BÀI HỌC 13
BÀI HÁT 127 Tôi xem mình thuộc loại người nào
Ðược an ủi khi biết Ðức Giê-hô-va hài lòng về mình
“Cha hài lòng về Con”.—LU 3:22.
TRỌNG TÂM
Cách vượt qua những nghi ngờ về việc Ðức Giê-hô-va có hài lòng về mình hay không.
1. Một số tôi tớ trung thành của Ðức Giê-hô-va tranh đấu với suy nghĩ nào?
Thật an ủi khi biết rằng Ðức Giê-hô-va chấp nhận dân ngài với tư cách là tập thể! Kinh Thánh nói: “Ðức Giê-hô-va hài lòng về dân ngài” (Thi 149:4). Tuy nhiên, có lúc một số người cảm thấy nản lòng đến mức băn khoăn không biết Ðức Giê-hô-va có hài lòng về cá nhân mình hay không. Nhiều tôi tớ trung thành vào thời Kinh Thánh đã có lúc phải tranh đấu với suy nghĩ như thế.—1 Sa 1:6-10; Gióp 29:2, 4; Thi 51:11.
2. Ðức Giê-hô-va hài lòng về ai?
2 Kinh Thánh cho thấy rõ người bất toàn có thể làm hài lòng Ðức Giê-hô-va. Bằng cách nào? Bằng cách thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su và báp-têm (Giăng 3:16). Khi làm thế, chúng ta công khai cho thấy mình đã ăn năn tội lỗi và hứa sẽ làm theo ý muốn của Ðức Chúa Trời (Công 2:38; 3:19). Ðức Giê-hô-va vui lòng khi chúng ta thực hiện những bước đó để vun trồng mối quan hệ với ngài. Nếu chúng ta nỗ lực hết sức để sống đúng với lời hứa nguyện dâng mình, Ðức Giê-hô-va sẽ hài lòng về chúng ta và xem chúng ta là bạn thân thiết của ngài.—Thi 25:14.
3. Bài này sẽ thảo luận điều gì?
3 Tuy nhiên, tại sao đôi khi một số người cảm thấy Ðức Chúa Trời không hài lòng về họ? Ðức Giê-hô-va cho thấy ngài hài lòng về chúng ta qua những cách nào? Và làm thế nào một tín đồ có thể củng cố lòng tin chắc là Ðức Chúa Trời hài lòng về mình?
TẠI SAO MỘT SỐ NGƯỜI CẢM THẤY ÐỨC GIÊ-HÔ-VA KHÔNG HÀI LÒNG VỀ HỌ?
4, 5. Ngay cả khi cảm thấy mình vô giá trị, chúng ta có thể chắc chắn điều gì?
4 Nhiều người trong chúng ta phải tranh đấu với cảm giác vô giá trị từ khi còn nhỏ (Thi 88:15). Một anh tên Adrián nói: “Từ trước đến nay, tôi luôn cảm thấy mình không có giá trị. Khi còn rất nhỏ, tôi nhớ là đã cầu xin cho cả gia đình vào được địa đàng, dù tôi tin chắc là mình không đủ tiêu chuẩn vào đó”. Anh Tony, người lớn lên trong gia đình không phải là Nhân Chứng, cho biết: “Cha mẹ không bao giờ nói họ yêu thương tôi hoặc tự hào về tôi. Vì thế, tôi cảm thấy không điều gì mình làm có thể khiến họ hài lòng”.
5 Nếu đôi khi phải tranh đấu với cảm xúc vô giá trị, chúng ta có thể nhớ rằng chính Ðức Giê-hô-va đã kéo mình đến với ngài (Giăng 6:44). Ngài thấy những điều tốt mà chúng ta có thể không thấy nơi bản thân mình, và ngài biết lòng chúng ta (1 Sa 16:7; 2 Sử 6:30). Vì thế, chúng ta có thể tin cậy ngài khi ngài nói rằng chúng ta rất quý giá.—1 Giăng 3:19, 20.
6. Sứ đồ Phao-lô cảm thấy thế nào về những tội lỗi của ông trong quá khứ?
6 Trước khi học chân lý, một số người trong chúng ta đã làm những điều khiến mình vẫn mang mặc cảm tội lỗi (1 Phi 4:3). Ngay cả các tín đồ trung thành cũng phải tranh đấu với khuynh hướng tội lỗi. Lòng anh chị có lên án mình không? Nếu có, anh chị có thể được an ủi khi biết rằng những tôi tớ trung thành của Ðức Giê-hô-va cũng đã vật lộn với cảm xúc tương tự. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô cảm thấy khốn khổ khi nghĩ về những khuyết điểm của mình (Rô 7:24). Dĩ nhiên, Phao-lô đã ăn năn tội lỗi và báp-têm. Dù vậy, ông gọi mình là “hèn mọn nhất trong các sứ đồ” và là “kẻ đứng đầu” những người tội lỗi.—1 Cô 15:9; 1 Ti 1:15.
7. Chúng ta nên ghi nhớ điều gì về tội mình đã phạm trong quá khứ?
7 Cha trên trời hứa sẽ tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta ăn năn (Thi 86:5). Vì thế, nếu thật lòng hối tiếc về những tội mình đã phạm, chúng ta có thể tin chắc lời ngài nói là sự thật: Ngài đã tha thứ cho chúng ta.—Cô 2:13.
8, 9. Làm thế nào để gạt bỏ suy nghĩ là những gì mình làm không bao giờ đủ để khiến Ðức Giê-hô-va hài lòng?
8 Tất cả chúng ta đều muốn phụng sự Ðức Giê-hô-va hết lòng. Tuy nhiên, một số người cảm thấy những gì mình làm không bao giờ đủ để khiến ngài hài lòng. Một chị tên Amanda cho biết: “Tôi có khuynh hướng nghĩ rằng dâng cho Ðức Giê-hô-va điều tốt nhất nghĩa là luôn phải làm nhiều hơn. Tôi thường đòi hỏi mình làm nhiều hơn những gì có thể. Khi không thực hiện được, tôi cho rằng Ðức Giê-hô-va thất vọng về mình, giống như tôi thất vọng về bản thân”.
9 Làm thế nào để gạt bỏ suy nghĩ là những gì mình làm không bao giờ đủ để khiến Ðức Giê-hô-va hài lòng? Hãy nhớ rằng Ðức Giê-hô-va không cứng nhắc mà luôn phải lẽ. Ngài không bao giờ đòi hỏi những điều ngoài khả năng của chúng ta. Ngài quý trọng bất cứ điều gì chúng ta làm cho ngài, miễn là chúng ta cố gắng hết sức. Ngoài ra, hãy suy ngẫm về những nhân vật trong Kinh Thánh đã phụng sự Ðức Giê-hô-va hết mình. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến Phao-lô. Ông đã nỗ lực hết sức để phụng sự trong nhiều năm, đi hàng ngàn cây số và thành lập nhiều hội thánh. Tuy nhiên, khi hoàn cảnh khiến ông không thể chia sẻ tin mừng nhiều như trước, phải chăng điều đó nghĩa là ông không còn làm hài lòng Ðức Chúa Trời? Không. Phao-lô tiếp tục làm những gì có thể, và Ðức Giê-hô-va ban phước cho ông (Công 28:30, 31). Tương tự, những gì chúng ta dâng cho Ðức Giê-hô-va có thể thay đổi theo hoàn cảnh. Nhưng điều quan trọng với ngài là động lực của chúng ta. Hãy xem một số cách mà Ðức Giê-hô-va cho thấy ngài hài lòng về chúng ta.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA CHO THẤY NGÀI HÀI LÒNG VỀ CHÚNG TA QUA NHỮNG CÁCH NÀO?
10. Làm thế nào để “nghe” Ðức Giê-hô-va phán là ngài hài lòng về chúng ta? (Giăng 16:27)
10 Qua Kinh Thánh. Ðức Giê-hô-va rất muốn thể hiện tình yêu thương với dân ngài và cho thấy ngài hài lòng về họ. Kinh Thánh tường thuật hai trường hợp mà ngài nói với Chúa Giê-su rằng Chúa Giê-su là Con yêu dấu của ngài, người Con mà ngài hài lòng (Mat 3:17; 17:5). Anh chị có muốn nghe Ðức Giê-hô-va nói là ngài hài lòng về anh chị không? Ngài không phán trực tiếp với chúng ta, nhưng phán qua những trang Kinh Thánh. Khi đọc những lời đầy yêu thương của Chúa Giê-su trong các sách Phúc âm thì chúng ta đang “nghe” tiếng Ðức Giê-hô-va phán với mình. (Ðọc Giăng 16:27). Chúa Giê-su phản ánh hoàn hảo những phẩm chất của Cha. Vì thế, khi đọc những lời của Chúa Giê-su cho thấy ngài hài lòng về các môn đồ bất toàn nhưng trung thành, chúng ta có thể hình dung Ðức Giê-hô-va đang nói những lời ấy với chúng ta.—Giăng 15:9, 15.
11. Tại sao việc chúng ta gặp nghịch cảnh không có nghĩa là Ðức Giê-hô-va không còn hài lòng về chúng ta? (Gia-cơ 1:12)
11 Qua hành động. Ðức Giê-hô-va sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, chẳng hạn như đáp ứng nhu cầu vật chất. Ðôi khi ngài có thể để chúng ta chịu đựng nghịch cảnh, như trong trường hợp của người công chính Gióp (Gióp 1:8-11). Tuy nhiên, việc chúng ta gặp thử thách không có nghĩa là Ðức Chúa Trời không còn hài lòng về mình. Thay vì thế, thử thách cho chúng ta cơ hội để chứng tỏ mình yêu thương và tin cậy ngài đến mức nào. (Ðọc Gia-cơ 1:12). Chúng ta sẽ cảm nghiệm được lòng quan tâm và sự hỗ trợ đầy yêu thương của Ðức Giê-hô-va khi ngài giúp chúng ta chịu đựng.
12. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của anh Dmitrii?
12 Hãy xem trường hợp của một anh ở châu Á tên là Dmitrii. Anh bị thất nghiệp và không thể tìm được công việc suốt nhiều tháng. Vì thế, anh quyết định gia tăng thánh chức, qua đó cho thấy anh tin cậy Ðức Giê-hô-va. Nhưng nhiều tháng trôi qua mà anh vẫn không tìm được việc. Rồi anh mắc bệnh nặng đến nỗi phải nằm liệt giường. Anh bắt đầu nghĩ mình không còn là người chồng và người cha tốt. Anh băn khoăn liệu Ðức Giê-hô-va có còn hài lòng về mình hay không. Tối nọ, con gái của anh cầm một tờ giấy có ghi những lời nơi Ê-sai 30:15: “Thế mạnh các ngươi là sự bình tĩnh và lòng tin cậy”. Em mang đến giường anh và nói: “Ba ơi! Khi buồn, ba hãy nhớ câu Kinh Thánh này nha”. Anh Dmitrii nhận ra rằng nhờ Ðức Giê-hô-va, gia đình anh vẫn có đủ thức ăn, quần áo và chỗ ở. Anh nói: “Ðiều tôi cần làm là giữ bình tĩnh và tiếp tục tin cậy Ðức Chúa Trời”. Nếu đương đầu với thử thách tương tự, hãy tin chắc Ðức Giê-hô-va quan tâm đến anh chị và sẽ giúp anh chị chịu đựng.
13. Ðức Giê-hô-va có thể dùng ai để cho thấy ngài hài lòng về chúng ta, và ngài dùng họ như thế nào?
13 Qua anh em đồng đạo. Ðức Giê-hô-va dùng anh em để cho thấy ngài hài lòng về chúng ta. Chẳng hạn, ngài có thể thúc đẩy người khác nói những lời khích lệ vào đúng lúc. Một chị ở châu Á đã cảm nghiệm điều này trong thời gian gặp nhiều căng thẳng. Chị mất việc làm và bị bệnh nặng. Rồi chồng chị phạm tội trọng và mất đặc ân làm trưởng lão. Chị nói: “Tôi không hiểu tại sao những điều này lại xảy ra. Tôi nghĩ có lẽ mình đã làm gì đó sai và Ðức Giê-hô-va không còn hài lòng về mình”. Chị nài xin Ðức Giê-hô-va trấn an chị là ngài hài lòng về chị. Ngài đã làm thế bằng cách nào? Chị cho biết: “Các trưởng lão nói chuyện với tôi và trấn an rằng Ðức Giê-hô-va yêu thương tôi”. Sau đó, chị cầu xin Ðức Giê-hô-va giúp mình một lần nữa. Chị nói: “Ngay hôm ấy, tôi nhận được lá thư từ một nhóm các anh chị trong hội thánh. Khi đọc những lời an ủi của họ, tôi cảm thấy Ðức Giê-hô-va đã nghe lời cầu nguyện của mình”. Thật vậy, Ðức Giê-hô-va thường cho thấy ngài hài lòng về chúng ta qua những lời tử tế của người khác.—Thi 10:17.
14. Ðức Giê-hô-va cho thấy ngài hài lòng về chúng ta qua cách nào khác?
14 Ðức Giê-hô-va cũng cho thấy ngài hài lòng về chúng ta bằng cách dùng anh em đồng đạo để đưa ra lời khuyên khi chúng ta cần được khuyên. Chẳng hạn, vào thế kỷ thứ nhất, ngài dùng sứ đồ Phao-lô để viết 14 lá thư cho anh em. Các lá thư này chứa đựng những lời khuyên thẳng thắn nhưng yêu thương. Tại sao Ðức Giê-hô-va soi dẫn Phao-lô ghi lại những lời khuyên ấy? Ðức Giê-hô-va là Cha tốt, và ngài sửa dạy những người con mà ngài yêu quý (Châm 3:11, 12). Thế nên, nếu chúng ta nhận được lời khuyên dựa trên Kinh Thánh, điều đó không có nghĩa là Ðức Chúa Trời buồn lòng về chúng ta, mà là bằng chứng cho thấy ngài hài lòng về mình (Hê 12:6). Ngoài ra, còn điều gì khác cho thấy Ðức Giê-hô-va hài lòng về chúng ta?
BẰNG CHỨNG KHÁC CHO THẤY ÐỨC GIÊ-HÔ-VA HÀI LÒNG VỀ CHÚNG TA
15. Ðức Giê-hô-va ban thần khí thánh cho ai, và tại sao điều này giúp chúng ta vững lòng?
15 Ðức Giê-hô-va ban thần khí thánh cho những ai mà ngài hài lòng (Mat 12:18). Hãy tự hỏi: “Mình có thể hiện một số khía cạnh của bông trái thần khí trong đời sống không?”. Chẳng hạn, anh chị có thấy mình kiên nhẫn hơn với người khác so với lúc chưa biết về Ðức Giê-hô-va không? Thật ra, càng tập thể hiện bông trái của thần khí, anh chị sẽ càng thấy rõ Ðức Giê-hô-va hài lòng về mình.
16. Ðức Giê-hô-va dùng ai để rao giảng tin mừng, và điều đó khiến anh chị cảm thấy thế nào? (1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4)
16 Ðức Giê-hô-va giao phó tin mừng cho những người mà ngài hài lòng. (Ðọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:4). Hãy xem một chị tên Jocelyn nhận được lợi ích ra sao từ việc chia sẻ tin mừng với người khác. Ngày nọ, khi thức dậy, chị cảm thấy buồn nản. Chị cho biết: “Tôi thấy mình không có chút sức lực nào và thật vô dụng. Nhưng tôi đang làm tiên phong, và đó là ngày tôi tham gia thánh chức. Vì thế, tôi đã cầu nguyện và đi rao giảng”. Sáng hôm ấy, chị gặp một phụ nữ tử tế tên là Mary. Bà đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh. Vài tháng sau, bà cho biết là trước đó bà đã cầu xin Ðức Chúa Trời giúp đỡ, và rồi chị Jocelyn gõ cửa nhà bà. Khi suy ngẫm về kinh nghiệm ấy, chị chia sẻ: “Tôi cảm thấy như thể Ðức Giê-hô-va đang nói với mình: ‘Cha hài lòng về con’”. Dĩ nhiên, không phải mọi người đều hưởng ứng công việc rao giảng của chúng ta. Nhưng chúng ta có thể tin chắc Ðức Giê-hô-va vui lòng khi mình cố gắng hết sức để chia sẻ tin mừng với người khác.
17. Anh chị học được gì từ lời của chị Vicky về giá chuộc? (Thi thiên 5:12)
17 Ðức Giê-hô-va áp dụng giá chuộc cho những ai mà ngài hài lòng (1 Ti 2:5, 6). Nhưng nói sao nếu chúng ta vẫn cảm thấy Ðức Giê-hô-va không hài lòng về mình, dù đã đặt đức tin nơi giá chuộc và đã báp-têm? Hãy nhớ rằng chúng ta không thể luôn tin cậy cảm xúc của mình, nhưng có thể tin cậy Ðức Giê-hô-va. Ngài xem những người có đức tin nơi giá chuộc là công chính trước mắt ngài, và hứa sẽ ban phước cho họ. (Ðọc Thi thiên 5:12; Rô 3:26). Việc suy ngẫm về giá chuộc đã giúp chị Vicky. Ngày nọ, sau khi suy ngẫm sâu sắc về giá chuộc, chị nhận ra điều này: “Ðức Giê-hô-va đã kiên nhẫn với tôi rất lâu rồi… Còn tôi như thể đang nói với ngài: ‘Tình yêu thương của ngài không đủ lớn để ngài yêu một người như con. Sự hy sinh của Con ngài không đủ để che phủ tội lỗi con’”. Nhờ suy ngẫm về món quà này, chị bắt đầu cảm thấy được Ðức Giê-hô-va yêu thương. Tương tự, khi suy ngẫm về giá chuộc, chúng ta cũng có thể cảm thấy như thế và cảm nhận Ðức Giê-hô-va hài lòng về mình.
18. Chúng ta có thể tin chắc điều gì nếu luôn yêu thương Cha trên trời?
18 Dù cố gắng áp dụng những đề nghị ở trên, đôi khi chúng ta vẫn có thể nản lòng và băn khoăn liệu Ðức Giê-hô-va có hài lòng về mình hay không. Nếu thế, hãy nhớ rằng ngài hài lòng về “những ai luôn yêu thương ngài” (Gia 1:12). Vậy, hãy tiếp tục đến gần Ðức Giê-hô-va và để ý những bằng chứng cho thấy ngài hài lòng về anh chị. Hãy luôn nhớ rằng Ðức Giê-hô-va “không ở xa mỗi người trong chúng ta”.—Công 17:27.
ANH CHỊ TRẢ LỜI THẾ NÀO?
-
Tại sao một số người cảm thấy Ðức Giê-hô-va không hài lòng về họ?
-
Ðức Giê-hô-va cho thấy ngài hài lòng về chúng ta qua một số cách nào?
-
Tại sao chúng ta có thể tin chắc Ðức Chúa Trời hài lòng về mình?
BÀI HÁT 88 Xin dạy con biết đường lối Cha
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)