Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 A2

Ðặc điểm của bản dịch này

Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới phần tiếng Hy Lạp (Anh ngữ) được ra mắt vào năm 1950 và Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ) trọn bộ được xuất bản vào năm 1961. Kể từ đó, hàng chục triệu độc giả trong hơn 120 thứ tiếng đã được lợi ích nhờ bản dịch truyền tải ý của nguyên ngữ một cách chính xác và dễ hiểu này.

Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới nhận thấy việc dùng ngôn ngữ sao cho động đến lòng của độc giả ngày nay là điều cần thiết. Vì lý do đó, một số nguyên tắc về văn phong và từ vựng được theo sát trong bản dịch này với các mục tiêu sau:

  • Sử dụng ngôn từ hiện đại, dễ hiểu. Ví dụ, trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ, “sự chứng-cớ” đã được đổi thành “lời nhắc nhở” (Thi thiên 19:7); “giềng-mối” thành “mệnh lệnh” (Thi thiên 19:8); “sự phân-biện” thành “sự hiểu biết” (Châm ngôn 2:3); “sự dẽ-dặt” thành “khả năng suy xét” (Châm ngôn 2:11). Một số từ trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp cũng được điều chỉnh nhằm giúp độc giả hiểu rõ ý hơn. Ví dụ, “Kẻ Quỷ Quyệt” đã được đổi thành “Ác Quỷ”.—Khải huyền 12:9.

  • Làm rõ các từ trong Kinh Thánh. Một số từ trong các bản Kinh Thánh tiếng Việt cần được giải thích mới có thể hiểu đúng. Chẳng hạn, từ “Sê-ôn” trong tiếng Hê-bơ-rơ và từ “Ha-đe” trong tiếng Hy Lạp được dùng trong Kinh Thánh để nói về mồ mả chung của nhân loại. Những từ này không quen thuộc với nhiều người, và thường được dịch là “âm phủ” trong nhiều bản Kinh Thánh. Nhưng từ “âm phủ” gây hiểu lầm, khiến độc giả liên kết với một thế giới vô hình, nơi mà các linh hồn đi đến. Trong bản dịch này, từ “Sê-ôn” và “Ha-đe” được dịch là “mồ mả” hoặc “mồ”, đúng theo ý mà người viết Kinh Thánh muốn truyền đạt. Hai từ “Sê-ôn” và “Ha-đe” giờ đây có trong chú thích và Bảng chú giải thuật ngữ.—Truyền đạo 9:10; Công vụ 2:27.

    Nhiều bản Kinh Thánh tiếng Việt dịch từ Hê-bơ-rơ neʹphesh và từ Hy Lạp psy·kheʹ là “linh hồn”. Ðiều này gây hiểu lầm là sau khi chết con người có một linh hồn vô hình tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, khi xem xét cách hai từ này được dùng trong Kinh Thánh, có thể thấy rõ chúng có nghĩa cơ bản là (1) người, (2) thú vật, (3) sự sống của người hay thú vật, (4) sự ham muốn hay thèm ăn của một người, hoặc thậm chí trong một số trường hợp là (5) người chết (Sáng thế 1:20; 2:7; Lê-vi 19:28; Châm ngôn 23:2, chú thích; 1 Phi-e-rơ 3:20). Trái với cách nhiều tôn giáo dùng từ “linh hồn” để dịch từ neʹpheshpsy·kheʹ, bản nguyên thủy của Kinh Thánh cho thấy khi đề cập đến các sinh vật, cả hai từ này đều nói đến điều gì đó vật chất, hữu hình và có thể chết (Ê-xê-chi-ên 18:4, 20). Do đó, bản dịch này không dùng từ “linh hồn” nhưng dịch hai từ nguyên ngữ tùy theo ý nghĩa trong mỗi văn cảnh, như “mạng sống”, “sinh vật”, “người” hoặc đơn giản là một đại từ nhân xưng (chẳng hạn như “tôi”). Trong một số đoạn văn thơ, từ neʹphesh cũng được dịch theo nghĩa bóng là “tâm hồn”.—Thi thiên 131:2; Châm ngôn 2:10.

    Một ví dụ khác là từ “thận”. Trong một số câu Kinh Thánh, từ này nói đến bộ phận của cơ thể theo nghĩa đen. Tuy nhiên, khi được người viết Kinh Thánh dùng theo nghĩa bóng, chẳng hạn như trong Thi thiên 26:2Khải huyền 2:23, từ này được dịch là “tư tưởng thầm kín nhất” và có chú thích cho độc giả biết nghĩa đen.

    Từ “yêu thương thành tín” được dùng thay thế cho “nhân từ” khi văn cảnh nói về tình cảm gắn bó sâu đậm với một đối tượng.—Thi thiên 63:3; 118:1; Ê-sai 54:10.

  • Các tên. Một số tên đã được thay đổi để sát hơn với từ tiếng Hê-bơ-rơ hoặc để đúng loại từ. Ví dụ: “Ê-li” được đổi thành “Ê-li-gia”; “Su-la-mít” thành “thiếu nữ người Su-lam”.

Các đặc điểm khác của bản dịch này:

Bản dịch Kinh Thánh này có một số chú thích. Các chú thích thường được phân loại như sau:

  • “Hay” Cho độc giả biết những cách dịch khác của từ tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram hay Hy Lạp, nhưng có cùng ý.—Sáng thế 1:2, chú thích về “thần khí”; Thi thiên 1:2, “đọc nhẩm”.

  • “Cũng có thể là” Cho độc giả biết những cách dịch khác, nhưng không cùng ý.—Sáng thế 21:6, “cười với tôi”; Xa-cha-ri 14:21, “người Ca-na-an”.

  • “Ds” Cho độc giả biết cách dịch sát của từ tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram hay Hy Lạp, hoặc dịch nghĩa cơ bản của cụm từ gốc.—Sáng thế 4:12, “hoa lợi”; Gióp 8:20, “không trợ giúp”.

  • Ý nghĩa và thông tin Cung cấp thông tin về ý nghĩa các tên (Sáng thế 3:17, “A-đam”; Xuất Ai Cập 15:23, “Ma-ra”); chi tiết về trọng lượng và đơn vị đo lường (Sáng thế 6:15, “cu-bít”); đại từ thay thế (Phục truyền luật lệ 32:12, “người”); thông tin bổ sung trong Phụ lục và Bảng chú giải thuật ngữ.—Sáng thế 37:35, “mồ”; Ma-thi-ơ 5:22, “Ghê-hen-na”.

Phần đầu với tựa đề “Giới thiệu về Lời Ðức Chúa Trời” có phần sơ lược những dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh. Ngay sau sách cuối của Kinh Thánh là “Danh mục các sách”, “Bảng tra cứu từ ngữ” và “Bảng chú giải thuật ngữ”. “Bảng chú giải thuật ngữ” giúp độc giả hiểu một số cụm từ theo cách dùng của Kinh Thánh. Phụ lục A gồm các phần: “Các nguyên tắc dịch Kinh Thánh”, “ Ðặc điểm của bản dịch này”, “Cách Kinh Thánh đến với chúng ta”, “Danh Ðức Chúa Trời trong phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ”, “Danh Ðức Chúa Trời trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp”, “Biểu đồ: Các nhà tiên tri và vua của Giu-đa và Y-sơ-ra-ên”, “Các sự kiện chính trong đời sống trên đất của Chúa Giê-su”. Phụ lục B có bản đồ, biểu đồ và thông tin khác hữu ích cho các học viên Kinh Thánh siêng năng.

Trong bản dịch này, mỗi sách của Kinh Thánh đều có phần sơ lược nội dung các chương, kèm theo các câu Kinh Thánh liên quan, giúp độc giả có cái nhìn bao quát về sách đó. Giữa mỗi trang đều có cột tham khảo, nêu ra các câu Kinh Thánh liên quan.