CÂU HỎI 8

Mình nên biết gì về nạn xâm hại tình dục?

Mình nên biết gì về nạn xâm hại tình dục?

TẠI SAO QUAN TRỌNG?

Mỗi năm, hàng triệu người bị cưỡng hiếp hoặc lạm dụng tình dục, và các bạn trẻ thường là đối tượng mà thủ phạm nhắm đến.

BẠN SẼ LÀM GÌ?

Kẻ tấn công vật Annette xuống đất trước khi bạn ấy kịp biết chuyện gì xảy ra. Annette nói: “Mình tìm mọi cách chống trả hắn. Mình cố hét thật to nhưng không sao thành tiếng. Mình đấm đá, cào cấu túi bụi và xô hắn ra. Nhưng rồi một lưỡi dao xuyên qua da thịt, mình hoàn toàn rụng rời”.

Nếu trong tình huống như thế, bạn sẽ phản ứng ra sao?

NGỪNG LẠI VÀ SUY NGHĨ!

Dù có lẽ bạn đã đề phòng, như cảnh giác khi đi ngoài đường vào buổi tối, nhưng điều xấu vẫn có thể xảy ra. Kinh Thánh nói: “Kẻ lẹ làng chẳng được cuộc chạy đua,... người khôn-khéo chẳng được ơn; vì thời-thế và cơ-hội [“chuyện bất trắc”, NW] xảy đến cho mọi người”.—Truyền-đạo 9:11.

Một số bạn trẻ, như Annette, bị kẻ lạ mặt tấn công. Số khác thì bị người quen hay thậm chí người nhà lạm dụng. Khi chỉ mới mười tuổi, Natalie bị một gã thanh niên gần nhà giở trò đồi bại. Bạn ấy kể: “Mới đầu, mình sợ hãi và xấu hổ đến mức không dám hé nửa lời với ai”.

BẠN KHÔNG CÓ LỖI GÌ CẢ

Annette vẫn bị dằn vặt về chuyện đã qua. Bạn ấy tâm sự: “Hình ảnh về đêm đó cứ tái diễn trong trí mình. Mình cảm thấy lẽ ra mình phải phản kháng quyết liệt hơn. Sự thật là sau khi bị đâm, mình đã tê liệt vì sợ hãi. Mình không thể làm gì khác nhưng vẫn cảm thấy đáng lẽ phải cố hơn nữa”.

Natalie cũng tự trách bản thân. Bạn ấy nói: “Lẽ ra mình không nên quá chủ quan. Ba mẹ đã dặn hai chị em phải luôn ở bên nhau khi ra ngoài chơi, vậy mà mình không nghe lời. Mình cảm thấy chính mình đã mở đường cho gã hàng xóm hãm hại. Sự việc ấy ảnh hưởng đến cả nhà, mình thấy mình phải chịu trách nhiệm vì đã khiến họ khổ sở. Ðó là cảm giác mà mình thấy khó đương đầu nhất”.

Nếu bạn có cảm giác như Annette và Natalie, hãy luôn nhớ rằng người bị cưỡng hiếp không hề tự nguyện. Một số người suy nghĩ quá đơn giản khi cho rằng: “Ðàn ông nào chẳng thế” và “Không có lửa sao có khói”. Nhưng không ai đáng bị cưỡng hiếp. Nếu là nạn nhân của tội ác đó, bạn không có lỗi gì cả!

Dĩ nhiên, chỉ đọc câu: “Bạn không có lỗi gì cả” thì dễ, nhưng để tin được thì có lẽ khó hơn nhiều. Một số người đã chôn chặt nỗi đau trong lòng và bị mặc cảm tội lỗi cũng như những cảm xúc tiêu cực khác hành hạ. Nhưng khi bạn im lặng thì ai là người có lợi nhất, bạn hay kẻ xấu xa đó? Nếu làm theo chỉ dẫn dưới đây, chính bạn sẽ được ích.

THỔ LỘ MỌI CHUYỆN

Kinh Thánh nói rằng trong lúc tâm trạng vô cùng rối bời, người đàn ông công chính Gióp đã thốt lên: “Tôi sẽ nói vì cơn cay-đắng của lòng tôi” (Gióp 10:1). Làm thế cũng sẽ giúp ích cho bạn. Nếu thổ lộ với một người đáng tin cậy thì nỗi ám ảnh kinh hoàng đó sẽ dần lắng xuống và bạn sẽ lấy lại được tinh thần.

Nỗi đau bị xâm hại dường như quá sức đối với bạn. Hãy chia sẻ với người khác để được giúp đỡ

Annette đã cảm nhận điều đó. Bạn ấy kể: “Sau khi nghe mình tâm sự thì cô bạn thân đã giục mình nói chuyện với một vài anh trưởng lão trong hội thánh. Mừng là mình đã làm vậy. Nhiều lần các anh lắng nghe và nói những lời thật sự an ủi, rằng chuyện xảy ra không phải do lỗi của mình. Hoàn toàn không phải”.

Natalie đã thuật lại mọi chuyện với cha mẹ. Bạn ấy hồi tưởng: “Ba mẹ đã ở bên cạnh để nâng đỡ mình. Họ động viên mình cứ nói ra, nhờ vậy mà mình không quá đau buồn hay tức giận nữa”.

Natalie cũng cảm thấy được an ủi qua việc cầu nguyện. Bạn ấy cho biết: “Nói chuyện với Ðức Chúa Trời đã giúp mình rất nhiều, nhất là vào những lúc mình không thể mở lòng với ai khác. Khi cầu nguyện, mình thoải mái dốc đổ nỗi lòng cho ngài. Ðiều đó khiến tâm hồn mình thật thanh thản”.

Bạn cũng sẽ cảm nghiệm được là “có kỳ chữa lành” (Truyền-đạo 3:3). Hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất của bản thân. Nghỉ ngơi đầy đủ. Trên hết, hãy nương tựa nơi Ðức Chúa Trời của mọi sự yên ủi, Ðức Giê-hô-va.—2 Cô-rinh-tô 1:3, 4.

NẾU BẠN ÐỦ TUỔI HẸN HÒ

Nếu bạn là một cô gái và bị áp lực làm những điều sai trái, thì không có gì sai khi bạn kiên quyết nói: “Ðừng có làm vậy!” hoặc “Bỏ tay ra!”. Ðừng sợ sẽ mất bạn trai. Nếu chỉ vì chuyện đó mà chia tay bạn thì anh ta không đáng để bạn phải tiếc! Bạn xứng đáng gặp được một người đàn ông chân chính, là người tôn trọng thân thể bạn cũng như những nguyên tắc sống của bạn.

TRẮC NGHIỆM

“Ở trường cấp hai, bọn con trai kéo dây áo ngực sau lưng mình và nói những lời tục tĩu, chẳng hạn như mình sẽ cảm thấy thích thú như thế nào nếu quan hệ với tụi nó”.—Coretta.

Bạn nghĩ bọn con trai đó đã làm gì Coretta?

  1. Chọc ghẹo

  2. Tán tỉnh

  3. Quấy rối tình dục

“Trên xe buýt, một đứa con trai đã nói những lời ghê tởm và chộp lấy mình. Mình hất tay hắn ra và bảo hắn đi chỗ khác. Hắn nhìn mình như thể mình bị điên”.—Candice.

Bạn nghĩ đứa con trai ấy đã làm gì Candice?

  1. Chọc ghẹo

  2. Tán tỉnh

  3. Quấy rối tình dục

“Năm ngoái, có một người cứ nói với mình là hắn thích mình và muốn hẹn hò, dù mình luôn nói thẳng là không. Ðôi lúc, hắn vuốt cánh tay mình. Mình bảo hắn thôi đi, nhưng hắn không chịu. Chẳng những vậy, khi mình đang cột dây giày thì hắn vỗ vào mông mình”.—Bethany.

Theo bạn, người đó đã làm gì Bethany?

  1. Chọc ghẹo

  2. Tán tỉnh

  3. Quấy rối tình dục

Ðáp án đúng cho cả ba câu hỏi trên là C.

Ðiều gì cho thấy quấy rối tình dục khác với chọc ghẹo và tán tỉnh?

Hành vi quấy rối tình dục đến từ một phía. Nó vẫn tiếp diễn dù nạn nhân bảo người kia dừng lại.

Hành vi quấy rối là nghiêm trọng. Nó có thể dẫn đến bạo lực tình dục.