Đi đến nội dung

Hỡi các bạn trẻ—Các bạn dự tính gì cho đời mình?

Hỡi các bạn trẻ—Các bạn dự tính gì cho đời mình?

Hỡi các bạn trẻ—Các bạn dự tính gì cho đời mình?

“Tôi muốn thật thành công trong đời sống”. Một thiếu nữ đã nói như thế. Chắc hẳn bạn cũng muốn như vậy. Nhưng phải làm gì để được “thành công” trong đời sống? Phương tiện truyền thông, bạn bè đồng lứa, và có lẽ ngay cả thầy cô, có thể nói rằng thành công có nghĩa là kiếm được nhiều tiền và có một nghề nghiệp được trọng vọng!

Tuy nhiên, Kinh Thánh báo trước cho người trẻ biết rằng theo đuổi sự thành công vật chất chỉ là “theo luồng gió thổi” (Truyền-đạo 4:4). Một lý do là vì chỉ một số ít người trẻ sẽ thật sự đạt tới sự giàu sang, danh vọng. Ngay cả những người đạt được cũng thường thấy thất vọng cay đắng. Một người trẻ ở Anh từng theo đuổi một nghề được trọng vọng trong học viện, nói rằng: “Thành công vật chất không khác gì một chiếc hộp rỗng. Khi nhìn bên trong thì mới thấy chẳng có gì cả”. Đành rằng việc làm đôi khi có thể mang lại sự giàu có và tiếng tăm, nhưng nó không thể thỏa mãn nhu cầu thiêng liêng của bạn, tức việc “nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 5:3). Ngoài ra, 1 Giăng 2:17 cũng cảnh báo rằng “thế gian... đang qua đi”. Dù bạn có thành công trong thế gian này, điều đó cũng chỉ tồn tại một thời gian ngắn mà thôi.

Bởi vậy Truyền-đạo 12:1 kêu gọi các người trẻ: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”. Đúng vậy, cách tốt nhất để dùng đời sống mình là phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nhưng trước hết, bạn phải hội đủ điều kiện để được phụng sự ngài. Bằng cách nào? Và đời sống phụng sự Đức Chúa Trời bao hàm điều gì?

Hội đủ điều kiện làm Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va

Trước hết, bạn phải vun trồng ước muốn phụng sự Đức Chúa Trời—đó không phải là ước muốn tự nhiên mà có, dù cha mẹ bạn là tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Bạn phải vun trồng mối quan hệ riêng với Đức Giê-hô-va. Một thiếu nữ nói: “Việc cầu nguyện giúp bạn có mối quan hệ riêng với Đức Giê-hô-va”.—Thi-thiên 62:8; Gia-cơ 4:8.

Rô-ma 12:2 nêu rõ một bước khác bạn phải làm: “Tự chứng minh cho chính mình về ý muốn của Đức Chúa Trời, là ý muốn tốt lành, hoàn hảo và đẹp lòng ngài”. Có bao giờ bạn cảm thấy nghi ngờ một vài điều mà bạn được dạy bảo không? Vậy hãy làm theo lời khuyên Kinh Thánh, và “tự chứng minh” những điều này đúng như thế nào! Hãy tự nghiên cứu và đọc Kinh Thánh cùng các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Tuy nhiên, học hỏi về Đức Chúa Trời không chỉ là thu nhận kiến thức. Hãy dành thì giờ suy ngẫm điều bạn đọc để nó thấm sâu vào lòng. Việc này sẽ khiến tình yêu thương của bạn đối với Đức Chúa Trời trở nên sâu đậm hơn.—Thi-thiên 1:2, 3.

Sau đó, hãy cố gắng chia sẻ những gì bạn học được với bạn cùng trường chẳng hạn. Bước kế tiếp là rao giảng từ nhà này sang nhà kia. Đôi khi trong lúc đi rao giảng bạn gặp phải bạn học, và điều này có thể khiến bạn cảm thấy bối rối lúc đầu. Thế nhưng Kinh Thánh khuyên chúng ta chớ “hổ thẹn về tin mừng” (Rô-ma 1:16). Bạn đang mang một thông điệp về sự sống và hy vọng! Tại sao lại hổ thẹn về điều đó?

Nếu cha mẹ bạn là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, có lẽ bấy lâu nay bạn đã theo cha mẹ đi rao giảng. Nhưng ngoài việc đứng im lặng khi đến các nhà hoặc chỉ phân phát tạp chí và giấy nhỏ, bạn có làm được điều gì khác không? Bạn có thể nói chuyện, dùng Kinh Thánh chỉ dẫn chủ nhà không? Nếu không, hãy nhờ cha mẹ hoặc một anh chị thành thục trong hội thánh giúp đỡ. Hãy đặt mục tiêu là hội đủ điều kiện làm người công bố chưa báp-têm!

Với thời gian bạn sẽ muốn dâng mình—thề nguyện với Đức Chúa Trời là từ nay trở đi bạn sẽ phụng sự ngài (Rô-ma 12:1). Tuy nhiên, dâng mình không chỉ là việc riêng của bạn. Đức Chúa Trời đòi hỏi mọi người “bởi miệng công bố mà được cứu rỗi” (Rô-ma 10:10). Khi báp-têm, bạn tuyên xưng đức tin của mình lần đầu tiên. Tiếp theo đó là phép báp-têm trong nước (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Đành rằng báp-têm là bước quan trọng, nhưng đừng do dự vì sợ mình có thể không làm tròn lời hứa nguyện. Nếu bạn trông cậy vào Đức Chúa Trời để có sức lực, ngài sẽ ban cho bạn “sức lực hơn mức bình thường” hầu giúp bạn đứng vững.—2 Cô-rinh-tô 4:7; 1 Phi-e-rơ 5:10.

Khi báp-têm, bạn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va (Ê-sai 43:10). Điều này phải tác động mạnh đến cách bạn dùng đời sống mình. Dâng mình bao hàm việc “từ bỏ chính mình” (Ma-thi-ơ 16:24). Có thể bạn sẽ bỏ một số mục tiêu cũng như hoài bão riêng, và ‘tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời trước hết’ (Ma-thi-ơ 6:33). Như vậy việc dâng mình và báp-têm mở ra nhiều cơ hội để làm thế. Chúng ta hãy xem xét một số cơ hội này.

Cơ hội phụng sự Đức Chúa Trời trọn thời gian

Tiên phong là một trong những cơ hội đó. Người tiên phong là một tín đồ đạo Đấng Ki-tô gương mẫu đã báp-têm và sắp xếp để dành ra ít nhất 70 giờ mỗi tháng cho việc rao giảng tin mừng. Dành nhiều thời giờ hơn cho thánh chức sẽ giúp bạn phát triển kỹ năng rao giảng và dạy dỗ. Nhiều người tiên phong có được niềm vui giúp những người học hỏi Kinh Thánh làm báp-têm trở thành Nhân Chứng. Có công việc nào ngoài đời mang lại nhiều hứng thú và thỏa nguyện như vậy không?

Để sinh sống, phần đông người tiên phong làm việc bán thời gian ở ngoài đời. Nhiều người trù tính trước bằng cách học một nghề ở trường hoặc từ cha mẹ. Nếu bạn và cha mẹ cảm thấy việc học thêm sau trung học sẽ có lợi, hãy chắc chắn rằng động cơ của bạn không phải nhằm kiếm nhiều tiền mà là nhằm tạo điều kiện giúp bạn làm thánh chức và có lẽ làm người truyền giáo trọn thời gian.

Tuy nhiên, trọng tâm của đời sống người tiên phong không phải là việc làm ngoài đời mà là thánh chức rao giảng—giúp người khác có được sự sống! Sao không tự đặt mục tiêu cho mình là trở thành người tiên phong? Việc tiên phong thường dẫn đến các đặc ân khác nữa. Thí dụ, một số người tiên phong dọn đến những nơi cần nhiều người công bố Nước Trời hơn. Những người khác học một ngoại ngữ và phục vụ tại một hội thánh tiếng nước ngoài ở địa phương hoặc ngay cả ở nước ngoài. Đúng vậy, tiên phong là một lối sống đầy ân phước!

Trường Kinh Thánh cho cặp vợ chồng là một cơ hội khác. Trường này đặc biệt huấn luyện cặp vợ chồng để họ được Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài dùng nhiều hơn. Những cặp vợ chồng tốt nghiệp được bổ nhiệm đến nơi có nhu cầu lớn hơn trong quê hương của họ. Một số khác có thể nhận nhiệm sở ở nước ngoài, nếu hoàn cảnh cho phép. Các anh chị tốt nghiệp có thể phụng sự với tư cách tiên phong đặc biệt tạm thời để mở rộng công việc rao giảng tại những nơi xa xôi và hẻo lánh.

Trường Kinh Thánh cho các anh độc thân được thành lập để huấn luyện những trưởng lão và phụ tá độc thân đủ điều kiện. Khóa học đòi hỏi sự tập trung cao độ và kéo dài tám tuần. Nó bao gồm những chủ đề như trách nhiệm của trưởng lão và phụ tá hội thánh, tổ chức và nghệ thuật diễn thuyết. Một số anh được chỉ định phục vụ ngay tại xứ họ. Những người khác thì được mời nhận công việc ở nước ngoài.

Phục vụ ở Bê-tên bao gồm việc tình nguyện làm việc tại một trong những chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Một số thành viên nhà Bê-tên tham gia trực tiếp trong việc sản xuất ấn phẩm Kinh Thánh. Những người khác thì được giao công tác hỗ trợ như bảo trì phòng ốc và dụng cụ máy móc, hoặc lo về nhu cầu thể chất của gia đình Bê-tên. Tất cả các công việc này đều là đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, những người làm việc ở Bê-tên còn có niềm vui là biết rằng dù làm bất kỳ công việc gì, họ cũng giúp ích cho rất nhiều anh em trên khắp thế giới.

Đôi khi những anh có kỹ năng đặc biệt được mời đến phục vụ tại Bê-tên. Tuy nhiên, phần đông được huấn luyện sau khi đến đây. Những người ở Bê-tên không phục vụ vì lợi lộc vật chất nhưng họ hài lòng với sự chu cấp về thức ăn, nơi ở và một số tiền nhỏ cho sự chi tiêu cá nhân. Một thành viên trẻ của gia đình Bê-tên diễn tả công việc anh như sau: “Thật tuyệt vời! Chạy theo thời khóa biểu làm việc hằng ngày ở Bê-tên thì không dễ, nhưng tôi nhận được rất nhiều ân phước khi phụng sự ở đây”.

Công tác quốc tế cho phép một người tham gia việc xây dựng các trụ sở chi nhánh và Phòng Nước Trời. Những người này, được gọi là tôi tớ quốc tế, đi đến các nước để giúp đỡ trong việc xây dựng như thế. Đây là một công việc thánh, giống như công việc của những người xây đền thờ thời Sa-lô-môn (1 Các Vua 8:13-18). Sự sắp đặt để chăm sóc các tôi tớ quốc tế cũng tương tự các sắp đặt cho gia đình Bê-tên. Được phụng sự trong lĩnh vực này để ca ngợi Đức Giê-hô-va quả là một đặc ân lớn biết bao cho các anh chị đó!

Phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng

Phụng sự Đức Giê-hô-va là cách tốt hơn hết để dùng đời sống bạn. Sao không nghĩ đến việc đặt mục tiêu phụng sự Đức Chúa Trời trọn thời gian? Hãy bàn với cha mẹ, các trưởng lão và giám thị vòng quanh của bạn về thánh chức trọn thời gian. Nếu bạn chú ý đến việc phục vụ ở Bê-tên, Trường Kinh Thánh cho cặp vợ chồng, hoặc Trường Kinh Thánh cho các anh độc thân, hãy tham dự các buổi họp dành cho những người muốn nộp đơn, được tổ chức tại các hội nghị vòng quanh và hội nghị địa hạt.

Đúng là không phải ai cũng có điều kiện để phụng sự trọn thời gian. Đôi khi vấn đề sức khỏe, hoàn cảnh tài chính và trách nhiệm gia đình không cho phép một người làm nhiều trong thánh chức. Dù vậy, tất cả các tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã dâng mình đều phải vâng theo mệnh lệnh Kinh Thánh: “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí” (Ma-thi-ơ 22:37). Đức Giê-hô-va đòi hỏi bạn làm hết khả năng trong hoàn cảnh của mình. Vậy dù hoàn cảnh bạn thế nào đi nữa, hãy tập trung đời sống mình vào việc phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy đặt các mục tiêu thần quyền một cách thực tế. Thật vậy, “trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa”—khi làm thế, bạn sẽ được ban phước đời đời!

Trừ khi được ghi rõ, các câu Kinh Thánh trong ấn phẩm này được trích dẫn từ Bản Truyền thống của Liên hiệp Thánh kinh hội (Sáng-thế Ký đến Ma-la-chi) và Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền).