BÀI HỌC 20

BÀI HÁT 67 “Hãy rao giảng lời Ðức Chúa Trời”

Hãy để tình yêu thương thôi thúc anh chị tiếp tục rao giảng!

Hãy để tình yêu thương thôi thúc anh chị tiếp tục rao giảng!

“Trước hết, tin mừng phải được rao truyền cho muôn dân”.MÁC 13:10.

TRỌNG TÂM

Bài này cho thấy làm thế nào tình yêu thương thôi thúc chúng ta sốt sắng và hết lòng trong công việc rao giảng.

1. Chúng ta được biết điều gì tại phiên họp thường niên năm 2023?

 Tại phiên họp thường niên năm 2023, a chúng ta nhận được sự điều chỉnh đầy hào hứng về một số niềm tin của mình và nghe thông báo đáng chú ý về thánh chức. Chẳng hạn, chúng ta được biết rằng có thể một số người sẽ có cơ hội đứng về phía dân của Ðức Giê-hô-va ngay cả sau khi Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt. Chúng ta cũng được thông báo rằng kể từ tháng 11 năm 2023, những người công bố không cần báo cáo chi tiết về công việc rao giảng nữa. Những thay đổi này có khiến cho thánh chức của chúng ta kém quan trọng hay ít cấp bách hơn trước đây không? Hoàn toàn không!

2. Tại sao mỗi ngày trôi qua, thánh chức của chúng ta càng trở nên cấp bách? (Mác 13:10)

2 Mỗi ngày trôi qua, thánh chức của chúng ta càng cấp bách. Tại sao? Vì không còn nhiều thời gian nữa. Hãy xem điều Chúa Giê-su báo trước về công việc rao giảng trong những ngày sau cùng. (Ðọc Mác 13:10). Theo lời tường thuật tương ứng của Ma-thi-ơ, Chúa Giê-su nói rằng tin mừng sẽ được rao truyền ra khắp đất trước khi “sự kết thúc” đến (Mat 24:14). Từ “sự kết thúc” muốn nói đến sự kết thúc hoàn toàn của thế gian gian ác của Sa-tan. Ðức Giê-hô-va đã định “ngày và giờ” cho những biến cố mà không lâu nữa sẽ xảy ra (Mat 24:36; 25:13; Công 1:7). Mỗi ngày trôi qua, chúng ta càng đến gần thời điểm ấy hơn (Rô 13:11). Trong khi chờ đợi, chúng ta cần tiếp tục rao giảng cho tới khi sự kết thúc đến.

3. Ðiều gì thôi thúc chúng ta rao giảng?

3 Liên quan đến thánh chức, có một câu hỏi quan trọng mà chúng ta muốn suy nghĩ: Tại sao chúng ta rao giảng tin mừng? Ðó là vì tình yêu thương. Những gì chúng ta làm trong thánh chức cho thấy mình yêu mến tin mừng, yêu thương người khác, và trên hết, yêu thương Ðức Giê-hô-va cũng như danh ngài. Hãy xem xét từng điểm này.

CHÚNG TA RAO GIẢNG VÌ YÊU MẾN TIN MỪNG

4. Chúng ta phản ứng thế nào khi nhận được tin vui?

4 Anh chị có nhớ mình đã cảm thấy thế nào khi nhận được một tin vui không? Chẳng hạn, một thành viên mới trong gia đình ra đời, hoặc anh chị được mời nhận một công việc mà mình đang rất cần? Chắc chắn anh chị rất háo hức chia sẻ tin vui đó với gia đình và bạn bè. Anh chị có làm như thế khi nghe được tin vui nhất là tin mừng về Nước Trời không?

5. Anh chị cảm thấy thế nào khi mới học chân lý trong Lời Ðức Chúa Trời? (Cũng xem các hình).

5 Hãy nhớ lại anh chị cảm thấy thế nào khi mới học chân lý trong Lời Ðức Chúa Trời. Anh chị biết được rằng Cha trên trời yêu thương anh chị và muốn anh chị thuộc về gia đình gồm những người thờ phượng ngài. Anh chị cũng biết rằng ngài hứa sẽ chấm dứt sự đau khổ, và anh chị có hy vọng thấy người thân yêu quá cố được sống lại trong thế giới mới, cũng như nhiều điều khác nữa (Mác 10:29, 30; Giăng 5:28, 29; Rô 8:38, 39; Khải 21:3, 4). Những sự thật này làm anh chị ấm lòng (Lu 24:32). Anh chị yêu mến những điều mình học được, và không thể giữ những sự thật quý báu này cho riêng mình!—So sánh Giê-rê-mi 20:9.

Khi mới biết tin mừng, chúng ta không thể giữ những sự thật quý báu cho riêng mình! (Xem đoạn 5)


6. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Ernest và chị Rose?

6 Hãy xem một kinh nghiệm. Một anh tên là Ernest b có cha qua đời khi anh khoảng 10 tuổi. Anh nhớ lại: “Tôi tự hỏi: ‘Cha có lên thiên đàng không? Hay cha vĩnh viễn không còn hiện hữu nữa?’. Tôi ghen tị với những đứa trẻ còn cha”. Anh thường xuyên đi đến nghĩa trang, quỳ trước mộ cha và cầu nguyện: “Chúa ôi, con muốn biết cha con đang ở đâu”. Khoảng 17 năm sau khi cha anh qua đời, anh được mời tìm hiểu Kinh Thánh và đã sẵn sàng chấp nhận. Anh rất xúc động khi biết người chết không còn ý thức, như thể họ đang ngủ sâu, và Kinh Thánh hứa sẽ có sự sống lại trong tương lai (Truyền 9:5, 10; Công 24:15). Cuối cùng, anh đã tìm được lời giải đáp cho những thắc mắc khiến mình băn khoăn bấy lâu nay! Anh rất háo hức về những sự thật mà mình học được. Vợ anh là chị Rose cùng tìm hiểu Kinh Thánh với anh và cũng yêu mến thông điệp Nước Trời. Vào năm 1978, họ báp-têm. Họ sốt sắng chia sẻ những niềm tin quý giá ấy với gia đình, bạn bè và bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe. Kết quả là vợ chồng anh Ernest đã giúp hơn 70 người tiến bộ đến bước báp-têm.

7. Khi yêu mến chân lý trong Kinh Thánh, chúng ta sẽ làm gì? (Lu-ca 6:45)

7 Rõ ràng, khi yêu mến chân lý trong Kinh Thánh, chúng ta không thể giữ im lặng. (Ðọc Lu-ca 6:45). Chúng ta có cùng cảm nghĩ với các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất. Họ nói: “Chúng tôi không thể ngưng nói về những điều mình đã thấy và nghe” (Công 4:20). Chúng ta yêu mến chân lý đến mức muốn chia sẻ với càng nhiều người càng tốt.

CHÚNG TA RAO GIẢNG VÌ YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC

8. Ðiều gì thôi thúc chúng ta rao giảng tin mừng cho người khác? (Xem khung  Tình yêu thương giúp đào tạo môn đồ). (Cũng xem hình).

8 Giống như Ðức Giê-hô-va và Con ngài, chúng ta yêu thương người ta (Châm 8:31; Giăng 3:16). Chúng ta có lòng trắc ẩn sâu xa với những người “chẳng biết Ðức Chúa Trời” và “không có hy vọng” (Ê-phê 2:12). Họ đang chìm ngập trong những vấn đề của đời sống, và chúng ta có phao cứu sinh mà họ cần, đó là tin mừng về Nước Trời. Tình yêu thương và lòng trắc ẩn dành cho những người như thế thôi thúc chúng ta cố gắng hết sức để chia sẻ tin mừng với họ. Thông điệp quý giá ấy có thể khiến lòng họ tràn đầy hy vọng, giúp họ tìm được đời sống tốt nhất trong hiện tại và cho họ triển vọng có “sự sống thật”, là sự sống vĩnh cửu trong thế giới mới.—1 Ti 6:19.

Tình yêu thương và lòng trắc ẩn dành cho người khác thôi thúc chúng ta cố gắng hết sức để chia sẻ tin mừng với họ (Xem đoạn 8)


9. Chúng ta cảnh báo điều gì về tương lai, và tại sao? (Ê-xê-chi-ên 33:7, 8)

9 Tình yêu thương dành cho người khác cũng thôi thúc chúng ta cảnh báo họ về sự kết thúc sắp đến của thế gian gian ác này. (Ðọc Ê-xê-chi-ên 33:7, 8). Chúng ta có lòng trắc ẩn với người lân cận và các thành viên trong gia đình không có cùng niềm tin. Nhiều người bận rộn với đời sống thường ngày mà không biết điều sắp xảy ra, đó là “sẽ có hoạn nạn lớn chưa từng có kể từ khi có loài người cho tới nay, và sau này cũng không xảy ra nữa” (Mat 24:21). Chúng ta muốn họ biết điều sẽ xảy ra trong thời kỳ phán xét ấy: Trước hết tôn giáo sai lầm sẽ bị loại bỏ, và sau đó toàn thể thế gian gian ác sẽ bị hủy diệt tại Ha-ma-ghê-đôn (Khải 16:14, 16; 17:16, 17; 19:11, 19, 20). Chúng ta cầu xin là càng nhiều người càng tốt sẽ hưởng ứng lời cảnh báo và cùng chúng ta thờ phượng Ðức Giê-hô-va ngay bây giờ. Nhưng nói sao về những người không lắng nghe lời cảnh báo vào lúc này, kể cả những người thân yêu trong gia đình của chúng ta?

10. Tại sao việc chúng ta tiếp tục cảnh báo người ta là cấp bách?

10 Như đã nói trong bài trước, có thể ý định của Ðức Giê-hô-va là giải cứu những người bắt đầu đặt đức tin nơi ngài khi họ thấy Ba-by-lôn Lớn bị hủy diệt. Nếu thế, việc chúng ta tiếp tục cảnh báo người ta lại càng cấp bách hơn. Hãy nghĩ đến điều này: Những gì mà chúng ta nói cho họ hiện nay có thể là điều mà họ nhớ đến vào lúc đó. (So sánh Ê-xê-chi-ên 33:33). Có lẽ họ sẽ nhớ lại lời cảnh báo của chúng ta và được thúc đẩy để cùng chúng ta thờ phượng Ðức Giê-hô-va trước khi quá trễ. Giống như viên cai tù ở Phi-líp đã đặt đức tin nơi Ðức Chúa Trời chỉ sau khi “có cơn động đất rất lớn”, có lẽ một số người hiện nay không hưởng ứng sẽ thay đổi sau biến cố gây chấn động thế giới là sự hủy diệt của Ba-by-lôn Lớn.—Công 16:25-34.

CHÚNG TA RAO GIẢNG VÌ YÊU THƯƠNG ÐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ DANH NGÀI

11. Chúng ta dâng cho Ðức Giê-hô-va sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng bằng cách nào? (Khải huyền 4:11) (Cũng xem các hình).

11 Lý do quan trọng nhất mà chúng ta rao giảng tin mừng là vì yêu thương Ðức Giê-hô-va và danh thánh của ngài. Chúng ta xem thánh chức là cách để ngợi khen Ðức Chúa Trời mà mình yêu thương. (Ðọc Khải huyền 4:11). Chúng ta hoàn toàn đồng ý rằng Giê-hô-va Ðức Chúa Trời xứng đáng nhận được sự vinh hiển, tôn kính và quyền năng từ những tôi tớ trung thành. Chúng ta dâng cho ngài sự vinh hiển và tôn kính khi chia sẻ với người khác bằng chứng thuyết phục là “ngài đã tạo nên muôn vật” và chúng ta hiện hữu là nhờ ngài. Chúng ta dâng cho ngài “quyền năng” của mình bằng cách dùng thời gian, sức lực và tiền của để tham gia thánh chức nhiều nhất có thể (Mat 6:33; Lu 13:24; Cô 3:23). Nói đơn giản, chúng ta rất thích nói về Ðức Chúa Trời mà mình yêu thương. Chúng ta cũng cảm thấy được thôi thúc để chia sẻ với người khác về danh và các đức tính của ngài. Tại sao?

Chúng ta dâng cho Ðức Giê-hô-va “quyền năng” của mình bằng cách dùng thời gian, sức lực và tiền của để tham gia thánh chức nhiều nhất có thể (Xem đoạn 11)


12. Chúng ta làm thánh danh Ðức Giê-hô-va trong thánh chức bằng cách nào?

12 Tình yêu thương dành cho Ðức Giê-hô-va thôi thúc chúng ta làm thánh danh ngài (Mat 6:9). Chúng ta muốn góp phần vào việc tẩy sạch sự sỉ nhục mà Sa-tan đã gây ra cho danh ngài qua những lời nói dối hiểm độc của hắn (Sáng 3:1-5; Gióp 2:4; Giăng 8:44). Trong thánh chức, chúng ta sốt sắng bênh vực Ðức Chúa Trời, chia sẻ chân lý về ngài cho tất cả những người sẵn sàng lắng nghe. Chúng ta muốn mọi người biết rằng phẩm chất tuyệt vời nhất của ngài là tình yêu thương, sự cai trị của ngài là công bằng, và Nước của ngài sẽ sớm chấm dứt mọi đau khổ cũng như mang lại sự bình an và hạnh phúc cho gia đình nhân loại (Thi 37:10, 11, 29; 1 Giăng 4:8). Khi bênh vực danh tiếng của Ðức Giê-hô-va trong thánh chức, chúng ta làm thánh danh ngài. Chúng ta cũng thỏa lòng vì biết rằng chúng ta đang sống xứng đáng với danh hiệu mà mình mang. Như thế nào?

13. Tại sao chúng ta tự hào khi được gọi là Nhân Chứng Giê-hô-va? (Ê-sai 43:10-12)

13 Ðức Giê-hô-va chọn chúng ta làm “những nhân chứng” của ngài. (Ðọc Ê-sai 43:10-12). Nhiều năm trước, một lá thư của Hội đồng Lãnh đạo nói: “Vinh dự lớn nhất mà chúng ta có thể có là được gọi là Nhân Chứng Giê-hô-va”. Tại sao? Hãy xem một minh họa. Giả sử anh chị bị cáo buộc làm điều gì đó sai và phải ra tòa. Anh chị cần một người để cho tòa biết lời cáo buộc đó là dối trá và anh chị là người tốt, không bao giờ làm điều như thế. Anh chị sẽ chọn ai để làm chứng cho mình? Chắc chắn đó là người mà anh chị biết rõ và tin cậy, là người có danh tiếng tốt để những lời chứng của người ấy có giá trị. Qua việc chọn chúng ta làm Nhân Chứng của ngài, Ðức Giê-hô-va cho thấy ngài biết rõ chúng ta và tin tưởng chúng ta sẽ làm chứng rằng ngài là Ðức Chúa Trời có thật và duy nhất. Vì cảm thấy rất vinh dự được làm Nhân Chứng của ngài, chúng ta tận dụng mọi cơ hội để nói cho người khác biết về danh ngài và chứng minh những lời nói dối về ngài là sai. Khi làm thế, chúng ta sống xứng đáng với danh hiệu mà mình rất tự hào được mang, đó là Nhân Chứng Giê-hô-va!—Thi 83:18; Rô 10:13-15.

CHÚNG TA SẼ TIẾP TỤC RAO GIẢNG CHO ÐẾN CUỐI CÙNG

14. Những điều hào hứng nào có thể sắp xảy ra?

14 Thật hào hứng khi nghĩ đến những điều có thể sắp xảy ra! Với sự ban phước của Ðức Giê-hô-va, chúng ta mong được thấy nhiều người hơn nữa chấp nhận chân lý trước khi hoạn nạn lớn bắt đầu. Chúng ta cũng vui mừng vì ngay cả vào thời điểm đen tối nhất trong lịch sử nhân loại, là hoạn nạn lớn, có thể vẫn có thêm người ra khỏi thế gian của Sa-tan và cùng chúng ta ngợi khen Ðức Giê-hô-va.—Công 13:48.

15, 16. Chúng ta sẽ tiếp tục làm gì, và cho đến khi nào?

15 Từ giờ đến lúc đó, chúng ta có việc để làm. Chúng ta có đặc ân tham gia một công việc sẽ không bao giờ lặp lại, đó là rao giảng tin mừng về Nước Trời ra khắp đất. Ðồng thời, chúng ta phải tiếp tục cảnh báo người ta. Họ cần biết sự kết thúc của thế gian gian ác này sắp đến. Rồi khi thời kỳ phán xét đến, họ sẽ nhận ra rằng thông điệp mà chúng ta đã rao giảng là đến từ Ðức Giê-hô-va.—Ê-xê 38:23.

16 Vậy chúng ta quyết tâm làm gì? Hãy để lòng yêu mến tin mừng, tình yêu thương dành cho người khác, và trên hết, tình yêu thương dành cho Ðức Giê-hô-va và danh ngài thôi thúc chúng ta tiếp tục rao giảng. Mong sao chúng ta rao giảng với tinh thần cấp bách và lòng sốt sắng cho đến khi Ðức Giê-hô-va phán: “Công việc đã hoàn tất!”.

BÀI HÁT 54 “Ðây là đường”

a Phiên họp thường niên này được tổ chức vào ngày 7-10-2023, tại Phòng hội nghị Newburgh của Nhân Chứng Giê-hô-va ở New York, Hoa Kỳ. Sau đó, toàn bộ chương trình được đăng trên Kênh truyền thông JW. Phần 1 được đăng vào tháng 11 năm 2023 và Phần 2 vào tháng 1 năm 2024.