Đi đến nội dung

Ngoại diện là chướng ngại gây vấp ngã với tôi

Ngoại diện là chướng ngại gây vấp ngã với tôi

Ngoại diện là chướng ngại gây vấp ngã với tôi

DO CHỊ EILEEN BRUMBAUGH KỂ LẠI

Khi còn nhỏ, gia đình tôi thuộc một giáo hội của Tin Lành (Old Order German Baptist Brethren), tương tự với tôn giáo của người Amish và Menno. Giáo hội này được hình thành ở Đức vào năm 1708, từ phong trào tỉnh thức tâm linh gọi là phái mộ đạo. Bách khoa từ điển về tôn giáo (The Encyclopedia of Religion) cho biết phái mộ đạo được biết đến là nhóm người “tin chắc rằng con người cần phúc âm của Đấng Ki-tô”. Vì niềm tin đó mà phái này đã mở ra các chiến dịch truyền giáo thành công ở nhiều nước.

Vào năm 1719, một nhóm nhỏ do ông Alexander Mack dẫn đầu đã chuyển đến nơi mà nay là Pennsylvania, Hoa Kỳ. Từ đó, có các nhóm khác được hình thành và tách ra. Mỗi nhóm có cách giải thích riêng về những sự dạy dỗ của ông Alexander Mack. Lúc đó, nhóm của chúng tôi có khoảng 50 thành viên. Việc đọc Kinh Thánh và theo sát những quyết định chính thức của nhóm được nhấn mạnh.

Ít nhất ba thế hệ trong gia đình tôi đã tin và sống theo đạo này. Tôi gia nhập giáo hội và báp-têm khi 13 tuổi. Tôi được dạy để tin rằng việc sở hữu hoặc dùng xe hơi, máy kéo, điện thoại, radio hay bất cứ thiết bị điện tử nào đều là sai. Người nữ trong giáo hội ăn mặc giản dị, trùm đầu và không cắt tóc. Người nam thì để râu quai nón. Với chúng tôi, không thuộc về thế gian bao gồm việc không ăn mặc thời trang, không trang điểm hay đeo trang sức, vì chúng tôi cảm thấy đó là biểu hiện của sự kiêu ngạo và tội lỗi.

Chúng tôi được dạy là phải tôn trọng Kinh Thánh sâu xa, vì đây là thức ăn thiêng liêng. Vào mỗi buổi sáng trước khi ăn, chúng tôi nhóm lại trong phòng khách để nghe cha tôi đọc một chương trong Kinh Thánh và lời bình luận của cha về phần Kinh Thánh đó. Rồi mọi người quỳ gối khi cha cầu nguyện. Sau đó, mẹ tôi đọc Kinh Lạy Cha. Tôi luôn mong chờ buổi thờ phượng sáng khi cả nhà nhóm lại và chú tâm vào những điều thiêng liêng.

Gia đình tôi sống trong một trang trại ở Delphi, bang Indiana, và chúng tôi trồng nhiều loại rau quả. Chúng tôi chở rau quả vào thị trấn bằng xe ngựa để bán trên đường hoặc từng nhà. Chúng tôi cảm thấy làm việc cực nhọc là một phần của việc phụng sự Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng tôi miệt mài làm việc ngoại trừ Chủ Nhật, là ngày mà chúng tôi không được làm “công-việc xác-thịt”. Nhưng đôi khi, gia đình tôi làm việc miệt mài đến mức khó tập trung vào điều thiêng liêng.

Hôn nhân và gia đình

Năm 1963, khi 17 tuổi, tôi kết hôn với anh James, cũng là thành viên của giáo hội. Anh là thế hệ thứ tư ở trong giáo hội. Vợ chồng tôi khát khao phụng sự Đức Chúa Trời và tin rằng chỉ có giáo hội của mình là chân chính.

Đến năm 1975, chúng tôi có sáu con, và năm 1983, người con thứ bảy và cũng là con cuối cùng của chúng tôi chào đời. Rebecca, người con thứ hai, là con gái duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi làm việc cực khổ, chi tiêu chắt bóp và sống giản dị. Chúng tôi cố gắng khắc ghi vào lòng con cái các nguyên tắc Kinh Thánh mà mình được học từ cha mẹ và những thành viên khác trong giáo hội.

Giáo hội của chúng tôi rất quan tâm đến ngoại diện. Chúng tôi cảm thấy vì không ai đọc được lòng nên cách một người ăn mặc bộc lộ con người bề trong của người ấy. Vì thế, nếu một thành viên có kiểu tóc cầu kỳ thì bị xem là kiêu ngạo. Nếu áo đầm giản dị của chúng tôi có hoa văn lớn cũng bị xem là kiêu ngạo. Đôi khi những vấn đề này được xem trọng hơn cả Kinh Thánh.

Bị ngồi tù

Vào cuối thập niên 1960, em chồng tôi là Jesse, cũng là thành viên của giáo hội, bị bỏ tù vì từ chối nhập ngũ. Khi ở trong tù, em ấy đã gặp Nhân Chứng Giê-hô-va, là những người cũng thấy việc tham gia chiến tranh là trái với nguyên tắc Kinh Thánh (Ê-sai 2:4; Ma-thi-ơ 26:52). Jesse đã có nhiều buổi thảo luận Kinh Thánh với các Nhân Chứng và tận mắt thấy những đức tính tốt của họ. Khi hiểu khá nhiều về Kinh Thánh, em ấy đã báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, và điều này khiến chúng tôi không vui chút nào.

Jesse chia sẻ với chồng tôi về những điều em ấy học. Em ấy cũng sắp xếp để anh James đều đặn nhận được tạp chí Tháp CanhTỉnh Thức!. Những tạp chí ấy đã khơi dậy sự chú ý của anh James đối với Kinh Thánh. Vì luôn có ước muốn phụng sự Đức Chúa Trời nhưng thường cảm thấy xa cách ngài, nên anh James chú ý nhiều đến bất cứ điều gì có thể giúp anh gần gũi ngài hơn.

Các trưởng lão trong giáo hội khuyến khích chúng tôi đọc tạp chí tôn giáo dành cho người Amish, Menno và các giáo phái khác thuộc giáo hội, ngay cả khi chúng tôi xem các giáo phái ấy là thuộc về thế gian. Cha tôi thì rất thành kiến với các Nhân Chứng. Ông nghĩ chúng tôi không bao giờ nên đọc Tháp CanhTỉnh Thức!. Vì thế, tôi đã mặt nặng mày nhẹ khi thấy anh James đọc những tạp chí ấy. Tôi sợ là anh sẽ bị tiêm nhiễm những sự dạy dỗ sai lầm.

Tuy nhiên, từ lâu anh James đã nghi ngờ rằng một số niềm tin của giáo hội là trái với Kinh Thánh, đặc biệt sự dạy dỗ cho rằng làm “công-việc xác-thịt” vào Chủ Nhật là phạm tội. Chẳng hạn, giáo hội dạy rằng được phép cho con vật uống nước vào Chủ Nhật nhưng không được phép nhổ cỏ dại. Về luật này, các trưởng lão không thể đưa ra lý do dựa trên Kinh Thánh. Với thời gian, tôi cũng bắt đầu nghi ngờ những sự dạy dỗ ấy.

Từ lâu, chúng tôi tin rằng đạo của mình là đến từ Đức Chúa Trời và cũng biết điều gì sẽ xảy ra với mình nếu bỏ đạo. Vì thế, chúng tôi thấy khó rời khỏi giáo hội. Tuy nhiên, lương tâm không cho phép chúng tôi tiếp tục ở trong một đạo mà không theo sát Kinh Thánh. Vì thế, năm 1983 chúng tôi viết một lá thư giải thích lý do mình rời khỏi giáo hội và xin họ đọc thư ấy trước hội thánh. Và chúng tôi đã bị khai trừ khỏi giáo hội.

Tìm kiếm tôn giáo thật

Sau đó, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm tôn giáo thật. Chúng tôi tìm một tôn giáo có lời nói đi đôi với hành động, có hạnh kiểm phù hợp với những điều họ dạy. Trước tiên, chúng tôi loại ra bất cứ tôn giáo nào tham gia chiến tranh. Chúng tôi vẫn được thu hút đến với những tôn giáo “giản dị”, vì cảm thấy lối sống và cách ăn mặc giản dị là dấu hiệu cho thấy một tôn giáo không thuộc về thế gian. Từ năm 1983 đến 1985, chúng tôi đi khắp Hoa Kỳ, tìm hiểu hết tôn giáo này đến tôn giáo khác, như tôn giáo của người Menno, đạo Quakers và đạo của những nhóm “giản dị” khác.

Trong thời gian đó, Nhân Chứng Giê-hô-va nhiều lần đến thăm chúng tôi tại trang trại gần Camden, bang Indiana. Chúng tôi lắng nghe và đề nghị họ dùng Kinh Thánh bản King James. Tôi tôn trọng lập trường trung lập của các Nhân Chứng. Nhưng tôi thấy khó chấp nhận, vì nếu họ nghĩ tách biệt khỏi thế gian không bao hàm việc ăn mặc giản dị thì tôi thấy đó không phải là tôn giáo thật. Tôi cảm thấy sự kiêu ngạo khiến người ta không ăn mặc giản dị như chúng tôi. Tôi cho rằng của cải vật chất khiến một người kiêu ngạo.

Anh James bắt đầu đến Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va và dẫn theo vài người con. Tôi rất khó chịu về điều đó. Anh khuyến khích tôi đi cùng nhưng tôi không muốn. Rồi một ngày anh nói: “Dù em không đồng ý với mọi sự dạy dỗ của họ nhưng hãy đi thử để xem họ đối xử với nhau như thế nào”. Anh rất ấn tượng với điều đó.

Cuối cùng, tôi quyết định đi đến đó nhưng với thái độ thận trọng. Tôi bước vào Phòng Nước Trời cùng với vài người con. Tôi mặc áo đầm và đội mũ giản dị, các con thì đi chân đất và cũng mặc quần áo giản dị. Tuy nhiên, các Nhân Chứng chào đón và đối xử yêu thương với chúng tôi. Tôi tự nhủ: “Gia đình mình khác biệt nhưng vẫn được tiếp đón tử tế”.

Tôi rất ấn tượng trước cách cư xử yêu thương của họ nhưng vẫn quyết tâm là chỉ xem xét thôi. Tôi không đứng lên và cũng không hát các bài hát của họ. Sau nhóm họp, tôi hỏi họ dồn dập về những điều mà tôi nghĩ là họ không đúng hoặc về ý nghĩa của câu Kinh Thánh nào đó. Dù tôi không tế nhị lắm nhưng mỗi người mà tôi hỏi đều quan tâm chân thành đến tôi. Tôi cũng ấn tượng là khi tôi hỏi nhiều người khác nhau cùng một câu hỏi, họ đều trả lời như nhau. Đôi khi, họ ghi ra câu trả lời và điều này rất hữu ích cho tôi vì sau đó tôi có thể dùng làm tài liệu nghiên cứu.

Vào mùa hè năm 1985, gia đình tôi tham dự một hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va tại Memphis, bang Tennessee, chỉ để quan sát. Anh James vẫn để râu quai nón và chúng tôi vẫn ăn mặc giản dị. Vào giờ nghỉ giải lao, hầu như không lúc nào là không có người đến chào thăm chúng tôi. Chúng tôi cảm động trước tình yêu thương, sự quan tâm và chào đón của họ. Chúng tôi cũng ấn tượng trước sự hợp nhất của họ vì dù tham dự nhóm họp ở đâu, họ cũng có cùng một sự dạy dỗ.

Cảm động trước sự quan tâm chân thành của các Nhân Chứng, anh James đã đồng ý học Kinh Thánh. Anh xem xét kỹ mọi điều để biết chắc những gì mình học có đúng hay không (Công vụ 17:11; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21). Với thời gian, anh cảm thấy mình đã tìm được chân lý. Nhưng tôi thì vẫn đắn đo. Tôi muốn làm điều đúng nhưng không muốn “hiện đại hóa” và bị xem là “người thế gian”. Khi bắt đầu đồng ý tham gia học Kinh Thánh, tôi xem cả bản King James VersionBản dịch Thế Giới Mới, là bản hiện đại hơn. Tôi đối chiếu từng câu Kinh Thánh để đảm bảo là mình không bị lừa.

Tôi dần được thuyết phục

Khi học Kinh Thánh với các Nhân Chứng, chúng tôi biết được Cha trên trời là Đức Chúa Trời có một không hai, không có Chúa Ba Ngôi và con người không có linh hồn bất tử (Phục truyền luật lệ 6:4; 1 Cô-rinh-tô 8:5, 6). Chúng tôi cũng học được rằng âm phủ không phải là nơi trừng phạt người ta trong lửa mà là mồ mả chung của nhân loại (Gióp 14:13; Thi thiên 16:10; Truyền đạo 9:5, 10; Công vụ 2:31). Biết sự thật ấy là bước ngoặt lớn, vì trong giáo hội chúng tôi từng theo có những ý kiến trái chiều về điều này.

Tuy nhiên, tôi vẫn chưa tin các Nhân Chứng là tôn giáo thật vì trong suy nghĩ của tôi thì họ vẫn thuộc về thế gian. Họ không có lối sống “giản dị”, là điều mà tôi xem là tối cần thiết. Nhưng cùng lúc ấy, tôi nhận ra rằng họ làm theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su là rao truyền tin mừng về Nước Trời cho muôn dân. Tôi thấy rối bời!​—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20.

Trong gian đoạn ấy, tình yêu thương của các Nhân Chứng giúp tôi tiếp tục việc kiểm chứng. Cả hội thánh đều quan tâm đến gia đình tôi. Khi các anh chị trong hội thánh ghé thăm, đôi khi lấy cớ là đến mua sữa và trứng, chúng tôi mới thật sự xem họ là những người tốt. Dù đã có Nhân Chứng dạy chúng tôi, nhưng các anh chị khác vẫn thường ghé thăm chúng tôi. Chúng tôi rất cần những cơ hội như thế để hiểu rõ về các Nhân Chứng, và ngày càng biết ơn họ về sự quan tâm và tình yêu thương chân thành mà họ thể hiện.

Ngoài các anh chị trong hội thánh gần nhà, những anh chị khác cũng quan tâm đến chúng tôi. Trong thời gian tôi đấu tranh với vấn đề ngoại diện, một Nhân Chứng từ hội thánh kế cận là chị Kay Briggs, người thích ăn mặc đơn giản và không trang điểm, đã đến thăm tôi. Tôi cảm thấy thoải mái và trò chuyện cởi mở với chị. Ngày nọ, một anh tên Lewis Flora cũng lớn lên trong một tôn giáo “giản dị” ghé thăm tôi. Vì thấy sự bối rối hiện rõ trên khuôn mặt tôi nên sau đó anh đã viết một lá thư dài mười trang để trấn an tôi. Sự nhân từ của anh khiến tôi rơi lệ và tôi đã đọc đi đọc lại lá thư ấy.

Tôi đã xin giám thị lưu động là anh O’Dell giải thích cho mình Ê-sai 3:​18-​23 và 1 Phi-e-rơ 3:​3, 4. Tôi hỏi: “Chẳng phải những câu này cho thấy là cần phải ăn mặc giản dị để làm vui lòng Đức Chúa Trời sao?”. Anh lý luận: “Vậy chị nghĩ việc đội mũ và tết bím tóc có sai không?”. Trong giáo hội, chúng tôi tết tóc cho các bé gái, còn phụ nữ thì đội mũ. Giờ đây, tôi thấy sự thiếu nhất quán trong giáo hội và rất biết ơn anh giám thị lưu động đã kiên nhẫn và nhân từ với tôi.

Dần dần, tôi càng được thuyết phục hơn, nhưng còn một vấn đề vẫn canh cánh trong lòng tôi, đó là việc phụ nữ được cắt tóc. Các trưởng lão lý luận với tôi là một số phụ nữ thì tóc chỉ mọc đến mức nào đó, còn số khác có thể mọc rất dài. Vậy chẳng lẽ những phụ nữ tóc mọc dài thì tốt hơn những phụ nữ tóc mọc ngắn sao? Các anh cũng giúp tôi thấy vai trò của lương tâm trong vấn đề ngoại diện và cho tôi những tài liệu để đọc ở nhà.

Áp dụng những điều học được

Chúng tôi đã tìm được tôn giáo mà bấy lâu tìm kiếm, là tôn giáo có hạnh kiểm phù hợp với sự dạy dỗ. Chúa Giê-su nói: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:35). Chúng tôi tin chắc Nhân Chứng Giê-hô-va là nhóm người thể hiện tình yêu thương chân thật. Tuy nhiên, hai người con lớn của chúng tôi là Nathan và Rebecca thì thấy bối rối vì chúng đã chấp nhận giáo hội và báp-têm để thuộc về giáo hội đó. Về sau, Nathan và Rebecca đã được cảm hóa bởi những sự thật Kinh Thánh mà vợ chồng tôi chia sẻ cũng như tình yêu thương mà các Nhân Chứng thể hiện.

Chẳng hạn, Rebecca luôn mong muốn có được mối quan hệ mật thiết với Đức Chúa Trời. Sau khi biết Đức Chúa Trời không sắp đặt trước hành động của một người hoặc định trước tương lai của người ấy, Rebecca thấy dễ cầu nguyện với ngài hơn. Ngoài ra, khi hiểu rằng Đức Chúa Trời là đấng có thật mà mình có thể bắt chước, chứ không phải là một ngôi trong Chúa Ba Ngôi mầu nhiệm, Rebecca gần gũi với ngài hơn (Ê-phê-sô 5:1). Rebecca cũng rất mừng khi không còn phải dùng những từ cổ xưa trong bản King James Version khi cầu nguyện với ngài. Khi biết rõ về đòi hỏi của Đức Chúa Trời liên quan đến việc cầu nguyện và ý định lớn lao của ngài là cho nhân loại sống mãi mãi trong địa đàng, Rebecca ngày càng cảm thấy gần gũi với Đấng Tạo Hóa.​—Thi thiên 37:29; Khải huyền 21:3, 4.

Những đặc ân mà chúng tôi nhận được

Tôi và anh James, cùng năm người con lớn là Nathan, Rebecca, George, Daniel và John đã báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vào mùa hè năm 1987. Còn Harley báp-têm năm 1989 và Simon năm 1994. Cho đến nay, cả gia đình tôi vẫn hết lòng thi hành công việc mà Chúa Giê-su Ki-tô giao cho các môn đồ ngài, đó là rao truyền tin mừng về Nước Đức Chúa Trời.

Sáu người con là Nathan, Rebecca, George, Daniel, John và Harley đều có giai đoạn phụng sự tại chi nhánh Hoa Kỳ của Nhân Chứng Giê-hô-va. George vẫn đang phụng sự tại đó sau 14 năm, và Simon, học xong năm 2001, cũng mới bắt đầu phụng sự tại đó. Tất cả con trai chúng tôi đều có trách nhiệm trong hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, làm trưởng lão hoặc phụ tá hội thánh. Chồng tôi làm trưởng lão trong hội thánh Thayer, ở bang Missouri, còn tôi thì tiếp tục bận rộn trong thánh chức.

Hiện nay, vợ chồng tôi có hai cháu ngoại là Jessica và Latisha, và một cháu nội là Caleb. Chúng tôi rất vui khi thấy cha mẹ chúng khắc ghi tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va vào tấm lòng non nớt của chúng. Cả nhà tôi đều vui mừng vì Đức Giê-hô-va đã kéo chúng tôi đến với ngài cũng như giúp chúng tôi nhận ra dân mang danh ngài qua tình yêu thương mà họ thể hiện.

Chúng tôi rất thông cảm với những ai có ước muốn mạnh mẽ làm hài lòng Đức Chúa Trời nhưng môi trường lớn lên khiến lương tâm họ chưa được rèn luyện đúng với Kinh Thánh. Mong rằng họ sẽ tìm được niềm vui mà chúng tôi đang có khi đi từng nhà, không phải để bán rau quả, nhưng để rao truyền thông điệp về Nước Trời và những điều tuyệt vời mà Nước này sẽ thực hiện. Mắt tôi ngấn lệ vì biết ơn khi nghĩ đến sự kiên nhẫn và tình yêu thương mà dân mang danh Đức Giê-hô-va thể hiện!

[Hình nơi trang 19]

Năm tôi khoảng bảy tuổi, và sau này khi đã trưởng thành

[Hình nơi trang 20]

James, George, Harley và Simon ăn mặc giản dị

[Hình nơi trang 21]

Hình tôi chở rau quả ra chợ bán được đăng trên một tờ báo địa phương

[Nguồn tư liệu]

Journal and Courier, Lafayette, Indiana

[Hình nơi trang 23]

Cả gia đình chúng tôi hiện nay