủ thay vì đưa cho cả nhà xem?” “Anh hiểu em rồi. Anh ấy giấu đi vì mấy lá thư đó tố cáo anh ấy. Anh ấy đã cướp đi danh thơm tiếng tốt của Ba và tự tạo một danh tiếng cho mình”. “Đúng vậy, và đó chính là điều mà mấy người tự xưng theo đấng Christ đã làm với danh Đức Giê-hô-va. Các lá thư của Ông Trời tố cáo những sự dạy dỗ sai lầm cũng như hạnh kiểm bậy bạ của những kẻ tự xưng theo đấng Christ nhưng vẫn còn đánh nhau và giết nhau”. Khâm nói: “Đúng, và anh phải đọc cho bằng được các lá thư ấy”.

MỘT SỰ KHÁM PHÁ

Rồi một ý nghĩ đập vào trí Khâm. Anh đứng dậy và đến bàn giấy và bắt đầu lục soát giấy tờ trong mấy ngăn tủ. Cuối cùng anh kiếm ra cái mà anh đang tìm: một cuốn sách nhỏ nhan đề “Sáng-thế Ký”. Đưa ra trước mặt Ổi, anh hỏi: “Cái này có liên hệ gì đến Kinh-thánh không em?” Chị thốt lên: “Có chứ. Anh tìm đâu ra thế? Thật ra đó là lá thư thứ nhất đấy”. “Anh có trên bàn giấy lâu rồi. Anh không nhớ đã kiếm đâu ra”. Anh trả lời và ngồi xuống bắt đầu đọc.

Sau một hồi lâu im lặng, Khâm vụt reo mừng làm cho vợ anh giật mình: “Ổi nè, cái này kỳ diệu quá! Đúng là cái anh muốn đọc. Sách nói về sự sáng tạo”. Ổi không nói gì cả. Chị nóng lòng muốn nói cho anh biết tất cả những gì mình đã biết để thúc giục anh cùng học Kinh-thánh với mình; nhưng chị biết anh muốn đi đến quyết định đó một mình. Chị cũng cảm thấy điều đó có vẻ quyến rủ vì chị đang cảm thấy nóng lòng muốn đọc thư đó nữa. Chính chị chỉ đọc có vài câu trong cuốn Kinh-thánh mà mấy cô kia đã mang đến cho chị. Tuy nhiên, chị tiếp tục may vá, biết rằng Khâm sẽ nói chuyện với chị khi đọc xong. Quả thật như vậy.

“Ổi nè, em có sẵn sàng trả lời vài câu hỏi chưa?” “Được rồi, anh cứ nói, nhưng hãy nhớ là chính em chỉ mới học sơ qua thôi nhé”. “Anh vừa đọc qua về người đàn ông và đàn bà đầu tiên trên đất. Họ được dặn là có thể ăn bất cứ trái cây nào trong vườn Ê-đen—trừ ra một cây mà thôi. Nếu ăn trái cây bị cấm, họ sẽ chết. Tại sao thế? Phải chăng trái cây đó độc?” Ổi đến gần để có thể nhìn ké điều anh đang đọc. Chị đáp: “Không phải vậy. Ông Trời dùng trái cây đó như để tượng trưng cho một điều gì. Anh lưu ý cây đó được gọi là ‘cây biết điều thiện và điều ác’. Nó biểu hiệu cho một cuộc tranh chấp: Con người có sẵn lòng chấp nhận uy quyền của Ông Trời với tư cách Đấng Tạo hóa và Chủ tể có quyền ban cho hoặc giữ lại—hoặc loài người nhất định làm và lấy cái gì mình muốn? Cả vũ trụ đều có trật tự dưới quyền chỉ huy của Ông Trời. Con người được ban cho quyền hành cai trị mọi vật trên đất hầu cho cả trái đất cũng biến thành một nơi có trật tự nữa, dưới sự chỉ huy toàn diện của Ông Trời—giống như trong vườn Ê-đen đấy. Người đàn ông và đàn bà đầu tiên đã có một trách nhiệm lớn lao. Điều gì họ làm và dạy dỗ sẽ được truyền lại cho con cháu họ và như vậy là cho toàn thể nhân loại. Bởi vậy cặp vợ chồng đầu tiên chịu thử thách để xem họ có xứng đáng về mặt luân lý để gánh vác công việc đó không và thử xem họ có trung thành đối với Đấng làm chủ của họ và cai trị tối thượng hay không”.

Im lặng một hồi lâu, Khâm nói: “Anh đồng ý là mình không thể cất một cái nhà tốt trên một cái nền không được chắc, và Ông Trời không phải chỉ cất nhà—Ngài kiến tạo cả một thế giới gồm hàng tỉ người, và người ta rất cần phải trung thành với Đấng làm chủ của họ. À, thì ra thế gian này làm bậy hết. Không có sự trung thành đối với người có quyền. Ngay cả anh có thể hiểu điều đó, và anh chỉ mới bắt đầu tin nơi Ông Trời mà thôi”. Ổi ngắt lời: “Này anh, anh có thấy ở đây nói gì không? Con rắn—tức Ma-quỉ đấy—nó nói với người đàn bà: ‘Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Ông Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Ông Trời, biết điều thiện và điều ác’ ”. Khâm trông có vẻ bối rối. “Anh không hiểu ở đây muốn nói gì”. Ổi nói: “Đấy, không phải Ma-quỉ thật ra nói với người đàn bà rằng Ông Trời nói dối với bà để bắt bà phục tùng trong khi bà có thể độc lập khỏi Ông Trời và tự đặt ra luật lệ cho chính mình hay sao?”

“Khoan đã, Ổi. Em cứ nhanh miệng nói mãi đến Ma-quỉ—nhưng hắn là ai vậy?” Chị nói: “Ồ, xin lỗi, để em giải thích. Trước khi tạo ra vũ trụ vật chất, Ông Trời đã tạo ra các thần linh, gọi là thiên sứ, có sự thông minh và quyền năng cao hơn loài người. Giống như người ta, họ cũng có sự tự do lựa chọn. Giống như người ta, họ cũng có khả năng tưởng tượng. Một trong các tạo vật này đã để cho trí tưởng tượng của hắn vượt quá giới hạn để không còn trung thành với Ông Trời nữa. Hắn nghĩ thật là tốt biết mấy nếu có nhiều người ở dưới quyền và ảnh hưởng của hắn. Bởi vậy hắn cám dỗ người đàn bà đầu tiên đi theo sự dẫn dắt của hắn bằng cách tình nguyện giải cứu bà khỏi tay Ông Trời”. “À, bây giờ anh hiểu rồi. Và hãy nhìn xem sách nói tiếp gì đây: ‘Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt... bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa’. Điều đáng chú ý là bà Ê-va đã đặt ý kiến riêng của bà lên trên điều mà Ông Trời đã nói. Bà nghĩ bà đã tự giác ngộ, dù thật ra bà đã rơi vào sự giác ngộ giả tạo của Sa-tan. Rồi thì, em thấy chuyện gì xảy ra: ‘Người đàn ông cũng ăn và hai người bị đuổi ra khỏi vườn để họ không có thể đi đến cây sự sống và hưởng sự sống đời đời’. Đối với anh điều này có một ý nghĩa. Đây là một lời cảnh cáo chống lại sự tự giác ngộ, chống lại sự suy luận đi ngược lại chiều hướng của Ông Trời. Hay có lẽ anh nên nói cách khác—lập ra một tôn giáo chỉ dựa trên tư tưởng hay triết lý của loài người, sẽ không dẫn đến sự sống đời đời”.

Khâm im lặng một hồi lâu, nhưng anh đang suy nghĩ về những gì anh vừa đọc. Nó làm cho anh có một quan điểm mới về nguyên nhân tại sao người ta khốn đốn và đau khổ, và điều còn quan trọng hơn nữa, anh tìm ra một lối thoát. Anh hồi tưởng lại lúc anh đọc mấy lá thư của cha anh. Trước tiên anh cảm thấy phấn chấn, nhưng sau đó anh cảm thấy tâm hồn mình trống rỗng hơn bao giờ hết. Anh cảm thấy chỉ có một khái niệm lờ mờ hay chỉ nếm qua được một cái gì kích thích sự ham muốn của anh và rồi nó biến mất, để lại cho anh một nỗi khát khao một cái gì không thể tả được, muốn biết lời giải đáp cho những câu hỏi mà anh không thể đặt ra được. Anh vẫn còn nhớ lại hồi trước khi lập gia đình, lúc đó anh không vui gì hết. Anh đã không bao giờ nghĩ đến việc tự tử như nhiều người, nhưng anh cảm thấy đời thật là khốn khổ, không có lối thoát. Anh đã đọc, hoặc nghe người ta nói lại—anh không thể nhớ rõ thế nào—rằng đời sống khốn khổ này là quả báo vì tội lỗi đã phạm ở kiếp trước. Nhưng anh thắc mắc về điều đó. Dường như nó đi ngược lại công lý. Ừ nhỉ, anh còn không thể nhớ lại đã làm gì quấy ở kiếp trước nữa kìa—thế mà bây giờ anh lại bị phạt vì tội lỗi đó! Cũng giống như một người bị bỏ tù và không được cho biết đã vi phạm luật nào. Làm thế nào lại có thể thi hành công lý nếu chính hình phạt không công bình? Làm sao anh có thể tránh tái phạm tội lỗi nếu chính anh còn không biết tội đó là tội gì? Tất cả những điều đó dường như làm cho anh có cảm giác vô nghĩa và tuyệt vọng, không biết cầu cứu với ai. Bây giờ anh hiểu anh khao khát điều gì. Đó là có được một nguồn trợ giúp và soi sáng. Đọc những lá thư rộng lượng và khích lệ đó từ cha anh đã giúp anh ý thức rõ hơn nhu cầu cần người ngoại cuộc giúp đỡ. Lá thư ấy của Ông Trời mà anh vừa đọc đã bắt đầu đáp ứng nguyện vọng của anh. Anh cảm thấy sung sướng phần nào chứ không phải như trước đây. Niềm hạnh phúc đó trở thành một khía cạnh của đời sống, không bao giờ bị bệnh tật hay sự chết hủy hoại—nếu quả thật những lá thư ấy đến từ Ông Trời.

Im lặng một hồi lâu, Khâm nói: “Anh vừa suy nghĩ về những gì hồi nãy em nói là mấy cô kia đã nói với em: con người đã được tạo ra để sống trên đất. Này, điều mà chúng ta vừa đọc xong cũng nói như thế. Khi gia đình nhân loại gia tăng, cảnh vườn nguyên thủy sẽ dần dần lan rộng cho đến chừng nào cả trái đất đều biến thành một khu vườn. Sự thật là người đàn ông và đàn bà đầu tiên đã bị đuổi ra khỏi vườn dường như cho thấy rằng họ đã đánh mất đặc ân dù là tạm thời được ở trong phần đất hoàn toàn, hay chúng ta nên nói phần đất được khẩn hoang, nhưng họ được phép sống một thời gian trong vùng chưa khẩn hoang”. Ổi đáp: “Đúng vậy, họ đã bị đuổi ra khỏi gia đình của Ông Trời và trở thành những người đi khai khẩn đất hoang để sống. Nhưng anh thấy Kinh-thánh nói tiếp là ‘họ có con trai và con gái’. Trước mắt Ông Trời vị thế của con cái họ là gì?” Khâm nói: “Anh nghĩ con cái của A-đam và Ê-va cũng sẽ làm người khẩn hoang như họ và sẽ bị nhiễm thái độ phản nghịch của cha mẹ họ, dù chính mỗi người trong họ không có tự mình từ bỏ Ông Trời”. Ổi đồng ý: “Đúng, và Đức Giê-hô-va là Ông Trời đầy thương xót như thế, đã hứa ban cho con cháu của những người đi khai hoang này một lối để sửa chữa lại tội lỗi và được nhận vào gia đình của Ngài để Ngài thành Cha họ”. “À, thì ra là vậy. Em bảo là em đã tìm được một Cha là như thế. Nhân loại sẽ không còn làm người đi khai hoang nữa nhưng được gia nhập gia đình Ông Trời”.

“Trong lá thư này có nói gì về điều đó không?” “Có, nhưng chỉ vắn tắt thôi. Anh sẽ phải đọc hết tất cả các lá thư mới hiểu trọn sự sắp đặt. Này anh, hãy xem ở đây nói gì: ‘Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế-gian đều sẽ nhờ dòng-dõi ngươi mà được phước’ ”. Anh hỏi: “ ‘Dòng-dõi’ là gì thế?” “Đó là lời phán cùng Áp-ra-ham, người đã sống cách đây chừng 4.000 năm và là tổ tiên của người Ả-rập cũng như của người Do-thái. Ông là một người nổi tiếng vì đức tin và sự vâng lời Đức Giê-hô-va. Phải tốn quá nhiều thì giờ để giải thích những gì em biết về ‘dòng-dõi’, nhưng em hiểu ‘dòng-dõi’ là phương tiện để cứu con cháu của A-đam khỏi tội lỗi và chuẩn bị cho họ trở thành con cái Đức Giê-hô-va”. Khâm nói: “Như vậy là họ sẽ được đem ra khỏi khu rừng già chưa khai khẩn, tức là thế gian này, để được đưa vào khu vườn của Ông Trời”. Ổi xác nhận: “Vâng, đúng thế”. Khâm thì thầm: “À ra thế, nhân loại sống trong một xã hội tựa như đám rừng—mạnh ai nấy sống. Đành rằng có lẽ có một số người thật sự cố làm điều thiện, nhưng thường thì môi trường xung quanh họ giống như đám rừng già, lấn át những cố gắng của họ. Không có ai tương đương với một người chăm sóc vườn hướng dẫn những người làm điều thiện đến một kiểu mẫu toàn diện. Em biết không, dường như càng ngày càng thấy rõ hơn là nhân loại cần đến một người chỉ huy tối thượng, được mọi người chấp nhận, thấy hết mọi sự và hành động giống như một người cha. Chỉ một mình Ngài mới có thể thưởng cho những người làm điều thiện. Về phần những kẻ làm điều ác, thì cần phải có một quyền lực giống như người cha để kiềm chế họ để không đô hộ hoặc đè bẹp những người làm điều thiện, như đã xảy ra tại một số nước dưới chính thể độc tài ác nghiệt. Còn những kẻ làm điều ác mà không chịu sửa đổi thì sao? Họ sẽ bị điều gì?”

Ổi đáp: “Có phải là cần loại trừ họ không?” Khâm tiếp: “Đúng, trong thế gian ngày nay người ta sát hại lẫn nhau, trên bình diện cá nhân hoặc quốc gia. Anh nghĩ mọi sự đều là quấy cả. Nhưng chắc chắn Đấng Tạo hóa của sự sống có thể đúng lý hủy diệt những kẻ từ chối làm điều thiện. Có người cha nào mà lại để cho một con chó dại chạy rong trong nhà và cắn con cái mình? Chắc chắn là vai trò của người cha không chỉ truyền sự sống cho con cái mà cũng là để chăm sóc chúng và che chở chúng khỏi tay kẻ thù nghịch”. Lúc đó Ổi buột miệng nói: “Anh à, theo những gì em hiểu thì tất cả những gì anh nói chính là điều Kinh-thánh dạy. Khi Đức Giê-hô-va nhóm hiệp gia đình Ngài lại trong nhà, tức là cả trái đất, Ngài sẽ tiếp tục chăm sóc họ. Thật thế, chủ đề chính của Kinh-thánh là Nước Đức Chúa Trời, tức là phương tiện Ngài dùng để thực thi điều này”.

Khâm im lặng một hồi lâu. Rồi, nhìn sang Ổi, anh nói, như gằn từng tiếng một: “NẾU ĐIỀU EM NÓI...MÀ ĐÚNG...THÌ ĐÓ LÀ...TIN MỪNG KỲ DIỆU NHẤT...MÀ NGƯỜI TA TỪNG NHẬN ĐƯỢC. Em có đồng ý không?” “Chính anh biết là em đồng ý. Đó là lý do tại sao hôm nọ anh hỏi em nguyên nhân do đâu mà không khí gia đình mình trở nên tốt hơn. Đó là vì em. Em nhìn nhận; em đã đổi tính. Đúng vậy, ngay từ khi em mới khởi sự học tin mừng này em đã bắt đầu nuôi hy vọng thật sự về một tương lai huy hoàng và một quan niệm mới đối với cuộc sống bây giờ”.

Khâm chợt bật dậy và xích lại gần Ổi, nhìn thẳng vào mặt chị. Đặt tay lên vai chị, anh khuyến khích: “Em à, về phần hai đứa mình, mình sẽ cùng nhau đi tìm Cha, em chịu không?” Chị đáp lại bằng nụ cười.

ĐỘC GIẢ THÂN MẾN:

Rất có thể bây giờ bạn thắc mắc không biết cuộc tìm kiếm Cha của anh Khâm và chị Ổi ra sao rồi. Nhưng xin nhớ họ không phải là những nhân vật có thật; tuy nhiên, người Cha, Đấng Tạo hóa có thật, và cuộc tranh chấp liên hệ đến Ngài cũng có thật. Do đó, chúng tôi khuyến khích bạn đích thân tìm kiếm Ngài. Làm thế sẽ mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc vì bạn sẽ hiểu các vấn đề quan trọng nhất về đời sống và đời sống của bạn sẽ trở nên có ý nghĩa thật sự.

Nhưng làm sao bạn có thể theo đuổi cuộc đi tìm Cha? Nhân-chứng Giê-hô-va sẵn lòng giúp bạn làm thế bằng cách học hỏi Kinh-thánh với bạn miễn phí. Xin vui lòng liên lạc với người mà có lẽ đã đem cho bạn cuốn sách nhỏ này hoặc viết thư về nhà xuất bản.

[Hình nơi trang 12]

Món quà của một người cha cho con

[Hình nơi trang 13]

Món quà của người Cha khác cho các con mình

[Hình nơi trang 18]

Tại sao các nhà máy đường lại không thể giống như nhà máy con ong này—hữu hiệu, sạch sẽ và đẹp đẽ?

[Hình nơi trang 21]

Cao siêu hơn một máy bay trực thăng