Tôi không muốn sống nữa—Kinh Thánh có thể giúp khi tôi có ý nghĩ tự tử không?

Tôi không muốn sống nữa—Kinh Thánh có thể giúp khi tôi có ý nghĩ tự tử không?

Câu trả lời của Kinh Thánh

 Có! Kinh Thánh đến từ “Ðức Chúa Trời, đấng an ủi những người ngã lòng” (2 Cô-rinh-tô 7:6). Dù không phải là sách về sức khỏe tâm thần, nhưng Kinh Thánh đã giúp nhiều người vượt qua ý nghĩ tự tử. Lời khuyên thực tế trong sách này cũng có thể giúp bạn.

 Kinh Thánh đưa ra lời khuyên thực tế nào?

  • Giãi bày cảm xúc.

     Ðiều Kinh Thánh nói: “Người bạn chân thật yêu thương luôn luôn và là anh em sinh ra cho lúc khốn khổ”.​—Châm ngôn 17:17.

     Ý nghĩa: Chúng ta cần sự hỗ trợ của người khác khi mình có suy nghĩ buồn nản.

     Nếu cứ kìm nén cảm xúc thì cảm xúc ấy có thể đè nặng, khiến bạn không chịu nổi. Nhưng nếu giãi bày cảm xúc, bạn có thể nhẹ lòng và ngay cả có cái nhìn mới.

     Hãy thử cách này: Tâm sự với ai đó hôm nay, có lẽ một người trong gia đình hay người bạn đáng tin cậy. a Bạn cũng có thể trải lòng qua trang giấy.

  • Tìm sự giúp đỡ của giới chuyên môn.

     Ðiều Kinh Thánh nói: “Người khỏe không cần thầy thuốc, chỉ người bệnh mới cần”.​—Ma-thi-ơ 9:12.

     Ý nghĩa: Chúng ta nên tìm sự giúp đỡ về y tế khi bị bệnh.

     Ý nghĩ tự tử có thể là triệu chứng của bệnh về tâm thần hoặc cảm xúc. Giống như khi mắc bệnh về thể chất, không có gì phải xấu hổ khi mắc bệnh về tâm thần hoặc cảm xúc. Có cách điều trị cho bệnh này.

     Hãy thử cách này: Tìm sự giúp đỡ từ bác sĩ chuyên môn càng sớm càng tốt.

  • Nhớ rằng Ðức Chúa Trời là đấng quan tâm.

     Ðiều Kinh Thánh nói: “Chẳng phải năm con chim sẻ chỉ bán được hai xu sao? Thế nhưng Ðức Chúa Trời không quên một con nào... Chớ sợ chi! Anh em còn quý giá hơn nhiều con chim sẻ”.​—Lu-ca 12:6, 7.

     Ý nghĩa: Bạn rất quý giá đối với Ðức Chúa Trời.

     Có thể bạn cảm thấy không ai quan tâm đến mình, nhưng Ðức Chúa Trời hiểu điều mà bạn đang trải qua. Ngài quan tâm đến bạn, ngay cả khi bạn không thiết sống nữa. Thi thiên 51:17 nói: “Ðức Chúa Trời ôi, tấm lòng tan nát giày vò, ngài chẳng khinh bỏ”. Ðức Chúa Trời muốn bạn sống vì ngài yêu thương bạn.

     Hãy thử cách này: Xem xét bằng chứng từ Kinh Thánh cho thấy Ðức Chúa Trời yêu thương bạn. Chẳng hạn, hãy xem bài 38 của sách lff

  • Cầu nguyện với Ðức Chúa Trời.

     Ðiều Kinh Thánh nói: “Hãy trút hết mọi lo lắng cho [Ðức Chúa Trời], vì ngài quan tâm đến anh em”.​—1 Phi-e-rơ 5:7.

     Ý nghĩa: Ðức Chúa Trời mời bạn giãi bày một cách cởi mở và chân thành về bất cứ điều gì đè nặng tâm trí bạn.

     Ðức Chúa Trời có thể ban cho bạn sự bình an nội tâm và sức mạnh để chịu đựng (Phi-líp 4:6, 7, 13). Qua cách này, ngài nâng đỡ những ai thành thật kêu cầu ngài.​—Thi thiên 55:22.

     Hãy thử cách này: Cầu nguyện với Ðức Chúa Trời ngay hôm nay. Dùng danh ngài là Giê-hô-va, và giãi bày cảm xúc với ngài (Thi thiên 83:18). Xin ngài giúp bạn chịu đựng.

  • Suy ngẫm niềm hy vọng trong Kinh Thánh về tương lai.

     Ðiều Kinh Thánh nói: “Niềm hy vọng ấy như một cái neo cho sự sống chúng ta, chắc chắn và vững vàng”.​—Hê-bơ-rơ 6:19.

     Ý nghĩa: Cảm xúc của bạn có thể lên xuống thất thường như con thuyền trong giông bão, nhưng niềm hy vọng trong Kinh Thánh có thể giúp bạn thăng bằng.

     Niềm hy vọng ấy không phải là viển vông nhưng dựa trên lời hứa của Ðức Chúa Trời là ngài sẽ loại bỏ những nguyên nhân gây ra đau khổ cho chúng ta.​—Khải huyền 21:4.

     Hãy thử cách này: Tìm hiểu thêm về niềm hy vọng trong Kinh Thánh bằng cách đọc bài 5 của sách mỏng Tin mừng từ Ðức Chúa Trời!.

  • Làm điều gì đó mà bạn thích.

     Ðiều Kinh Thánh nói: “Tấm lòng vui mừng là phương thuốc hay”.​—Châm ngôn 17:22.

     Ý nghĩa: Khi làm những điều mang lại niềm vui cho mình, chúng ta có thể cải thiện sức khỏe về tâm thần hoặc cảm xúc.

     Hãy thử cách này: Làm điều gì đó mà bạn thích. Chẳng hạn, nghe nhạc vui, đọc điều gì đó khích lệ hoặc tham gia một hoạt động mà bạn yêu thích. Bạn cũng sẽ gia tăng niềm vui khi giúp đỡ người khác, dù là điều nhỏ.​—Công vụ 20:35.

  • Chăm sóc sức khỏe thể chất của mình.

     Ðiều Kinh Thánh nói: “Việc rèn luyện thân thể có ích”.​—1 Ti-mô-thê 4:8.

     Ý nghĩa: Chúng ta nhận lợi ích khi tập thể dục, ngủ đủ giấc và ăn thức ăn bổ dưỡng.

     Hãy thử cách này: Ði bộ dù chỉ 15 phút.

  • Nhớ rằng cảm xúc và những điều khác trong đời sống sẽ thay đổi.

     Ðiều Kinh Thánh nói: “Anh em chẳng biết ngày mai đời mình sẽ ra sao”.​—Gia-cơ 4:14.

     Ý nghĩa: Vấn đề gây căng thẳng, thậm chí có vẻ ngoài tầm kiểm soát, rất có thể chỉ là tạm thời.

     Cho dù hôm nay hoàn cảnh của bạn có ảm đạm thế nào thì nó có thể thay đổi vào ngày mai. Vì thế, hãy tìm cách đối phó (2 Cô-rinh-tô 4:8). Hoàn cảnh căng thẳng hẳn sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng một người đã tự tử thì không thể thay đổi tình thế.

     Hãy thử cách này: Ðọc lời tường thuật trong Kinh Thánh về những người nản lòng đến mức không muốn sống nữa và xem làm thế nào cuối cùng cuộc đời họ tốt đẹp hơn, thường theo cách mà họ không thể biết trước. Hãy xem xét một số gương.

 Kinh Thánh có nói đến những người không muốn sống?

 Có. Kinh Thánh đề cập đến một số người không thiết sống nữa. Ðức Chúa Trời không quở trách nhưng sẵn lòng giúp họ. Ngài cũng có thể làm thế cho bạn.

Ê-li-gia

  •  Ông là ai? Ê-li-gia là một nhà tiên tri can đảm. Nhưng có lúc ông cũng nản lòng. Gia-cơ 5:17 nói: “Ê-li-gia cũng là người có cảm xúc như chúng ta”.

  •  Tại sao ông không muốn sống nữa? Vào một thời điểm, Ê-li-gia cảm thấy đơn độc, sợ hãi và vô dụng. Vì thế, ông nài xin: “Ôi Ðức Giê-hô-va... Hãy lấy mạng con”.​—1 Các vua 19:4.

  •  Ðiều gì đã giúp ông? Ê-li-gia trút đổ lòng mình cho Ðức Chúa Trời. Ngài đã khích lệ ông như thế nào? Ngài tỏ lòng quan tâm đến ông và cho ông thấy bằng chứng về quyền năng của ngài. Ngài cũng đảm bảo với Ê-li-gia rằng ông vẫn hữu dụng, đồng thời ban cho ông một người trợ giúp ân cần và có khả năng.

  •  Ðọc về Ê-li-gia: 1 Các vua 19:2-18.

Gióp

  •  Ông là ai? Gióp là người trung thành thờ phượng Ðức Chúa Trời thật. Ông rất giàu và có một gia đình đông con.

  •  Tại sao ông không muốn sống nữa? Gióp bất ngờ gặp nghịch cảnh trong cuộc đời. Ông mất hết tài sản. Một thảm họa đã cướp đi mạng sống của tất cả con cái ông. Ông mắc một chứng bệnh đau đớn. Ông còn bị cáo buộc sai lầm và nhẫn tâm rằng chính ông gây ra các vấn đề cho mình. Gióp nói: “Con gớm ghê đời mình, không muốn sống nữa”.​—Gióp 7:16.

  •  Ðiều gì đã giúp ông? Gióp cầu nguyện với Ðức Chúa Trời và nói chuyện với người khác (Gióp 10:1-3). Ông được một người bạn giàu lòng trắc ẩn là Ê-li-hu khích lệ. Ê-li-hu đã giúp ông thay đổi cái nhìn về hoàn cảnh. Trên hết, Gióp sẵn sàng đón nhận lời khuyên và sự trợ giúp của Ðức Chúa Trời.

  •  Ðọc về Gióp: Gióp 1:1-3, 13-​22; 2:7; 3:1-13; 36:1-7; 38:1-3; 42:1, 2, 10-13.

Môi-se

  •  Ông là ai? Môi-se là người lãnh đạo của dân Y-sơ-ra-ên xưa và là một nhà tiên tri trung thành.

  •  Tại sao ông không muốn sống nữa? Môi-se phải gánh vác khối lượng lớn công việc. Ông thường xuyên bị chỉ trích và cảm thấy kiệt sức. Vì thế, ông kêu van với Ðức Chúa Trời: “Xin hãy giết con ngay đi”.​—Dân số 11:11, 15.

  •  Ðiều gì đã giúp ông? Môi-se giãi bày cảm xúc với Ðức Chúa Trời. Ngài đã giúp ông giảm khối lượng công việc để bớt căng thẳng.

  •  Ðọc về Môi-se: Dân số 11:4-6, 10-17.

a Khi có ý nghĩ tự tử mãnh liệt và không có ai để nói chuyện, hãy gọi đường dây nóng dành cho những người gặp khủng hoảng hoặc số điện thoại khẩn cấp.