Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 48

Anh chị có thể tin cậy Đức Giê-hô-va trong lúc khó khăn

Anh chị có thể tin cậy Đức Giê-hô-va trong lúc khó khăn

“‘Hãy mạnh mẽ lên… vì ta ở cùng các con’. Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy”.—HA-GAI 2:4.

BÀI HÁT 118 “Xin cho chúng con thêm đức tin”

GIỚI THIỆU a

1, 2. (a) Có điểm tương đồng nào giữa hoàn cảnh của chúng ta và những người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem? (b) Hãy cho biết điều gì đã xảy ra sau khi những người Do Thái trở về Giê-ru-sa-lem. (Xem khung “ Thời của Ha-gai, Xa-cha-ri và Ê-xơ-ra”).

 Đôi khi anh chị có lo lắng về tương lai không? Có lẽ anh chị bị mất việc và lo làm sao để chu cấp cho gia đình. Anh chị có thể lo cho sự an toàn của gia đình vì tình hình chính trị bất ổn, sự ngược đãi hoặc chống đối trong công việc rao giảng. Anh chị có đang đương đầu với những vấn đề ấy không? Nếu có, anh chị sẽ nhận được lợi ích nhờ xem xét cách Đức Giê-hô-va giúp người Y-sơ-ra-ên thời xưa khi họ đương đầu với những vấn đề tương tự.

2 Những người Do Thái sinh ra và lớn lên ở Ba-by-lôn cần có đức tin để bỏ lại đời sống thoải mái và đi đến xứ mà đa số họ biết rất ít. Không lâu sau khi đến nơi, họ phải đương đầu với sự bất ổn về kinh tế và chính trị cũng như sự chống đối. Vì thế, một số người thấy khó tập trung vào việc xây lại đền thờ của Đức Giê-hô-va. Thế nên, vào khoảng năm 520 TCN, Đức Giê-hô-va giao cho hai nhà tiên tri là Ha-gai và Xa-cha-ri sứ mạng giúp dân chúng có lại lòng sốt sắng (Ha-gai 1:1; Xa 1:1). Như chúng ta sẽ xem, sự khích lệ của hai nhà tiên tri này rất hữu hiệu. Tuy nhiên, gần 50 năm sau, những người Do Thái hồi hương lại nản lòng. Lúc đó, Ê-xơ-ra, một người sao chép Luật pháp rất giỏi, đã đi từ Ba-by-lôn đến Giê-ru-sa-lem để khuyến khích dân Đức Chúa Trời ưu tiên cho sự thờ phượng thật.—Ê-xơ-ra 7:1, 6.

3. Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào? (Châm ngôn 22:19)

3 Lời tiên tri của Ha-gai và Xa-cha-ri đã giúp dân Đức Chúa Trời trong quá khứ tiếp tục tin cậy ngài khi bị chống đối. Tương tự, những lời tiên tri ấy có thể giúp chúng ta ngày nay luôn tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ trợ giúp mình, bất kể khó khăn trong đời sống. (Đọc Châm ngôn 22:19). Khi xem xét thông điệp mà Ha-gai và Xa-cha-ri rao truyền cũng như gương của Ê-xơ-ra, chúng ta sẽ trả lời những câu hỏi sau: Những khó khăn đã ảnh hưởng thế nào đến người Do Thái hồi hương? Tại sao chúng ta cần luôn tập trung vào việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong những lúc khó khăn? Và làm thế nào để vun đắp lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va khi gặp thử thách cam go?

NHỮNG KHÓ KHĂN ẢNH HƯỞNG THẾ NÀO ĐẾN NGƯỜI DO THÁI?

4, 5. Điều gì có thể đã khiến người Do Thái suy giảm lòng sốt sắng trong việc xây lại đền thờ?

4 Khi về đến Giê-ru-sa-lem, người Do Thái có rất nhiều việc để làm. Họ nhanh chóng dựng lại bàn thờ của Đức Giê-hô-va và đặt nền của đền thờ (Ê-xơ-ra 3:1-3, 10). Nhưng không lâu sau, lòng sốt sắng ban đầu của họ đã bị suy giảm. Tại sao? Vì ngoài việc xây lại đền thờ, họ phải xây nhà cho chính mình, làm ruộng và nuôi gia đình (Ê-xơ-ra 2:68, 70). Hơn nữa, họ còn đối mặt với sự chống đối từ kẻ thù, là những kẻ âm mưu làm ngưng công việc xây lại đền thờ.—Ê-xơ-ra 4:1-5.

5 Những người Do Thái hồi hương cũng đối mặt với tình trạng bấp bênh về kinh tế và chính trị. Xứ của họ bấy giờ thuộc về Đế Quốc Ba Tư. Sau khi vua Ba Tư là Si-ru chết vào năm 530 TCN, người kế vị ông là Cambyses muốn chiếm Ai Cập. Trên đường đi đến Ai Cập, rất có thể quân đội của ông đã bắt người Do Thái cung cấp thức ăn, nước uống và chỗ ở, khiến đời sống họ càng khó khăn hơn. Vào đầu triều đại của vua kế vị tiếp theo là Đa-ri-út I, có nhiều cuộc nổi loạn và bất ổn chính trị. Hẳn tình trạng này khiến nhiều người Do Thái lo lắng về việc chu cấp cho gia đình. Trước những khó khăn ấy, một số người Do Thái cảm thấy đó không phải là lúc để xây lại đền thờ của Đức Giê-hô-va.—Ha-gai 1:2.

6. Theo Xa-cha-ri 4:6, 7, người Do Thái còn phải đối mặt với khó khăn nào khác, và Xa-cha-ri bảo đảm với họ điều gì?

6 Đọc Xa-cha-ri 4:6, 7. Ngoài những khó khăn về kinh tế và sự bất ổn về chính trị, người Do Thái còn phải đương đầu với sự ngược đãi. Vào năm 522 TCN, kẻ thù của họ đã thuyết phục được vua Ba Tư ban lệnh cấm xây lại đền thờ của Đức Giê-hô-va. Nhưng Xa-cha-ri bảo đảm với người Do Thái rằng Đức Giê-hô-va sẽ dùng thần khí mạnh mẽ của ngài để loại bỏ bất cứ trở ngại nào. Vào năm 520 TCN, vua Đa-ri-út bãi bỏ lệnh cấm xây lại đền thờ, thậm chí còn cung cấp tiền bạc và sự hỗ trợ từ chính quyền.—Ê-xơ-ra 6:1, 6-10.

7. Khi ưu tiên cho việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, người Do Thái hồi hương nhận được ân phước nào?

 7 Qua Ha-gai và Xa-cha-ri, Đức Giê-hô-va hứa với dân ngài rằng ngài sẽ hỗ trợ nếu họ ưu tiên cho việc xây lại đền thờ (Ha-gai 1:8, 13, 14; Xa 1:3, 16). Nhờ sự khích lệ của các nhà tiên tri, những người Do Thái hồi hương đã trở lại với công việc ấy vào năm 520 TCN, và chưa đến 5 năm sau, họ xây xong đền thờ. Vì người Do Thái ưu tiên cho việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời bất kể khó khăn, nên họ được ngài hỗ trợ không chỉ về vật chất mà còn về thiêng liêng. Kết quả là họ đã thờ phượng Đức Giê-hô-va với niềm vui.—Ê-xơ-ra 6:14-16, 22.

LUÔN TẬP TRUNG VÀO VIỆC LÀM THEO Ý MUỐN ĐỨC CHÚA TRỜI

8. Làm thế nào những lời nơi Ha-gai 2:4 giúp chúng ta luôn tập trung vào việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời? (Cũng xem chú thích).

8 Khi hoạn nạn lớn càng đến gần, chúng ta càng thấy công việc rao giảng là điều cấp bách (Mác 13:10). Tuy nhiên, có lẽ chúng ta thấy khó tập trung vào thánh chức nếu gặp khó khăn về kinh tế hoặc đương đầu với sự chống đối trong công việc rao giảng. Điều gì có thể giúp chúng ta đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu? Đó là tin chắc rằng “Đức Giê-hô-va vạn quân” b ở cùng chúng ta. Ngài sẽ hỗ trợ nếu chúng ta tiếp tục đặt quyền lợi Nước Trời lên trên lợi ích cá nhân. Vì thế, chúng ta không cần lo sợ.—Đọc Ha-gai 2:4.

9, 10. Làm thế nào một cặp vợ chồng cảm nghiệm lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 6:33 là đúng?

9 Hãy xem kinh nghiệm của anh Oleg và chị Irina, c một cặp vợ chồng tiên phong. Sau khi chuyển đến giúp một hội thánh ở khu vực khác, họ mất nguồn thu nhập vì vấn đề kinh tế trong nước. Dù không có công việc ổn định trong khoảng một năm, họ luôn cảm nhận sự hỗ trợ đầy yêu thương của Đức Giê-hô-va và đôi khi nhận được sự giúp đỡ từ anh em đồng đạo. Họ đối phó với khó khăn như thế nào? Lúc đầu anh Oleg cảm thấy nản lòng, nhưng sau này anh nói: “Luôn bận rộn trong thánh chức giúp chúng tôi tập trung vào điều quan trọng nhất trong đời sống”. Trong khi tìm việc làm, vợ chồng anh vẫn bận rộn trong thánh chức.

10 Ngày nọ, sau khi đi thánh chức về, họ được biết một người bạn thân đã đi khoảng 160km để mang hai giỏ thực phẩm đến cho họ. Anh Oleg nói: “Vào ngày hôm đó, một lần nữa chúng tôi cảm nghiệm lòng quan tâm sâu xa của Đức Giê-hô-va và anh em đồng đạo. Chúng tôi tin chắc rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ quên tôi tớ ngài, dù hoàn cảnh có vẻ vô vọng đến mức nào”.—Mat 6:33.

11. Chúng ta có thể trông đợi điều gì nếu luôn tập trung vào việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời?

11 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tập trung vào công việc cứu mạng là đào tạo môn đồ. Như được đề cập nơi  đoạn 7, Ha-gai khuyến giục dân Đức Giê-hô-va có khởi đầu mới trong việc phụng sự ngài, như thể đặt nền của đền thờ lần nữa. Nếu họ làm thế, Đức Giê-hô-va hứa “sẽ ban phước” cho họ (Ha-gai 2:18, 19). Chúng ta cũng có thể tin chắc rằng ngài sẽ ban phước cho nỗ lực của mình nếu ưu tiên cho công việc mà ngài giao.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ VUN ĐẮP LÒNG TIN CẬY NƠI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

12. Tại sao Ê-xơ-ra và những người đồng hương cần có đức tin mạnh?

12 Vào năm 468 TCN, Ê-xơ-ra cùng nhóm người Do Thái thứ hai đã đi từ Ba-by-lôn đến Giê-ru-sa-lem. Để thực hiện chuyến hành trình này, Ê-xơ-ra và những người trở về cần có đức tin mạnh. Họ phải đi trên những con đường nguy hiểm, mang theo một lượng lớn vàng và bạc đã được đóng góp cho đền thờ. Vì thế, họ là mục tiêu dễ tấn công của bọn cướp (Ê-xơ-ra 7:12-16; 8:31). Ngoài ra, họ sớm nhận ra rằng ngay cả thành Giê-ru-sa-lem cũng không an toàn. Thành này có dân cư thưa thớt, còn tường và cổng thì cần được sửa chữa. Chúng ta có thể học được gì từ Ê-xơ-ra về việc vun đắp lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va?

13. Điều gì giúp Ê-xơ-ra xây đắp lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va? (Cũng xem chú thích).

13 Ê-xơ-ra đã thấy cách Đức Giê-hô-va trợ giúp dân ngài trong lúc khó khăn. Nhiều năm trước, vào năm 484 TCN, có lẽ Ê-xơ-ra đang sống ở Ba-by-lôn khi vua A-suê-ru ra chiếu chỉ tuyệt diệt người Do Thái trên khắp Đế Quốc Ba Tư (Ê-xơ-tê 3:7, 13-15). Mạng sống của Ê-xơ-ra bị lâm nguy! Khi nghe về mối đe dọa này, người Do Thái “trong mỗi tỉnh” đã kiêng ăn và sầu thảm, hẳn họ cầu xin Đức Giê-hô-va hướng dẫn (Ê-xơ-tê 4:3). Hãy hình dung Ê-xơ-ra và những người đồng hương cảm thấy ra sao khi tình thế đảo ngược và những kẻ âm mưu tuyệt diệt họ bị đánh bại! (Ê-xơ-tê 9:1, 2). Có lẽ trải nghiệm của Ê-xơ-ra trong giai đoạn khó khăn đó đã chuẩn bị cho ông để đối mặt với những thử thách trong tương lai, và giúp ông càng tin chắc Đức Giê-hô-va có khả năng bảo vệ dân ngài. d

14. Một chị rút ra bài học nào khi nhận được sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va trong lúc khó khăn?

14 Khi chúng ta nhận được sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va trong lúc khó khăn, lòng tin cậy của mình nơi ngài sẽ lớn mạnh. Hãy xem trường hợp của chị Anastasia sống ở Đông Âu. Chị nghỉ việc vì giữ lập trường trung lập. Chị cho biết: “Trước đó, tôi chưa bao giờ ở trong hoàn cảnh mà không có tiền”. Rồi chị nói thêm: “Tôi để vấn đề trong tay Đức Giê-hô-va và thấy cách ngài dịu dàng chăm sóc mình. Cho dù sau này có bị mất việc lần nữa, tôi cũng sẽ không sợ. Nếu Cha trên trời chăm sóc cho tôi hôm nay thì ngài cũng sẽ làm thế ngày mai”.

15. Điều gì giúp Ê-xơ-ra luôn tin cậy Đức Giê-hô-va? (Ê-xơ-ra 7:27, 28)

15 Ê-xơ-ra thấy được bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống mình. Nhờ suy ngẫm về những lúc được Đức Giê-hô-va trợ giúp, Ê-xơ-ra luôn tin cậy ngài. Hãy lưu ý cụm từ “tay của Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ở trên tôi”. (Đọc Ê-xơ-ra 7:27, 28). Ê-xơ-ra đã dùng những cụm từ tương tự sáu lần trong sách mang tên ông.—Ê-xơ-ra 7:6, 9; 8:18, 22, 31.

Chúng ta có thể thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong những trường hợp nào? (Xem đoạn 16) e

16. Chúng ta có thể thấy bàn tay của Đức Chúa Trời trong những trường hợp nào? (Cũng xem hình).

16 Đức Giê-hô-va có thể giúp đỡ khi chúng ta đương đầu với thử thách. Chẳng hạn, khi xin chủ cho nghỉ để đi hội nghị hoặc xin thay đổi lịch làm việc để tham dự tất cả các buổi nhóm họp, chúng ta tạo cơ hội để thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va trong đời sống mình. Chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy sự việc diễn ra tốt đẹp thế nào. Kết quả là lòng tin cậy của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va sẽ lớn mạnh.

Ê-xơ-ra khóc lóc và cầu nguyện khi ở đền thờ vì đau buồn về tội lỗi của dân chúng. Đám đông cũng khóc lóc. Rồi Sê-ca-nia an ủi Ê-xơ-ra rằng: “Vẫn còn hy vọng cho Y-sơ-ra-ên... Chúng tôi ở cùng ông”.—Ê-xơ-ra 10:2, 4. (Xem đoạn 17)

17. Làm thế nào Ê-xơ-ra thể hiện sự khiêm nhường trong những lúc khó khăn? (Xem hình nơi trang bìa).

17 Ê-xơ-ra khiêm nhường cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Mỗi lần cảm thấy choáng ngợp về nhiệm vụ của mình, Ê-xơ-ra đã khiêm nhường cầu nguyện với ngài (Ê-xơ-ra 8:21-23; 9:3-5). Thái độ của Ê-xơ-ra thôi thúc những người xung quanh hỗ trợ ông và noi theo đức tin của ông (Ê-xơ-ra 10:1-4). Khi cảm thấy choáng ngợp bởi những lo lắng về nhu cầu vật chất hoặc sự an toàn của gia đình, chúng ta cần cầu nguyện Đức Giê-hô-va với lòng tin chắc.

18. Điều gì có thể giúp chúng ta càng tin cậy Đức Giê-hô-va?

18 Nếu khiêm nhường tìm kiếm sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va và chấp nhận sự trợ giúp của anh em đồng đạo, chúng ta sẽ càng tin cậy ngài hơn. Chị Erika, một người mẹ có ba con, đã tiếp tục tin cậy Đức Giê-hô-va khi đối mặt với sự mất mát đau thương. Trong thời gian ngắn, chị bị sẩy thai và mất người chồng yêu dấu. Khi nhìn lại, chị nói: “Chúng ta không biết trước Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình như thế nào. Sự giúp đỡ có thể đến theo những cách bất ngờ. Tôi thấy nhiều lời cầu nguyện của mình đã được đáp lại qua lời nói và hành động của anh em đồng đạo. Nếu tôi mở lòng với anh em thì sẽ dễ hơn để họ giúp tôi”.

TIN CẬY ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐẾN CUỐI CÙNG

19, 20. Chúng ta học được gì từ những người Do Thái không thể trở về Giê-ru-sa-lem?

19 Chúng ta cũng có thể rút ra một bài học quý giá từ những người Do Thái không thể trở về Giê-ru-sa-lem. Một số người không thể trở về vì tuổi già, bệnh tật hoặc trách nhiệm gia đình. Dù vậy, họ sẵn lòng hỗ trợ những người hồi hương bằng cách đóng góp về vật chất (Ê-xơ-ra 1:5, 6). Dường như khoảng 19 năm sau kể từ khi nhóm đầu tiên trở về Giê-ru-sa-lem, những người ở lại Ba-by-lôn vẫn còn gửi quà đóng góp đến Giê-ru-sa-lem.—Xa 6:10.

20 Ngay cả khi không thể làm mọi điều mình muốn trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, chúng ta vẫn có thể tin chắc ngài quý trọng nỗ lực chân thành của mình để làm vui lòng ngài. Tại sao có thể nói thế? Vào thời Xa-cha-ri, Đức Giê-hô-va bảo ông làm một vương miện từ bạc và vàng mà những người lưu đày ở Ba-by-lôn gửi đến (Xa 6:11). “Vương miện lộng lẫy” này sẽ là vật kỷ niệm về sự đóng góp rộng rãi của họ (Xa 6:14, chú thích). Vậy, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ quên nỗ lực hết lòng của mình để phụng sự ngài trong lúc khó khăn.—Hê 6:10.

21. Điều gì sẽ giúp chúng ta tin cậy Đức Giê-hô-va khi đối mặt với tương lai?

21 Hẳn chúng ta sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong những ngày sau cùng, và tình hình có lẽ còn tệ hơn trong tương lai (2 Ti 3:1, 13). Tuy nhiên, chúng ta không cần lo lắng thái quá. Hãy nhớ lời Đức Giê-hô-va phán với dân ngài vào thời Ha-gai: “Ta ở cùng các con… Đừng sợ” (Ha-gai 2:4, 5). Chúng ta cũng có thể tin chắc rằng bao lâu mình còn nỗ lực hết sức để thi hành ý muốn của Đức Giê-hô-va, thì bấy lâu ngài sẽ ở cùng chúng ta. Nhờ áp dụng những bài học từ các lời tiên tri của Ha-gai và Xa-cha-ri cũng như từ gương của Ê-xơ-ra, chúng ta sẽ luôn tin cậy Đức Giê-hô-va dù phải đương đầu với bất kỳ khó khăn nào trong tương lai.

BÀI HÁT 122 Hãy kiên định, không lay chuyển!

a Bài này được biên soạn để giúp chúng ta củng cố lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va khi đương đầu với khó khăn về kinh tế, tình hình chính trị bất ổn hoặc sự chống đối trong công việc rao giảng.

b Cụm từ “Đức Giê-hô-va vạn quân” xuất hiện 14 lần trong sách Ha-gai, nhắc người Do Thái và chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va có quyền năng vô hạn và điều khiển đạo quân hùng hậu gồm các tạo vật thần linh.—Thi 103:20, 21.

c Một số tên đã được thay đổi.

d Là người sao chép Luật pháp rất giỏi, Ê-xơ-ra đã có lòng tin chắc nơi lời tiên tri của Đức Giê-hô-va ngay cả trước khi đi đến Giê-ru-sa-lem.—2 Sử 36:22, 23; Ê-xơ-ra 7:6, 9, 10; Giê 29:14.

e HÌNH ẢNH: Một anh xin chủ nghỉ làm để tham dự hội nghị nhưng chủ không đồng ý. Anh cầu xin sự giúp đỡ và hướng dẫn khi chuẩn bị gặp chủ lần nữa. Anh cho chủ xem giấy mời hội nghị, giải thích lợi ích của sự giáo dục dựa trên Kinh Thánh. Người chủ ấn tượng và xem xét lại quyết định của mình.