BÀI HỌC 10
BÀI HÁT 13 Ðấng Ki-tô, gương mẫu của chúng ta
Hãy luôn theo Chúa Giê-su sau khi báp-têm
“Nếu ai muốn làm môn đồ tôi thì phải từ bỏ chính mình, hằng ngày vác cây khổ hình mình và luôn theo tôi”.—LU 9:23.
TRỌNG TÂM
Bài này có thể giúp tất cả chúng ta suy ngẫm ý nghĩa của sự dâng mình, đặc biệt là giúp những anh chị mới báp-têm giữ lòng trung thành.
1, 2. Ðời sống sẽ tốt hơn như thế nào sau khi một người báp-têm?
Chúng ta rất vui khi báp-têm và được thuộc về gia đình của Ðức Giê-hô-va. Những ai có đặc ân này đều đồng ý với những lời sau của người viết Thi thiên là Ða-vít: “Hạnh phúc cho người [Ðức Giê-hô-va] chọn và đem lại gần đặng ở trong các sân ngài”.—Thi 65:4.
2 Không phải bất cứ ai cũng được Ðức Giê-hô-va đem vào các sân ngài. Như đã thảo luận trong bài trước, Ðức Giê-hô-va chọn đến gần những người cho thấy họ muốn có mối quan hệ mật thiết với ngài (Gia 4:8). Khi dâng mình và báp-têm, anh chị đến gần Ðức Giê-hô-va hơn theo một cách đặc biệt. Anh chị có thể chắc chắn là sau đó ngài sẽ “đổ phước xuống đến nỗi không chỗ chứa”.—Mal 3:10; Giê 17:7, 8.
3. Các tín đồ đã dâng mình và báp-têm có trách nhiệm hệ trọng nào? (Truyền đạo 5:4, 5)
3 Dĩ nhiên, báp-têm chỉ là sự khởi đầu. Sau khi thực hiện bước đó, anh chị muốn cố gắng hết sức để sống đúng với lời hứa nguyện dâng mình, ngay cả khi gặp cám dỗ hoặc thử thách về đức tin. (Ðọc Truyền đạo 5:4, 5). Là môn đồ của Chúa Giê-su, anh chị sẽ noi gương ngài và theo sát mệnh lệnh của ngài càng nhiều càng tốt (Mat 28:19, 20; 1 Phi 2:21). Bài này sẽ giúp anh chị làm thế.
LUÔN THEO CHÚA GIÊ-SU BẤT KỂ THỬ THÁCH VÀ CÁM DỖ
4. Các môn đồ của Chúa Giê-su vác “cây khổ hình” theo nghĩa nào? (Lu-ca 9:23)
4 Chúng ta không nên nghĩ rằng sau khi báp-têm, đời sống sẽ bình an vô sự. Thực tế, Chúa Giê-su nói rõ rằng các môn đồ của ngài sẽ vác “cây khổ hình”. Thật ra, họ sẽ làm thế “hằng ngày”. (Ðọc Lu-ca 9:23). Có phải ý của Chúa Giê-su là các môn đồ sẽ luôn phải chịu đau khổ không? Không. Ngài chỉ đơn giản nhấn mạnh rằng bên cạnh việc nhận được ân phước, họ sẽ đối mặt với khó khăn, thử thách. Thậm chí một số khó khăn, thử thách ấy có thể rất cam go.—2 Ti 3:12.
5. Chúa Giê-su hứa những người sẵn sàng hy sinh vì Nước Trời nhận được ân phước nào?
5 Có lẽ anh chị đã gặp sự chống đối từ gia đình, hoặc hy sinh cơ hội có thêm của cải vật chất để đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu (Mat 6:33). Nếu thế, anh chị có thể chắc chắn là Ðức Giê-hô-va để ý đến những việc làm trung thành của mình (Hê 6:10). Rất có thể anh chị đã cảm nghiệm được những lời sau của Chúa Giê-su là đúng: “Không ai bỏ nhà cửa, anh chị em, cha mẹ, con cái hoặc đất đai vì tôi và vì tin mừng mà trong hiện tại lại không nhận được gấp trăm lần nhà cửa, anh chị em, mẹ, con, đất đai, cùng sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu trong thế giới sẽ đến” (Mác 10:29, 30). Những ân phước mà anh chị nhận được lớn hơn rất nhiều so với bất cứ sự hy sinh nào của anh chị.—Thi 37:4.
6. Tại sao anh chị cần tiếp tục chống lại “ham muốn của xác thịt” sau khi báp-têm?
6 Anh chị vẫn phải chống lại “ham muốn của xác thịt” sau khi báp-têm (1 Giăng 2:16). Suy cho cùng, anh chị vẫn là con cháu tội lỗi của A-đam. Có lẽ anh chị có cùng cảm nghĩ với sứ đồ Phao-lô. Ông nói: “Trong thâm tâm, tôi thật sự vui thích luật pháp Ðức Chúa Trời, nhưng tôi thấy trong thân thể có một luật khác tranh đấu với luật trong trí và bắt tôi làm phu tù cho luật của tội lỗi trong thân thể tôi” (Rô 7:22, 23). Có thể anh chị cảm thấy nản lòng vì khuynh hướng tội lỗi của mình. Tuy nhiên, việc nghĩ về lời hứa khi dâng mình cho Ðức Giê-hô-va sẽ củng cố quyết tâm của anh chị trong việc kháng cự cám dỗ. Sự thật là lời hứa nguyện dâng mình sẽ giúp cho đời sống anh chị dễ dàng hơn. Như thế nào?
7. Việc dâng mình cho Ðức Giê-hô-va giúp anh chị thế nào để giữ trung thành với ngài?
7 Khi dâng mình cho Ðức Giê-hô-va, anh chị từ bỏ chính mình. Ðiều này có nghĩa là anh chị nói không với những ước muốn và mục tiêu làm Ðức Giê-hô-va buồn lòng (Mat 16:24). Vì thế, khi đối mặt với thử thách, anh chị sẽ không cần phải băn khoăn về điều mình sẽ làm. Anh chị đã quyết định giữ trung thành với Ðức Giê-hô-va và cương quyết làm vui lòng ngài. Khi đó, anh chị sẽ giống như Gióp. Dù đối mặt với những thử thách cực kỳ cam go, ông vẫn quả quyết: ‘Tôi không từ bỏ lòng trọn thành!’.—Gióp 27:5.
8. Suy ngẫm lời cầu nguyện dâng mình có thể giúp anh chị thế nào để kháng cự cám dỗ?
8 Bằng cách suy ngẫm lời cầu nguyện dâng mình, anh chị sẽ có được sức mạnh để kháng cự bất cứ cám dỗ nào. Chẳng hạn, lẽ nào anh chị tán tỉnh người hôn phối của người khác? Anh chị đã nói không với những điều như thế. Nhờ không để cho những cảm xúc sai trái bén rễ trong lòng, nên sau đó anh chị không phải tranh đấu để loại bỏ chúng. Anh chị sẽ ‘quay khỏi lối của kẻ ác’.—Châm 4:14, 15.
9. Suy ngẫm lời cầu nguyện dâng mình có thể giúp anh chị thế nào để đặt các hoạt động thiêng liêng lên hàng đầu?
9 Nói sao nếu anh chị được mời nhận một công việc khiến anh chị không thể tham dự nhóm họp đều đặn? Anh chị biết điều mình cần làm. Từ lâu trước đó, anh chị đã nói không với những lời đề nghị như thế. Nhờ vậy, anh chị sẽ không bị cám dỗ để nhận công việc đó, rồi lại phải cố tìm cách để đặt Ðức Giê-hô-va lên hàng đầu. Khi nhớ đến việc Chúa Giê-su quyết tâm làm hài lòng Cha ngài, anh chị sẽ nhanh chóng và cương quyết bác bỏ bất cứ điều gì làm buồn lòng Ðức Chúa Trời, đấng mà anh chị đã dâng mình.—Mat 4:10; Giăng 8:29.
10. Ðức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị thế nào để luôn theo Chúa Giê-su sau khi báp-têm?
10 Khi gặp thử thách và cám dỗ, anh chị có cơ hội để cho thấy mình quyết tâm luôn theo Chúa Giê-su. Anh chị có thể chắc chắn Ðức Giê-hô-va sẽ giúp mình làm thế. Kinh Thánh nói: “Ðức Chúa Trời là đấng trung tín, ngài sẽ không để anh em bị cám dỗ quá sức mình, nhưng sẽ mở lối thoát, hầu anh em có thể chịu đựng trong lúc bị cám dỗ”.—1 Cô 10:13.
LÀM THẾ NÀO ÐỂ LUÔN THEO CHÚA GIÊ-SU?
11. Một trong những cách tốt nhất để luôn theo Chúa Giê-su là gì? (Cũng xem hình).
11 Chúa Giê-su sốt sắng, và luôn gần gũi với Ðức Giê-hô-va qua việc cầu nguyện (Lu 6:12). Thật ra, một trong những cách tốt nhất để luôn theo Chúa Giê-su sau khi báp-têm là tiếp tục làm những việc giúp anh chị đến gần Ðức Giê-hô-va hơn. Kinh Thánh nói: “Chúng ta đã tiến bộ đến mức nào thì hãy tiếp tục theo bước tiến ấy một cách trật tự” (Phi-líp 3:16). Thỉnh thoảng, anh chị sẽ nghe kinh nghiệm của các anh chị đã quyết định mở rộng thánh chức. Có lẽ họ đã tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời hoặc chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn. Nếu hoàn cảnh cho phép, hãy đặt những mục tiêu như thế. Dân của Ðức Giê-hô-va sốt sắng tìm cách mở rộng thánh chức (Công 16:9). Nhưng nói sao nếu anh chị không thể làm thế vào lúc này? Ðừng nghĩ mình kém hơn những anh chị làm được điều đó. Ðiều quan trọng trong cuộc đua của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô là sự chịu đựng (Mat 10:22). Ðừng xem nhẹ giá trị của việc phụng sự Ðức Giê-hô-va theo khả năng và hoàn cảnh của anh chị. Ðó là một cách quan trọng để luôn theo Chúa Giê-su sau khi báp-têm.—Thi 26:1.
12, 13. Anh chị có thể làm gì nếu lòng sốt sắng của mình bắt đầu nguội lạnh? (1 Cô-rinh-tô 9:16, 17) (Cũng xem khung “ Hãy tiếp tục cuộc đua!”).
12 Nói sao nếu có lúc anh chị thấy lời cầu nguyện của mình trở nên máy móc hoặc thánh chức của anh chị rơi vào lối mòn? Nói sao nếu anh chị không còn thích đọc Kinh Thánh như trước nữa? Nếu anh chị ở trong những tình huống như thế sau khi báp-têm thì đừng cho rằng mình mất thần khí của Ðức Giê-hô-va. Anh chị là người bất toàn, và cảm xúc của anh chị có thể thay đổi. Nếu thấy lòng sốt sắng bắt đầu nguội lạnh, hãy nghĩ đến trường hợp của sứ đồ Phao-lô. Dù cố gắng noi gương Chúa Giê-su, ông biết rằng có những lúc mình không có động lực để làm điều nên làm. (Ðọc 1 Cô-rinh-tô 9:16, 17). Phao-lô nói: “Nhưng cho dù gượng ép mà làm, chức quản gia vẫn được giao cho tôi”. Nói cách khác, Phao-lô quyết tâm chu toàn thánh chức bất kể mình có cảm xúc như thế nào.
13 Tương tự, chúng ta không nên chỉ quyết định dựa trên cảm xúc. Hãy quyết tâm làm điều đúng bất kể mình có cảm xúc ra sao. Nếu tiếp tục làm điều đúng thì theo thời gian, anh chị sẽ có cảm xúc tích cực hơn. Việc duy trì nề nếp thiêng liêng sẽ giúp anh chị luôn theo Chúa Giê-su sau khi báp-têm. Sự kiên trì của anh chị cũng sẽ khích lệ anh em đồng đạo.—1 Tê 5:11.
“HÃY LUÔN TRA XÉT,... LUÔN CHỨNG MINH”
14. Anh chị nên đều đặn xem xét điều gì, và tại sao? (2 Cô-rinh-tô 13:5)
14 Sau khi anh chị báp-têm, điều quan trọng là đều đặn xem xét bản thân. (Ðọc 2 Cô-rinh-tô 13:5). Thỉnh thoảng hãy tra xét đời sống và thói quen để xem mình có cầu nguyện hằng ngày, đọc và học hỏi Kinh Thánh, tham dự nhóm họp và tham gia thánh chức không. Hãy cố gắng tìm cách để làm cho những khía cạnh này của sự thờ phượng trở nên ý nghĩa hơn. Chẳng hạn, hãy tự hỏi những câu như: “Mình có thể giải thích những sự thật căn bản trong Kinh Thánh với người khác không? Có những cách nào để làm cho thánh chức thú vị hơn? Lời cầu nguyện của mình cụ thể đến mức nào, và có cho thấy mình hoàn toàn nương cậy Ðức Giê-hô-va không? Mình có đều đặn tham dự các buổi nhóm họp không? Làm thế nào để cải thiện việc tập trung và tham gia vào các buổi nhóm họp?”.
15, 16. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của một anh về việc kháng cự cám dỗ?
15 Thành thật xem xét điểm yếu của bản thân cũng là điều quan trọng. Kinh nghiệm của một anh tên Robert cho thấy điều này. Anh kể: “Lúc khoảng 20 tuổi, tôi có một công việc bán thời gian. Ngày nọ, sau giờ làm, một đồng nghiệp mời tôi đến nhà cô ấy. Cô ấy nói là không có ai ở nhà và chúng tôi có thể ‘vui vẻ’ với nhau. Lúc đầu, tôi viện lý do này nọ, nhưng cuối cùng tôi nói không và giải thích lý do thật sự là gì”. Anh Robert đã kháng cự cám dỗ, và điều đó thật đáng khen. Nhưng sau này, anh nhìn lại sự việc và thấy lẽ ra mình phải xử lý tình huống đó tốt hơn. Anh thừa nhận: “Tôi đã không từ chối lời mời mọc ấy một cách nhanh chóng và cương quyết giống như Giô-sép khước từ vợ của Phô-ti-pha (Sáng 39:7-9). Thật ra, tôi ngạc nhiên là mình lại cảm thấy khó như thế để từ chối lời mời mọc ấy. Trường hợp này giúp tôi nhận ra mình cần củng cố tình bạn với Ðức Giê-hô-va”.
16 Anh chị có thể nhận lợi ích nhờ việc tự xem xét bản thân giống như anh Robert đã làm. Ngay cả khi kháng cự được cám dỗ, hãy tự hỏi: “Mất bao nhiêu thời gian để mình nói không?”. Nếu anh chị thấy mình cần cải thiện thì đừng nản lòng. Hãy vui vì anh chị đã nhận ra được điểm yếu. Hãy cầu nguyện về điểm yếu đó, rồi làm những điều cần thiết để củng cố lòng quyết tâm sống theo tiêu chuẩn đạo đức của Ðức Giê-hô-va.—Thi 139:23, 24.
17. Kinh nghiệm của anh Robert liên quan thế nào đến danh của Ðức Giê-hô-va?
17 Kinh nghiệm của anh Robert chưa dừng lại ở đó. Anh kể tiếp: “Sau khi tôi từ chối lời mời mọc của đồng nghiệp, cô ấy nói: ‘Anh đã vượt qua được phần thử thách!’. Tôi bèn hỏi ý của cô ấy là sao. Cô cho biết một người bạn của mình từng là Nhân Chứng nói rằng tất cả Nhân Chứng trẻ đều sống hai mặt và bí mật làm điều sai trái nếu có cơ hội. Vì thế, cô đã nói với người đó rằng sẽ thử xem tôi như thế nào. Khi nghe cô ấy nói vậy, tôi rất mừng vì đã tôn vinh danh của Ðức Giê-hô-va”.
18. Anh chị quyết tâm làm gì sau khi báp-têm? (Cũng xem khung “ Hai bài mà các em sẽ thích”).
18 Khi dâng mình cho Ðức Giê-hô-va và báp-têm, anh chị cho thấy mình muốn làm thánh danh ngài bất kể chuyện gì xảy ra. Anh chị có thể chắc chắn là Ðức Giê-hô-va biết khó khăn, thử thách mà anh chị đối mặt và những cám dỗ mà anh chị kháng cự. Ngài sẽ ban phước khi anh chị nỗ lực giữ lòng trung thành. Hãy tin chắc nhờ thần khí thánh, ngài có thể ban cho anh chị sức mạnh để làm thế (Lu 11:11-13). Với sự trợ giúp của Ðức Giê-hô-va, anh chị có thể luôn theo Chúa Giê-su sau khi báp-têm.
ANH CHỊ TRẢ LỜI THẾ NÀO?
-
Tín đồ đạo Ðấng Ki-tô “hằng ngày vác cây khổ hình” theo nghĩa nào?
-
Anh chị có thể làm gì để luôn theo Chúa Giê-su sau khi báp-têm?
-
Suy ngẫm lời cầu nguyện dâng mình có thể giúp anh chị thế nào để giữ lòng trung thành?
BÀI HÁT 89 Nghe và giữ Lời Chúa sẽ được ban phước
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)