Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

A1

Các nguyên tắc dịch Kinh Thánh

Kinh Thánh trong nguyên ngữ được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram và Hy Lạp. Ngày nay, trọn bộ hay một phần của sách này đã được dịch ra khoảng 2.600 ngôn ngữ. Hầu hết độc giả của Kinh Thánh không hiểu những ngôn ngữ gốc nên phải dùng một bản dịch. Vậy các nguyên tắc nào hướng dẫn và chi phối cách dịch Kinh ThánhBản dịch Thế Giới Mới?

Một số người cho rằng bản dịch sát từng chữ sẽ giúp độc giả hiểu rõ nội dung trong nguyên bản. Nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Hãy xem vài lý do:

  • Không có hai ngôn ngữ nào hoàn toàn giống nhau về ngữ pháp, từ vựng và cấu trúc câu. Giáo sư về tiếng Hê-bơ-rơ là ông S. R. Driver nói rằng ngôn ngữ “không chỉ khác nhau về ngữ pháp và gốc từ, nhưng cũng khác nhau về... cách sắp xếp ý tưởng thành câu”. Mỗi ngôn ngữ có cách diễn đạt khác nhau. Ông nói tiếp: “Vì thế, cấu trúc câu trong ngôn ngữ này không giống với ngôn ngữ khác”.

  • Vì không ngôn ngữ nào có từ vựng và ngữ pháp hoàn toàn giống với tiếng Hê-bơ-rơ, A-ram và Hy Lạp dùng trong thời Kinh Thánh nên bản dịch sát từng chữ thường không rõ và đôi khi truyền tải sai nghĩa.

  • Nghĩa của một từ hoặc cụm từ có thể thay đổi tùy theo văn cảnh.

Một dịch giả có thể dịch sát từng chữ trong một số đoạn nhưng phải rất cẩn thận.

Sau đây là vài ví dụ cho thấy bản dịch sát từng chữ có thể bị hiểu sai:

  • Kinh Thánh dùng từ “ngủ” để nói đến giấc ngủ hoặc cái chết (Ma-thi-ơ 28:13). Trong văn cảnh nói về cái chết, dịch giả Kinh Thánh sử dụng từ “an giấc” để giúp độc giả tránh hiểu lầm.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 4:13, 14; 2 Phi-e-rơ 3:4.

  • Nơi Ê-phê-sô 4:14, sứ đồ Phao-lô sử dụng một cụm từ có thể được dịch sát là “trò súc sắc của con người”. Thành ngữ cổ xưa này ám chỉ việc dùng súc sắc để lừa bịp người khác. Cách dịch đó không có nghĩa trong hầu hết các ngôn ngữ. Ðể truyền tải ý nghĩa rõ hơn, cụm từ này được dịch là “những kẻ bịp bợm”.

  • Nơi Rô-ma 12:11, một cụm từ Hy Lạp được dịch theo nghĩa đen là “tinh thần sôi lên”. Cách dịch ấy không truyền tải được ý, vì thế bản dịch này dùng cụm từ “tràn đầy nhiệt tâm nhờ thần khí”.

  • MA-THI-Ơ 5:3

    Dịch sát: “tâm hồn nghèo khó”

    Ý: “những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình”

    Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói một câu thường được dịch là: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Ma-thi-ơ 5:3, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Nhưng trong nhiều ngôn ngữ, cách dịch sát như thế không rõ nghĩa. Trong câu này, Chúa Giê-su dạy rằng hạnh phúc của một người không tùy thuộc vào việc được thỏa mãn nhu cầu thể chất nhưng vào việc người đó nhận ra mình cần sự hướng dẫn của Ðức Chúa Trời (Lu-ca 6:20). Vì thế, cách dịch “những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình” hoặc “những người nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Ðức Chúa Trời” truyền tải chính xác hơn ý nghĩa của nguyên bản.—Ma-thi-ơ 5:3, chú thích.

  • Trong nhiều văn cảnh, từ Hê-bơ-rơ được dịch là “ghen” tương ứng với nghĩa thông dụng là tức giận khi một người thân thiết không trung thành với mình, hoặc đố kỵ với những gì người khác có (Châm ngôn 6:34; Ê-sai 11:13). Tuy nhiên, từ Hê-bơ-rơ này cũng mang nghĩa tích cực. Ví dụ, từ này có thể được dùng khi nói về “lòng sốt sắng” hay cảm xúc mãnh liệt của Ðức Giê-hô-va để bảo vệ tôi tớ ngài hoặc việc ngài “đòi hỏi lòng sùng kính chuyên độc” (Xuất Ai Cập 34:14; 2 Các vua 19:31; Ê-xê-chi-ên 5:13; Xa-cha-ri 8:2). Từ này cũng có thể nói về “lòng sốt sắng” của những tôi tớ trung thành dành cho Ðức Chúa Trời và việc thờ phượng, hoặc về việc họ “không dung túng sự kình địch” đối với ngài.—Thi thiên 69:9; 119:139; Dân số 25:11.

  • Từ Hê-bơ-rơ yadh thường được dịch là “bàn tay”, nhưng có thể được dịch là “sức mạnh”, “quyền lực”, “lòng rộng rãi” và nhiều cách khác tùy văn cảnh

    Từ Hê-bơ-rơ thường dùng để nói về bàn tay cũng có nhiều nghĩa. Tùy văn cảnh, từ này có thể được dịch là “sức mạnh”, “quyền lực” hay “lòng rộng rãi” (Phục truyền luật lệ 32:27; 2 Sa-mu-ên 8:3; 1 Các vua 10:13). Thật vậy, riêng từ này đã có hơn 40 cách dịch trong Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ).

Vì những lý do đó, việc dịch Kinh Thánh không đơn thuần là chỉ dùng một cách dịch cho mỗi từ gốc. Dịch giả cần suy xét để chọn những từ ngữ diễn đạt ý trong nguyên ngữ cách tốt nhất. Ngoài ra, họ cần phải sắp xếp cấu trúc câu theo đúng văn phạm của ngôn ngữ mình sao cho dễ đọc.

Ðồng thời, dịch giả phải tránh diễn ý thái quá. Một dịch giả tùy tiện diễn đạt Kinh Thánh theo cách hiểu riêng có thể bóp méo ý nghĩa của văn bản. Như thế nào? Dịch giả có thể thêm nhầm ý tưởng không đúng với văn bản gốc hoặc bỏ đi những chi tiết quan trọng. Bản dịch diễn ý có thể dễ đọc nhưng đôi khi cách dịch thoáng như thế khiến độc giả không nắm được thông điệp thật sự của Kinh Thánh.

Dịch giả có thể dễ bị ảnh hưởng bởi những giáo lý mà họ tin. Chẳng hạn, Ma-thi-ơ 7:13 nói: “Ðường thênh thang dẫn đến sự hủy diệt”. Có lẽ do ảnh hưởng bởi giáo lý nên một số dịch giả dùng từ “địa ngục” thay vì dịch theo nghĩa đúng của từ Hy Lạp là “sự hủy diệt”.

Dịch giả cũng phải cân nhắc rằng Kinh Thánh được viết bằng ngôn ngữ thông dụng của dân thường, chẳng hạn người làm nghề nông, chăn cừu và đánh cá (Nê-hê-mi 8:8, 12; Công vụ 4:13). Vì thế, một bản dịch Kinh Thánh tốt phải diễn đạt thông điệp sao cho dễ hiểu đối với những người có lòng thành, bất kể gốc gác. Cách diễn đạt rõ ràng, thông dụng và dễ hiểu được ưa chuộng hơn là những từ ngữ mà người dân ít dùng.

Phần lớn các dịch giả Kinh Thánh đã vô cớ loại bỏ danh Ðức Chúa Trời, là Giê-hô-va, khỏi những bản dịch hiện đại, dù danh này được tìm thấy trong những bản Kinh Thánh chép tay cổ xưa. (Xem Phụ lục A4). Nhiều bản dịch đã thay thế danh này bằng tước hiệu như “Chúa”, và một số khác thậm chí che đậy sự thật là Ðức Chúa Trời có danh riêng. Ví dụ, trong một số bản dịch, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su ở Giăng 17:26 được dịch là: “Con đã giải thích về Cha cho họ”, và Giăng 17:6 là: “Con đã tỏ bày Cha cho những người Cha giao cho Con”. Tuy nhiên, cách dịch chính xác lời cầu nguyện của Chúa Giê-su là: “Con đã cho họ biết danh Cha” và “Con đã tỏ danh Cha cho những người mà Cha giao cho con”.

Trong lời mở đầu của Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới (Anh ngữ) trước đây nói rằng: “Chúng tôi không dịch Kinh Thánh theo cách diễn ý. Trong toàn bộ bản dịch này, chúng tôi cố gắng dịch sát miễn là có từ tương đương trong tiếng Anh hiện đại và không tối nghĩa”. Ủy ban Phiên dịch Kinh Thánh Thế Giới Mới đã nỗ lực giữ thăng bằng trong việc sử dụng từ và câu để truyền đạt đúng với bản gốc, đồng thời tránh dùng từ khó hiểu và làm lu mờ ý tưởng. Nhờ đó, độc giả có thể dễ dàng đọc Kinh Thánh và tin chắc rằng thông điệp Ðức Chúa Trời soi dẫn được truyền tải cách trung thực.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13.