Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 47

Hãy giữ cho tình yêu thương với anh em đồng đạo luôn mạnh mẽ

Hãy giữ cho tình yêu thương với anh em đồng đạo luôn mạnh mẽ

“Hãy tiếp tục yêu thương nhau vì tình yêu thương đến từ Đức Chúa Trời”.—1 GIĂNG 4:7.

BÀI HÁT 109 Hãy tha thiết yêu thương từ đáy lòng

GIỚI THIỆU a

1, 2. (a) Tại sao sứ đồ Phao-lô nói tình yêu thương là “[đức tính] lớn hơn hết”? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?

 Khi nói về đức tin, hy vọng và tình yêu thương, sứ đồ Phao-lô kết luận rằng “[đức tính] lớn hơn hết là tình yêu thương” (1 Cô 13:13). Tại sao ông nói như vậy? Trong tương lai, chúng ta sẽ không cần có đức tin nơi những lời hứa của Đức Chúa Trời về thế giới mới, cũng không cần hy vọng về những lời hứa ấy, vì tất cả đã trở thành hiện thực. Nhưng chúng ta sẽ luôn cần có tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và người khác. Thực tế, tình yêu thương ấy sẽ mãi lớn mạnh.

2 Vì luôn cần có tình yêu thương nên chúng ta sẽ xem xét ba câu hỏi. Thứ nhất, tại sao chúng ta cần yêu thương nhau? Thứ hai, chúng ta thể hiện tình yêu thương với nhau bằng cách nào? Và thứ ba, làm thế nào để giữ cho tình yêu thương ấy luôn mạnh mẽ?

TẠI SAO CHÚNG TA CẦN YÊU THƯƠNG NHAU?

3. Tại sao chúng ta cần yêu thương nhau?

3 Tại sao yêu thương nhau là điều quan trọng? Một lý do là khi yêu thương nhau, chúng ta cho thấy mình là tín đồ chân chính. Chúa Giê-su nói với các sứ đồ: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Đó là có tình yêu thương giữa anh em” (Giăng 13:35). Ngoài ra, việc yêu thương nhau giúp chúng ta hợp nhất. Phao-lô gọi tình yêu thương là “mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn” (Cô 3:14). Nhưng cũng có một lý do quan trọng khác để yêu thương nhau. Sứ đồ Giăng viết cho các anh em đồng đạo: “Ai yêu thương Đức Chúa Trời cũng phải yêu thương anh em mình” (1 Giăng 4:21). Khi yêu thương nhau, chúng ta cho thấy mình yêu thương Đức Chúa Trời.

4, 5. Hãy minh họa về mối liên quan giữa tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời với tình yêu thương dành cho anh em đồng đạo.

4 Tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và tình yêu thương dành cho anh em đồng đạo liên quan chặt chẽ thế nào với nhau? Để minh họa, hãy xem mối liên kết giữa trái tim và các bộ phận khác của cơ thể. Khi bắt mạch ở cổ tay chúng ta để kiểm tra mạch yếu hay mạnh, bác sĩ có thể biết được phần nào về tình trạng tim của chúng ta. Làm thế nào để áp dụng minh họa này cho đề tài tình yêu thương?

5 Như một bác sĩ có thể biết được phần nào về tình trạng tim của chúng ta khi bắt mạch, chúng ta cũng có thể biết được phần nào về tình yêu thương của mình dành cho Đức Chúa Trời bằng cách “kiểm tra” tình yêu thương dành cho người khác. Nếu nhận thấy tình yêu thương với anh em đồng đạo bị suy yếu, thì có thể điều này cho thấy tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời cũng đang suy yếu. Nhưng khi thường xuyên thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo, thì đó là dấu hiệu cho thấy mình có tình yêu thương mạnh mẽ dành cho Đức Chúa Trời.

6. Nếu tình yêu thương của chúng ta dành cho anh em đồng đạo trở nên suy yếu thì tại sao đó là vấn đề nghiêm trọng? (1 Giăng 4:7-9, 11)

6 Nếu tình yêu thương của chúng ta dành cho anh em đồng đạo trở nên suy yếu thì đó là vấn đề nghiêm trọng. Tại sao? Vì điều đó có nghĩa là chúng ta đang gặp nguy hiểm về thiêng liêng. Sứ đồ Giăng cho biết rõ về điều này khi nhắc chúng ta: “Ai chẳng yêu thương người anh em mình thấy được thì không thể yêu thương Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (1 Giăng 4:20). Bài học là gì? Đức Giê-hô-va hài lòng với chúng ta chỉ khi chúng ta “yêu thương nhau”.—Đọc 1 Giăng 4:7-9, 11.   

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI NHAU?

7, 8. Chúng ta thể hiện tình yêu thương với nhau qua một số cách nào?

7 Nhiều lần trong lời Đức Chúa Trời, chúng ta đọc thấy mệnh lệnh là hãy yêu thương nhau (Giăng 15:12, 17; Rô 13:8; 1 Tê 4:9; 1 Phi 1:22; 1 Giăng 4:11). Tuy nhiên, tình yêu thương là một cảm xúc ở trong lòng và không người nào có thể thấy được lòng của chúng ta. Vậy làm thế nào người khác biết được chúng ta yêu thương họ? Đó là qua lời nói và hành động của chúng ta.

8 Có nhiều cách để thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo. Một số cách là: “Nói sự thật với nhau” (Xa 8:16). “Giữ hòa thuận với nhau” (Mác 9:50). “Chủ động biểu lộ lòng tôn trọng lẫn nhau” (Rô 12:10). “Tiếp đón nhau” (Rô 15:7). “Tiếp tục… tha thứ nhau” (Cô 3:13). “Tiếp tục mang lấy gánh nặng cho nhau” (Ga 6:2). “Tiếp tục… an ủi nhau” (1 Tê 4:18). “Tiếp tục… giúp nhau vững mạnh” (1 Tê 5:11). “Cầu nguyện cho nhau”.—Gia 5:16.

Làm thế nào để giúp một anh em đang gặp khốn khổ? (Xem đoạn 7-9)

9. Tại sao việc an ủi người khác là một cách quan trọng để thể hiện tình yêu thương? (Cũng xem hình).

9 Hãy xem một trong những cách để thể hiện tình yêu thương được đề cập trong đoạn trước. Chúng ta sẽ nói về lời khuyên của Phao-lô là: “Tiếp tục… an ủi nhau”. Tại sao việc an ủi người khác là một cách quan trọng để thể hiện tình yêu thương? Theo một tài liệu tham khảo, từ được dịch là “an ủi” trong câu này có nghĩa là “đứng bên cạnh để khuyến khích một người khi người ấy gặp thử thách cam go”. Do vậy, bằng cách an ủi một anh em đang gặp khốn khổ, chúng ta giúp người ấy tiếp tục bước đi trên con đường dẫn đến sự sống. Mỗi lần trở thành chỗ dựa tinh thần cho anh em đồng đạo, chúng ta đang thể hiện tình yêu thương với họ.—2 Cô 7:6, 7, 13.

10. Lòng trắc ẩn và sự an ủi có mối liên quan nào?

10 Lòng trắc ẩn và sự an ủi có liên quan chặt chẽ với nhau. Như thế nào? Một người có lòng trắc ẩn được thôi thúc để an ủi người khác và tìm cách xoa dịu nỗi đau của họ. Thế thì, trước hết chúng ta có lòng trắc ẩn, rồi mới an ủi người khác. Hãy lưu ý cách Phao-lô liên kết lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va với sự an ủi đến từ ngài. Phao-lô gọi Đức Giê-hô-va là “Cha đầy lòng thương xót và là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi” (2 Cô 1:3). Trong câu này, Phao-lô dùng cụm từ “đầy lòng thương xót” để miêu tả lòng trắc ẩn. Vì thế, Đức Chúa Trời được gọi là Cha đầy lòng thương xót, vì ngài có lòng trắc ẩn sâu xa với chúng ta. Và lòng trắc ẩn thôi thúc ngài an ủi chúng ta “trong mọi thử thách” mà mình gặp (2 Cô 1:4). Giống như nước tinh khiết từ suối mang lại sự tươi tỉnh cho một người đang khát, Đức Giê-hô-va cũng đem lại sự tươi tỉnh và an ủi cho những ai đang gặp khốn khổ. Làm thế nào để noi gương Đức Giê-hô-va trong việc có lòng trắc ẩn và an ủi người khác? Một cách là vun trồng những phẩm chất giúp chúng ta làm điều đó. Một số phẩm chất ấy là gì?

11. Theo Cô-lô-se 3:12 và 1 Phi-e-rơ 3:8, chúng ta cần vun trồng những phẩm chất nào khác để yêu thương và an ủi người khác?

11 Điều gì sẽ giúp chúng ta duy trì tình yêu thương cần có để “tiếp tục… an ủi nhau” từ ngày này qua ngày khác? Chúng ta cần vun trồng những phẩm chất như sự đồng cảm, tình huynh đệ và sự nhân từ. (Đọc Cô-lô-se 3:12; 1 Phi-e-rơ 3:8). Những phẩm chất này giúp chúng ta như thế nào? Khi lòng trắc ẩn và những phẩm chất liên quan trở thành một phần trong nhân cách của mình, thì chúng ta sẽ rất muốn an ủi những người đang gặp khốn khổ. Như Chúa Giê-su nói, “lòng đầy tràn thì miệng mới nói ra. Người tốt mang ra những thứ tốt đã tích lũy trong kho mình” (Mat 12:34, 35). Thật vậy, việc an ủi những anh em đang gặp vấn đề là một cách quan trọng để thể hiện tình yêu thương với họ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIỮ CHO TÌNH YÊU THƯƠNG VỚI NHAU LUÔN MẠNH MẼ?

12. (a) Tại sao chúng ta cần luôn cảnh giác? (b) Chúng ta sẽ xem xét câu hỏi nào?

12 Chúng ta đều muốn “tiếp tục yêu thương nhau” (1 Giăng 4:7). Nhưng điều quan trọng mà chúng ta cần nhớ là Chúa Giê-su đã cảnh báo rằng “lòng yêu thương của đa số người ta sẽ nguội lạnh dần” (Mat 24:12). Chúa Giê-su không có ý nói rằng phần lớn các môn đồ ngài sẽ rơi vào tình trạng này. Dù vậy, chúng ta cần luôn cảnh giác để không bị ảnh hưởng bởi tinh thần thiếu yêu thương của thế gian xung quanh. Ghi nhớ điều này, hãy xem xét câu hỏi quan trọng sau: Điều gì giúp chúng ta biết tình yêu thương của mình dành cho anh em đồng đạo có mạnh mẽ hay không?

13. Điều gì cho thấy tình yêu thương của chúng ta dành cho anh em có mạnh mẽ hay không?

13 Một cách để biết tình yêu thương của chúng ta có mạnh mẽ hay không là xem cách chúng ta xử lý một số tình huống trong đời sống (2 Cô 8:8). Chẳng hạn, sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Trên hết, hãy tha thiết yêu thương nhau, vì tình yêu thương che lấp vô số tội lỗi” (1 Phi 4:8). Vậy, phản ứng của chúng ta trước những thiếu sót và khuyết điểm của người khác cho thấy tình yêu thương của mình dành cho anh em có mạnh mẽ hay không.

14. Theo 1 Phi-e-rơ 4:8, chúng ta cần loại tình yêu thương nào? Hãy minh họa.

14 Hãy xem xét kỹ hơn lời của Phi-e-rơ. Phần đầu của 1 Phi-e-rơ 4:8 miêu tả loại tình yêu thương mà chúng ta cần có, đó là tình yêu thương tha thiết. Từ được dịch là “tha thiết” ở đây có nghĩa đen là “kéo căng”. Phần sau của câu 8 cho thấy tác động của tình yêu thương tha thiết. Tình yêu thương ấy che lấp tội lỗi. Hãy xem một minh họa. Tình yêu thương giống như một miếng vải có thể co giãn được mà chúng ta cầm bằng cả hai tay, kéo căng ra cho đến khi che lấp không chỉ một hoặc hai, mà là “vô số tội lỗi”. Từ “che lấp” là một cách nói để miêu tả sự tha thứ. Giống như một miếng vải có thể che lấp vết bẩn, tình yêu thương có thể che lấp thiếu sót và khuyết điểm của người khác.

15. Nếu tình yêu thương của chúng ta dành cho anh em đồng đạo đủ mạnh, chúng ta sẽ có thể làm gì? (Cô-lô-se 3:13)

15 Tình yêu thương của chúng ta dành cho anh em đồng đạo cần đủ mạnh để có thể tha thứ cho khuyết điểm của họ, ngay cả khi phải nỗ lực để làm thế. (Đọc Cô-lô-se 3:13). Khi tha thứ cho người khác, chúng ta cho thấy tình yêu thương của mình mạnh mẽ và mình muốn làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Điều gì khác có thể giúp chúng ta bỏ qua lỗi lầm và tính nết gây khó chịu của người khác?

Giống như việc giữ những tấm hình đẹp nhất và bỏ đi những tấm còn lại, chúng ta trân trọng ký ức đẹp về anh em đồng đạo và không nghĩ mãi đến ký ức xấu về họ (Xem đoạn 16, 17)

16, 17. Điều gì khác giúp chúng ta bỏ qua lỗi nhỏ của anh em? Hãy minh họa. (Cũng xem hình).

16 Hãy tập trung vào ưu điểm, chứ không phải khuyết điểm của anh em đồng đạo. Để minh họa, hãy hình dung anh chị đang ở trong một buổi họp mặt với một số anh em. Buổi họp mặt đó rất vui. Đến cuối buổi, anh chị chụp một tấm hình của cả nhóm, rồi anh chị chụp thêm hai tấm nữa để phòng khi tấm kia không được đẹp. Giờ thì anh chị đã có ba tấm hình. Nhưng trong một tấm, anh chị để ý thấy có một anh đang nhăn mặt. Anh chị làm gì với tấm đó? Anh chị xóa nó đi vì đã có hai tấm hình mà mọi người đều tươi cười, kể cả anh đó.

17 Có thể ví những ký ức về anh em mà mình muốn giữ với những tấm hình mà mình lưu lại. Chúng ta thường có ký ức đẹp về những lần kết hợp với anh em. Nhưng giả sử có lần, một anh chị nào đó nói hay làm điều thiếu tử tế. Chúng ta nên làm gì với ký ức đó? Hãy cố gắng xóa ký ức ấy giống như xóa một trong những tấm hình kia (Châm 19:11; Ê-phê 4:32). Chúng ta có thể xóa ký ức về lỗi nhỏ của người đó, vì có nhiều ký ức đẹp về những lần kết hợp với họ. Chúng ta muốn giữ và trân trọng những ký ức như thế.

TẠI SAO TÌNH YÊU THƯƠNG LÀ ĐẶC BIỆT CẦN THIẾT HIỆN NAY?

18. Bài này đã xem xét những điểm chính nào về tình yêu thương?

18 Tại sao chúng ta muốn giữ cho tình yêu thương với nhau luôn mạnh mẽ? Như đã xem xét, khi thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo, chúng ta cho thấy mình yêu thương Đức Giê-hô-va. Chúng ta thể hiện tình yêu thương với anh em bằng cách nào? Một cách là an ủi họ. Chúng ta sẽ có thể “tiếp tục… an ủi nhau” nếu có lòng trắc ẩn. Làm thế nào để giữ cho tình yêu thương với nhau luôn mạnh mẽ? Đó là cố gắng hết sức để tha thứ lỗi lầm của người khác.

19. Tại sao việc thể hiện tình yêu thương với nhau là điều đặc biệt quan trọng hiện nay?

19 Tại sao việc thể hiện tình yêu thương với nhau là điều đặc biệt quan trọng hiện nay? Phi-e-rơ cho biết lý do: “Sự kết thúc của mọi sự đã gần kề. Vậy,… hãy tha thiết yêu thương nhau” (1 Phi 4:7, 8). Khi sự kết thúc của thế gian này càng gần kề, chúng ta phải đối mặt với điều gì? Chúa Giê-su báo trước với các môn đồ: “Anh em sẽ bị mọi dân thù ghét vì danh tôi” (Mat 24:9). Để chịu đựng sự thù ghét ấy, chúng ta cần giữ vững sự hợp nhất. Khi đó, nỗ lực của Sa-tan trong việc chia rẽ chúng ta sẽ thất bại, vì chúng ta gắn bó với nhau nhờ tình yêu thương, là “mối liên kết giúp hợp nhất trọn vẹn”.—Cô 3:14; Phi-líp 2:1, 2.

BÀI HÁT 130 Hãy tha thứ

a Giờ là lúc chúng ta cần thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo hơn bao giờ hết. Tại sao điều đó là quan trọng, và làm thế nào để thể hiện tình yêu thương ấy?