CÂU HỎI 3

Làm sao có thể nói chuyện với cha mẹ?

Làm sao có thể nói chuyện với cha mẹ?

TẠI SAO QUAN TRỌNG?

Càng có mối quan hệ tốt với cha mẹ thì đời sống bạn càng dễ dàng hơn.

BẠN SẼ LÀM GÌ?

Hãy hình dung tình huống sau: Ðó là tối thứ tư. Sau khi làm việc nhà xong thì cuối cùng Geoff cũng được nghỉ ngơi! Bạn ấy bật ti-vi rồi thả người xuống chiếc ghế yêu thích.

Lúc đó, cha của Geoff xuất hiện với vẻ mặt hầm hầm.

“Geoff! Giờ này mà còn ngồi xem ti-vi sao? Ðáng lẽ con phải giúp em làm bài tập chứ. Con chẳng bao giờ nghe lời cả!”.

“Lại nữa rồi”, Geoff lầm bầm.

Cha nghiêm giọng: “Nói gì đó?”.

“Con có nói gì đâu”, Geoff thở dài, mắt nhìn lên ngao ngán.

Giờ thì cha thật sự nổi giận: “Ðừng có nói giọng đó với ba!”.

Nếu là Geoff, bạn đã có thể tránh tình huống này bằng cách nào?

NGỪNG LẠI VÀ SUY NGHĨ!

Có thể ví việc nói chuyện với cha mẹ giống như lái xe. Nếu gặp chướng ngại vật, bạn có thể tìm đường khác.

VÍ DỤ:

Một bạn nữ tên Liên nói: “Mình thấy khó nói chuyện với ba. Ðôi khi mình nói được một hồi thì ba quay sang hỏi: ‘Ủa, con đang nói với ba hả?’”.

LIÊN CÓ ÍT NHẤT BA LỰA CHỌN.

  1. Gắt gỏng với cha.

    Liên gắt lên: “Sao ba không nghe con? Ðây là chuyện quan trọng mà!”.

  2. Không nói chuyện với cha nữa.

    Liên bỏ cuộc, chẳng muốn nói cho cha biết vấn đề.

  3. Chờ đến lúc tiện hơn mới nói.

    Liên nói với cha sau hoặc viết thư cho cha hiểu vấn đề.

Bạn đề nghị lựa chọn nào cho Liên?

HÃY XEM XÉT: Cha của Liên đang nghĩ về chuyện khác nên không thấy bạn ấy bực. Vì vậy, nếu làm theo Lựa chọn A thì cha cũng chẳng hiểu tại sao Liên lại gắt lên như thế. Lựa chọn này chẳng những không khiến cha chú ý đến lời của Liên hơn mà đó còn là vô lễ (Ê-phê-sô 6:2). Thế nên, lựa chọn này chỉ dẫn đến bế tắc.

Gặp chướng ngại vật không có nghĩa là hết đường. Tương tự, bạn có thể tìm hướng khác để nói chuyện với cha mẹ

Lựa chọn B có vẻ dễ nhất nhưng không phải khôn ngoan nhất. Tại sao? Nếu muốn giải quyết vấn đề của mình, Liên cần nói chuyện với cha, và cha chỉ có thể giúp khi biết đang có chuyện gì xảy ra với con gái. Chấm dứt cuộc nói chuyện không giúp ích được gì.

Tuy nhiên, khi làm theo Lựa chọn C, Liên không dừng lại trước rào cản. Thay vì vậy, Liên cố tìm lúc khác để nói chuyện. Và nếu chọn cách viết thư cho cha thì Liên cũng có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn ngay lúc đó.

Viết thư có thể giúp Liên trình bày rõ ràng những gì muốn nói. Khi đọc thư, cha sẽ biết Liên muốn nói gì và hiểu vấn đề của bạn ấy hơn. Vì thế, lựa chọn C giúp ích cho cả hai cha con. Dù nói trực tiếp hay viết thư thì lựa chọn này làm theo lời khuyên Kinh Thánh là “hãy gắng sức hòa thuận”.—Rô-ma 14:19.

Liên còn những lựa chọn nào khác?

Bạn hãy thử nghĩ ra một lựa chọn. Rồi hình dung xem lựa chọn ấy có thể dẫn đến đâu.

TRÁNH NÓI NHỮNG LỜI GÂY HIỂU LẦM

Hãy nhớ rằng có khi bạn nói một đằng nhưng cha mẹ lại hiểu một nẻo.

VÍ DỤ:

Cha mẹ hỏi tại sao trông bạn có vẻ không vui. Bạn trả lời: “Con không muốn nói”.

Nhưng cha mẹ hiểu nhầm ý của bạn là: “Con không tin tưởng ba mẹ cho lắm. Con thà tâm sự với bạn bè còn hơn phải nói với ba mẹ”.

Hãy tưởng tượng bạn đang gặp một vấn đề và cha mẹ muốn giúp. Nếu bạn nói: “Ba mẹ đừng lo. Con tự xoay xở được”.

  • Cha mẹ có thể hiểu nhầm ý của bạn ra sao?

  • Câu trả lời khác tốt hơn của bạn là gì?