BÀI HỌC 19

BÀI HÁT 22 Nước Trời đang cai trị —Xin Nước ấy được đến!

Chúng ta biết gì về sự phán xét của Ðức Giê-hô-va trong tương lai?

Chúng ta biết gì về sự phán xét của Ðức Giê-hô-va trong tương lai?

“Ðức Giê-hô-va… chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt”.2 PHI 3:9.

TRỌNG TÂM

Chúng ta có thể tin chắc rằng sự phán xét của Ðức Giê-hô-va trong tương lai sẽ đúng và công bằng.

1. Tại sao có thể nói chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy hào hứng?

 Chúng ta đang sống trong thời kỳ đầy hào hứng! Mỗi ngày, các lời tiên tri trong Kinh Thánh đang ứng nghiệm trước mắt chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta thấy “vua phương bắc” và “vua phương nam” tranh giành nhau để chiếm quyền cai trị thế giới (Ða 11:40). Chúng ta thấy tin mừng về Nước Ðức Chúa Trời được rao giảng trên quy mô chưa từng có, và hàng triệu người đang hưởng ứng (Ê-sai 60:22; Mat 24:14). Chúng ta cũng đang nhận được dư dật thức ăn thiêng liêng “đúng giờ”.—Mat 24:45-47.

2. Chúng ta có thể tin chắc điều gì, nhưng chúng ta phải nhìn nhận điều gì?

2 Ðức Giê-hô-va tiếp tục giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những biến cố quan trọng sắp diễn ra (Châm 4:18; Ða 2:28). Chúng ta có thể tin chắc rằng trước khi hoạn nạn lớn bắt đầu, chúng ta sẽ biết tất cả những gì mình cần biết để trung thành chịu đựng và thậm chí thịnh vượng về thiêng liêng trong giai đoạn khó khăn đó. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng có những điều mình không biết về tương lai sắp đến. Trong bài này, trước tiên hãy xem lý do chúng ta điều chỉnh những điều mình từng nói về một số biến cố ấy. Rồi hãy ôn lại một số điều chúng ta biết về tương lai và về cách mà Cha trên trời sẽ hành động.

ÐIỀU CHÚNG TA KHÔNG BIẾT

3. Chúng ta từng nói gì về thời điểm Ðức Giê-hô-va không còn cho người ta cơ hội được cứu, và tại sao chúng ta đi đến kết luận đó?

3 Trước đây, chúng ta từng nói rằng một khi hoạn nạn lớn bắt đầu, những người không tin đạo sẽ không còn cơ hội đứng về phía Ðức Giê-hô-va và sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn. Chúng ta kết luận như thế vì nghĩ rằng những gì xảy ra vào thời trận Ðại Hồng Thủy tượng trưng cho những điều xảy ra vào thời chúng ta. Chẳng hạn, chúng ta lý luận rằng giống như Ðức Giê-hô-va đã đóng cửa tàu trước khi trận Ðại Hồng Thủy bắt đầu, thì ngài cũng sẽ “đóng cửa” thế gian của Sa-tan khi hoạn nạn lớn bắt đầu, thế nên không thể có thêm người được cứu.—Mat 24:37-39.

4. Hiện nay chúng ta có xem những gì xảy ra vào thời trận Ðại Hồng Thủy có ý nghĩa tượng trưng không? Hãy giải thích.

4 Chúng ta có nên xem những gì xảy ra vào thời trận Ðại Hồng Thủy có ý nghĩa tượng trưng không? Câu trả lời là không. Tại sao? Vì không có bằng chứng trong Kinh Thánh để kết luận như thế. a Ðúng là Chúa Giê-su so sánh “thời Nô-ê” với thời mà ngài hiện diện. Nhưng ngài không ngụ ý rằng mỗi người và mỗi sự kiện vào thời trận Ðại Hồng Thủy có ý nghĩa tượng trưng. Ngài cũng không nói rằng việc đóng cửa tàu có bất kỳ ý nghĩa tượng trưng nào. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể rút ra bài học từ lời tường thuật về Nô-ê và trận Ðại Hồng Thủy.

5. (a) Nô-ê đã làm gì trước trận Ðại Hồng Thủy? (Hê-bơ-rơ 11:7; 1 Phi-e-rơ 3:20) (b) Công việc rao giảng của chúng ta thời nay giống với công việc rao giảng của Nô-ê như thế nào?

5 Khi nghe thông điệp cảnh báo của Ðức Giê-hô-va, Nô-ê chứng tỏ ông có đức tin bằng cách đóng chiếc tàu. (Ðọc Hê-bơ-rơ 11:7; 1 Phi-e-rơ 3:20). Tương tự, những ai nghe tin mừng về Nước Ðức Chúa Trời phải thể hiện đức tin qua hành động (Công 3:17-20). Phi-e-rơ gọi Nô-ê là “người rao giảng sự công chính” (2 Phi 2:5). Nô-ê đã cố gắng hết sức để rao giảng, nhưng như đã thảo luận trong bài trước, Kinh Thánh không nói ông đã rao giảng cho từng người trên đất trước trận Ðại Hồng Thủy. Tương tự, chúng ta cũng cố gắng hết sức để rao giảng tin mừng trên khắp thế giới. Dù vậy, chúng ta vẫn không thể rao giảng cho từng người trên đất trước khi sự kết thúc đến. Tại sao?

6, 7. Tại sao có thể kết luận rằng chúng ta sẽ không thể rao giảng tin mừng cho từng người trên đất trước khi sự kết thúc đến? Hãy giải thích.

6 Hãy xem Chúa Giê-su nói gì về tầm mức của công việc rao giảng. Ngài báo trước tin mừng sẽ được rao truyền “khắp đất để làm chứng cho muôn dân” (Mat 24:14). Lời tiên tri này được ứng nghiệm hơn bao giờ hết vào thời nay. Thông điệp Nước Trời có trong hơn 1.000 ngôn ngữ, và qua trang jw.org, phần lớn người ta trên thế giới có thể biết về tin mừng.

7 Tuy nhiên, Chúa Giê-su cũng nói với các môn đồ: “Anh em chưa rao giảng hết một vòng các thành của Y-sơ-ra-ên thì Con Người đã đến” (Mat 10:23; 25:31-33). Ðiều này có nghĩa là các môn đồ ngài sẽ không thể rao giảng hết cho mọi người trước khi ngài đến. Hàng triệu người ngày nay sống ở những nơi mà công việc rao giảng bị hạn chế gắt gao. Ngoài ra, mỗi phút có hàng trăm em bé chào đời. Chúng ta nỗ lực hết sức để đem tin mừng đến cho người từ “mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng” (Khải 14:6). Nhưng sự thật là chúng ta sẽ không thể chia sẻ tin mừng với từng người trên đất trước khi sự kết thúc đến.

8. Chúng ta có thể nêu lên câu hỏi nào về sự phán xét của Ðức Giê-hô-va trong tương lai? (Cũng xem các hình).

8 Vì thế, một câu hỏi được nêu lên: Về phần những người chưa có cơ hội nghe tin mừng trước khi hoạn nạn lớn diễn ra, Ðức Giê-hô-va và Con ngài, là đấng mà ngài bổ nhiệm để phán xét, sẽ đối xử với họ như thế nào? (Giăng 5:19, 22, 27; Công 17:31). Câu Kinh Thánh chủ đề của bài này cho biết Ðức Giê-hô-va “chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt”. Thay vì thế, ngài “muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9; 1 Ti 2:4). Dù vậy, chúng ta phải nhìn nhận rằng Ðức Giê-hô-va chưa tiết lộ câu trả lời cho câu hỏi trên. Dĩ nhiên, ngài không buộc phải cho chúng ta biết về điều ngài đã làm hoặc sẽ làm.

Về phần những người chưa có cơ hội nghe tin mừng trước khi hoạn nạn lớn diễn ra, Ðức Giê-hô-va sẽ phán xét họ như thế nào? (Xem đoạn 8) c


9. Ðức Giê-hô-va tiết lộ điều gì qua Kinh Thánh? (Công vụ 24:15)

9 Qua Lời ngài, Ðức Giê-hô-va tiết lộ một số điều ngài sẽ làm. Chẳng hạn, Kinh Thánh nói rằng ngài sẽ làm sống lại ‘người không công chính’ mà chưa có cơ hội biết tin mừng và thay đổi hạnh kiểm (Công 24:15; Lu 23:42, 43). Ðiều này dẫn đến những câu hỏi quan trọng khác.

10. Có những câu hỏi nào khác được nêu lên?

10 Có phải tất cả những người chết trong khi hoạn nạn lớn diễn ra đều sẽ bị hủy diệt đời đời và không có hy vọng sống lại không? Kinh Thánh nói rõ rằng những kẻ chống đối bị Ðức Giê-hô-va và lực lượng của ngài hủy diệt tại Ha-ma-ghê-đôn thì sẽ không được sống lại (2 Tê 1:6-10). Nhưng nói sao về những người khác, chẳng hạn những người chết vì bệnh tật, tuổi già, tai nạn hoặc bị người khác giết? (Truyền 9:11; Xa 14:13). Một số người trong số họ có thể thuộc về ‘người không công chính’ sẽ được sống lại trong thế giới mới không? Chúng ta không biết.

ÐIỀU CHÚNG TA BIẾT

11. Người ta sẽ được phán xét dựa trên cơ sở nào?

11 Chúng ta biết một số điều về các biến cố trong tương lai. Chẳng hạn, chúng ta biết rằng người ta sẽ được phán xét dựa trên cách họ đối xử với anh em của Ðấng Ki-tô (Mat 25:40). Những người được phán xét là chiên đã cho thấy họ ủng hộ các tín đồ được xức dầu và Ðấng Ki-tô. Chúng ta cũng biết rằng một số anh em của ngài sẽ vẫn còn trên đất sau khi hoạn nạn lớn bắt đầu và sẽ được cất lên trời ít lâu trước khi Ha-ma-ghê-đôn bùng nổ. Khi vẫn còn anh em của Ðấng Ki-tô ở trên đất, có thể những người có lòng thành sẽ có cơ hội ủng hộ họ và công việc họ làm (Mat 25:31, 32; Khải 12:17). Tại sao những điều này lại đáng chú ý?

12, 13. Một số người có thể phản ứng thế nào sau khi thấy “Ba-by-lôn Lớn” bị hủy diệt? (Cũng xem các hình).

12 Ngay cả sau khi hoạn nạn lớn bắt đầu, có thể một số người thấy sự hủy diệt của “Ba-by-lôn Lớn” thì sẽ nhớ lại rằng Nhân Chứng Giê-hô-va đã nói về biến cố này từ lâu. Liệu một số người thấy biến cố này sẽ đặt đức tin nơi Ðức Giê-hô-va không?—Khải 17:5; Ê-xê 33:33.

13 Nếu điều đó xảy ra thì cũng tương tự như điều đã xảy ra ở Ai Cập vào thời Môi-se. Hãy nhớ rằng “rất đông người ngoại quốc” đã đi cùng với dân Y-sơ-ra-ên trong hành trình rời Ai Cập. Một số người có lẽ đã đặt đức tin nơi Ðức Giê-hô-va khi thấy những lời cảnh báo của Môi-se về Mười Tai Vạ trở thành hiện thực (Xuất 12:38). Nếu điều tương tự xảy ra sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, chúng ta có thấy bất công vì một số người được kết hợp với chúng ta ít lâu trước khi sự kết thúc đến không? Dĩ nhiên là không! Chúng ta muốn phản ánh những đức tính của Cha trên trời, là “Ðức Chúa Trời thương xót và trắc ẩn, chậm nóng giận, giàu tình yêu thương thành tín và sự chân thật”. bXuất 34:6.

Một số người thấy sự hủy diệt của “Ba-by-lôn Lớn” sẽ nhớ lại rằng Nhân Chứng Giê-hô-va đã nói về biến cố này từ lâu (Xem đoạn 12, 13) d


14, 15. Tương lai vĩnh cửu của một người có tùy thuộc vào thời điểm người đó qua đời hoặc nơi người đó sống không? Hãy giải thích. (Thi thiên 33:4, 5)

14 Ðôi khi chúng ta nghe một anh chị nói: “Nếu người thân của tôi qua đời trước khi hoạn nạn lớn bắt đầu thì tốt hơn cho họ, vì họ có hy vọng sống lại”. Hẳn những người nói như thế có động cơ tốt. Nhưng tương lai vĩnh cửu của một người không tùy thuộc vào thời điểm người đó qua đời. Ðức Giê-hô-va là Ðấng Phán Xét hoàn hảo, và các phán quyết của ngài luôn đúng và công bằng. (Ðọc Thi thiên 33:4, 5). Chúng ta có thể tin chắc rằng “Ðấng Phán Xét của toàn thể trái đất” sẽ làm điều đúng.—Sáng 18:25.

15 Cũng hợp lý khi kết luận rằng tương lai vĩnh cửu của một người không tùy thuộc vào nơi người đó sống. Ðức Giê-hô-va không bao giờ phán xét hàng triệu người là “dê” chỉ vì họ sống ở những xứ mà họ chưa từng có cơ hội tìm hiểu về thông điệp Nước Trời (Mat 25:46). Lòng quan tâm mà Ðấng Phán Xét công chính dành cho họ vượt trội hơn so với chúng ta. Chúng ta không biết Ðức Giê-hô-va sẽ lèo lái các biến cố như thế nào trong hoạn nạn lớn. Có lẽ một số người trong số họ sẽ có cơ hội học biết về Ðức Giê-hô-va, đặt đức tin nơi ngài, và đứng về phía ngài khi ngài làm mình nên thánh trước các nước.—Ê-xê 38:16.

Sau khi hoạn nạn lớn bắt đầu,… liệu một số người thấy những biến cố vào lúc đó sẽ đặt đức tin nơi Ðức Giê-hô-va không?

16. Chúng ta biết gì về Ðức Giê-hô-va? (Cũng xem hình).

16 Qua việc học hỏi Kinh Thánh, chúng ta biết Ðức Giê-hô-va rất quý trọng mạng sống của con người. Ngài đã hy sinh Con ngài để tất cả chúng ta có triển vọng sống đời đời (Giăng 3:16). Mỗi chúng ta đều cảm nhận được lòng quan tâm trìu mến của Ðức Giê-hô-va (Ê-sai 49:15). Ngài biết tên của từng người trong chúng ta. Thậm chí ngài biết rõ mỗi cá nhân đến mức nếu chúng ta qua đời, ngài có thể tạo dựng lại từng chi tiết đặc trưng và khôi phục mọi ký ức của riêng chúng ta! (Mat 10:29-31). Chúng ta có lý do để tin chắc rằng Cha yêu thương trên trời sẽ phán xét từng cá nhân một cách thăng bằng, công chính và thương xót tuyệt đối.—Gia 2:13.

Chúng ta có thể tin chắc rằng Ðức Giê-hô-va sẽ phán xét từng cá nhân một cách thăng bằng, công chính và thương xót tuyệt đối (Xem đoạn 16)


17. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài kế tiếp?

17 Thật ra, những điều chỉnh này về sự hiểu biết giúp chúng ta nhận ra công việc rao giảng đang cấp bách hơn bao giờ hết. Tại sao có thể nói thế? Và điều gì thôi thúc chúng ta không ngừng rao giảng tin mừng? Bài kế tiếp sẽ trả lời chi tiết những câu hỏi này.

BÀI HÁT 76 Lòng bạn cảm thấy làm sao?

a Ðể biết lý do có sự thay đổi này, xem bài “Ðó là điều đẹp lòng Cha” trong Tháp Canh ngày 15-3-2015, trg 7-11.

b Sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt, tất cả tôi tớ của Ðức Giê-hô-va sẽ bị thử thách trong cuộc tấn công của Gót ở xứ Ma-gót. Bất cứ ai đứng về phía dân Ðức Chúa Trời sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt cũng sẽ bị thử thách.

c HÌNH ẢNH: Ba cảnh cho thấy lý do mà có lẽ công việc rao giảng toàn cầu không đến được với một số người: (1) Một phụ nữ sống ở nơi mà tôn giáo thịnh hành khiến công việc rao giảng không được an toàn, (2) một cặp vợ chồng sống ở nơi mà hệ thống chính trị cấm công việc rao giảng và khiến công việc ấy trở nên nguy hiểm, và (3) một người đàn ông sống ở vùng vô cùng hẻo lánh và hầu như không ai đến được.

d HÌNH ẢNH: Một phụ nữ trẻ rời bỏ chân lý đang nhớ lại điều mình học về sự hủy diệt của “Ba-by-lôn Lớn”. Chị ấy quyết định quay về với Ðức Giê-hô-va và trở lại gặp cha mẹ là Nhân Chứng. Nếu những điều như thế xảy ra, chúng ta muốn phản ánh lòng thương xót và trắc ẩn của Cha trên trời và vui mừng vì một người tội lỗi trở về.