Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 KINH NGHIỆM

Nghèo về vật chất nhưng giàu về tâm linh

Nghèo về vật chất nhưng giàu về tâm linh

Ông nội và cha tôi sống trong một ngôi nhà xây dang dở tại Cotiujeni, làng quê nghèo thuộc một vùng phía bắc giờ là Moldova. Tôi chào đời ở đó vào tháng 12 năm 1939. Ðầu thập niên 1930, ông nội và cha tôi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Mẹ tôi cũng trở thành Nhân Chứng sau khi nhận ra ông nội còn biết Kinh Thánh nhiều hơn là linh mục của làng.

Khi tôi lên ba, ông nội, cha và chú tôi bị đày đi trại lao động khổ sai vì giữ lập trường trung lập của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Chỉ một mình cha tôi còn sống sót. Năm 1947, sau Thế Chiến II, cha trở về nhà với lưng đã bị gãy. Dù sức khỏe suy kiệt nhưng cha vẫn giữ vững đức tin của mình.

NHỮNG THAY ÐỔI LỚN TRONG ÐỜI CHÚNG TÔI

Khi tôi chín tuổi, gia đình tôi và hàng trăm Nhân Chứng người Moldova bị lưu đày đến Siberia. Ngày 6 tháng 7 năm 1949, chúng tôi bị dồn lên những chiếc xe chở gia súc. Sau chuyến đi liên tục trong 12 ngày với hơn 6.400km, chúng tôi dừng lại tại ga xe lửa Lebyazhe. Chính quyền địa phương đang chờ chúng tôi ở đó. Chúng tôi bị chia thành từng nhóm nhỏ và ngay lập tức bị phân tán ra khắp vùng. Một ngôi trường nhỏ bỏ trống trở thành nhà của nhóm chúng tôi. Cả nhóm đều kiệt sức và nản lòng. Một bác gái lớn tuổi ngâm nga một bài hát do Nhân Chứng sáng tác trong Thế Chiến II. Rồi tất cả chúng tôi đều hết lòng cất giọng cùng bác hát những lời ca:

“Biết bao anh em bị đày đi xa.

Chúng đưa họ đến phương bắc rồi phương đông.

Vì thi hành công việc Chúa, họ phải sống trong nghịch cảnh và chịu đựng gian lao tựa như cái chết”.

Với thời gian, chúng tôi có thể tham dự buổi nhóm họp học Kinh Thánh vào mỗi chủ nhật tại một nơi cách nhà khoảng 13km. Chúng tôi thường rời khỏi nhà sớm vào những sáng mùa đông, lúc trời vẫn còn tối. Mọi người phải cuốc bộ trong lớp tuyết cao tới eo, khi nhiệt độ xuống tới -40°C. Năm mươi người hoặc hơn chen chúc nhau trong căn phòng 19m2. Chúng tôi bắt đầu buổi nhóm họp bằng một, hai hay ba bài hát. Sau khi dâng lời cầu nguyện chân thành, chúng tôi thảo luận những thắc mắc về Kinh Thánh. Việc này diễn ra trong một tiếng hoặc hơn. Chúng tôi hát thêm những bài hát, và rồi bàn tiếp những câu hỏi khác về Kinh Thánh. Ðó quả là lúc đức tin được củng cố!

NHỮNG THỬ THÁCH MỚI PHẢI ÐƯƠNG ÐẦU

Tại ga xe lửa ở Dzhankoy, khoảng năm 1974

Ðến năm 1960, những Nhân Chứng bị lưu đày được tự do hơn. Dù nghèo nhưng tôi có thể về thăm Moldova, và tại nơi ấy tôi gặp Nina, là người có ông bà ngoại và cha mẹ cũng là Nhân Chứng. Không lâu sau, chúng tôi kết hôn và dọn về Siberia. Ở đó, con gái chúng tôi là Dina ra đời năm 1964 và con trai chúng tôi, Viktor, ra đời năm 1966. Hai năm sau, gia đình tôi chuyển đến Ukraine và sống trong một ngôi nhà nhỏ ở Dzhankoy, một thành phố cách Yalta khoảng 160km, trên bán đảo Crimea.

 Tại Crimea, những hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán, như vẫn vậy trong khắp Liên bang Xô Viết. Nhưng công việc của chúng tôi không bị kiểm soát gắt gao, chúng tôi cũng không bị bắt bớ dữ dội. Vì thế, một số Nhân Chứng bắt đầu nảy sinh tinh thần tự mãn. Họ lý luận rằng mình đã chịu nhiều khổ sở ở Siberia nên giờ đây nỗ lực để có được một số tiện nghi về vật chất cũng là điều chính đáng.

NHỮNG SỰ PHÁT TRIỂN ÐẦY PHẤN KHỞI

Vào ngày 27 tháng 3 năm 1991, hoạt động của chúng tôi được công nhận về mặt pháp lý trong khắp Liên bang Xô Viết. Ngay lập tức, Nhân Chứng lên kế hoạch cho bảy hội nghị đặc biệt kéo dài hai ngày trong cả Liên bang. Chúng tôi được chỉ định đến dự hội nghị tại Odessa, Ukraine, sẽ bắt đầu ngày 24 tháng 8. Tôi đến trước một tháng để giúp chuẩn bị sân vận động bóng đá lớn dành cho hội nghị.

Sau cả ngày dài lao động, đến đêm chúng tôi thường ngủ trên những băng ghế của sân vận động. Các chị Nhân Chứng lập thành những nhóm dọn dẹp công viên xung quanh sân vận động. Khoảng 70 tấn rác đã được chở đi khỏi đó. Các anh trong ban phụ trách chỗ ở đi khắp thành phố để tìm phòng cho 15.000 đại biểu theo dự kiến. Rồi bỗng nhiên tin xấu ập đến!

Ngày 19 tháng 8—chỉ năm ngày trước khi hội nghị bắt đầu—tổng thống Liên bang Xô Viết là Mikhail Gorbachev bị bắt khi đi nghỉ gần Yalta, không xa nơi diễn ra hội nghị. Vì thế, hội nghị không được phép tổ chức nữa. Các đại biểu bắt đầu gọi đến văn phòng hội nghị và hỏi: “Chúng tôi nên làm gì với vé xe buýt và xe lửa đã đặt trước?”. Sau những lời cầu nguyện tha thiết, những anh có trách nhiệm tổ chức hội nghị nói với họ: “Anh chị cứ đến đi!”.

Công tác chuẩn bị, và cầu nguyện, cứ tiếp diễn. Ban chuyên chở bắt đầu gặp các đại biểu đến từ nhiều vùng thuộc Liên bang Xô Viết và chở họ đến chỗ ở. Mỗi buổi sáng, những thành viên của Ủy ban hội nghị rời văn phòng để đến gặp những quan chức thành phố. Mỗi tối họ đều trở về mà không có bất cứ tín hiệu khả quan nào.

NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN ÐƯỢC NHẬM

Thứ năm, ngày 22 tháng 8—hai ngày trước hôm khai mạc như đã định—những thành viên của Ủy ban hội nghị trở về với tin mừng: Hội nghị đã được cấp phép! Khi hát bài hát mở đầu và nghe lời cầu nguyện bắt đầu, niềm vui của chúng tôi như vỡ òa. Sau khi phiên họp ngày thứ bảy kết thúc, chúng tôi nán lại trễ đến chiều tối, trò chuyện và nối lại những tình bạn trước kia. Ðó là những anh chị có đức tin mạnh đến nỗi có thể đứng vững trước những thử thách gay go nhất.

Hội nghị tại Odessa, năm 1991

Trong hơn 22 năm sau hội nghị đó, tổ chức ngày càng lớn mạnh. Những Phòng Nước Trời được xây cất trên khắp Ukraine, và số người công bố về Nước Trời tăng từ 25.000 người vào năm 1991 lên đến hơn 150.000 người ở thời điểm hiện tại!

VẪN GIÀU VỀ TÂM LINH

Gia đình chúng tôi vẫn sống trong ngôi nhà ở Dzhankoy, thành phố có khoảng 40.000 dân. Dù chỉ có vài gia đình Nhân Chứng khi chúng tôi dọn đến từ Siberia vào năm 1968, nhưng hiện nay ở Dzhankoy có tới sáu hội thánh.

Số thành viên của gia đình tôi cũng tăng thêm. Giờ đây bốn thế hệ gia đình chúng tôi vẫn sống và phụng sự Ðức Giê-hô-va, bao gồm vợ chồng tôi, các con, các cháu và các chắt của chúng tôi.