BÀI HỌC 42
BÀI HÁT 103 Những anh chăn bầy—Món quà từ Ðức Chúa Trời
Thể hiện lòng biết ơn về “món quà là những con người”
“Khi ngài lên nơi cao,… ngài ban món quà là những con người”.—Ê-PHÊ 4:8.
TRỌNG TÂM
Cách phụ tá hội thánh, trưởng lão và giám thị vòng quanh giúp chúng ta, và cách chúng ta thể hiện lòng biết ơn về những điều mà các anh trung thành này làm.
1. Chúng ta nhận được một số món quà nào từ Chúa Giê-su?
Chưa từng có người nào rộng rãi như Chúa Giê-su. Khi còn ở trên đất, ngài nhiều lần làm phép lạ để giúp người khác (Lu 9:12-17). Ngài đã tặng cho nhân loại món quà tuyệt vời nhất khi hy sinh mạng sống vì chúng ta (Giăng 15:13). Từ lúc được sống lại, Chúa Giê-su tiếp tục thể hiện lòng rộng rãi. Như đã hứa, ngài cầu xin Ðức Giê-hô-va ban thần khí để dạy dỗ và an ủi chúng ta (Giăng 14:16, 17, chú thích; 16:13). Và qua những buổi nhóm họp, Chúa Giê-su tiếp tục trang bị cho chúng ta để đào tạo môn đồ trên khắp đất.—Mat 28:18-20.
2. “Món quà là những con người” được đề cập nơi Ê-phê-sô 4:7, 8 bao gồm những ai?
2 Hãy xem một món quà khác của Chúa Giê-su. Sứ đồ Phao-lô cho biết rằng sau khi lên trời, Chúa Giê-su “ban món quà là những con người”. (Ðọc Ê-phê-sô 4:7, 8). Phao-lô giải thích ngài ban món quà này để hỗ trợ hội thánh theo nhiều cách khác nhau (Ê-phê 1:22, 23; 4:11-13). Ngày nay, “món quà là những con người” bao gồm phụ tá hội thánh, trưởng lão và giám thị vòng quanh. a Dĩ nhiên, những anh này cũng mắc lỗi vì là người bất toàn (Gia 3:2). Nhưng Chúa Giê-su dùng họ để giúp chúng ta. Họ là những món quà mà ngài ban cho chúng ta.
3. Hãy nêu ví dụ cho thấy tất cả chúng ta có thể trợ giúp công việc của “món quà là những con người”.
3 Chúa Giê-su giao cho “món quà là những con người” nhiệm vụ làm vững mạnh hội thánh (Ê-phê 4:12). Nhưng tất cả chúng ta có thể giúp họ thực hiện trách nhiệm quan trọng này. Hãy xem ví dụ: Một số người trong chúng ta trực tiếp tham gia xây cất Phòng Nước Trời. Số khác thì hỗ trợ công việc này bằng cách cung cấp bữa ăn, phương tiện vận chuyển và qua những cách khác. Tương tự, qua lời nói và hành động, tất cả chúng ta có thể hỗ trợ phụ tá, trưởng lão và giám thị vòng quanh trong việc củng cố hội thánh. Hãy xem chúng ta nhận được lợi ích nào từ công việc khó nhọc của họ. Cũng hãy xem cách thể hiện lòng biết ơn với họ và Chúa Giê-su, đấng đã ban cho chúng ta “món quà là những con người”.
PHỤ TÁ HỘI THÁNH THỰC HIỆN “VIỆC GIÚP ÐỠ NGƯỜI KHÁC”
4. Vào thế kỷ thứ nhất, phụ tá hội thánh thực hiện “việc giúp đỡ người khác” qua một số cách nào?
4 Vào thế kỷ thứ nhất, một số anh được bổ nhiệm làm phụ tá hội thánh (1 Ti 3:8). Dường như họ là những người đã thực hiện “việc giúp đỡ người khác” mà Phao-lô nhắc đến (1 Cô 12:28). Rất có thể phụ tá hội thánh đã chăm lo những vấn đề cần thiết để các trưởng lão có thể tập trung vào việc dạy dỗ và chăn bầy. Chẳng hạn, có lẽ phụ tá hội thánh đã giúp sao chép Kinh Thánh hoặc mua vật liệu để làm việc ấy.
5. Ngày nay, phụ tá thực hiện một số công việc quan trọng nào trong hội thánh?
5 Hãy xem một số công việc quan trọng mà các phụ tá thực hiện trong hội thánh của anh chị (1 Phi 4:10). Họ có thể được giao phụ trách về kế toán hoặc khu vực rao giảng của hội thánh, đặt ấn phẩm và lo sao cho những người công bố nhận được ấn phẩm, điều khiển thiết bị âm thanh và hình ảnh, làm người hướng dẫn hoặc giúp bảo trì Phòng Nước Trời. Tất cả các việc này rất cần thiết để hội thánh hoạt động suôn sẻ (1 Cô 14:40). Ngoài ra, một số phụ tá cũng có phần trong Buổi họp Lối sống và thánh chức và trình bày diễn văn công cộng. Phụ tá cũng có thể được giao nhiệm vụ hỗ trợ giám thị nhóm. Ðôi khi, những phụ tá hội đủ điều kiện có thể đi cùng với các trưởng lão để thăm chiên.
6. Tại sao chúng ta biết ơn các phụ tá siêng năng?
6 Công việc của phụ tá mang lại những lợi ích nào cho hội thánh? Một chị ở Bolivia là Beberly b nói: “Nhờ các phụ tá hội thánh, tôi có thể thưởng thức các buổi nhóm họp một cách trọn vẹn. Nhờ công việc của họ, tôi có thể hát, bình luận, nghe bài giảng và học từ các video và hình ảnh. Họ chăm lo cho an ninh của Phòng Nước Trời và giúp đỡ những anh chị kết nối trực tuyến. Sau buổi nhóm họp, họ dẫn đầu việc vệ sinh Phòng Nước Trời, giúp việc kế toán và lo sao cho chúng tôi có ấn phẩm cần thiết. Tôi rất biết ơn các anh ấy!”. Chị Leslie, sống ở Colombia và có chồng là trưởng lão, chia sẻ: “Chồng tôi cần có sự giúp đỡ của các phụ tá hội thánh để chăm lo nhiều nhiệm vụ. Không có họ, anh ấy sẽ bận hơn, nên tôi biết ơn vì họ đã nhiệt tình và sẵn sàng giúp đỡ”. Chắc hẳn anh chị cũng có cảm xúc như thế về các phụ tá.—1 Ti 3:13.
7. Chúng ta có thể cho thấy mình biết ơn các phụ tá bằng cách nào? (Cũng xem hình).
7 Dù chúng ta cảm thấy biết ơn các phụ tá, Kinh Thánh khuyến giục chúng ta: “Hãy tỏ lòng biết ơn” (Cô 3:15). Một trưởng lão ở Phần Lan là Krzysztof cho biết cách anh tỏ lòng biết ơn: “Tôi gửi thiệp hoặc tin nhắn có trích câu Kinh Thánh, và nói cụ thể về cách mà anh phụ tá đã khích lệ tôi hoặc lý do tôi biết ơn công việc của anh”. Anh Pascal và chị Jael, sống ở New Caledonia, cầu nguyện cụ thể cho các phụ tá. Anh nói: “Gần đây, chúng tôi cầu nguyện nhiều cho các phụ tá, cảm tạ Ðức Giê-hô-va về các anh ấy và xin ngài giúp đỡ họ”. Ðức Giê-hô-va lắng nghe những lời cầu nguyện như thế, và nhờ đó, cả hội thánh nhận được lợi ích.—2 Cô 1:11.
TRƯỞNG LÃO “LÀM VIỆC KHÓ NHỌC GIỮA ANH EM”
8. Tại sao Phao-lô có thể nói rằng các trưởng lão vào thế kỷ thứ nhất “làm việc khó nhọc”? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13)
8 Các trưởng lão vào thế kỷ thứ nhất đã “làm việc khó nhọc” để phục vụ hội thánh. (Ðọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:12, 13; 1 Ti 5:17). Họ “hướng dẫn” hội thánh qua việc điều khiển các buổi nhóm họp và đưa ra quyết định với tư cách là hội đồng trưởng lão. Họ “khuyên nhủ” anh em bằng cách đưa ra lời khuyên cụ thể nhưng yêu thương để bảo vệ hội thánh (1 Tê 2:11, 12; 2 Ti 4:2). Dĩ nhiên, những anh này cũng làm việc khó nhọc để chu cấp cho gia đình và củng cố chính mình về thiêng liêng.—1 Ti 3:2, 4; Tít 1:6-9.
9. Ngày nay, các trưởng lão chăm lo một số trách nhiệm nào?
9 Ngày nay, các trưởng lão rất bận rộn. Họ là người rao truyền tin mừng (2 Ti 4:5). Họ sốt sắng dẫn đầu trong thánh chức, tổ chức công việc rao giảng tại địa phương, huấn luyện chúng ta để rao giảng và dạy dỗ hữu hiệu. Họ cũng là người xét xử giàu lòng thương xót và không thiên vị. Khi một tín đồ phạm tội trọng, các trưởng lão cố gắng giúp người ấy hàn gắn tình bạn với Ðức Giê-hô-va. Ðồng thời, họ cũng cẩn thận để giữ cho hội thánh thanh sạch (1 Cô 5:12, 13; Ga 6:1). Các trưởng lão chủ yếu được biết đến là người chăn bầy (1 Phi 5:1-3). Họ trình bày những bài giảng dựa trên Kinh Thánh được chuẩn bị kỹ, cố gắng làm quen với mọi người trong hội thánh và thăm chiên. Một số anh cũng hỗ trợ việc xây cất và bảo trì Phòng Nước Trời, tổ chức hội nghị vùng, trợ giúp Ủy ban Liên lạc Bệnh viện và Nhóm Thăm viếng Bệnh nhân cũng như thực hiện những nhiệm vụ khác. Các trưởng lão làm việc khó nhọc vì chúng ta!
10. Tại sao chúng ta biết ơn các trưởng lão làm việc khó nhọc?
10 Ðức Giê-hô-va báo trước rằng những người chăn sẽ chăm sóc chúng ta chu đáo và chúng ta “sẽ không còn sợ hãi hay kinh khiếp” (Giê 23:4). Chị Johanna ở Phần Lan cảm thấy điều này thật đúng khi mẹ chị bị bệnh nặng. Chị kể: “Dù tôi thấy khó chia sẻ cảm xúc với người khác, một trưởng lão mà tôi không biết rõ đã kiên nhẫn với tôi, cầu nguyện cùng tôi và trấn an rằng Ðức Giê-hô-va yêu thương tôi. Tôi không nhớ chính xác những gì anh ấy nói, nhưng tôi nhớ là mình đã cảm thấy an toàn. Tôi tin rằng Ðức Giê-hô-va đã phái anh ấy đến để giúp đỡ tôi đúng lúc”. Các trưởng lão trong hội thánh đã giúp anh chị như thế nào?
11. Chúng ta có thể cho thấy mình biết ơn các trưởng lão bằng cách nào? (Cũng xem hình).
11 Ðức Giê-hô-va muốn chúng ta thể hiện lòng biết ơn chân thành với các trưởng lão “vì công việc của họ” (1 Tê 5:12, 13). Chị Henrietta, cũng sống ở Phần Lan, cho biết: “Các trưởng lão sẵn sàng giúp người khác, nhưng điều này không có nghĩa là họ có nhiều thời gian và sức lực hơn hoặc không có thử thách nào trong đời sống. Ðôi khi tôi nói với một trưởng lão: ‘Tôi muốn cho anh biết rằng anh là trưởng lão rất tốt’”. Một chị ở Thổ Nhĩ Kỳ tên là Sera nói: “Các trưởng lão cần ‘nhiên liệu’ để tiếp tục công việc của mình. Vì thế, chúng ta có thể gửi thiệp cho họ, mời họ dùng bữa hoặc cùng họ tham gia thánh chức”. Có trưởng lão nào mà anh chị đặc biệt biết ơn không? Hãy tìm cách để thể hiện lòng biết ơn với anh ấy.—1 Cô 16:18.
GIÁM THỊ VÒNG QUANH LÀM VỮNG MẠNH
12. Sắp đặt nào đã làm vững mạnh các hội thánh vào thế kỷ thứ nhất? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8)
12 Chúa Giê-su ban cho hội thánh “món quà là những con người” để họ phục vụ theo một cách khác. Theo chỉ dẫn của ngài, các trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem phái Phao-lô, Ba-na-ba và các anh khác đi nhiều nơi với tư cách là giám thị lưu động (Công 11:22). Tại sao? Giống như phụ tá hội thánh và trưởng lão, họ được bổ nhiệm để giúp các hội thánh được vững mạnh (Công 15:40, 41). Những anh này đã hy sinh nhiều điều và thậm chí liều mình để dạy dỗ và khích lệ người khác.—Ðọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8.
13. Một số trách nhiệm của giám thị vòng quanh là gì?
13 Giám thị vòng quanh thường xuyên di chuyển. Một số anh đi hàng trăm cây số để đến thăm các hội thánh. Mỗi tuần, giám thị vòng quanh trình bày một số bài giảng, thăm chiên và điều khiển buổi họp với tiên phong, buổi họp với trưởng lão và các buổi nhóm rao giảng. Anh sắp xếp cho hội nghị vòng quanh cũng như hội nghị vùng và chuẩn bị bài giảng cho các hội nghị này. Anh dạy các trường tiên phong và sắp xếp buổi họp đặc biệt với tiên phong trong vòng quanh. Ngoài ra, anh cũng đảm nhận các nhiệm vụ khác mà văn phòng chi nhánh giao cho, đôi khi là những việc khẩn cấp.
14. Tại sao chúng ta biết ơn giám thị vòng quanh?
14 Hội thánh nhận được lợi ích nào từ công việc đáng quý của giám thị vòng quanh? Một anh ở Thổ Nhĩ Kỳ nhận xét như sau về những chuyến viếng thăm của giám thị lưu động: “Mỗi chuyến viếng thăm của họ thúc đẩy tôi dành thêm thời gian để giúp đỡ anh em đồng đạo. Tôi đã gặp nhiều giám thị vòng quanh, nhưng không ai trong số họ tỏ vẻ khó đến gần hoặc khiến tôi cảm thấy các anh quá bận rộn”. Chị Johanna, được đề cập ở trên, đã đi rao giảng cùng với giám thị vòng quanh nhưng họ không gặp ai ở nhà. Chị nói: “Dù vậy, tôi vẫn luôn nhớ ngày hôm đó. Cả hai chị gái của tôi vừa mới dọn đi nơi khác và tôi rất nhớ họ. Giám thị vòng quanh đã khích lệ và giúp tôi thấy rằng hiện tại chúng ta có thể không được sống gần gia đình và người thân, nhưng trong thế giới mới, chúng ta sẽ có vô số cơ hội ở bên nhau”. Nhiều người trong chúng ta cũng có ký ức tốt đẹp như thế về giám thị vòng quanh.—Công 20:37–21:1.
15. (a) Theo 3 Giăng 5-8, chúng ta có thể cho thấy mình biết ơn giám thị vòng quanh bằng cách nào? (Cũng xem hình). (b) Tại sao chúng ta nên cho thấy mình biết ơn vợ của các anh làm việc khó nhọc cho hội thánh, và chúng ta làm thế bằng cách nào? (Xem khung “ Hãy nhớ vợ của họ”).
15 Sứ đồ Giăng khuyến khích Gai-út thể hiện lòng hiếu khách với những anh đến thăm và “tiễn họ theo cách đẹp lòng Ðức Chúa Trời”. (Ðọc 3 Giăng 5-8). Một cách để chúng ta làm thế là mời giám thị vòng quanh dùng bữa. Cách khác là ủng hộ các sắp đặt về thánh chức trong chuyến viếng thăm của anh. Chị Leslie, được đề cập ở trên, cũng thể hiện lòng biết ơn qua những cách khác. Chị nói: “Tôi cầu xin Ðức Giê-hô-va chăm lo cho nhu cầu của họ. Vợ chồng tôi đã viết thư để cho họ biết chuyến viếng thăm của họ giúp chúng tôi rất nhiều”. Hãy nhớ rằng giám thị vòng quanh không phải là siêu nhân. Có lúc họ cũng bị bệnh, lo lắng, thậm chí nản lòng. Có lẽ những lời tử tế hoặc món quà nhỏ của anh chị sẽ là cách mà Ðức Giê-hô-va đáp lời cầu xin giúp đỡ của giám thị vòng quanh.—Châm 12:25.
CHÚNG TA CẦN “MÓN QUÀ LÀ NHỮNG CON NGƯỜI”
16. Phù hợp với Châm ngôn 3:27, các anh có thể tự đặt những câu hỏi nào?
16 Trên khắp thế giới, chúng ta cần thêm các anh phục vụ với tư cách “món quà là những con người”. Nếu là một anh đã báp-têm, anh “có khả năng giúp được” theo cách này không? (Ðọc Châm ngôn 3:27). Anh có sẵn sàng để hội đủ điều kiện làm phụ tá hội thánh không? Anh có thể vươn tới đặc ân làm trưởng lão để chăm lo cho nhu cầu của anh em đồng đạo không? c Anh có thể điều chỉnh hoàn cảnh của mình để xin tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời không? Trường này sẽ trang bị cho anh để được Chúa Giê-su dùng nhiều hơn. Nếu cảm thấy mình không có đủ khả năng, hãy cầu nguyện với Ðức Giê-hô-va. Hãy xin ngài ban thần khí giúp anh hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào được giao.—Lu 11:13; Công 20:28.
17. “Món quà là những con người” là bằng chứng cho thấy điều gì về Vua Giê-su của chúng ta?
17 Các anh mà Chúa Giê-su bổ nhiệm làm “món quà là những con người” là bằng chứng cho thấy ngài đang dẫn dắt chúng ta trong những ngày sau cùng này (Mat 28:20). Chúng ta thật biết ơn vì có một vị Vua yêu thương, rộng rãi và đầy lòng quan tâm, là đấng ban những anh hội đủ điều kiện để chăm lo cho nhu cầu của chúng ta. Vậy hãy tìm cơ hội để cho thấy mình biết ơn những anh làm việc khó nhọc này. Và đừng bao giờ quên cảm tạ Ðức Giê-hô-va, là Nguồn của “mọi món quà tốt lành và hoàn hảo”.—Gia 1:17.
BÀI HÁT 99 Hằng hà sa số anh em
a Các trưởng lão phục vụ với tư cách là thành viên của Hội đồng Lãnh đạo, những anh trợ giúp Hội đồng Lãnh đạo, thành viên Ủy ban Chi nhánh, và những anh phục vụ trong các nhiệm vụ khác cũng là “món quà là những con người”.
b Một số tên đã được thay đổi.
c Ðể biết thêm thông tin về cách vươn tới đặc ân làm phụ tá hội thánh hoặc trưởng lão, xem các bài “Các anh có đang vươn tới đặc ân làm phụ tá hội thánh không?” và “Các anh có đang vươn tới đặc ân làm trưởng lão không?” trong Tháp Canh tháng 11 năm 2024.
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)