Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 46

Đức Giê-hô-va bảo đảm lời hứa về địa đàng

Đức Giê-hô-va bảo đảm lời hứa về địa đàng

“Ai trên đất tìm lời chúc phước sẽ được chúc phước nhân danh Đức Chúa Trời chân thật”.—Ê-SAI 65:16.

BÀI HÁT 3 Sức mạnh, hy vọng và niềm tin cậy của chúng con

GIỚI THIỆU a

1. Thông điệp của nhà tiên tri Ê-sai dành cho những người Y-sơ-ra-ên khác là gì?

 Nhà tiên tri Ê-sai miêu tả Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời chân thật”. Từ được dịch là “chân thật” dịch sát là “a-men” (Ê-sai 65:16, chú thích). Từ “a-men” có nghĩa là “xin xảy ra như vậy” hoặc “chắc chắn”. Khi từ “a-men” được dùng trong Kinh Thánh liên quan đến Đức Giê-hô-va hoặc Chúa Giê-su, thì từ này là lời bảo đảm một điều gì đó là thật. Vì thế, thông điệp của Ê-sai dành cho những người Y-sơ-ra-ên khác rất rõ ràng: Những gì Đức Giê-hô-va báo trước luôn đáng tin cậy. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ điều đó bằng cách thực hiện mọi lời hứa của ngài.

2. Tại sao chúng ta có thể tin cậy các lời hứa của Đức Giê-hô-va về tương lai, và bài này sẽ xem xét những câu hỏi nào?

2 Chúng ta cũng có thể có lòng tin cậy như thế nơi những lời hứa của Đức Giê-hô-va về tương lai không? Gần 800 năm sau thời Ê-sai, sứ đồ Phao-lô cho biết lý do những lời hứa của Đức Giê-hô-va luôn đáng tin cậy. Ông nói: “Đức Chúa Trời không thể nói dối” (Hê 6:18). Giống như một mạch nước không thể sinh ra cả nước ngọt lẫn nước mặn, thì Đức Giê-hô-va, nguồn của chân lý, cũng không thể nói dối. Vì thế, chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy mọi điều ngài phán, kể cả những lời hứa của ngài về tương lai. Bài này sẽ xem xét những câu hỏi sau: Đức Giê-hô-va hứa ban điều gì cho chúng ta trong tương lai? Làm thế nào ngài bảo đảm những lời hứa của ngài sẽ thành hiện thực?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA HỨA ĐIỀU GÌ?

3. (a) Lời hứa nào rất quý giá với tôi tớ của Đức Chúa Trời? (Khải huyền 21:3, 4) (b) Một số người phản ứng thế nào khi chúng ta chia sẻ lời hứa đó với họ?

3 Lời hứa mà chúng ta sẽ xem xét rất quý giá đối với các tôi tớ của Đức Chúa Trời trên khắp đất. (Đọc Khải huyền 21:3, 4). Đức Giê-hô-va hứa về một thời kỳ “sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”. Nhiều người trong chúng ta chia sẻ đoạn Kinh Thánh ấm lòng này về đời sống trong địa đàng khi đi rao giảng. Một số người phản ứng thế nào khi chúng ta chia sẻ lời hứa này với họ? Có lẽ họ nói: “Làm gì có chuyện đó!”.

4. (a) Đức Giê-hô-va biết và thấy trước điều gì? (b) Ngoài việc ban lời hứa, Đức Giê-hô-va còn làm gì khác?

4 Dĩ nhiên, khi soi dẫn sứ đồ Giăng ghi lại lời hứa về đời sống trong địa đàng, Đức Giê-hô-va biết rằng thời nay, chúng ta sẽ chia sẻ hy vọng này với người khác khi rao giảng thông điệp Nước Trời. Đức Giê-hô-va cũng biết trước là nhiều người sẽ thấy khó tin lời hứa ấy về “những việc mới” (Ê-sai 42:9; 60:2; 2 Cô 4:3, 4). Vậy làm thế nào chúng ta có thể giúp người khác cũng như chính mình tin chắc những ân phước nơi Khải huyền 21:3, 4 sẽ thành hiện thực? Đức Giê-hô-va không chỉ ban lời hứa ấm lòng này, mà còn đưa ra những lý do thuyết phục cho thấy chúng ta có thể tin cậy lời hứa ấy. Những lý do đó là gì?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BẢO ĐẢM LỜI HỨA CỦA NGÀI

5. Những câu Kinh Thánh nào cho chúng ta lý do để tin cậy lời hứa của Đức Chúa Trời, và những câu đó nói gì?

5 Chúng ta tìm thấy lý do để tin cậy lời hứa của Đức Giê-hô-va về địa đàng trong những câu sau đó. Những câu ấy nói: “Đấng ngồi trên ngai phán: ‘Này! Ta đang làm mọi vật nên mới’. Ngài cũng phán: ‘Hãy ghi lại, vì những lời ấy là trung tín và chân thật’. Ngài phán cùng tôi: ‘Những lời ấy đã được thực hiện! Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là khởi đầu và kết thúc’”.—Khải 21:5, 6a.

6. Tại sao những lời ghi nơi Khải huyền 21:5, 6 giúp chúng ta càng tin cậy lời hứa của Đức Chúa Trời?

6 Tại sao đoạn Kinh Thánh này giúp chúng ta càng tin cậy lời hứa của Đức Chúa Trời? Sách Khải huyền gần đến cực điểm vinh quang! (Anh ngữ) nói như sau về đoạn ấy: “Như thể chính Đức Giê-hô-va đang ký cho nhân loại biết vâng lời một tờ bảo đảm, hay giấy chứng nhận, là họ sẽ nhận được những ân phước này trong tương lai”. b Lời hứa của Đức Chúa Trời được ghi nơi Khải huyền 21:3, 4. Nhưng có thể nói rằng trong câu 5 và 6, chúng ta thấy chữ ký của Đức Giê-hô-va bảo đảm rằng lời ngài hứa sẽ thành hiện thực. Hãy xem xét kỹ hơn từ ngữ mà Đức Giê-hô-va dùng trong lời bảo đảm của ngài.

7. Có gì đặc biệt về phần mở đầu của lời bảo đảm của Đức Chúa Trời, và tại sao điều này đáng chú ý?

7 Lời bảo đảm của Đức Chúa Trời mở đầu như sau: “Đấng ngồi trên ngai phán” (Khải 21:5a). Câu này giới thiệu một trong ba lần duy nhất mà chính Đức Giê-hô-va phán trong sách Khải huyền. Vậy, lời bảo đảm ấy không đến từ một thiên sứ quyền năng, thậm chí không đến từ Chúa Giê-su, mà đến từ chính Đức Giê-hô-va. Điều này nhấn mạnh chúng ta có thể hoàn toàn tin cậy những lời tiếp theo. Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va “không thể nói dối” (Tít 1:2). Thế nên, những lời chúng ta đọc nơi Khải huyền 21:5, 6 hoàn toàn đáng tin cậy.

“NÀY! TA ĐANG LÀM MỌI VẬT NÊN MỚI”

8. Đức Giê-hô-va nói gì để nhấn mạnh lời hứa của ngài chắc chắn thành hiện thực? (Ê-sai 46:10)

8 Tiếp theo, chúng ta hãy xem xét từ “Này!” (Khải 21:5). Từ Hy Lạp được dịch là “Này!” (hoặc “Kìa!”) xuất hiện nhiều lần trong sách Khải huyền. Một tài liệu tham khảo cho biết từ cảm thán ấy được dùng “để hướng sự chú ý của độc giả đến những điều sắp được nói”. Tiếp theo từ cảm thán ấy là gì? Đức Chúa Trời phán: “Ta đang làm mọi vật nên mới”. Đành rằng Đức Giê-hô-va đang nói về những sự thay đổi trong tương lai, nhưng đối với ngài, lời hứa này chắc chắn đến mức ngài nói như thể chúng đang xảy ra.—Đọc Ê-sai 46:10.

9. (a) Cụm từ “làm mọi vật nên mới” nói đến hai hành động nào của Đức Giê-hô-va? (b) Điều gì sẽ xảy ra với “trời” và “đất” hiện tại?

9 Hãy xem cụm từ sau trong Khải huyền 21:5: “Làm mọi vật nên mới”. Trong chương này, cụm từ ấy muốn nói đến hai hành động của Đức Giê-hô-va, đó là thay thế và phục hồi. Trước hết, ngài sẽ thay thế điều gì? Khải huyền 21:1 nói: “Trời cũ cùng đất cũ đã qua đi”. “Trời cũ” muốn nói đến những chính phủ bị ảnh hưởng bởi Sa-tan và các quỷ (Mat 4:8, 9; 1 Giăng 5:19). Như được dùng trong Kinh Thánh, “đất” có thể nói đến cư dân trên đất (Sáng 11:1; Thi 96:1). Vì thế, “đất cũ” ám chỉ xã hội loài người gian ác ngày nay. Đức Giê-hô-va sẽ không sửa lại “trời” và “đất” hiện tại, mà sẽ hủy diệt hoàn toàn. Ngài sẽ thay thế trời và đất hiện tại bằng “trời mới và đất mới”, tức là chính phủ mới và xã hội loài người mới.

10. Đức Giê-hô-va sẽ làm điều gì nên mới?

10 Kế tiếp, nơi Khải huyền 21:5, chúng ta đọc thấy lời Đức Giê-hô-va phán về những điều ngài sẽ làm nên mới. Hãy lưu ý là Đức Giê-hô-va không nói: “Ta đang làm mọi vật mới”, nhưng ngài nói: “Ta đang làm mọi vật nên mới”. Đức Giê-hô-va sẽ làm trái đất và con người nên mới bằng cách khiến cho trái đất và con người trở nên hoàn hảo. Như Ê-sai tiên tri, cả trái đất sẽ trở thành một công viên đẹp đẽ giống như vườn Ê-đen. Ngài cũng sẽ làm chúng ta nên mới bằng cách phục hồi, hay chữa lành hoàn toàn, mỗi người chúng ta. Người què, người mù và người điếc sẽ được chữa lành, thậm chí người chết cũng sẽ được phục hồi sự sống.—Ê-sai 25:8; 35:1-7.

“NHỮNG LỜI ẤY LÀ TRUNG TÍN VÀ CHÂN THẬT… NHỮNG LỜI ẤY ĐÃ ĐƯỢC THỰC HIỆN!”

11. Đức Giê-hô-va bảo Giăng làm gì, và tại sao?

11 Đức Chúa Trời còn nói điều gì khác để bảo đảm lời hứa của ngài? Đức Giê-hô-va bảo Giăng: “Hãy ghi lại, vì những lời ấy là trung tín và chân thật” (Khải 21:5). Ngài không chỉ ban mệnh lệnh: “Hãy ghi lại” mà còn cho biết lý do. Ngài phán: “Vì những lời ấy là trung tín và chân thật”, tức là những lời của Đức Chúa Trời đáng tin cậy và chính xác. Chúng ta thật biết ơn vì Giăng đã vâng theo mệnh lệnh: “Hãy ghi lại”. Nhờ thế, chúng ta có thể đọc lời hứa của Đức Chúa Trời về địa đàng và suy ngẫm về những ân phước tuyệt vời đang chờ đón mình.

12. Tại sao Đức Giê-hô-va có thể phán: “Những lời ấy đã được thực hiện!”?

12 Đức Chúa Trời phán gì tiếp theo? “Những lời ấy đã được thực hiện!” (Khải 21:6). Trong câu này, Đức Giê-hô-va nói như thể mọi điều ngài hứa về địa đàng đã xảy ra. Và ngài có thể nói như thế vì không gì có thể ngăn cản ngài thực hiện ý định. Đức Giê-hô-va còn phán một điều khác để bảo đảm về lời hứa của ngài. Đó là gì?

“TA LÀ AN-PHA VÀ Ô-MÊ-GA”

13. Tại sao Đức Giê-hô-va phán: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga”?

13 Như được đề cập ở trên, chính Đức Giê-hô-va đã ba lần phán với Giăng trong các khải tượng (Khải 1:8; 21:5, 6; 22:13). Mỗi lần ngài đều phán câu: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga”. An-pha là chữ đầu tiên trong bảng chữ cái Hy Lạp, còn ô-mê-ga là chữ cuối cùng. Bằng cách nói ngài là “An-pha và Ô-mê-ga”, Đức Giê-hô-va hàm ý rằng khi đã bắt đầu một việc, ngài sẽ khiến cho việc ấy được hoàn thành.

Khi bắt đầu một việc, Đức Giê-hô-va sẽ khiến cho việc ấy được hoàn thành (Xem đoạn 14, 17)

14. (a) Hãy nêu ví dụ cho thấy khi nào như thể Đức Giê-hô-va đã phán “An-pha” và khi nào như thể ngài sẽ phán “Ô-mê-ga”. (b) Sáng thế 2:1-3 có lời bảo đảm nào?

14 Sau khi tạo ra A-đam và Ê-va, Đức Giê-hô-va cho biết ý định ban đầu của ngài dành cho nhân loại và trái đất. Kinh Thánh ghi lại: “Đức Chúa Trời cũng ban phước cho họ và phán: ‘Hãy sinh sản và gia tăng nhiều, làm cho đầy cả đất và quản trị nó’” (Sáng 1:28). Vào lúc đó, như thể Đức Giê-hô-va đã phán “An-pha”. Ngài nói rõ ý định của ngài: Sẽ đến lúc con cháu hoàn hảo biết vâng lời của A-đam và Ê-va làm cho đầy cả đất và khiến cả trái đất trở thành địa đàng. Vào thời điểm đó trong tương lai, như thể Đức Giê-hô-va sẽ phán “Ô-mê-ga”. Sau khi hoàn tất việc tạo ra “trời đất cùng vạn vật trong đó”, Đức Giê-hô-va đưa ra một lời bảo đảm. Lời ấy được ghi lại nơi Sáng thế 2:1-3. (Đọc). Đức Giê-hô-va đã biệt riêng ngày thứ bảy làm ngày thánh cho ngài. Điều đó có nghĩa gì? Đức Giê-hô-va bảo đảm rằng ngài chắc chắn sẽ thực hiện ý định dành cho nhân loại và trái đất. Ý định đó sẽ được hoàn tất vào cuối ngày thứ bảy ấy.

15. Tại sao có vẻ như ý định của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại đã bị Sa-tan phá hoại?

15 Sau khi phản nghịch, A-đam và Ê-va trở thành người tội lỗi và truyền tội lỗi cũng như sự chết cho con cháu (Rô 5:12). Có vẻ như lúc ấy ý định của Đức Chúa Trời là trái đất sẽ có đầy những người hoàn hảo và biết vâng lời đã bị Sa-tan làm cho thất bại. Dường như hắn đã khiến cho Đức Giê-hô-va không thể nói “Ô-mê-ga”, tức là thực hiện ý định của ngài. Có lẽ Sa-tan nghĩ Đức Giê-hô-va có rất ít lựa chọn. Một lựa chọn là hủy diệt A-đam và Ê-va, và tạo ra một cặp vợ chồng hoàn hảo khác để thực hiện ý định của ngài dành cho nhân loại. Nhưng nếu ngài làm thế, Ác Quỷ sẽ buộc tội ngài là nói dối. Tại sao? Vì như được ghi nơi Sáng thế 1:28, Đức Giê-hô-va đã phán với A-đam và Ê-va rằng con cháu của họ sẽ làm cho đầy cả đất.

16. Tại sao có lẽ Sa-tan nghĩ hắn có thể nói rằng Đức Giê-hô-va là kẻ thất bại?

16 Có lẽ Sa-tan nghĩ Đức Chúa Trời sẽ đưa ra lựa chọn nào khác? Sa-tan có thể nghĩ rằng Đức Giê-hô-va sẽ để cho A-đam và Ê-va sinh ra con cháu bất toàn, là những người sẽ không bao giờ trở nên hoàn hảo (Truyền 7:20; Rô 3:23). Nếu thế, hẳn Ác Quỷ sẽ nói rằng Đức Giê-hô-va là kẻ thất bại. Tại sao? Vì lựa chọn này sẽ không làm cho ý định của ngài được hoàn thành, đó là cả trái đất trở thành địa đàng có đầy con cháu hoàn hảo, biết vâng lời của A-đam và Ê-va.

17. Đức Giê-hô-va giải quyết cuộc phản nghịch của Sa-tan và cặp vợ chồng đầu tiên như thế nào, và kết quả cuối cùng sẽ là gì? (Cũng xem hình).

17 Đức Giê-hô-va giải quyết cuộc phản nghịch của Sa-tan và cặp vợ chồng đầu tiên theo cách mà hắn không ngờ tới (Thi 92:5). Đức Giê-hô-va chứng tỏ là đấng chân thật, thay vì kẻ nói dối, qua việc để cho A-đam và Ê-va sinh con cái. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là đấng chiến thắng, thay vì kẻ thất bại. Ngài xúc tiến ý định của ngài bằng cách cung cấp một “dòng dõi” sẽ giải cứu con cháu biết vâng lời của A-đam và Ê-va (Sáng 3:15; 22:18). Hẳn Sa-tan sửng sốt trước sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va về giá chuộc! Tại sao? Vì đó là sắp đặt dựa trên tình yêu thương bất vị kỷ (Mat 20:28; Giăng 3:16). Đức tính này không có trong Sa-tan vì hắn là kẻ ích kỷ. Vậy điều gì sẽ được thực hiện nhờ sắp đặt về giá chuộc? Vào cuối Triều Đại Một Ngàn Năm, con cháu hoàn hảo và biết vâng lời của A-đam và Ê-va sẽ được sống trong địa đàng, đúng như ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va. Lúc đó, ngài như thể sẽ phán “Ô-mê-ga”.

CỦNG CỐ LÒNG TIN CẬY NƠI LỜI HỨA CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VỀ ĐỊA ĐÀNG

18. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta ba lý do nào để tin chắc lời hứa của ngài? (Cũng xem khung  “Ba lý do để tin cậy lời hứa của Đức Giê-hô-va”).

18 Qua những gì đã thảo luận, chúng ta có thể chia sẻ với người nghi ngờ những lý do nào giúp họ tin nơi lời hứa của Đức Chúa Trời về địa đàng? Thứ nhất, chính Đức Giê-hô-va đã phán lời hứa ấy. Sách Khải huyền nói: “Đấng ngồi trên ngai phán: ‘Này! Ta đang làm mọi vật nên mới’”. Ngài có sự khôn ngoan, quyền năng và ước muốn để thực hiện lời hứa của ngài. Thứ hai, lời hứa ấy chắc chắn đến mức theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, nó đã xảy ra rồi. Ngài phán: “Những lời ấy là trung tín và chân thật… Những lời ấy đã được thực hiện!”. Thứ ba, khi Đức Giê-hô-va khởi đầu một việc, ngài sẽ khiến cho việc ấy được hoàn thành, như những lời sau của ngài khẳng định: “Ta là An-pha và Ô-mê-ga”. Đức Giê-hô-va sẽ chứng tỏ Sa-tan là kẻ nói dối và thất bại.

19. Khi người ta nghi ngờ lời hứa của Đức Chúa Trời về địa đàng, anh chị có thể làm gì?

19 Hãy nhớ rằng mỗi lần chia sẻ lời bảo đảm của Đức Chúa Trời trong thánh chức, anh chị củng cố lòng tin cậy của chính mình nơi các lời hứa của ngài. Vì thế, lần tới khi anh chị đọc lời hứa ấm lòng về địa đàng sắp đến nơi Khải huyền 21:4 và có người nói: “Làm gì có chuyện đó!”, anh chị có thể làm gì? Hãy đọc và giải thích câu 5 và 6. Hãy cho họ thấy cách Đức Giê-hô-va bảo đảm lời hứa của ngài qua việc như thể chính ngài ký tên vào lời hứa ấy.—Ê-sai 65:16.

BÀI HÁT 145 Lời hứa của Đức Chúa Trời về địa đàng

a Đức Giê-hô-va bảo đảm với chúng ta rằng lời hứa về địa đàng sẽ thành hiện thực. Bài này sẽ xem xét lời bảo đảm đó. Mỗi khi chia sẻ lời bảo đảm ấy với người khác, chúng ta sẽ càng tin cậy nơi các lời hứa của Đức Giê-hô-va.

b Xem sách Khải huyền gần đến cực điểm vinh quang! trg 303, 304, đ. 8, 9 (Anh ngữ).