BÀI HỌC 41

BÀI HÁT 13 Ðấng Ki-tô, gương mẫu của chúng ta

Học từ 40 ngày cuối cùng của Chúa Giê-su trên đất

Học từ 40 ngày cuối cùng của Chúa Giê-su trên đất

“Trong 40 ngày, ngài hiện ra nhiều lần với họ và nói về Nước Ðức Chúa Trời”.CÔNG 1:3.

TRỌNG TÂM

Cách để noi gương Chúa Giê-su trong khoảng thời gian 40 ngày cuối cùng của ngài trên đất.

1, 2. Chuyện gì xảy ra khi hai môn đồ của Chúa Giê-su đang trên đường đến Em-ma-út?

 Ðó là ngày 16 tháng Ni-san năm 33 CN. Các môn đồ của Chúa Giê-su vô cùng đau buồn và sợ hãi. Hai người trong số họ đã rời Giê-ru-sa-lem và đi đến Em-ma-út, một làng cách Giê-ru-sa-lem khoảng 11 cây số. Hai người này đang rất nản lòng vì thầy của họ là Chúa Giê-su vừa bị xử tử. Dường như những điều họ hy vọng nơi Ðấng Mê-si đã tan biến. Nhưng một chuyện bất ngờ sắp xảy ra.

2 Một người lạ đến gặp họ và cùng đi với họ. Hai môn đồ kể lại chuyện khủng khiếp đã xảy ra với Chúa Giê-su. Rồi người lạ ấy nói về những điều mà sẽ hoàn toàn thay đổi đời sống họ. “Bắt đầu từ sách của Môi-se và sách của tất cả các nhà tiên tri”, người đó giải thích lý do Ðấng Mê-si phải chịu khổ và chết. Khi ba người đến Em-ma-út, người đó tiết lộ mình là ai: Chính là Chúa Giê-su đã được sống lại! Chúng ta có thể hình dung hai môn đồ vui mừng đến mức nào khi biết Ðấng Mê-si đang sống!—Lu 24:​13-35.

3, 4. (a) Chúa Giê-su đã làm gì để giúp các môn đồ, và kết quả là gì? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì? (Công vụ 1:3)

3 Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đồ nhiều lần trong 40 ngày cuối cùng trên đất. a (Ðọc Công vụ 1:3). Trong khoảng thời gian đó, Chúa Giê-su đã khích lệ các môn đồ đang đau buồn và sợ hãi ấy. Họ đã trở thành đạo quân những người rao truyền và dạy dỗ về Nước Trời đầy vui mừng, tự tin và can đảm.

4 Chúng ta có thể nhận được lợi ích từ việc học về khoảng thời gian hào hứng này trong cuộc đời của Chúa Giê-su. Bài này sẽ xem cách Chúa Giê-su dùng khoảng thời gian ấy để (1) khích lệ các môn đồ, (2) giúp họ có sự hiểu biết sâu sắc hơn về Kinh Thánh và (3) huấn luyện họ để đảm nhận những trách nhiệm lớn hơn. Bài này cũng sẽ giúp chúng ta thấy cách để noi theo Chúa Giê-su trong ba khía cạnh ấy.

KHÍCH LỆ NGƯỜI KHÁC

5. Tại sao các môn đồ của Chúa Giê-su cần được khích lệ?

5 Các môn đồ của Chúa Giê-su cần sự khích lệ. Tại sao? Một số người đã bỏ lại nhà cửa, gia đình và công ăn việc làm để theo Chúa Giê-su (Mat 19:27). Những người khác bị cộng đồng ruồng bỏ vì trở thành môn đồ ngài (Giăng 9:22). Họ đã hy sinh những điều ấy và chịu khổ vì tin rằng Chúa Giê-su là Ðấng Mê-si được hứa trước (Mat 16:16). Nhưng khi ngài bị xử tử, hy vọng của họ tan biến và họ rất nản lòng.

6. Chúa Giê-su đã làm gì sau khi được sống lại?

6 Hẳn Chúa Giê-su không xem nỗi đau khổ của các môn đồ là biểu hiện của sự yếu đuối về thiêng liêng, nhưng xem đó là phản ứng bình thường trước sự mất mát to lớn. Vì thế, chính vào ngày được sống lại, Chúa Giê-su đã khích lệ các bạn mình. Chẳng hạn, ngài hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len khi bà đang khóc bên mộ ngài (Giăng 20:​11, 16). Ngài cũng hiện ra với hai môn đồ được đề cập ở đầu bài. Và ngài hiện ra với sứ đồ Phi-e-rơ (Lu 24:34). Chúng ta học được gì từ gương của Chúa Giê-su? Hãy xem chuyện gì xảy ra trong lần đầu tiên ngài hiện ra.

7. Theo Giăng 20:​11-16, Chúa Giê-su thấy Ma-ri làm gì vào sáng sớm ngày 16 tháng Ni-san, và điều đó thôi thúc ngài làm gì? (Cũng xem hình).

7 Ðọc Giăng 20:​11-16. Vào sáng sớm ngày 16 tháng Ni-san, một số phụ nữ trung thành đã đến mộ của Chúa Giê-su (Lu 24:​1, 10). Hãy tập trung vào một người trong số ấy là Ma-ri Ma-đơ-len. Khi đến mộ, Ma-ri không thấy thi thể của Chúa Giê-su. Bà chạy đi báo với Phi-e-rơ và Giăng. Hai người này bèn chạy đến mộ, và bà theo sau. Sau khi xác định mộ trống rỗng, hai người đi về. Nhưng Ma-ri thì không. Bà vẫn ở lại đó và khóc. Bà không hề biết Chúa Giê-su đang quan sát mình. Ngài nhìn thấy những giọt nước mắt của người phụ nữ trung thành này và rất cảm động. Vì thế, ngài hiện ra với Ma-ri và làm một việc đơn giản nhưng khích lệ bà rất nhiều. Ngài nói chuyện với bà và giao cho bà một nhiệm vụ quan trọng, đó là báo tin cho các môn đồ về sự sống lại của ngài.—Giăng 20:​17, 18.

Hãy noi theo Chúa Giê-su bằng cách quan sát và cảm thông với những người đang nản lòng (Xem đoạn 7)


8. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo Chúa Giê-su?

8 Làm thế nào để noi theo Chúa Giê-su? Chúng ta có thể khuyến khích anh em đồng đạo tiếp tục phụng sự Ðức Giê-hô-va. Giống như Chúa Giê-su, chúng ta cần để ý đến những khó khăn của họ và thể hiện lòng đồng cảm khi trò chuyện với họ. Hãy xem kinh nghiệm của chị Jocelyn có em gái qua đời trong một tai nạn thảm khốc. Chị cho biết: “Trong nhiều tháng, lúc nào tôi cũng cảm thấy vô cùng đau buồn”. Tuy nhiên, một cặp vợ chồng đã mời chị đến nhà, lắng nghe chị với lòng đồng cảm và trấn an rằng chị rất quý giá trong mắt Ðức Chúa Trời. Chị Jocelyn nói: “Tôi cảm thấy như thể Ðức Giê-hô-va dùng họ để cứu mình khỏi bị chìm trong cơn bão dữ dội ngoài biển và đưa lên thuyền cứu hộ. Họ giúp tôi có lại ước muốn để tiếp tục phụng sự ngài”. Chúng ta cũng có thể khích lệ người khác bằng cách chăm chú lắng nghe khi họ bày tỏ nỗi lòng và bằng cách thể hiện lòng đồng cảm khi trò chuyện với họ. Nhờ thế, chúng ta có thể thêm sức để anh em tiếp tục phụng sự Ðức Chúa Trời.—Rô 12:15.

LÝ LUẬN DỰA TRÊN KINH THÁNH

9. Các môn đồ của Chúa Giê-su đối mặt với thử thách nào, và ngài đã giúp họ ra sao?

9 Các môn đồ của Chúa Giê-su chấp nhận Lời Ðức Chúa Trời và cố gắng hết sức áp dụng vào đời sống (Giăng 17:6). Dù vậy, họ không thể hiểu tại sao Chúa Giê-su lại phải chết như một tử tội. Chúa Giê-su biết các môn đồ có đức tin và yêu thương Ðức Giê-hô-va, nhưng ngài nhận thấy họ cần hiểu Kinh Thánh rõ hơn (Lu 9:​44, 45; Giăng 20:9). Thế nên, ngài dạy họ cách lý luận dựa trên Kinh Thánh. Hãy xem ngài đã làm vậy như thế nào khi hiện ra với hai môn đồ đang trên đường đến Em-ma-út.

10. Làm thế nào Chúa Giê-su giúp các môn đồ nhận ra ngài thật sự là Ðấng Mê-si? (Lu-ca 24:​18-27)

10 Ðọc Lu-ca 24:​18-27. Hãy lưu ý rằng Chúa Giê-su không ngay lập tức cho hai người đó biết ngài là ai, nhưng lại đặt câu hỏi. Tại sao ngài làm thế? Có lẽ ngài muốn họ nói ra những điều trong lòng và trí mình. Và họ cho ngài biết họ đã trông đợi Chúa Giê-su giải cứu Y-sơ-ra-ên khỏi sự áp bức của La Mã. Sau khi hai người nói rõ mối quan tâm của họ, ngài dùng Kinh Thánh để giúp họ hiểu rằng nhiều lời tiên tri đã ứng nghiệm. b Rồi vào tối hôm ấy, ngài cũng gặp các môn đồ khác và giải thích ý nghĩa của các lời tiên tri đó (Lu 24:​33-48). Chúng ta học được gì từ lời tường thuật này?

11. Chúng ta học được gì từ cách Chúa Giê-su dạy các sự thật trong Kinh Thánh? (Cũng xem các hình).

11 Làm thế nào để noi theo Chúa Giê-su? Khi dạy học viên Kinh Thánh, trước tiên anh chị hãy khéo đặt câu hỏi để “múc lấy” những điều trong lòng và trí học viên (Châm 20:5). Một khi anh chị đã hiểu cảm xúc của họ, hãy chỉ cho họ cách tìm những câu Kinh Thánh áp dụng cho trường hợp của mình. Ðừng bảo học viên phải làm gì. Thay vì thế, hãy giúp họ lý luận dựa trên Kinh Thánh và nhận ra cách áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống. Hãy xem kinh nghiệm của một anh ở Ghana tên là Nortey.

12. Người dạy đã giúp anh Nortey như thế nào?

12 Năm 16 tuổi, anh Nortey bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, nhưng không lâu sau thì bị gia đình chống đối. Ðiều gì giúp anh đứng vững? Người dạy Kinh Thánh cho anh đã dùng Ma-thi-ơ chương 10 để giải thích rằng các tín đồ chân chính sẽ bị ngược đãi. Anh Nortey nói: “Nhờ thế, khi sự ngược đãi xảy ra, tôi tin chắc mình đã tìm được chân lý”. Người dạy cũng giúp anh lý luận dựa trên Ma-thi-ơ 10:16 để anh có thể cẩn thận và có thái độ tôn trọng khi nói về niềm tin với gia đình. Sau khi báp-têm, anh muốn làm tiên phong nhưng cha anh muốn anh vào đại học. Thay vì bảo Nortey điều phải làm, người dạy đã dùng câu hỏi và giúp anh lý luận dựa trên nguyên tắc Kinh Thánh. Kết quả là gì? Anh Nortey quyết định phụng sự trọn thời gian. Cha anh đã đuổi anh ra khỏi nhà. Anh Nortey cảm thấy thế nào về những chuyện đã xảy ra với mình? Anh cho biết: “Tôi tin chắc mình đã quyết định đúng”. Khi dành thời gian để giúp người khác lý luận dựa trên Kinh Thánh, chúng ta cũng có thể giúp họ trở thành những tín đồ có đức tin mạnh.—Ê-phê 3:​16-19.

Hãy noi theo Chúa Giê-su bằng cách giúp người khác lý luận dựa trên Kinh Thánh (Xem đoạn 11) e


HUẤN LUYỆN CÁC ANH TRỞ THÀNH “MÓN QUÀ LÀ NHỮNG CON NGƯỜI”

13. Chúa Giê-su đã làm gì để đảm bảo rằng công việc của Cha ngài tiếp tục được thực hiện? (Ê-phê-sô 4:8)

13 Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su đã thực hiện rất tốt công việc Cha giao cho ngài (Giăng 17:4). Nhưng Chúa Giê-su không nghĩ ngài là người duy nhất có thể thực hiện công việc Ðức Giê-hô-va giao. Trong ba năm rưỡi làm thánh chức, ngài đã huấn luyện người khác để thi hành công việc này. Trước khi trở về trời, Chúa Giê-su giao cho các môn đồ, kể cả những người có lẽ chưa đến 30 tuổi, trách nhiệm chăm sóc chiên quý giá của Ðức Giê-hô-va và dẫn đầu việc rao giảng và dạy dỗ về tin mừng. (Ðọc Ê-phê-sô 4:8). Chúa Giê-su đã dùng 40 ngày cuối cùng như thế nào để huấn luyện những anh trung thành và siêng năng này trở thành “món quà là những con người”?

14. Trong 40 ngày cuối cùng ở trên đất, Chúa Giê-su đã giúp các môn đồ thế nào để họ tiến bộ về thiêng liêng? (Cũng xem hình).

14 Chúa Giê-su khuyên các môn đồ một cách thẳng thắn nhưng yêu thương. Chẳng hạn, ngài để ý thấy một số môn đồ có khuynh hướng nghi ngờ nên đã khuyên họ (Lu 24:​25-27; Giăng 20:27). Ngài nhấn mạnh họ cần tập trung vào việc chăn chiên hơn là công việc ngoài đời (Giăng 21:15). Chúa Giê-su nhắc họ nhớ rằng đừng so sánh đặc ân phụng sự của mình với người khác (Giăng 21:​20-22). Ngài cũng điều chỉnh quan điểm sai của họ về Nước Trời và giúp họ tập trung vào việc rao truyền tin mừng (Công 1:​6-8). Các trưởng lão có thể học được gì từ Chúa Giê-su?

Hãy noi theo Chúa Giê-su bằng cách huấn luyện các nam tín đồ đảm nhận thêm trách nhiệm (Xem đoạn 14)


15, 16. (a) Các trưởng lão có thể noi theo Chúa Giê-su bằng cách nào? (b) Anh Patrick nhận được lợi ích như thế nào từ lời khuyên?

15 Làm thế nào các trưởng lão có thể noi theo Chúa Giê-su? Họ cần huấn luyện và hỗ trợ các nam tín đồ, kể cả những anh còn tương đối trẻ, để hội đủ điều kiện nhận trách nhiệm lớn hơn. c Các trưởng lão không mong những người mà họ huấn luyện phải hoàn hảo. Họ nên đưa ra lời khuyên yêu thương cho các anh trẻ. Nhờ thế, các anh này có thể có thêm kinh nghiệm và thấy cần phải khiêm nhường, trung tín và sẵn sàng phục vụ người khác.—1 Ti 3:1; 2 Ti 2:2; 1 Phi 5:5.

16 Hãy xem một anh tên Patrick nhận được lợi ích thế nào từ lời khuyên. Khi còn trẻ, anh có khuynh hướng nói gắt gỏng và đối xử thiếu tử tế, ngay cả với các chị. Một trưởng lão thành thục đã nhận thấy điểm yếu của anh Patrick và khuyên anh một cách tử tế nhưng thẳng thắn. Anh Patrick nói: “Tôi vui vì anh ấy đã làm thế. Tôi từng nản lòng khi thấy những anh khác nhận được đặc ân mà mình muốn. Nhưng lời khuyên của trưởng lão ấy đã giúp tôi nhận ra mình cần khiêm nhường và thể hiện tình yêu thương với anh em, thay vì tập trung vào việc nhận đặc ân trong hội thánh”. Kết quả là anh Patrick được bổ nhiệm làm trưởng lão khi mới 23 tuổi.—Châm 27:9.

17. Chúa Giê-su cho thấy ngài tin cậy các môn đồ như thế nào?

17 Trách nhiệm mà Chúa Giê-su giao cho các môn đồ không chỉ là rao giảng mà còn dạy dỗ (Mat 28:20). Các môn đồ có thể cảm thấy họ không hội đủ điều kiện cho trách nhiệm đó. Tuy nhiên, Chúa Giê-su tin chắc họ làm được và thể hiện lòng tin chắc ấy khi nói: “Như Cha đã phái tôi, tôi cũng phái anh em”.—Giăng 20:21.

18. Làm thế nào các trưởng lão có thể noi theo Chúa Giê-su?

18 Làm thế nào các trưởng lão có thể noi theo Chúa Giê-su? Các trưởng lão giàu kinh nghiệm giao nhiệm vụ cho người khác (Phi-líp 2:​19-22). Chẳng hạn, họ có thể mời những người trẻ tham gia dọn dẹp và bảo trì Phòng Nước Trời. Các anh có thể giao nhiệm vụ, huấn luyện họ cách thực hiện và tin họ sẽ làm tốt. Một trưởng lão mới tên là Matthew nói rằng anh rất biết ơn các trưởng lão có kinh nghiệm đã huấn luyện anh kỹ lưỡng và tin rằng anh sẽ làm tốt trách nhiệm. Anh cho biết: “Khi tôi mắc lỗi, các anh giúp tôi biết cách rút kinh nghiệm và cải thiện cho lần sau”. d

19. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

19 Chúa Giê-su đã dùng 40 ngày cuối cùng trên đất để khích lệ, dạy dỗ và huấn luyện người khác. Mong sao chúng ta quyết tâm theo sát gương mẫu của ngài (1 Phi 2:21). Ngài sẽ giúp chúng ta làm thế. Suy cho cùng, ngài đã hứa: “Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thế gian này kết thúc”.—Mat 28:20.

BÀI HÁT 15 Khen ngợi Con Ðầu Lòng của Ðức Giê-hô-va!

a Các sách Phúc âm và những sách khác trong Kinh Thánh ghi lại nhiều trường hợp Chúa Giê-su đã hiện ra với người khác sau khi được sống lại, chẳng hạn với Ma-ri Ma-đơ-len (Giăng 20:​11-18); với những phụ nữ khác (Mat 28:​8-10; Lu 24:​8-11); với 2 môn đồ (Lu 24:​13-15); với Phi-e-rơ (Lu 24:34); với các sứ đồ trừ Thô-ma (Giăng 20:​19-24); với các sứ đồ, kể cả Thô-ma (Giăng 20:26); với 7 môn đồ (Giăng 21:​1, 2); với hơn 500 môn đồ (Mat 28:16; 1 Cô 15:6); với em trai ngài là Gia-cơ (1 Cô 15:7); với tất cả các sứ đồ (Công 1:4); và với các sứ đồ gần Bê-tha-ni (Lu 24:​50-52). Có thể có những trường hợp khác ngài hiện ra mà không được ghi lại.—Giăng 21:25.

b Ðể biết danh sách các lời tiên tri về Ðấng Mê-si, xem bài “Chúa Giê-su có làm ứng nghiệm các lời tiên tri về Ðấng Mê-si không?” trên jw.org.

c Trong một số trường hợp, những anh hội đủ điều kiện có thể được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh khi mới ở độ tuổi 25 đến 30. Tuy nhiên, trước đó những anh này phải có kinh nghiệm làm trưởng lão.

d Ðể biết thêm gợi ý về cách huấn luyện các anh trẻ hầu họ đảm nhận trách nhiệm, xem Tháp Canh tháng 8 năm 2018, trg 11, 12, đ. 15-17, và Tháp Canh ngày 15-4-2015, trg 3-13.

e HÌNH ẢNH: Sau khi được giúp để lý luận dựa trên Kinh Thánh, một học viên quyết định bỏ đi những đồ trang trí cho Lễ Giáng Sinh.