Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 BÀI TRANG BÌA: SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊ-SU—CÓ Ý NGHĨA GÌ VỚI BẠN?

Sự sống lại của Chúa Giê-su—Có thật sự xảy ra?

Sự sống lại của Chúa Giê-su—Có thật sự xảy ra?

Sử gia Hy Lạp Herodotus, sống cách đây 2.500 năm, kể câu chuyện về người Ai Cập vào thời ông như sau: “Tại yến tiệc của những người giàu, sau khi ăn xong, một người đàn ông cầm cái tượng gỗ với chiều dài khoảng 0,5m đến 1m, được tạc và sơn giống như xác chết trong quan tài. Ông đi xung quanh, cho thực khách xem và nói: ‘Hãy ăn uống và vui vẻ, nhưng hãy nhìn vào tượng này; vì khi qua đời quý vị sẽ giống như vậy’”.

Không phải chỉ người Ai Cập mới có thái độ như thế về sự sống và cái chết. Ngày nay, câu nói nơi cửa miệng của nhiều người là “hãy ăn uống và vui chơi”. Nếu đời sống chấm dứt khi chết, vậy sao không tận hưởng khi còn có thể? Sao phải nỗ lực làm điều đúng? Nếu chết là hết thì cứ sống cho hiện tại là điều hợp lý. Sứ đồ Phao-lô cũng nói đến điều đó. Ông miêu tả quan điểm của những người không tin sự sống lại: “Nếu người chết không được sống lại, ‘chúng ta hãy ăn, uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết’”.—1 Cô-rinh-tô 15:32.

Dĩ nhiên, chính Phao-lô không nghĩ rằng người chết sẽ bị quên lãng mãi mãi. Ông tin chắc họ sẽ được sống lại với triển vọng không bao giờ chết. Niềm tin ấy dựa trên một biến cố vô cùng quan trọng, đó là sự sống lại * của Chúa Giê-su Ki-tô. Ông thấy nó thật đến mức không thể chối cãi. Trên thực tế, sự sống lại của ngài là biến cố lớn nhất đã củng cố đức tin các môn đồ thời ban đầu.

Vậy, sự sống lại của Chúa Giê-su có nghĩa gì với chúng ta? Làm sao chúng ta biết điều đó thật sự xảy ra? Chúng ta hãy xem Phao-lô lý luận thế nào về các vấn đề này khi viết cho tín đồ đạo Ðấng Ki-tô sống ở Cô-rinh-tô.

 NÓI SAO NẾU ÐẤNG KI-TÔ KHÔNG ÐƯỢC SỐNG LẠI?

Một số tín đồ đạo Ðấng Ki-tô ở thành Cô-rinh-tô xưa hoang mang về vấn đề này, còn số khác thì không tin chút nào về sự sống lại. Trong lá thư thứ nhất gửi cho các môn đồ Chúa Giê-su sống ở đó, sứ đồ Phao-lô đã liệt kê hệ quả nếu không có sự sống lại. Ông viết: “Thật thế, nếu không có sự sống lại thì ngay cả Ðấng Ki-tô cũng không được sống lại. Nhưng nếu Ðấng Ki-tô không được sống lại, công việc rao giảng của chúng ta là vô ích, cả đức tin của chúng ta cũng vậy. Hơn nữa, chúng ta cũng bị xem là kẻ làm chứng dối về Ðức Chúa Trời... Ðức tin của anh em là vô ích; anh em vẫn ở trong tội lỗi mình. Như vậy, những tín đồ Ðấng Ki-tô đã an giấc cũng biến mất vĩnh viễn”.—1 Cô-rinh-tô 15:13-18.

“Ngài hiện ra với hơn năm trăm anh em cùng một lúc... Kế đến, ngài hiện ra với Gia-cơ, rồi với tất cả các sứ đồ; cuối cùng, ngài hiện ra với tôi”.—1 Cô-rinh-tô 15:6-8

Phao-lô mở đầu bằng câu không thể tranh cãi: Người chết không sống lại thì ngay cả Ðấng Ki-tô đã chết cũng không sống lại. Giả sử Ðấng Ki-tô không sống lại thì sao? Vậy thì việc rao giảng tin mừng sẽ vô ích, là một lời nói dối xấu xa. Suy cho cùng, sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô là một trong những yếu tố then chốt cho giáo lý đạo Ðấng Ki-tô, liên kết chặt chẽ với một số dạy dỗ cơ bản nhất về quyền tối thượng của Ðức Chúa Trời, danh ngài, Nước Trời và sự cứu rỗi của chúng ta. Nếu sự sống lại không xảy ra, thông điệp mà Phao-lô và các sứ đồ rao truyền là lời sáo rỗng, vô giá trị.

Một số hệ quả khác sẽ theo sau. Nếu Ðấng Ki-tô không sống lại, các niềm tin của môn đồ Chúa Giê-su sẽ vô ích, trống rỗng và căn cứ trên sự dối trá. Hơn nữa, Phao-lô và các người khác không những nói dối về sự sống lại của Chúa Giê-su mà còn về Giê-hô-va Ðức Chúa Trời, đấng mà họ tuyên bố đã làm Chúa Giê-su sống lại. Lời khẳng định Ðấng Ki-tô “chết vì tội lỗi chúng ta” cũng là điều không thật, vì nếu Ðấng Cứu Rỗi không được cứu khỏi cái chết thì ngài cũng không thể cứu người khác (1 Cô-rinh-tô 15:3). Ðiều đó có nghĩa là khi những tín đồ đạo Ðấng Ki-tô đã chết, một số do tử vì đạo, họ biến mất với hy vọng hão huyền là mình sẽ được sống lại.

Ông Phao-lô kết luận: “Nếu chúng ta hy vọng nơi Ðấng Ki-tô chỉ trong đời này, chúng ta là những kẻ đáng thương nhất” (1 Cô-rinh-tô 15:19). Như các môn đồ khác của Chúa Giê-su, Phao-lô đã chịu mất mát, gian nan, bị ngược đãi, đối mặt với cái chết vì tin sự sống lại và những điều tốt đẹp sẽ xảy ra nhờ điều đó. Thật vô ích làm sao nếu sự sống lại chỉ là lời dối trá!

TẠI SAO BẠN NÊN TIN SỰ SỐNG LẠI?

Phao-lô không nghĩ rằng niềm tin của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô dựa trên sự dối trá. Ông biết Chúa Giê-su được sống lại và tóm lược các bằng chứng cho anh em ở Cô-rinh-tô như sau: “Ðấng Ki-tô chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh, ngài đã được chôn cất, được sống lại vào ngày thứ ba theo lời Kinh Thánh, hiện ra với Sê-pha rồi với mười hai sứ đồ *”. Rồi Phao-lô nói thêm: “Sau đó, ngài hiện ra với hơn năm trăm anh em cùng một lúc; tuy một số người trong vòng họ đã an giấc, nhưng phần lớn hiện giờ vẫn còn sống. Kế đến, ngài hiện ra với Gia-cơ, rồi với tất cả các sứ đồ; cuối cùng, ngài hiện ra với tôi”.—1 Cô-rinh-tô 15:3-8.

 Phao-lô bắt đầu bằng lời quả quyết là Ðấng Ki-tô chết vì tội lỗi chúng ta, được chôn cất và sống lại. Ðiều gì giúp Phao-lô tin chắc như thế? Sự xác nhận của nhiều người tận mắt chứng kiến là một lý do. Chúa Giê-su hiện ra với từng người (kể cả Phao-lô), với nhiều nhóm nhỏ và ngay cả với đám đông 500 người, nhiều người trong số này hẳn từng hoài nghi khi nghe tin Chúa Giê-su sống lại! (Lu-ca 24:1-11). Ða số những người chứng kiến vẫn còn sống vào thời của Phao-lô, và bất cứ người nào cũng có thể hỏi lại họ chuyện này (1 Cô-rinh-tô 15:6). Nếu chỉ có một hoặc hai nhân chứng xác nhận thì dễ bỏ qua, nhưng với 500 người hoặc hơn thì không thể.

Cũng hãy lưu ý, Phao-lô hai lần nói đến cái chết, sự chôn cất và sự sống lại của Chúa Giê-su là “theo lời Kinh Thánh”. Những biến cố đó xác nhận các lời tiên tri về Ðấng Mê-si trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (Cựu ước) được ứng nghiệm, chứng thực Chúa Giê-su thật sự là Ðấng Mê-si được hứa từ trước.

Dù có sự xác nhận của Kinh Thánh và nhiều nhân chứng, nhưng từ đó cho đến nay vẫn có người không tin Chúa Giê-su được sống lại. Một số cho rằng các môn đồ đã trộm xác Chúa Giê-su rồi tuyên bố họ đã thấy ngài sống lại. Tuy nhiên, các sứ đồ không có quyền lực, cũng không thể qua mặt toán lính canh La Mã đứng ngay cửa mộ. Những người khác thì cho rằng các sự hiện ra sau khi Chúa Giê-su được sống lại chỉ là ảo ảnh. Nhưng sự thật là biến cố ấy xảy ra trước mặt nhiều người vào các thời điểm khác nhau. Hơn nữa, làm sao một ảo ảnh có thể nấu ăn và phục vụ cá, như Chúa Giê-su đã làm ở xứ Ga-li-lê khi ngài được sống lại? (Giăng 21:9-14). Làm sao một ảo ảnh mang hình người lại đề nghị các môn đồ sờ mình?—Lu-ca 24:36-39.

 Một số người còn cho rằng sự sống lại của Chúa Giê-su là trò lừa bịp do các môn đồ bịa ra. Nhưng làm thế họ được lợi ích gì? Việc làm chứng cho sự sống lại đặt các môn đồ vào tình huống bị nhạo báng, đau khổ và cái chết. Tại sao họ sẵn sàng mạo hiểm chỉ để ủng hộ một sự dối trá? Hơn nữa, trước tiên họ làm chứng tại Giê-ru-sa-lem, ngay trước mắt những kẻ chống đối, những người sẵn sàng chộp lấy bất cứ chứng cớ nào để lên án họ.

Sự sống lại chính là điều giúp các môn đồ can đảm làm chứng về Chúa của mình, bất chấp sự bắt bớ dữ dội nhất. Sự thật về sự sống lại trở thành một phần trọng yếu của niềm tin đạo Ðấng Ki-tô. Các tín đồ thời ban đầu không liều mạng sống chỉ để làm chứng cho người thầy khôn ngoan bị giết chết. Họ liều mạng sống để công bố về sự sống lại của Chúa Giê-su vì điều đó chứng tỏ ngài là Ðấng Ki-tô, Con Ðức Chúa Trời. Ngài hiện hữu, có quyền năng, hỗ trợ và hướng dẫn họ. Việc ngài sống lại cũng bảo đảm rằng họ sẽ sống lại. Thật vậy, nếu Chúa Giê-su không sống lại thì không có đạo Ðấng Ki-tô và có lẽ chúng ta cũng không bao giờ nghe nói về ngài.

Vậy, sự sống lại của Ðấng Ki-tô có nghĩa gì với chúng ta ngày nay?

^ đ. 5 Trong Kinh Thánh, từ Hy Lạp được dịch “sự sống lại” có nghĩa đen là “đứng dậy lần nữa”. Từ này ám chỉ một người được sống lại, vẫn giữ những đặc điểm, tính cách và ký ức riêng.

^ đ. 13 Ở đây còn nói đến “mười hai sứ đồ”, dù một thời gian sau cái chết của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt chỉ còn 11 sứ đồ. Trong một lần Chúa Giê-su hiện ra, nhiều nhất là 10 người, đại diện cho 12, vì Thô-ma vắng mặt.—Giăng 20:24.