CÂU HỎI 1
Mình là ai?
TẠI SAO QUAN TRỌNG?
Biết mình là ai và mình tin gì sẽ giúp bạn đưa ra quyết định khôn ngoan khi gặp áp lực.
BẠN SẼ LÀM GÌ?
Hãy hình dung tình huống sau: Karen vừa đến buổi họp mặt được mười phút thì nghe từ sau lưng một giọng nói quen thuộc.
“Làm gì mà đứng như trời trồng vậy?”.
Karen quay lại thì thấy Jessica đang cầm hai chai bia. Jessica đưa một chai cho Karen và nói: “Chúng mình lớn rồi, hãy tận hưởng một chút đi”.
Karen muốn từ chối nhưng sợ mất lòng bạn và Karen không muốn bị xem là “chán phèo”. Hơn nữa, nếu Jessica ngoan hiền đến vậy mà còn uống được thì chuyện này có gì to tát? Karen tự nhủ: “Chỉ là bia thôi mà, có phải hút chích gì đâu”.
Nếu ở trong tình huống của Karen, bạn sẽ làm gì?
NGỪNG LẠI VÀ SUY NGHĨ!
Ðể đưa ra quyết định khôn ngoan trong tình huống này, bạn cần biết mình là ai và mình tin gì. Nhờ đó, bạn sẽ có sức mạnh để kiểm soát đời mình thay vì để người khác làm thế.—1 Cô-rinh-tô 9:26, 27.
Làm sao bạn có thể gia tăng sức mạnh đó? Ðể bắt đầu, hãy trả lời những câu hỏi ở trang sau.
1 ÐIỂM MẠNH CỦA MÌNH LÀ GÌ?
Biết khả năng và ưu điểm của mình, bạn sẽ tự tin hơn.
GƯƠNG TRONG KINH THÁNH: Sứ đồ Phao-lô viết: “Dù cho không có tài ăn nói, nhưng chắc chắn tôi không thiếu hiểu biết” (2 Cô-rinh-tô 11:6). Nhờ am hiểu Kinh Thánh, Phao-lô có thể đứng vững trước sự thách thức. Ông không để những nhận xét tiêu cực của họ làm suy yếu lòng tin chắc của mình.—2 Cô-rinh-tô 10:10; 11:5.
XEM XÉT BẢN THÂN: Hãy viết ra một năng khiếu hay một kỹ năng của bạn.
Bây giờ, hãy miêu tả một đức tính nổi bật của bạn, ví dụ như quan tâm, rộng rãi, đáng tin cậy, đúng giờ...
2 ÐIỂM YẾU CỦA MÌNH LÀ GÌ?
Dây xích dễ đứt khi có một mắt xích yếu. Cũng vậy, bạn có thể mất tự tin nếu để điểm yếu chế ngự mình.
GƯƠNG TRONG KINH THÁNH: Phao-lô biết điểm yếu của mình. Ông viết: “Trong thâm tâm, tôi thật sự ham thích luật pháp của Ðức Chúa Trời, nhưng tôi thấy trong thân thể mình có một luật khác tranh đấu với luật trong trí mình, và bắt tôi phục tùng luật của tội lỗi trong chi thể tôi”.—Rô-ma 7:22, 23.
XEM XÉT BẢN THÂN: Bạn có những điểm yếu nào cần kiểm soát?
3 MỤC TIÊU CỦA MÌNH LÀ GÌ?
Bạn có đón taxi và bảo tài xế chở đi vòng vòng đến khi hết xăng không? Ðiều đó thật ngớ ngẩn và phí tiền!
Bài học là gì? Các mục tiêu giúp cuộc sống của bạn có định hướng. Bạn có nơi để hướng tới và có kế hoạch để thực hiện.
GƯƠNG TRONG KINH THÁNH: Phao-lô viết: “Cách tôi chạy không phải là không có mục đích” (1 Cô-rinh-tô 9:26). Thay vì để cuộc đời trôi lênh đênh như thuyền không bến, Phao-lô đã đặt mục tiêu và theo đuổi những mục tiêu đó.—Phi-líp 3:12-14.
XEM XÉT BẢN THÂN: Hãy viết ra ba mục tiêu bạn muốn đạt được trong năm tới.
4 NIỀM TIN CỦA MÌNH LÀ GÌ?
Nếu không có niềm tin, bạn sẽ không kiên định. Như con tắc kè hoa, bạn sẽ “đổi màu” để giống bạn bè, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy bạn chưa thật sự biết mình là ai.
Trái lại, khi bạn hành động dựa trên niềm tin của mình, điều này sẽ cho thấy bạn sống đúng với bản thân, bất kể người khác làm gì.
GƯƠNG TRONG KINH THÁNH: Có lẽ khi còn là một thanh thiếu niên, nhà tiên tri Ða-ni-ên đã “quyết-định trong lòng” rằng ông sẽ làm theo luật pháp Ðức Chúa Trời, dù bị tách khỏi gia đình (Ða-ni-ên 1:8). Nhờ thế, Ða-ni-ên đã sống đúng với bản thân, đúng với niềm tin của mình.
XEM XÉT BẢN THÂN: Niềm tin của bạn là gì? Ví dụ: Bạn có tin nơi Ðức Chúa Trời không? Nếu có thì tại sao? Bằng chứng nào khiến bạn tin là ngài hiện hữu?
Bạn có tin các tiêu chuẩn của Ðức Chúa Trời mang lại lợi ích cho mình không? Nếu có thì tại sao?
Suy cho cùng, bạn thích giống như một chiếc lá rơi bị làn gió thổi đi đây đó hay một cây vững chãi dù gặp giông bão? Khi ý thức rõ về bản thân và sống đúng với niềm tin của mình, bạn sẽ giống như cây ấy. Ðiều đó sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi: “Mình là ai?”.
Có thể bạn cũng thích
HOẠT HÌNH TRÊN BẢNG TRẮNG
Kháng cự áp lực từ bạn bè!
Bốn bước đơn giản giúp bạn có sức mạnh để là chính mình.
GIẢI ÐÁP 10 CÂU HỎI GIỚI TRẺ THẮC MẮC