BÀI HỌC 40
BÀI HÁT 30 Ngài là Cha, là Ðức Chúa Trời và là Bạn tôi
Ðức Giê-hô-va “chữa lành người có tấm lòng tan vỡ”
“Ngài chữa lành người có tấm lòng tan vỡ, băng bó lại vết thương của họ”.—THI 147:3.
TRỌNG TÂM
Ðức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến những người phải chịu nỗi đau về cảm xúc. Bài này sẽ cho thấy cách ngài an ủi khi chúng ta đau khổ và cách ngài giúp chúng ta an ủi người khác.
1. Ðức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về các tôi tớ của ngài?
Ðức Giê-hô-va thấy điều gì khi quan sát các tôi tớ của ngài trên đất? Ngài biết niềm vui và nỗi buồn của chúng ta (Thi 37:18). Ðức Giê-hô-va rất hài lòng khi thấy chúng ta cố gắng hết sức để phụng sự ngài dù phải đương đầu với nỗi đau về cảm xúc. Không những thế, ngài còn rất muốn giúp đỡ và an ủi chúng ta.
2. Ðức Giê-hô-va làm gì cho người có tấm lòng tan vỡ, và làm thế nào để nhận lợi ích từ sự chăm sóc của ngài?
2 Thi thiên 147:3 nói rằng Ðức Giê-hô-va “băng bó lại vết thương” của người có tấm lòng tan vỡ. Trong câu này, ngài được miêu tả là đấng dịu dàng chăm sóc những người phải chịu nỗi đau về cảm xúc. Chúng ta cần làm gì để nhận được lợi ích từ sự chăm sóc của Ðức Giê-hô-va? Hãy xem một minh họa. Một bác sĩ giỏi có thể làm nhiều điều để giúp người bị thương được lành. Nhưng để nhận được lợi ích, người bị thương ấy cần cẩn thận làm theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trong bài này, hãy xem Ðức Giê-hô-va nói gì qua Kinh Thánh với những người chịu nỗi đau về cảm xúc, và cách để áp dụng các lời khuyên đầy yêu thương của ngài.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA TRẤN AN LÀ CHÚNG TA RẤT QUÝ GIÁ
3. Tại sao một số người cảm thấy mình không có giá trị?
3 Chúng ta sống trong một thế gian thiếu tình yêu thương, và đáng buồn là nhiều người bị đối xử tệ nên họ cảm thấy không có giá trị. Một chị tên Helen a nói: “Tôi lớn lên trong một gia đình không có tình yêu thương. Cha tôi là người bạo lực, và ngày nào cũng nói rằng tôi thật vô dụng”. Giống như chị Helen, có lẽ anh chị đã bị đối xử tệ, thường xuyên bị chỉ trích hoặc bị người khác khiến mình cảm thấy không đáng được yêu thương. Nếu thế, anh chị có thể thấy khó tin là có ai đó thật lòng quan tâm đến mình.
4. Theo Thi thiên 34:18, Ðức Giê-hô-va đưa ra lời đảm bảo nào?
4 Ngay cả nếu người khác đối xử tệ với mình, anh chị có thể chắc chắn là Ðức Giê-hô-va yêu thương và quý trọng anh chị. Ngài “kề bên người có tấm lòng tan vỡ”. (Ðọc Thi thiên 34:18). Nếu cảm thấy “tâm can giày vò”, hãy nhớ rằng Ðức Giê-hô-va đã thấy những điểm tốt trong lòng anh chị và kéo anh chị đến với ngài (Giăng 6:44). Ngài luôn sẵn sàng giúp đỡ vì anh chị quý giá đối với ngài.
5. Chúng ta học được gì từ cách Chúa Giê-su đối xử với những người bị xem thường?
5 Chúng ta có thể hiểu rõ cảm xúc của Ðức Giê-hô-va hơn khi xem xét gương mẫu của Chúa Giê-su. Trong thời gian thi hành thánh chức trên đất, Chúa Giê-su quan tâm đến những người bị xem thường và đối xử với họ với lòng trắc ẩn (Mat 9:9-12). Khi một phụ nữ mắc căn bệnh khổ sở sờ vào áo ngài với hy vọng được lành bệnh, Chúa Giê-su đã an ủi và khen bà vì đức tin của bà (Mác 5:25-34). Chúa Giê-su noi gương Cha ngài một cách hoàn hảo (Giăng 14:9). Vì thế, anh chị có thể chắc chắn là Ðức Giê-hô-va quý trọng và thấy những phẩm chất tốt của anh chị, kể cả đức tin và tình yêu thương dành cho ngài.
6. Làm thế nào một người có thể đương đầu với cảm giác mình vô giá trị?
6 Anh chị có thể làm gì nếu cảm thấy mình vô giá trị? Hãy đọc và suy ngẫm những câu Kinh Thánh đảm bảo là anh chị rất quý giá đối với Ðức Giê-hô-va b (Thi 94:19). Nếu anh chị không đạt được một mục tiêu nào đó hoặc nản lòng vì không thể làm nhiều như người khác, đừng tự xét đoán bản thân một cách khắt khe. Ðức Giê-hô-va có những mong đợi phải lẽ nơi chúng ta (Thi 103:13, 14). Nếu trước đây anh chị bị lạm dụng về thể chất, tinh thần hoặc tình dục, đừng đổ lỗi cho bản thân về điều mà kẻ lạm dụng gây ra. Ðó không phải là lỗi của anh chị! Hãy nhớ rằng Ðức Giê-hô-va buộc người có hành vi sai trái phải chịu trách nhiệm, chứ không phải nạn nhân (1 Phi 3:12). Chị Sandra, bị lạm dụng khi còn nhỏ, nói rằng: “Tôi thường xuyên cầu xin Ðức Giê-hô-va giúp mình có cái nhìn thăng bằng về bản thân và thấy được những phẩm chất tốt mà ngài thấy nơi tôi”.
7. Những trải nghiệm trước đây có thể giúp chúng ta như thế nào trong việc phụng sự Ðức Giê-hô-va?
7 Hãy tin chắc Ðức Giê-hô-va có thể dùng anh chị để giúp người khác. Ngài đã ban cho anh chị vinh dự là người cùng làm việc với ngài trong thánh chức (1 Cô 3:9). Rất có thể những trải nghiệm trong đời sống đã giúp anh chị hiểu được cảm xúc của người khác. Anh chị có thể giúp họ rất nhiều. Chị Helen, được đề cập ở trên, đã nhận sự trợ giúp và hiện tại có thể giúp đỡ người khác. Chị nói: “Tôi từng nghĩ mình vô giá trị nhưng Ðức Giê-hô-va đã giúp tôi cảm thấy mình hữu ích và được yêu thương”. Hiện nay, chị Helen vui mừng làm tiên phong đều đều.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA MUỐN CHÚNG TA CHẤP NHẬN SỰ THA THỨ CỦA NGÀI
8. Chúng ta tìm thấy lời đảm bảo nào nơi Ê-sai 1:18?
8 Một số tôi tớ của Ðức Giê-hô-va bị dằn vặt về những tội trong quá khứ, dù là tội trước khi báp-têm hoặc ngay cả sau đó. Nhưng chúng ta nên nhớ rằng Ðức Giê-hô-va cung cấp giá chuộc vì rất yêu thương chúng ta. Chắc chắn ngài muốn chúng ta chấp nhận món quà này. Ðức Giê-hô-va đảm bảo rằng sau khi chúng ta đã “làm rõ vấn đề” c với ngài, ngài sẽ hoàn toàn tha thứ cho chúng ta. (Ðọc Ê-sai 1:18). Thật biết ơn vì Cha Giê-hô-va đầy yêu thương không ghi nhớ tội chúng ta phạm trong quá khứ! Ðồng thời, ngài cũng không bao giờ quên những điều tốt mà chúng ta đã làm.—Thi 103:9, 12; Hê 6:10.
9. Tại sao chúng ta nên cố gắng hết sức tập trung vào hiện tại và tương lai thay vì quá khứ?
9 Nếu anh chị cảm thấy dằn vặt về quá khứ, hãy cố gắng hết sức tập trung vào hiện tại và tương lai thay vì quá khứ. Hãy xem gương của sứ đồ Phao-lô. Ông hối hận vì từng bắt bớ tín đồ đạo Ðấng Ki-tô một cách tàn nhẫn, nhưng ông biết Ðức Giê-hô-va đã tha thứ cho mình (1 Ti 1:12-15). Ông có tiếp tục nghĩ mãi về những tội trong quá khứ không? Chắc chắn là không, cũng giống như ông không nghĩ mãi về những thành quả đạt được khi còn là tín đồ của Do Thái giáo (Phi-líp 3:4-8, 13-15). Thay vì thế, ông sốt sắng thi hành thánh chức và hướng đến tương lai. Như Phao-lô, anh chị không thể thay đổi quá khứ. Nhưng anh chị có thể tôn vinh Ðức Giê-hô-va trong hoàn cảnh hiện tại và hướng đến tương lai tuyệt vời mà ngài hứa ban cho mình.
10. Chúng ta có thể làm gì nếu những hành động của mình trong quá khứ khiến người khác tổn thương?
10 Anh chị có thể cảm thấy dằn vặt vì những hành động của mình trong quá khứ khiến người khác tổn thương. Ðiều gì có thể giúp ích? Hãy làm những gì có thể để cải thiện tình hình, kể cả việc xin lỗi một cách chân thành (2 Cô 7:11). Hãy cầu xin Ðức Giê-hô-va giúp đỡ những người mà anh chị làm tổn thương. Ngài có thể giúp cả anh chị lẫn họ chịu đựng và có lại sự bình an.
11. Chúng ta học được gì từ trường hợp của nhà tiên tri Giô-na? (Cũng xem hình).
11 Hãy học từ những lỗi lầm trong quá khứ và sẵn sàng để Ðức Giê-hô-va dùng anh chị theo bất cứ cách nào ngài muốn. Hãy lưu ý trường hợp của nhà tiên tri Giô-na. Thay vì đi đến Ni-ni-ve theo lệnh của Ðức Chúa Trời, ông chạy trốn theo hướng ngược lại. Ðức Giê-hô-va đã sửa trị Giô-na, và ông rút ra bài học từ lỗi lầm của mình (Giô-na 1:1-4, 15-17; 2:7-10). Ðức Giê-hô-va không từ bỏ ông. Ngài lại sai ông đến Ni-ni-ve, và lần này ông nhanh chóng vâng lời. Dù bị dằn vặt về lỗi lầm trong quá khứ nhưng Giô-na vẫn nhận nhiệm vụ mà Ðức Giê-hô-va giao.—Giô-na 3:1-3.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA AN ỦI CHÚNG TA QUA THẦN KHÍ THÁNH
12. Khi gặp bi kịch hoặc chịu sự mất mát, làm thế nào để nhận sự bình an của Ðức Giê-hô-va? (Phi-líp 4:6, 7)
12 Qua thần khí thánh, Ðức Giê-hô-va an ủi chúng ta khi chúng ta gặp bi kịch hoặc chịu sự mất mát. Hãy xem trường hợp của anh Ron và chị Carol. Ðiều khủng khiếp là con trai của họ đã tự tử. Họ nói: “Trước đây, chúng tôi trải qua nhiều thử thách nhưng thử thách này là khó khăn nhất. Chúng tôi đã cầu nguyện suốt nhiều đêm thức trắng và thật sự cảm nghiệm sự bình an như được miêu tả nơi Phi-líp 4:6, 7”. (Ðọc). Nếu anh chị đang gặp thử thách khiến tấm lòng tan vỡ, anh chị có thể dốc đổ lòng mình với Ðức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. Anh chị có thể làm thế thường xuyên và bao lâu cũng được (Thi 86:3; 88:1). Hãy tiếp tục cầu xin Ðức Giê-hô-va ban thần khí. Ngài sẽ không bao giờ lờ đi lời kêu cầu của anh chị.—Lu 11:9-13.
13. Thần khí có thể giúp chúng ta như thế nào để tiếp tục trung thành thờ phượng Ðức Giê-hô-va? (Ê-phê-sô 3:16)
13 Có bao giờ anh chị trải qua một thử thách cam go khiến mình kiệt sức chưa? Thần khí có thể thêm sức cho anh chị để tiếp tục trung thành thờ phượng Ðức Giê-hô-va. (Ðọc Ê-phê-sô 3:16). Hãy xem kinh nghiệm của chị Flora. Vợ chồng chị cùng nhau làm giáo sĩ nhưng rồi anh phản bội chị, và họ ly dị. Chị nói: “Cảm giác đau khổ vì bị phản bội khiến tôi choáng ngợp. Tôi đã cầu xin Ðức Giê-hô-va ban thần khí để chịu đựng. Ngài đã ban điều mà tôi cần để được chữa lành và đối phó với vấn đề mà lúc đầu tôi nghĩ là không thể vượt qua được”. Chị cảm nhận Ðức Chúa Trời đã giúp mình củng cố lòng tin cậy nơi ngài, và tin chắc ngài sẽ nâng đỡ mình trong mọi thử thách. Chị cho biết thêm: “Những lời nơi Thi thiên 119:32 rất đúng trong trường hợp của tôi: ‘Con sẽ chạy theo đường lối của điều răn ngài vì ngài mở lòng để con đón nhận đường ấy’”.
14. Làm thế nào chúng ta có thể nhận được thần khí?
14 Làm thế nào để hành động phù hợp với lời cầu xin Ðức Chúa Trời ban thần khí? Hãy tham gia những hoạt động giúp anh chị nhận được thần khí, chẳng hạn như tham dự buổi nhóm họp và làm chứng cho người khác. Hãy lấp đầy tâm trí bằng những ý tưởng của Ðức Giê-hô-va qua việc đọc Lời ngài mỗi ngày (Phi-líp 4:8, 9). Khi đọc Kinh Thánh, hãy chú ý đến các nhân vật đã trải qua thử thách và suy ngẫm cách Ðức Giê-hô-va giúp họ chịu đựng. Chị Sandra, được đề cập ở trên, đã gặp phải một loạt thử thách cam go. Chị nói: “Lời tường thuật về Giô-sép thật sự động đến lòng tôi. Giô-sép đã không để cho những thử thách và bất công khiến cho mối quan hệ của mình với Ðức Giê-hô-va bị suy yếu”.—Sáng 39:21-23.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA AN ỦI CHÚNG TA QUA ANH EM ÐỒNG ÐẠO
15. Chúng ta có thể nhận được sự an ủi từ ai, và họ có thể giúp chúng ta như thế nào? (Cũng xem hình).
15 Khi chúng ta đau khổ, anh em đồng đạo có thể là “nguồn an ủi lớn” (Cô 4:11). Anh em đồng đạo là một cách Ðức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với chúng ta. Họ có thể an ủi chúng ta bằng cách lắng nghe với lòng cảm thông hoặc có mặt bên cạnh chúng ta. Họ có thể chia sẻ một câu Kinh Thánh khích lệ hoặc cầu nguyện cùng chúng ta d (Rô 15:4). Ðôi khi anh em đồng đạo có thể nhắc chúng ta nhớ lại lối suy nghĩ của Ðức Giê-hô-va, và nhờ đó chúng ta giữ được quan điểm thăng bằng. Họ có thể trợ giúp chúng ta một cách thực tế, chẳng hạn như cung cấp bữa ăn trong lúc chúng ta đau khổ.
16. Chúng ta có thể cần làm gì để nhận sự hỗ trợ từ người khác?
16 Ðể nhận sự hỗ trợ, có thể chúng ta cần xin người khác giúp. Anh em đồng đạo yêu thương và muốn giúp đỡ chúng ta (Châm 17:17). Nhưng có thể họ không biết chúng ta cảm thấy thế nào hoặc cần gì (Châm 14:10). Nếu anh chị đang đau khổ, hãy sẵn sàng chia sẻ cảm xúc với những người bạn thành thục. Hãy cho họ biết điều gì có thể giúp anh chị. Anh chị có thể nói chuyện với một hoặc hai trưởng lão mà anh chị thấy dễ đến gần. Một số chị cảm thấy được an ủi khi nói chuyện với một chị thành thục khác.
17. Một số trở ngại nào có thể khiến chúng ta không nhận sự khích lệ, và làm thế nào để vượt qua những trở ngại ấy?
17 Hãy kháng cự khuynh hướng tự cô lập bản thân. Vì những cảm xúc đau buồn, anh chị có thể không muốn kết hợp với ai. Hoặc đôi khi anh em đồng đạo có thể hiểu lầm anh chị hay nói những lời khiến anh chị đau lòng (Gia 3:2). Ðừng để những trở ngại đó khiến mình không nhận sự khích lệ cần thiết. Một trưởng lão tên Gavin bị trầm cảm. Anh chia sẻ: “Nhiều khi tôi thật sự không muốn dành thời gian hoặc trò chuyện với anh em đồng đạo”. Tuy nhiên, anh Gavin không chiều theo cảm xúc của mình, và nhận được lợi ích nhờ kết hợp với anh em. Một chị tên Amy nói: “Vì những trải nghiệm trong quá khứ, tôi thấy khó tin cậy người khác. Nhưng tôi tập yêu thương và tin cậy anh em đồng đạo, giống như cách Ðức Giê-hô-va đã làm với họ. Tôi biết là điều này làm ngài vui lòng và cũng khiến tôi hạnh phúc”.
HÃY TÌM SỰ AN ỦI QUA CÁC LỜI HỨA CỦA ÐỨC GIÊ-HÔ-VA
18. Chúng ta có thể trông đợi điều gì trong tương lai, và chúng ta có thể làm gì bây giờ?
18 Chúng ta có thể hướng đến tương lai với lòng tin chắc, vì biết rằng chẳng bao lâu nữa Ðức Giê-hô-va sẽ hoàn toàn chữa lành chúng ta khỏi mọi nỗi đau về thể chất lẫn cảm xúc (Khải 21:3, 4). Lúc đó, những điều gây đau khổ mà chúng ta đã trải qua sẽ “không được khơi lại trong lòng” (Ê-sai 65:17). Nhưng như chúng ta đã xem xét, hiện nay Ðức Giê-hô-va cũng “băng bó lại vết thương” của chúng ta. Hãy tận dụng những sự cung cấp đầy yêu thương của ngài để giúp chúng ta được an ủi và xoa dịu. Hãy luôn tin chắc rằng ‘ngài quan tâm đến anh chị’.—1 Phi 5:7.
BÀI HÁT 7 Ðức Giê-hô-va, ngài là sức mạnh của chúng con
a Các tên đã được thay đổi.
b Xem khung “ Ðức Giê-hô-va quý trọng anh chị”.
c Ðể “làm rõ vấn đề” với Ðức Giê-hô-va, chúng ta cần chứng tỏ mình ăn năn bằng cách cầu xin ngài tha tội và thay đổi hạnh kiểm. Nếu phạm tội trọng, chúng ta cũng cần tìm sự trợ giúp của các trưởng lão.—Gia 5:14, 15.
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)