Tại sao cách Nhân Chứng Giê-hô-va cử hành Tiệc Thánh của Chúa không giống với các tôn giáo khác?

Tại sao cách Nhân Chứng Giê-hô-va cử hành Tiệc Thánh của Chúa không giống với các tôn giáo khác?

 Chúng tôi theo sát Kinh Thánh khi cử hành Bữa Ăn Tối Của Chúa, còn được gọi là “Tiệc-thánh của Chúa”, Bữa Tiệc Ly và Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su (1 Cô-rinh-tô 11:20, Bản Truyền thống). Ngược lại, nhiều giáo lý và nghi lễ của các đạo khác về buổi lễ này không căn cứ vào Kinh Thánh.

Mục đích

 Bữa Ăn Tối Của Chúa được cử hành với mục đích là để tưởng nhớ Chúa Giê-su, thể hiện lòng biết ơn vì ngài đã hy sinh cho chúng ta (Ma-thi-ơ 20:28; 1 Cô-rinh-tô 11:24). Buổi lễ này không phải là một bí tích, tức nghi lễ tôn giáo mang lại công đức như được ơn hoặc được xóa tội. a Kinh Thánh dạy rằng tội lỗi của chúng ta chỉ được tha thứ qua đức tin nơi Chúa Giê-su chứ không phải qua một nghi lễ nào đó.​—Rô-ma 3:25; 1 Giăng 2:1, 2.

Bao lâu một lần?

 Chúa Giê-su ban mệnh lệnh cho các môn đồ cử hành Bữa Ăn Tối Của Chúa, nhưng ngài không nói cụ thể là bao lâu một lần (Lu-ca 22:19). Một số người thấy nên cử hành hằng tháng, số khác thì làm hằng tuần, hằng ngày, vài lần mỗi ngày hoặc bất cứ khi nào thấy thích hợp. Tuy nhiên, sau đây là vài yếu tố nên được xem xét.

 Chúa Giê-su thiết lập Bữa Ăn Tối Của Chúa vào ngày Lễ Vượt Qua của người Do Thái, và ngài chết vào cùng ngày hôm đó (Ma-thi-ơ 26:1, 2). Ðây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Kinh Thánh ví sự hy sinh của Chúa Giê-su với việc dâng con sinh tế dành cho Lễ Vượt Qua (1 Cô-rinh-tô 5:7, 8). Lễ Vượt Qua được cử hành mỗi năm một lần (Xuất Ai Cập 12:1-6; Lê-vi 23:5). Tương tự, Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su được các tín đồ đạo Ðấng Ki-tô thời ban đầu cử hành mỗi năm một lần, b và Nhân Chứng Giê-hô-va làm theo khuôn mẫu đó trong Kinh Thánh.

Ngày và giờ

 Khuôn mẫu mà Chúa Giê-su thiết lập không chỉ giúp chúng ta xác định nên cử hành Lễ Tưởng Niệm bao lâu một lần mà còn cho biết ngày và giờ. Ngài thiết lập lễ này sau khi mặt trời lặn vào ngày 14 tháng Ni-san năm 33 công nguyên (CN), theo lịch mặt trăng dùng trong Kinh Thánh (Ma-thi-ơ 26:18-20, 26). Chúng tôi tiếp tục cử hành Lễ Tưởng Niệm vào ngày này mỗi năm, giống các tín đồ đạo Ðấng Ki-tô thời ban đầu. c

 Dù ngày 14 tháng Ni-san năm 33 CN là thứ sáu, nhưng mỗi năm, ngày kỷ niệm này có thể rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần. Hằng năm, để xác định ngày 14 tháng Ni-san rơi vào ngày nào, chúng tôi dùng cách tính của thời Chúa Giê-su thay vì cách tính của lịch Do Thái hiện đại. d

Bánh và rượu

 Trong lễ mới này, Chúa Giê-su dùng bánh không men và rượu đỏ còn dư từ bữa ăn trong Lễ Vượt Qua (Ma-thi-ơ 26:26-28). Noi gương ngài, chúng tôi dùng bánh không có men hoặc gia vị, và dùng rượu đỏ thuần chất, không phải nước nho ép hay rượu ngọt hoặc có pha thêm rượu mạnh và chất phụ gia.

 Một số đạo dùng bánh có men, nhưng trong Kinh Thánh men thường được dùng để tượng trưng cho tội lỗi và sự mục nát (Lu-ca 12:1; 1 Cô-rinh-tô 5:6-8; Ga-la-ti 5:7-9). Vì vậy, chỉ có bánh không chứa men và các chất phụ gia mới có thể là biểu tượng thích hợp cho thân thể không tội lỗi của Ðấng Ki-tô (1 Phi-e-rơ 2:22). Một điều khác không theo Kinh Thánh là dùng nước nho chưa lên men để thay cho rượu. Một số nhà thờ làm thế vì họ cấm điều trái với Kinh Thánh là không được uống rượu.​—1 Ti-mô-thê 5:23.

Bánh và rượu chỉ là biểu tượng, không phải là thịt và huyết theo nghĩa đen

 Bánh không men và rượu đỏ dùng trong Lễ Tưởng Niệm là các món tượng trưng cho thịt và huyết của Chúa Giê-su. Các món đó không biến đổi một cách kỳ diệu thành thịt và huyết của ngài theo nghĩa đen hoặc được trộn lẫn với thịt và huyết của ngài như một số người tưởng. Hãy xem xét cơ sở dựa trên Kinh Thánh.

  •   Nếu ra lệnh cho các môn đồ uống huyết ngài, Chúa Giê-su đang bảo họ vi phạm luật pháp của Ðức Chúa Trời về việc cấm dùng huyết (Sáng thế 9:4; Công vụ 15:28, 29). Nhưng điều này là không thể vì Chúa Giê-su không bao giờ bảo người khác vi phạm luật pháp của Ðức Chúa Trời về sự thánh khiết của huyết.​—Giăng 8:28, 29.

  •   Vì Chúa Giê-su nói rằng huyết ngài “sẽ đổ ra”, ngụ ý là ngài sắp hy sinh, nên việc các sứ đồ uống huyết ngài theo nghĩa đen là điều không hợp lý.​—Ma-thi-ơ 26:28.

  •   Chúa Giê-su hy sinh “một lần đủ cả” (Hê-bơ-rơ 9:25, 26). Tuy nhiên, nếu bánh và rượu biến thành thịt và huyết của ngài trong Bữa Ăn Tối Của Chúa thì những ai ăn bánh, uống rượu sẽ lặp lại sự hy sinh đó.

  •   Chúa Giê-su nói: “Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”, không phải “để dâng tôi”.​—1 Cô-rinh-tô 11:24.

 Giáo lý về biến thể cho rằng bánh và rượu biến thành thân thể và huyết của Chúa Giê-su theo nghĩa đen. Những người tin giáo lý này dựa vào cách dùng từ trong một số câu Kinh Thánh. Chẳng hạn, trong nhiều bản dịch Kinh Thánh, lời của Chúa Giê-su nói về rượu được ghi là: “Nầy huyết ta” (Ma-thi-ơ 26:28, BTT). Tuy nhiên, lời Chúa Giê-su cũng có thể được dịch là: “Rượu này tượng trưng cho huyết của tôi”. e Chúa Giê-su đang dạy bằng phép ẩn dụ, như ngài thường làm.​—Ma-thi-ơ 13:34, 35.

Ai dùng các món biểu tượng?

 Khi Nhân Chứng Giê-hô-va cử hành Bữa Ăn Tối Của Chúa, chỉ một số ít người trong chúng tôi ăn bánh và uống rượu. Tại sao lại như thế?

 Huyết của Chúa Giê-su đổ ra đã thiết lập nên “giao ước mới” thay thế cho giao ước giữa Giê-hô-va Ðức Chúa Trời và dân Y-sơ-ra-ên thời xưa (Hê-bơ-rơ 8:10-13). Những người dự phần trong giao ước mới này dùng các món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm. Những người đó không bao gồm tất cả mọi tín đồ đạo Ðấng Ki-tô, nhưng chỉ “những người được gọi” bởi Ðức Chúa Trời theo cách đặc biệt (Hê-bơ-rơ 9:15; Lu-ca 22:20). Họ sẽ cai trị trên trời với Ðấng Ki-tô, và Kinh Thánh nói chỉ có 144.000 người nhận được đặc ân này.​—Lu-ca 22:28-30; Khải huyền 5:9, 10; 14:1, 3.

 Khác với “bầy nhỏ” gồm những người được gọi để cai trị với Ðấng Ki-tô, đa số chúng tôi hy vọng được thuộc về “một đám đông lớn” sẽ nhận sự sống vĩnh cửu trên đất (Lu-ca 12:32; Khải huyền 7:9, 10). Dù không dùng các món biểu tượng, nhưng những người có hy vọng sống trên đất vẫn tham dự Lễ Tưởng Niệm để thể hiện lòng biết ơn đối với sự hy sinh của Chúa Giê-su.​—1 Giăng 2:2.

a Bách khoa từ điển (Cyclopedia) của McClintock và Strong, Tập 9, trang 212 viết: “Từ bí tích không có trong phần Tân ước; từ Hy Lạp μυστήριον [my·steʹri·on] cũng không được dùng trong bất kỳ trường hợp nào để nói về việc báp-têm hoặc tiệc thánh của Chúa hay bất kỳ nghi lễ nào khác”.

b Xem bách khoa từ điển The New Schaff-Herzog Encyclopedia of Religious Knowledge, Tập 4, trang 43, 44, và Bách khoa từ điển của McClintock và Strong, Tập 8, trang 836.

c Xem sách The New Cambridge History of the Bible, Tập 1, trang 841.

d Lịch Do Thái hiện đại xác định ngày đầu tháng Ni-san dựa trên ngày trăng mới theo thiên văn học, nhưng đây không phải là cách tính vào thế kỷ thứ nhất. Vào thời đó, tháng Ni-san bắt đầu khi trăng mới được thấy lần đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem. Thời điểm này có thể trễ một hoặc vài ngày so với ngày trăng mới theo thiên văn học. Sự khác biệt này là một lý do tại sao ngày cử hành Lễ Tưởng Niệm của Nhân Chứng Giê-hô-va không phải lúc nào cũng trùng với ngày Lễ Vượt Qua của người Do Thái vào thời nay.

e Xem bản dịch A New Translation of the Bible của James Moffatt, The New Testament​—A Translation in the Language of the People của Charles B. Williams, và The Original New Testament của Hugh J. Schonfield.