Đi đến nội dung

 Ðộc giả thắc mắc

Vì người ta cho rằng hiện nay một người triệt sản có thể phục hồi khả năng sinh sản, nên tín đồ Ðấng Christ có xem đó là phương pháp ngừa thai không?

Vì người ta cho rằng hiện nay một người triệt sản có thể phục hồi khả năng sinh sản, nên tín đồ Ðấng Christ có xem đó là phương pháp ngừa thai không?

Triệt sản đã trở nên phương pháp thông dụng nhất trong việc kế hoạch hóa gia đình. Ðối với nhiều người thì dường như tầng lớp xã hội và quá trình học vấn, cũng như quan điểm tôn giáo quyết định việc họ có thể chấp nhận phương pháp đó hay không. Niềm tin tôn giáo là một yếu tố đối với Nhân Chứng Giê-hô-va là những người có cùng mong muốn như người viết Thi-thiên: “Hỡi Ðức Giê-hô-va, xin chỉ-dạy tôi con đường Ngài;... xin hãy dẫn tôi vào lối bằng-thẳng”. (Thi-thiên 27:11) Phương pháp triệt sản bao hàm điều gì?

Cách kiểm soát sinh đẻ bằng phương pháp triệt sản cho đàn ông được gọi là phẫu thuật cắt ống dẫn tinh. Bác sĩ cắt và làm gián đoạn hai ống dẫn tinh nhỏ trong bìu dái. Có thể thực hiện điều này qua những phẫu thuật khác nhau, nhưng mục đích là làm cho tinh trùng từ hòn dái không thể di chuyển được. Cách triệt sản cho phụ nữ được gọi là phẫu thuật buộc ống dẫn trứng. Phẫu thuật này thường được thực hiện bằng cách cắt đi và buộc lại (hoặc đốt) trám kín ống Fallope, ống dẫn trứng từ buồng trứng đến tử cung.

Từ lâu người ta từng nghĩ rằng phương pháp này là vĩnh viễn—đưa đến sự triệt sản không thể thay đổi. Nhưng một số người, vì ân hận về quyết định của họ hoặc vì hoàn cảnh đã thay đổi, tìm đến bác sĩ để nhờ họ giúp phục hồi khả năng sinh sản sau khi đã cắt ống dẫn tinh hoặc buộc ống dẫn trứng. Với sự phát minh của các dụng cụ chuyên dụng và vi phẫu thuật, việc tìm cách phục hồi khả năng sinh sản đã thành công hơn. Không có gì lạ khi đọc thấy rằng trong số những người chọn lọc có thể có từ 50 đến 70 phần trăm thành công trong việc phục hồi khả năng sinh sản, sau khi đã cắt ống dẫn tinh, bằng cách nối lại hai đầu ống nhỏ tí bị cắt đứt. Người ta nói rằng tỷ lệ thành công về việc phục hồi khả năng sinh sản sau khi đã buộc ống dẫn trứng cho phụ nữ là 60 đến 80 phần trăm. Một số người khi biết về điều này cảm thấy rằng không cần phải xem phẫu thuật triệt sản là vĩnh viễn nữa. Có lẽ họ nghĩ rằng việc cắt ống dẫn tinh và việc buộc ống dẫn trứng có thể được xem cũng giống như thuốc ngừa thai, bao cao-su và màng chắn—những phương pháp mà người ta có thể ngưng dùng một khi muốn có con. Thế nhưng chúng ta cũng cần phải xem xét kỹ một vài khía cạnh quan trọng.

Một điều là triển vọng phục hồi khả năng sinh sản có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những yếu tố như: mức độ hư hại của ống trong thao tác phẫu thuật triệt sản, bao nhiêu phần ống bị cắt đi hoặc đóng sẹo, phẫu thuật đã được thực hiện bao nhiêu năm rồi, và trong trường hợp cắt ống dẫn tinh, cơ thể có sản xuất kháng thể chống lại tinh trùng của người đàn ông hay không. Và không nên lờ đi sự kiện là ở nhiều nơi có thể không có sẵn những phương tiện cho vi phẫu thuật, hoặc tổn phí có thể quá cao. Vì thế, nhiều người có lẽ hết sức mong muốn phục hồi khả năng sinh sản nhưng lại không thể thực hiện được. Ðối với họ, đó là điều không thể thay đổi được nữa. * Bởi vậy tỷ lệ ghi ở trên về việc phục hồi khả năng sinh sản thật sự chỉ là lý thuyết, không phải là mức trung bình đáng tin cậy.

Một số sự kiện có liên quan thực tế. Một bài đăng ở Hoa Kỳ về việc phục hồi khả năng sinh sản sau khi đã cắt ống dẫn tinh bình luận rằng sau cuộc giải phẫu tốn 12.000 đô la, “chỉ có 63 phần trăm bệnh nhân có thể làm người bạn chăn gối thụ thai”. Hơn nữa, chỉ “sáu phần trăm số người đàn ông đã giải phẫu cắt ống dẫn tinh cuối cùng đến yêu cầu bác sĩ phục hồi khả năng sinh sản”. Trong một cuộc nghiên cứu của Ðức về trung Âu, khoảng 3 phần trăm số đàn ông đã quyết định giải phẫu triệt sản sau này nhờ bác sĩ phục hồi khả năng sinh sản. Ngay dù phân nửa số các cuộc giải phẫu đó có thể thành công, điều này có nghĩa là đối với 98,5 phần trăm, giải phẫu cắt ống dẫn tinh rốt cuộc là phương pháp triệt sản vĩnh viễn. Và tỷ lệ này sẽ cao hơn ở những xứ có ít hoặc không có bác sĩ vi phẫu thuật.

Do đó, coi thường giải phẫu triệt sản cho đàn ông hoặc đàn bà, như thể là phương pháp ngừa thai tạm  thời là điều không thực tế. Và đối với những tín đồ Ðấng Christ thành tâm thì có những khía cạnh khác cần xem xét.

Một điểm chủ yếu là khả năng sinh sản là món quà của Ðấng Tạo Hóa. Mục đích ban đầu của Ngài bao hàm việc loài người hoàn toàn sẽ sinh sản; họ “làm cho đầy-dẫy đất;... làm cho đất phục-tùng”. (Sáng-thế Ký 1:28) Sau khi trận Nước Lụt làm dân số trái đất giảm xuống còn tám người, Ðức Chúa Trời nhắc lại những lời chỉ dẫn cơ bản đó. (Sáng-thế Ký 9:1) Ðức Chúa Trời đã không nhắc lại mệnh lệnh đó với dân Y-sơ-ra-ên, nhưng họ xem việc sanh con đẻ cái là điều rất tốt.—1 Sa-mu-ên 1:1-11; Thi-thiên 128:3.

Luật pháp Ðức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên cho thấy Ngài quan tâm đến việc sanh sản của loài người. Thí dụ, nếu một người có vợ nhưng chết trước khi sanh được một con trai nối dõi, thì anh em người đó phải kết hôn với vợ người để sanh con trai. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:5) Ði sát vấn đề hơn là luật pháp về một người vợ tìm cách giúp chồng trong một cuộc đánh lộn. Nếu bà nắm nhằm chỗ kín của người kia thì tay bà phải bị chặt đi; điều đáng chú ý là Ðức Chúa Trời không đòi hỏi phải làm tổn hại cơ quan sinh dục của bà hoặc của chồng bà dựa theo nguyên tắc lấy mắt thường mắt. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:11, 12) Luật pháp này rõ ràng khiến người ta coi trọng cơ quan sinh dục; họ không được hủy hoại những cơ quan này một cách không cần thiết. *

Chúng ta biết rằng tín đồ Ðấng Christ không ở dưới Luật Pháp của dân Y-sơ-ra-ên, bởi thế quy tắc ghi nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 25:11, 12 không áp dụng cho tín đồ Ðấng Christ. Chúa Giê-su không ra lệnh, cũng không ngụ ý rằng môn đồ ngài phải kết hôn và có càng nhiều con càng tốt; nhiều cặp vợ chồng suy xét điều này khi quyết định có nên dùng một phương pháp ngừa thai nào đó hay không. (Ma-thi-ơ 19:10-12) Sứ đồ Phao-lô đã khuyên ‘những đàn-bà góa còn trẻ và sôi nổi nên lấy chồng và sanh con-cái’. (1 Ti-mô-thê 5:11-14) Ông không nói đến việc triệt sản vĩnh viễn cho tín đồ Ðấng Christ—tự ý hy sinh khả năng sinh sản của họ.

Tín đồ Ðấng Christ nên cân nhắc những chỉ dẫn cho thấy Ðức Chúa Trời coi trọng khả năng sinh sản của họ. Mỗi cặp vợ chồng phải quyết định xem họ sẽ dùng những phương pháp thích hợp về kế hoạch hóa gia đình không và nếu có thì khi nào. Dĩ nhiên, quyết định của họ đặc biệt quan trọng nếu bác sĩ quả quyết là người mẹ và đứa bé có nguy cơ trầm trọng, ngay cả có thể tử vong, một khi thụ thai. Một số người trong tình thế đó đã miễn cưỡng chấp nhận phẫu thuật triệt sản như được miêu tả ở trên để tránh thụ thai và làm đe dọa tính mạng của người mẹ (có thể đã có những đứa con khác) hoặc tính mạng của một đứa bé có thể sau này được sanh ra với vấn đề sức khỏe hiểm nghèo.

Nhưng tín đồ Ðấng Christ nào không đứng trước nguy cơ khác thường và rõ ràng như thế chắc chắn nên dùng ‘sự khôn-ngoan’ và uốn nắn lối suy nghĩ và việc làm của họ theo sự kiện Ðức Chúa Trời coi trọng khả năng sinh sản. (1 Ti-mô-thê 3:2; Tít 1:8; 2:2, 5-8) Việc này phản ánh sự nhạy cảm chín chắn với những gì Kinh Thánh cho biết. Nhưng nếu nhiều người khác biết rằng một tín đồ Ðấng Christ coi thường quan điểm của Ðức Chúa Trời thì sao? Chẳng phải họ sẽ hồ nghi không biết người đó có phải là một gương tốt, có tiếng là có những quyết định phù hợp với Kinh Thánh hay không? Một tì vết gây lo ngại như thế đối với thanh danh một người tất nhiên có thể ảnh hưởng đến việc người truyền giáo đó có hội đủ điều kiện để đảm nhận những đặc ân phụng sự không, tuy nhiên đó không phải là vấn đề nếu một người vì không hiểu rõ đã chịu cuộc giải phẫu này.—1 Ti-mô-thê 3:7.

^ đ. 6 “Những cuộc giải phẫu để tìm cách nối lại [tinh quản] có tỷ lệ thành công ít nhất 40 phần trăm, và có bằng chứng cho thấy có thể đạt được nhiều thành công hơn với những kỹ thuật vi phẫu cải tiến. Tuy nhiên, sự triệt sản bằng cách giải phẫu cắt ống dẫn tinh nên được xem là vĩnh viễn”. (Encyclopædia Britannica) “Phẫu thuật triệt sản nên được coi là có hiệu quả vĩnh viễn. Dù bệnh nhân có thể nghe nói gì đi nữa về việc phục hồi khả năng sinh sản, giải phẫu nối lại ống rất tốn kém và không thể bảo đảm sẽ thành công. Ðối với phụ nữ được giải phẫu để phục hồi khả năng sinh sản sau khi đã buộc ống dẫn trứng thì có nhiều nguy cơ mang thai ngoài tử cung”.—Contemporary OB/GYN, Tháng 6-1998.

^ đ. 10 Một luật pháp khác dường như có liên quan đến vấn đề này nói rằng những ai mà cơ quan sinh dục ngoài bị làm hư hại nghiêm trọng sẽ không được vào hội của Ðức Chúa Trời. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:1) Tuy nhiên, sách Insight on the Scriptures ghi chú rằng điều này hiển nhiên “liên quan đến việc cố ý cắt bỏ cơ quan sinh dục nhằm mục đích vô luân như đồng tính luyến ái”. Vì thế, luật đó không bao hàm sự thiến hoặc việc tương đương để kiểm soát sinh đẻ. Sách Insight cũng nói: “Ðức Giê-hô-va an ủi dân Ngài khi nói trước về thời kỳ những người hoạn sẽ được Ngài chấp thuận làm tôi tớ và, nếu vâng lời, sẽ được ban cho một danh tốt hơn danh của con trai và con gái. Vì Chúa Giê-su đã hủy bỏ Luật Pháp nên tất cả những ai thực hành đức tin, bất kể địa vị hoặc tình trạng trước đây, đều có thể trở thành con thiêng liêng của Ðức Chúa Trời. Không còn sự phân biệt về xác thịt nữa.—Ê-sai 56:4, 5; Giăng 1:12”.