Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giới trẻ thắc mắc

Tôi là ai?

Tôi là ai?

Long thấy Vũ đang tiến về phía mình, cậu biết sắp có chuyện xảy ra. Vũ nói: “Ê, Long. Thử cái này đi!”. Khi Vũ đưa tay ra, Long thấy một thứ đúng như cậu đoán, một điếu cần sa. Cậu không muốn thử nhưng cũng không muốn bị xem là kẻ lập dị. Cậu đáp lại cách yếu ớt: “Ơ... để lúc khác được không?”.

Thư thấy Vũ đang tiến về phía mình, cô sẵn sàng đối phó với chuyện sắp xảy ra. Vũ nói: “Ê, Thư. Thử cái này đi!”. Khi Vũ đưa tay ra, Thư thấy một thứ đúng như cô đoán, một điếu cần sa. Cô đáp cách tự tin: “Không. Tớ còn nhiều việc phải làm nên không muốn chết sớm. Tớ tưởng là cậu thông minh lắm chứ!”.

Trong hai tình huống trên, tại sao Thư có thể chống lại áp lực tốt hơn? Vì cô có một điều mà Long không có. Đó là gì? Thư biết mình là ai và mình tin gì. Khi ý thức được điều đó, bạn có sức mạnh để nói “không” với cám dỗ. Như vậy, chính bạn sẽ làm chủ cuộc đời mình chứ không phải ai khác. Làm thế nào bạn có lòng tin chắc như thế? Trả lời những câu hỏi sau sẽ giúp ích.

1 ĐIỂM MẠNH CỦA TÔI LÀ GÌ?

Tại sao quan trọng? Biết sở trường và ưu điểm của mình, bạn sẽ tự tin hơn.

Hãy suy nghĩ: Mỗi người được phú cho những khả năng khác nhau. Chẳng hạn, một số người có tài về mỹ thuật hay âm nhạc, số khác thì có khiếu thể thao. Loan * rất giỏi sửa xe. Cô cho biết: “Từ khi 15 tuổi, em đã biết là mình muốn làm nghề sửa xe”.

Trường hợp trong Kinh Thánh: Sứ đồ Phao-lô viết: “Về lời nói, tôi dầu là người thường, nhưng về sự thông-biết, tôi chẳng phải là người thường” (2 Cô-rinh-tô 11:6). Nhờ hiểu biết sâu sắc Kinh Thánh, Phao-lô có thể đứng vững trước thách thức của người khác. Ông không để thái độ tiêu cực của họ khiến mình bị dao động.—2 Cô-rinh-tô 10:10; 11:5.

Hãy xem xét bản thân. Bên dưới, hãy viết ra một năng khiếu hay kỹ năng của bạn.

․․․․․

Bây giờ, hãy viết ra một tính tốt của bạn (ví dụ như quan tâm, rộng rãi, đáng tin cậy, đúng giờ).

․․․․․

“Khi có người cần giúp đỡ, em luôn cố gắng giúp họ. Nếu ai đó cần nói chuyện, dù đang bận em vẫn ngưng công việc để lắng nghe”.—Trúc.

Nếu thấy khó nhận ra một tính tốt, hãy nghĩ xem so với hồi nhỏ thì giờ đây bạn đã trưởng thành hơn như thế nào. Viết điều đó ra.—Có thể xem khung  “Ý kiến của vài bạn trẻ”.

․․․․․

2 ĐIỂM YẾU CỦA TÔI LÀ GÌ?

Tại sao quan trọng? Dây xích dễ đứt khi có một mắt xích yếu. Cũng vậy, bạn có thể mất tự tin nếu để điểm yếu chế ngự mình.

Hãy suy nghĩ: Không ai hoàn hảo (Rô-ma 3:23). Mỗi người đều có những điểm mình muốn cải thiện. Một cô gái tên Phương tự hỏi: “Sao mình cứ bận tâm đến những điều vớ vẩn? Chuyện nhỏ nhặt nhất cũng làm mình bực bội và bỗng nhiên mình không kiềm chế được cảm xúc!”.

Trường hợp trong Kinh Thánh: Phao-lô biết điểm yếu của mình. Ông viết: “Vì theo người bề trong, tôi vẫn lấy luật-pháp Đức Chúa Trời làm đẹp lòng; nhưng tôi cảm-biết trong chi-thể mình có một luật khác giao-chiến với luật trong trí mình, bắt mình phải làm phu-tù cho luật của tội-lỗi”.—Rô-ma 7:22, 23.

Hãy xem xét bản thân. Bạn có điểm yếu nào cần kiểm soát?

․․․․․

“Sau mỗi lần xem phim lãng mạn, em cảm thấy man mác buồn và muốn có người yêu. Vì thế, bây giờ em biết mình phải cẩn thận về những bộ phim như thế”.—Bích.

3 MỤC TIÊU CỦA TÔI LÀ GÌ?

Tại sao quan trọng? Khi có mục tiêu, cuộc đời bạn có mục đích và phương hướng. Ngoài ra, bạn cũng có động lực để tránh những hoàn cảnh và người có thể cản trở bạn làm điều đã định.

Hãy suy nghĩ: Bạn có đón taxi và bảo tài xế chở đi vòng vòng đến khi hết xăng không? Hẳn điều đó là ngớ ngẩn và phung phí! Có mục tiêu giúp cuộc sống của bạn có định hướng. Bạn có nơi để hướng tới và có kế hoạch cụ thể để đến đó.

Trường hợp trong Kinh Thánh: Phao-lô viết: “Tôi chạy, chẳng phải là chạy bá-vơ” (1 Cô-rinh-tô 9:26). Thay vì để cuộc đời trôi lênh đênh như thuyền không bến, ông Phao-lô đặt mục tiêu và theo đuổi những mục tiêu đó.—Phi-líp 3:12-14.

Hãy xem xét bản thân. Bên dưới, hãy viết ba mục tiêu mà bạn muốn đạt được trong năm tới.

  1. ․․․․․

  2. ․․․․․

  3. ․․․․․

Bây giờ, hãy chọn một mục tiêu quan trọng nhất và viết ra điều bạn có thể làm ngay bây giờ để thực hiện mục tiêu đó.

․․․․․

“Nếu không làm mình bận rộn, em có khuynh hướng sống theo kiểu ‘bèo dạt mây trôi’. Tốt nhất nên có mục tiêu và cố gắng vươn tới mục tiêu đó”.—Hùng.

4 NIỀM TIN CỦA TÔI LÀ GÌ?

Tại sao quan trọng? Nếu không có niềm tin, bạn sẽ không kiên định. Như con tắc kè hoa, bạn sẽ “đổi màu” để giống bạn bè, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn chưa thật sự biết mình là ai.

Hãy suy nghĩ: Kinh Thánh khuyến khích môn đồ Chúa Giê-su “thử cho biết [“tự chứng minh cho chính mình”, NW] ý-muốn tốt-lành, đẹp lòng và trọn-vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào” (Rô-ma 12:2). Khi bạn hành động dựa trên điều mình tin, điều này cho thấy bạn sống đúng với bản thân, bất kể người khác làm gì.

Trường hợp trong Kinh Thánh: Khi ở tuổi thiếu niên, nhà tiên tri Đa-ni-ên “quyết-định trong lòng” rằng ông sẽ làm theo luật pháp của Đức Chúa Trời, dù sống xa gia đình và những người cùng đức tin (Đa-ni-ên 1:8). Qua đó cho thấy Đa-ni-ên sống đúng với bản thân, đúng với niềm tin của mình.

Hãy xem xét bản thân. Niềm tin của bạn là gì? Chẳng hạn:

  • Bạn có tin nơi Đức Chúa Trời không? Nếu có, tại sao? Bằng chứng nào khiến bạn tin là Ngài hiện hữu?

  • Bạn có tin các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời mang lại lợi ích cho mình không? Nếu có, tại sao? Chẳng hạn, điều gì khiến bạn tin chắc việc vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời về vấn đề tình dục sẽ làm bạn hạnh phúc hơn là theo lối sống “tự do” của bạn bè?

Không nên vội trả lời những câu hỏi trên. Hãy dành thời gian xem xét những lý do khiến bạn tin. Khi làm thế, bạn có thể bảo vệ niềm tin của mình trước bạn bè tốt hơn.—Châm-ngôn 14:15; 1 Phi-e-rơ 3:15.

“Ở trường, bạn bè thường trêu chọc người thiếu kiên định, và em không muốn thiếu kiên định về niềm tin của mình. Vì thế, em đã chuẩn bị để trả lời các bạn về niềm tin của mình cách rõ ràng và hợp lý. Thay vì nói ‘ồ, tớ không được làm vì đạo tớ cấm’, em sẽ nói đại loại như ‘tớ nghĩ làm vậy là không đúng’. Các bạn cần biết đây là niềm tin của em”.—Dung.

Tóm lại, bạn thích giống như cái gì: một chiếc lá vàng rơi bị cuốn đi bởi làn gió nhẹ hay một cây luôn vững chãi dù gặp giông bão? Khi ý thức rõ về bản thân và sống đúng với niềm tin của mình, bạn sẽ giống như cây vững chãi ấy. Chính điều đó giúp bạn trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?”.

Khi ý thức rõ về bản thân và sống đúng với niềm tin của mình, bạn giống như một cây bám rễ sâu, vững chãi dù gặp giông bão

^ đ. 8 Một số tên trong bài này đã đổi.