BÀI HỌC 3

BÀI HÁT 124 Luôn trung thành

Ðức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị trong những lúc khó khăn

Ðức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị trong những lúc khó khăn

“Ngài sẽ lập anh em trên nền vững chắc”.1 PHI-E-RƠ 5:10.

TRỌNG TÂM

Những điều chúng ta có thể làm để nhận lợi ích từ sự giúp đỡ của Ðức Giê-hô-va trong những lúc khó khăn.

1, 2. Tôi tớ trung thành của Ðức Giê-hô-va có thể phải đối mặt với những thử thách nào?

 Bi kịch có thể thay đổi cuộc đời của chúng ta chỉ trong nháy mắt. Chẳng hạn, một anh trung thành là Luis a được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hiếm gặp. Bác sĩ nói rằng anh chỉ sống được vài tháng nữa. Vợ chồng chị Monika rất bận rộn trong việc phụng sự Ðức Giê-hô-va. Rồi một ngày, chị phát hiện ra chồng chị, là một trưởng lão, đã sống hai mặt trong thời gian dài. Olivia, một chị độc thân, buộc phải di tản vì một cơn bão lớn sắp đến. Khi trở về, chị thấy cơn bão đã phá hủy nhà của chị. Chỉ trong chốc lát, đời sống của những anh chị này đã hoàn toàn thay đổi. Anh chị có gặp tình huống tương tự không? Ðã bao giờ anh chị bất ngờ trải qua một biến cố khủng khiếp khiến đời sống mình bị đảo lộn chưa?

2 Dù là tôi tớ trung thành của Ðức Giê-hô-va, chúng ta vẫn phải đối mặt với khó khăn và bệnh tật giống như mọi người. Chúng ta cũng có thể phải chịu đựng sự chống đối hoặc ngược đãi của những người thù ghét dân Ðức Chúa Trời. Ðức Giê-hô-va không che chở chúng ta khỏi những khó khăn như thế, nhưng ngài hứa sẽ giúp chúng ta (Ê-sai 41:10). Với sự trợ giúp của ngài, chúng ta có thể giữ được niềm vui, đưa ra những quyết định khôn ngoan và tiếp tục trung thành với ngài, ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Bài này sẽ xem xét bốn cách mà Ðức Giê-hô-va giúp chúng ta trong những lúc tăm tối của cuộc đời. Cũng hãy xem mình cần làm gì để nhận lợi ích từ sự trợ giúp của ngài.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ BẢO VỆ ANH CHỊ

3. Khi trải qua bi kịch, chúng ta có thể thấy khó làm gì?

3 Thách đố. Khi trải qua bi kịch, có thể chúng ta thấy khó suy nghĩ sáng suốt và đưa ra quyết định. Tại sao? Có thể lòng chúng ta vô cùng đau đớn, còn tâm trí thì nặng trĩu vì lo lắng. Chúng ta có thể cảm thấy như thể mình đang đi trong sương mù, không biết theo lối nào. Hãy xem hai chị được đề cập ở trên cảm thấy thế nào khi gặp thử thách. Chị Olivia chia sẻ: “Sau khi cơn bão tàn phá nhà của tôi, tôi cảm thấy mất phương hướng và choáng ngợp”. Chị Monika nói về sự phản bội của chồng: “Tôi cảm thấy vô cùng thất vọng và đau đớn. Cõi lòng tôi tan nát. Ngay cả những việc đơn giản thường ngày, tôi cũng thấy khó làm. Tôi không thể ngờ chuyện này lại xảy đến với mình”. Ðức Giê-hô-va hứa giúp đỡ chúng ta như thế nào khi chúng ta cảm thấy choáng ngợp?

4. Theo Phi-líp 4:6, 7, Ðức Giê-hô-va hứa điều gì với chúng ta?

4 Ðiều Ðức Giê-hô-va làm. Ngài hứa ban cho chúng ta điều mà Kinh Thánh gọi là “sự bình an của Ðức Chúa Trời”. (Ðọc Phi-líp 4:6, 7). Sự bình an này nói đến sự điềm tĩnh và thanh thản trong tâm trí đến từ mối quan hệ quý giá với ngài. Sự bình an này “vượt quá mọi sự hiểu biết”, tức là tuyệt vời hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng. Anh chị có bao giờ cảm thấy bình an lạ thường sau khi tha thiết cầu nguyện với Ðức Giê-hô-va chưa? Cảm giác đó chính là “sự bình an của Ðức Chúa Trời”.

5. Sự bình an của Ðức Chúa Trời bảo vệ lòng và trí của chúng ta như thế nào?

5 Phi-líp 4:7 cũng nói rằng sự bình an của Ðức Chúa Trời “sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em”. Từ nguyên ngữ được dịch là “bảo vệ” được dùng trong quân đội, và nói đến những người lính canh giữ cho thành an toàn bằng cách bảo vệ thành khỏi sự tấn công. Cư dân của thành ngủ ngon vì biết rằng có những người lính đang canh gác ở các cổng thành. Tương tự, khi sự bình an của Ðức Chúa Trời bảo vệ lòng và trí, chúng ta cảm thấy bình tĩnh vì biết rằng mình được an toàn (Thi 4:8). Như trong trường hợp của Ha-na, ngay cả nếu hoàn cảnh không thay đổi ngay lập tức, chúng ta vẫn cảm thấy bình an (1 Sa 1:16-18). Khi bình tĩnh, chúng ta thường dễ suy nghĩ sáng suốt và đưa ra quyết định khôn ngoan hơn.

Hãy cầu nguyện cho đến khi anh chị cảm nhận “sự bình an của Ðức Chúa Trời” bảo vệ lòng và trí của mình (Xem đoạn 4-6)


6. Chúng ta có thể làm gì để nhận được sự bình an của Ðức Chúa Trời? (Cũng xem hình).

6 Ðiều chúng ta cần làm. Khi cảm thấy bất an, hãy gọi “lính canh” đến theo nghĩa bóng. Như thế nào? Hãy cầu nguyện cho đến khi anh chị cảm nhận được sự bình an của Ðức Chúa Trời (Lu 11:9; 1 Tê 5:17). Anh Luis, được đề cập ở trên, cho biết cách anh và vợ là chị Ana đã có thể đương đầu khi biết rằng anh chỉ còn sống được vài tháng nữa. Anh nói: “Trong những lúc như thế, thật khó để đưa ra quyết định về sức khỏe và những vấn đề khác. Nhưng cầu nguyện là điều thiết yếu để giúp chúng tôi có bình an”. Vợ chồng anh cho biết họ đã nhiều lần cầu nguyện tha thiết, xin Ðức Giê-hô-va ban sự bình an tâm trí, bình tĩnh và khôn ngoan để đưa ra quyết định sáng suốt. Và họ đã cảm nhận được sự giúp đỡ của ngài. Nếu đang đối mặt với khủng hoảng, hãy kiên trì cầu nguyện, và anh chị sẽ cảm nghiệm được sự bình an của Ðức Giê-hô-va bảo vệ lòng và trí mình.—Rô 12:12.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ LÀM ANH CHỊ VỮNG VÀNG

7. Chúng ta có thể cảm thấy thế nào khi đương đầu với thử thách cam go?

7 Thách đố. Khi đương đầu với thử thách cam go thì cảm xúc, suy nghĩ và phản ứng của chúng ta có thể không thăng bằng như bình thường. Như một con tàu trong cơn bão bị đẩy từ ngọn sóng này đến ngọn sóng khác, chúng ta cũng có thể cảm thấy như bị đẩy từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Chị Ana, được đề cập ở trên, cho biết chị đã có nhiều cảm xúc khác nhau sau khi anh Luis qua đời. Chị nói: “Khi cảm thấy trống rỗng, tôi bắt đầu tủi thân. Tôi cũng tức giận vì anh ấy đã ra đi”. Ngoài ra, chị cũng thấy cô đơn và bực bội vì phải quyết định những việc mà anh Luis làm rất tốt trước đây. Ðôi khi, chị có cảm giác như mình đang trong cơn bão ở giữa biển. Khi những cảm xúc như thế ập đến, Ðức Giê-hô-va giúp chúng ta như thế nào?

8. Theo Ê-sai 33:6, Ðức Giê-hô-va đảm bảo điều gì với chúng ta?

8 Ðiều Ðức Giê-hô-va làm. Ngài đảm bảo là sẽ làm chúng ta vững vàng. (1 Phi-e-rơ 5:10). Khi một con tàu gặp bão, nó có thể bị chao đảo mạnh, và điều này rất nguy hiểm. Ðể đối phó với tình trạng ấy, nhiều con tàu có những vây ổn định ở hai bên mạn tàu và nằm dưới nước. Những vây này có thể giúp tàu giảm lắc đáng kể. Nhờ thế, hành khách sẽ an toàn và dễ chịu hơn. Tuy nhiên, nhiều hệ thống vây ổn định hoạt động tốt nhất khi con tàu tiến về phía trước. Tương tự, Ðức Giê-hô-va sẽ làm chúng ta vững vàng khi chúng ta trung thành tiến về phía trước trong lúc gặp thử thách.

Hãy làm mình vững vàng bằng cách tận dụng những công cụ nghiên cứu (Xem đoạn 8, 9)


9. Những công cụ nghiên cứu có thể giúp chúng ta giữ thăng bằng như thế nào? (Cũng xem hình).

9 Ðiều chúng ta cần làm. Khi cảm xúc khiến mình choáng ngợp, hãy cố gắng hết sức để giữ nề nếp thiêng liêng. Ðành rằng anh chị có thể không làm được nhiều như trước đây, nhưng hãy nhớ Ðức Giê-hô-va là đấng phải lẽ. (So sánh Lu-ca 21:1-4). Hãy đều đặn dành thời gian cho việc học hỏi cá nhân và suy ngẫm. Tại sao? Qua tổ chức của ngài, Ðức Giê-hô-va cung cấp những thông tin rất hữu ích dựa trên Kinh Thánh có thể giúp chúng ta giữ thăng bằng. Ðể tìm được điều mình cần, anh chị có thể dùng công cụ nghiên cứu có trong ngôn ngữ của mình, chẳng hạn như ứng dụng JW Library®, THƯ VIỆN TRỰC TUYẾN Tháp Canh. Chị Monika, được đề cập ở trên, cho biết chị đã dùng những công cụ nghiên cứu để tìm lời khuyên khi bắt đầu thấy choáng ngợp bởi nhiều cảm xúc. Chẳng hạn, có lần chị tìm từ “tức giận”. Vào những lần khác, chị tìm từ “phản bội” hoặc “chung thủy”. Rồi chị đọc cho đến khi cảm thấy tốt hơn. Chị nói: “Lúc mới bắt đầu nghiên cứu, tôi rất nản lòng và rối bời. Nhưng khi đọc, tôi cảm thấy như Ðức Giê-hô-va đang trìu mến ôm lấy mình. Tôi nhận ra ngài hiểu mọi cảm xúc của tôi và đang giúp đỡ tôi”. Sự trợ giúp như thế từ Ðức Giê-hô-va có thể giúp anh chị giữ thăng bằng cho đến khi sóng gió dịu lại.—Thi 119:143, 144.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ HỖ TRỢ ANH CHỊ

10. Chúng ta có thể cảm thấy thế nào sau một biến cố đau thương?

10 Thách đố. Sau một biến cố đau thương, hẳn có những ngày chúng ta cảm thấy yếu đuối về thể chất lẫn tình cảm. Chúng ta có thể cảm thấy như một vận động viên từng chạy nhanh nhưng bị thương và giờ đây phải đi khập khiễng. Chúng ta có thể khó thực hiện những việc mà trước đây mình làm rất dễ dàng, hoặc không có hứng thú để tham gia những hoạt động mà mình từng thích. Như Ê-li-gia, chúng ta có thể cảm thấy không ngồi dậy nổi và chỉ muốn ngủ (1 Vua 19:5-7). Ðức Giê-hô-va hứa sẽ làm gì khi chúng ta cảm thấy yếu đuối?

11. Theo Thi thiên 94:18, Ðức Giê-hô-va sẽ làm gì cho chúng ta?

11 Ðiều Ðức Giê-hô-va làm. Ngài hứa sẽ hỗ trợ chúng ta. (Ðọc Thi thiên 94:18). Giống như một vận động viên bị thương cần được giúp để đi lại, chúng ta cũng cần được giúp để tiếp tục sốt sắng phụng sự Ðức Giê-hô-va. Vào những lúc như thế, ngài trấn an chúng ta: “Ta, Giê-hô-va Ðức Chúa Trời của con, đang nắm tay hữu con, là đấng phán với con: ‘Ðừng sợ chi. Ta sẽ giúp đỡ con’” (Ê-sai 41:13). Vua Ða-vít đã cảm nghiệm được sự giúp đỡ ấy. Khi đối mặt với thử thách và kẻ thù, ông thưa với Ðức Giê-hô-va: “Ngài… dùng tay hữu ngài để hỗ trợ con” (Thi 18:35). Nhưng Ðức Giê-hô-va hỗ trợ chúng ta bằng cách nào?

Hãy nhận sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè và trưởng lão (Xem đoạn 11-13)


12. Ðức Giê-hô-va có thể dùng ai để giúp đỡ chúng ta khi chúng ta yếu đuối?

12 Ðức Giê-hô-va thường hỗ trợ chúng ta bằng cách thúc đẩy người khác giúp đỡ chúng ta. Chẳng hạn, khi Ða-vít cảm thấy yếu đuối, bạn ông là Giô-na-than đã đến thăm để hỗ trợ ông về cảm xúc và nói những lời khích lệ (1 Sa 23:16, 17). Tương tự, Ðức Giê-hô-va dùng Ê-li-sê để giúp đỡ Ê-li-gia một cách thiết thực (1 Vua 19:16, 21; 2 Vua 2:2). Ngày nay, ngài có thể dùng gia đình, bạn bè hoặc các trưởng lão để hỗ trợ chúng ta. Tuy nhiên, khi cảm thấy đau lòng, chúng ta dễ có khuynh hướng thu mình lại. Chúng ta chỉ muốn người khác để cho mình yên. Ðó là phản ứng bình thường. Vậy chúng ta có thể làm gì để nhận sự hỗ trợ từ Ðức Giê-hô-va?

13. Chúng ta cần làm gì để nhận lợi ích từ sự hỗ trợ của Ðức Giê-hô-va? (Cũng xem hình).

13 Ðiều chúng ta cần làm. Hãy kháng cự khuynh hướng tự cô lập bản thân. Khi tự cô lập, cái nhìn của chúng ta thường sẽ hạn hẹp. Chúng ta sẽ bắt đầu chỉ nghĩ về bản thân và những vấn đề mà mình đang đương đầu. Lối suy nghĩ đó có thể ảnh hưởng đến những quyết định của chúng ta (Châm 18:1). Dĩ nhiên, tất cả chúng ta đều cần những lúc ở một mình, đặc biệt khi gặp bi kịch. Tuy nhiên, nếu tự cô lập trong thời gian dài, chúng ta có thể đang gạt đi cách mà Ðức Giê-hô-va dùng để hỗ trợ mình. Vì thế, hãy nhận sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè và trưởng lão cho dù điều đó khó đến mức nào. Hãy xem họ là những người mà Ðức Giê-hô-va dùng để hỗ trợ anh chị.—Châm 17:17; Ê-sai 32:1, 2.

ÐỨC GIÊ-HÔ-VA SẼ AN ỦI ANH CHỊ

14. Chúng ta có thể đối mặt với những hoàn cảnh đáng sợ nào?

14 Thách đố. Chúng ta có thể trải qua những lúc sợ hãi. Trong Kinh Thánh, các tôi tớ trung thành của Ðức Chúa Trời cho biết về những lúc họ khốn khổ và run sợ vì kẻ thù hoặc những áp lực khác (Thi 18:4; 55:1, 5). Tương tự, chúng ta có thể gặp phải sự chống đối ở trường, nơi làm việc, từ gia đình hoặc chính quyền. Thậm chí chúng ta có thể đối mặt với cái chết vì vấn đề y khoa. Vào những lúc đó, có lẽ chúng ta cảm thấy bất lực như một đứa trẻ. Ðức Giê-hô-va giúp chúng ta ra sao trong những lúc như thế?

15. Thi thiên 94:19 đưa ra lời đảm bảo nào?

15 Ðiều Ðức Giê-hô-va làm. Ngài an ủi và xoa dịu chúng ta. (Ðọc Thi thiên 94:19). Câu Thi thiên này có lẽ khiến chúng ta nghĩ đến một bé gái sợ hãi và không thể ngủ vì một trận bão lớn với sấm sét vang rền. Chúng ta có thể hình dung cha em bước vào, ẵm em lên và ôm em cho đến khi em ngủ thiếp đi. Dù sấm sét vẫn ầm trời, em cảm thấy an toàn trong vòng tay ấm áp của cha. Khi đối mặt với những thử thách đáng sợ, chúng ta có thể cần Cha trên trời ôm chúng ta theo nghĩa bóng cho đến khi mình bình tĩnh lại. Làm thế nào để nhận được sự an ủi như thế từ Ðức Giê-hô-va?

Hãy để Cha trên trời an ủi anh chị qua Kinh Thánh (Xem đoạn 15, 16)


16. Chúng ta cần làm gì để được Ðức Giê-hô-va an ủi? (Cũng xem hình).

16 Ðiều chúng ta cần làm. Hãy thường xuyên dành thời gian với Ðức Giê-hô-va bằng cách cầu nguyện và đọc Lời ngài (Thi 77:1, 12-14). Rồi khi bị căng thẳng, rất có thể điều đầu tiên anh chị làm là hướng đến Cha trên trời. Hãy chia sẻ với ngài những mối lo lắng và sợ hãi. Hãy để ngài nói với anh chị và an ủi anh chị qua Kinh Thánh (Thi 119:28). Anh chị có thể thấy một số phần Kinh Thánh đặc biệt an ủi mình khi sợ hãi. Chẳng hạn, anh chị có thể tìm thấy những ý tưởng khích lệ trong sách Gióp, Thi thiên và Châm ngôn cũng như trong lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ chương 6. Khi cầu nguyện với Ðức Giê-hô-va và đọc Lời ngài, anh chị sẽ cảm nhận sự an ủi đến từ ngài.   

17. Chúng ta có thể tin chắc điều gì?

17 Chúng ta có thể tin chắc Ðức Giê-hô-va luôn sẵn sàng giúp chúng ta trong những lúc tăm tối của cuộc đời. Chúng ta sẽ không bao giờ đơn độc (Thi 23:4; 94:14). Ðức Giê-hô-va hứa sẽ bảo vệ, làm chúng ta vững vàng, hỗ trợ và an ủi chúng ta. Ê-sai 26:3 nói về Ðức Giê-hô-va: “Ngài sẽ bảo vệ người hoàn toàn nương tựa nơi ngài; ngài ban cho họ sự bình an lâu dài, vì chính nơi ngài, họ đặt lòng tin cậy”. Vậy, hãy tin cậy Ðức Giê-hô-va và tận dụng mọi điều ngài cung cấp để giúp đỡ anh chị. Khi làm thế, anh chị sẽ được lại sức ngay cả trong những lúc khó khăn.

ANH CHỊ TRẢ LỜI THẾ NÀO?

  • Khi nào chúng ta đặc biệt cần sự giúp đỡ của Ðức Giê-hô-va?

  • Trong những lúc chúng ta khốn khổ, Ðức Giê-hô-va giúp chúng ta qua bốn cách nào?

  • Chúng ta có thể làm gì để nhận lợi ích từ sự giúp đỡ của Ðức Giê-hô-va?

BÀI HÁT 12 Ðức Giê-hô-va, ngài thật vĩ đại

a Một số tên đã được thay đổi.