Đi đến nội dung

NGÀY 25-10-2021
MADAGASCAR

Bản dịch Thế Giới Mới hiệu đính được ra mắt trong tiếng Malagasy

Bản dịch Thế Giới Mới hiệu đính được ra mắt trong tiếng Malagasy

Vào ngày 16-10-2021, anh Anthony Morris, thành viên Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va, đã cho ra mắt bản điện tử của Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới hiệu đính trong tiếng Malagasy. Chương trình đặc biệt này được thu sẵn và phát sóng cho khoảng 40.000 cử tọa. Ấn bản in dự kiến sẽ có vào đầu năm 2022.

Khoảng 27 triệu người nói tiếng Malagasy, phần lớn sống tại Madagascar. Đây cũng là ngôn ngữ chính thức của nước này. Dù Madagascar chỉ cách bờ biển châu Phi 400km, tiếng Malagasy thuộc nhóm ngôn ngữ được dùng ở Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương trong đó gồm có tiếng Fiji, Indonesia và Tagalog.

Việc dịch Kinh Thánh sang tiếng Malagasy đã bắt đầu cách đây rất lâu, từ đầu thập niên 1800. Các giáo sĩ tham gia dịch Kinh Thánh đã đối mặt với những thử thách như bệnh sốt rét, sự chống đối tại địa phương và việc thiếu thiết bị in ấn, nhưng cuối cùng họ đã hoàn tất bản dịch trọn bộ đầu tiên vào năm 1835.

Bất kể những nỗ lực này, người nói tiếng Malagasy hiện đại không có một bản dịch Kinh Thánh dễ hiểu trong nhiều năm. Nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va đã cho ra mắt Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Ma-thi-ơ đến Khải huyền) vào năm 2003 và sau đó là Bản dịch Thế Giới Mới trọn bộ vào năm 2008.

Bản dịch Thế Giới Mới hiệu đính giúp những người nói tiếng Malagasy hiểu rõ hơn sự thật trong Kinh Thánh ngay cả khi họ dùng phương ngữ khác nhau. Một dịch thuật viên nói: “Do một số từ ngữ được dùng phổ biến tại các thành phố lớn nhưng lại không được dùng ở vùng quê hay ven biển, nên các dịch thuật viên đã phải dùng câu từ sao cho bản dịch dễ hiểu cho độc giả sống ở nhiều vùng khác nhau”.

Chẳng hạn như nơi Cô-lô-se 3:13, câu này nói: “Hãy tiếp tục chịu đựng nhau”. Trong ấn bản trước đây của Bản dịch Thế Giới Mới, độc giả dùng phương ngữ miền Đông chỉ hiểu câu này đơn giản là “tiếp tục trò chuyện với nhau”. Nhưng bản hiệu đính đã dùng cách diễn đạt khác, nhờ thế giúp độc giả hiểu rõ rằng họ cần bỏ qua những thiếu sót của nhau và sẵn lòng tha thứ.

Một dịch thuật viên khác nói: “Chưa bao giờ tôi cầu nguyện nhiều như trong dự án này. Tôi cảm nghiệm được Đức Giê-hô-va trợ giúp chúng tôi qua thần khí thánh của ngài”.

Chúng ta hòa cùng niềm vui với các anh chị nói tiếng Malagasy khi họ được Đức Giê-hô-va ban “ân huệ” qua món quà tuyệt vời này.—1 Phi-e-rơ 4:10.