BÀI HỌC 18

BÀI HÁT 1 Các đức tính của Ðức Giê-hô-va

Hãy tin cậy Ðấng Phán Xét đầy lòng thương xót của toàn thể trái đất!

Hãy tin cậy Ðấng Phán Xét đầy lòng thương xót của toàn thể trái đất!

“Chẳng phải Ðấng Phán Xét của toàn thể trái đất sẽ làm điều đúng sao?”SÁNG 18:25.

TRỌNG TÂM

Hiểu sâu hơn về lòng thương xót và công lý của Ðức Giê-hô-va liên quan đến sự sống lại của người không công chính.

1. Ðức Giê-hô-va dạy Áp-ra-ham bài học đầy an ủi nào?

 Ðó là cuộc trò chuyện mà Áp-ra-ham không bao giờ quên. Qua một thiên sứ, Ðức Chúa Trời bảo Áp-ra-ham là ngài sẽ hủy diệt hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Và điều này khiến người trung thành ấy lo lắng. Ông hỏi ngài: “Có thật là ngài sẽ diệt người công chính chung với kẻ gian ác chăng?... Chẳng phải Ðấng Phán Xét của toàn thể trái đất sẽ làm điều đúng sao?”. Ðức Giê-hô-va đã kiên nhẫn dạy người bạn yêu quý của ngài một bài học quan trọng: Ngài sẽ không bao giờ hủy diệt những người công chính (Sáng 18:23-33). Bài học này mang lại lợi ích và sự an ủi cho tất cả chúng ta.

2. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng những phán quyết của Ðức Giê-hô-va là công chính và đầy thương xót?

2 Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng những phán quyết của Ðức Giê-hô-va là công chính và đầy thương xót? Vì chúng ta biết “Ðức Giê-hô-va nhìn trong lòng” (1 Sa 16:7). Thật ra, ngài “biết lòng mỗi người” (1 Vua 8:39; 1 Sử 28:9). Ðó là một sự thật đáng kinh ngạc. Những phán quyết của Ðức Giê-hô-va vượt quá khả năng hiểu biết của chúng ta. Ðiều mà sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết về Ðức Giê-hô-va thật thích hợp: “Những phán quyết của ngài không ai hiểu thấu!”.—Rô 11:33.

3, 4. Chúng ta có thể thắc mắc những câu hỏi nào, và bài này sẽ xem xét điều gì? (Giăng 5:28, 29)

3 Nhưng có thể chúng ta có những câu hỏi tương tự như Áp-ra-ham. Thậm chí chúng ta có thể thắc mắc: “Có hy vọng nào cho những người bị hủy diệt ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ không? Có thể nào một số người trong số họ sẽ nhận được ‘sự sống lại của người không công chính’ không?”.—Công 24:15.

4 Hãy ôn lại những điều chúng ta biết về sự sống lại. Gần đây, có một điều chỉnh trong sự hiểu biết về việc “sống lại để sống” và “sống lại để được xét xử”. a (Ðọc Giăng 5:28, 29). Sự điều chỉnh này dẫn đến một số điều chỉnh khác mà chúng ta sẽ xem xét trong bài này và bài sau. Liên quan đến sự phán xét công chính của Ðức Giê-hô-va, trước hết hãy xem những điều chúng ta không biết, rồi xem những điều chúng ta biết.

ÐIỀU CHÚNG TA KHÔNG BIẾT

5. Trước đây, ấn phẩm của chúng ta nói gì về những người bị hủy diệt ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ?

5 Trước đây, ấn phẩm của chúng ta đã thảo luận về điều xảy ra với những người mà Ðức Giê-hô-va phán xét là không công chính. Chúng ta đã cho rằng những người bị ngài hủy diệt, chẳng hạn như những người ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ, sẽ không được sống lại. Nhưng sau khi nghiên cứu và cầu nguyện thêm, đầy tớ trung tín thấy rõ là chúng ta không thể chắc chắn về điều đó. Tại sao?

6. Có những ví dụ nào về sự phán xét của Ðức Giê-hô-va đối với những người không công chính, và chúng ta không biết điều gì?

6 Hãy xem một vài ví dụ liên quan đến vấn đề này. Kinh Thánh có một số lời tường thuật về sự phán xét của Ðức Giê-hô-va đối với những người không công chính, chẳng hạn những người bị chết trong trận Ðại Hồng Thủy, bảy dân trong Ðất Hứa mà Ðức Giê-hô-va lệnh cho dân ngài phải hủy diệt, hoặc 185.000 lính A-si-ri bị một thiên sứ của Ðức Giê-hô-va tiêu diệt chỉ trong một đêm (Sáng 7:23; Phục 7:1-3; Ê-sai 37:36, 37). Trong những trường hợp ấy, có đủ thông tin trong Kinh Thánh để kết luận rằng Ðức Giê-hô-va kết án tất cả những người này là bị hủy diệt đời đời và không có hy vọng sống lại không? Không. Tại sao chúng ta có thể nói thế?

7. Liên quan đến những người bị hủy diệt trong trận Ðại Hồng Thủy hoặc trong cuộc chinh phục xứ Ca-na-an, chúng ta không biết điều gì? (Xem nơi trang bìa).

7 Chúng ta không biết Ðức Giê-hô-va phán xét mỗi người như thế nào, cũng không biết liệu những người bị hủy diệt đã có cơ hội để tìm hiểu về ngài và ăn năn hay không. Liên quan đến thời trận Ðại Hồng Thủy, Kinh Thánh có nói rằng Nô-ê là “người rao giảng sự công chính” (2 Phi 2:5). Nhưng Kinh Thánh không nói rằng trong khi đóng tàu, Nô-ê cũng nỗ lực để rao giảng cho từng người trên đất. Tương tự, trong trường hợp các dân trong xứ Ca-na-an, chúng ta không biết liệu tất cả những người gian ác này đã có cơ hội tìm hiểu về Ðức Giê-hô-va và thay đổi hạnh kiểm hay không.

Nô-ê và gia đình ông đang đóng chiếc tàu khổng lồ. Chúng ta không biết trong lúc đóng tàu, họ có rao giảng cho từng người trên đất trước trận Ðại Hồng Thủy hay không (Xem đoạn 7)


8. Về những người ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ, chúng ta không biết điều gì?

8 Nói sao về những người ở Sô-đôm và Gô-mô-rơ? Một người công chính là Lót sống trong vòng họ. Nhưng Lót có rao giảng cho tất cả những người ở đó không? Chúng ta không biết. Chắc chắn họ là người gian ác. Nhưng có phải tất cả họ đều có thể phân biệt điều đúng và điều sai không? Hãy nhớ rằng một nhóm người nam trong thành đó đã tìm cách hãm hiếp các vị khách của Lót. Kinh Thánh cho biết trong nhóm ấy có cả những em trẻ (Sáng 19:4; 2 Phi 2:7). Chúng ta có biết chắc là Ðức Giê-hô-va giàu lòng thương xót đã kết án mỗi người họ tội chết mà không có hy vọng được sống lại không? Ngài đảm bảo với Áp-ra-ham rằng thậm chí không có 10 người công chính trong thành đó (Sáng 18:32). Vậy, họ là những người không công chính, và Ðức Giê-hô-va đã đúng khi hủy diệt họ. Nhưng liệu chúng ta có thể chắc chắn rằng không ai trong số họ sẽ nhận được ‘sự sống lại của người không công chính’ không? Không, chúng ta không thể chắc chắn về điều đó!

9. Chúng ta không biết điều gì liên quan đến Sa-lô-môn?

9 Mặt khác, chúng ta cũng đọc trong Kinh Thánh về những người công chính đã trở nên không công chính. Vua Sa-lô-môn là một ví dụ. Ông được dạy dỗ theo đường lối của Ðức Chúa Trời và đã được ngài ban phước dồi dào, nhưng sau đó ông bắt đầu thờ thần giả. Tội lỗi của ông khiến Ðức Giê-hô-va nổi giận và cũng gây ra nhiều hậu quả kéo dài hàng thế kỷ sau. Ðúng là Kinh Thánh nói rằng Sa-lô-môn “yên nghỉ cùng tổ phụ”, trong đó có những người trung thành như vua Ða-vít (1 Vua 11:5-9, 43; 2 Vua 23:13). Nhưng có phải việc Kinh Thánh nói thế nghĩa là chắc chắn ông sẽ được sống lại không? Kinh Thánh không cho biết. Một số người có thể lý luận rằng: “Ai đã chết thì được xóa tội” (Rô 6:7). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả những người đã chết đều được sống lại, như thể họ có quyền nhận được sự sống mới. Sự sống lại là món quà từ Ðức Chúa Trời đầy yêu thương. Ngài ban món quà ấy cho những người mà ngài muốn họ có cơ hội phụng sự ngài mãi mãi (Gióp 14:13, 14; Giăng 6:44). Sa-lô-môn sẽ nhận được món quà ấy không? Ðức Giê-hô-va biết câu trả lời, còn chúng ta thì không. Nhưng chúng ta biết Ðức Giê-hô-va sẽ làm điều đúng.

ÐIỀU CHÚNG TA BIẾT

10. Ðức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về việc hủy diệt con người? (Ê-xê-chi-ên 33:11) (Cũng xem hình).

10 Ðọc Ê-xê-chi-ên 33:11. Ðức Giê-hô-va nhân từ cho chúng ta biết ngài cảm thấy thế nào về việc phán xét con người. Sứ đồ Phi-e-rơ được soi dẫn để nói những điều tương tự như nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên. Ông nói: “Ðức Giê-hô-va… chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt” (2 Phi 3:9). Những lời này trấn an chúng ta. Chúng ta biết Ðức Giê-hô-va không hủy diệt một người mãi mãi trừ khi có lý do chính đáng để làm thế. Ngài vô cùng thương xót và thể hiện lòng thương xót mỗi khi có thể.

Khi sự sống lại của người không công chính diễn ra, đủ mọi loại người không công chính sẽ có cơ hội tìm hiểu về Ðức Giê-hô-va (Xem đoạn 10)


11. Ai sẽ không được sống lại, và làm thế nào chúng ta biết điều đó?

11 Chúng ta biết điều gì về những người sẽ không được sống lại? Kinh Thánh chỉ nhắc đến một số ví dụ. Chúa Giê-su cho biết Giu-đa Ích-ca-ri-ốt sẽ không được sống lại (Mác 14:21; Giăng 17:12 b). Hắn cố tình phản nghịch Ðức Giê-hô-va và Con ngài (Mác 3:29). Tương tự, Chúa Giê-su nói rằng một số nhà lãnh đạo tôn giáo chống lại ngài sẽ chết mà không có hy vọng được sống lại (Mat 23:33). Và sứ đồ Phao-lô cảnh báo rằng những kẻ bội đạo không ăn năn sẽ không được sống lại.—Hê 6:4-8; 10:29.

12. Chúng ta biết điều gì về lòng thương xót của Ðức Giê-hô-va? Hãy nêu ví dụ.

12 Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, Ðức Giê-hô-va giàu lòng thương xót và “chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt” (2 Phi 3:9). Hãy xem lòng thương xót của ngài đối với một số người phạm tội trọng. Vua Ða-vít mắc phải một số tội vô cùng nghiêm trọng, trong đó có tội ngoại tình và giết người. Nhưng ông ăn năn nên Ðức Giê-hô-va thương xót và tha thứ cho ông (2 Sa 12:1-13). Vua Ma-na-se cực kỳ gian ác trong phần lớn cuộc đời. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó, Ðức Giê-hô-va vẫn thể hiện lòng thương xót và tha thứ cho Ma-na-se khi ông ăn năn (2 Sử 33:9-16). Những ví dụ này nhắc chúng ta nhớ rằng Ðức Giê-hô-va thể hiện lòng thương xót mỗi khi ngài thấy có cơ sở để làm vậy. Ngài sẽ làm cho những người như thế sống lại vì họ nhận ra mình đã phạm tội trọng và ăn năn.

13. (a) Tại sao Ðức Giê-hô-va thể hiện lòng thương xót với dân thành Ni-ni-ve? (b) Sau này, Chúa Giê-su nói gì về dân thành Ni-ni-ve?

13 Chúng ta cũng biết về lòng thương xót của Ðức Giê-hô-va đối với dân thành Ni-ni-ve. Ngài nói với Giô-na: “Sự gian ác của chúng đã thấu đến ta”. Nhưng khi họ ăn năn, Ðức Giê-hô-va đã nhân từ tha thứ cho họ. Ngài có lòng thương xót hơn nhiều so với Giô-na. Ðức Chúa Trời nhắc nhà tiên tri đang tức giận này rằng những người ở thành Ni-ni-ve “không biết phân biệt đúng sai” (Giô-na 1:1, 2; 3:10; 4:9-11). Sau này, Chúa Giê-su dùng trường hợp đó để dạy về công lý và lòng thương xót của Ðức Giê-hô-va. Chúa Giê-su nói rằng dân thành Ni-ni-ve biết ăn năn ‘sẽ được sống lại trong kỳ phán xét’.—Mat 12:41.

14. Việc “sống lại để được xét xử” có nghĩa gì đối với dân thành Ni-ni-ve?

14 Dân thành Ni-ni-ve sẽ được sống lại trong “kỳ phán xét” nào? Chúa Giê-su dạy về việc “sống lại để được xét xử” trong tương lai (Giăng 5:29). Ngài đang nói đến điều sẽ xảy ra trong Triều Ðại Một Ngàn Năm. Trong triều đại ấy, “người công chính và không công chính” sẽ được sống lại (Công 24:15). Ðối với những người không công chính, họ sẽ “sống lại để được xét xử”. Ðiều này có nghĩa là Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sẽ quan sát và đánh giá hạnh kiểm cũng như cách họ phản ứng trước những sự dạy dỗ của Ðức Giê-hô-va. Nếu một người dân thành Ni-ni-ve được sống lại nhưng không chấp nhận sự thờ phượng thanh sạch thì sẽ lãnh phán quyết là sự hủy diệt (Ê-sai 65:20). Còn đối với tất cả những người chọn trung thành thờ phượng Ðức Giê-hô-va, họ sẽ nhận được phán quyết có lợi là triển vọng sống mãi mãi!—Ða 12:2.

15. (a) Tại sao chúng ta nên tránh nói rằng không ai trong số những người bị hủy diệt tại thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ sẽ được sống lại? (b) Chúng ta có thể hiểu những lời nơi Giu-đe 7 như thế nào? (Xem khung “ Ý của Giu-đe là gì?”)

15 Khi nói về dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Chúa Giê-su cho biết “đến Ngày Phán Xét”, họ sẽ được xử nhẹ hơn những người chối bỏ Chúa Giê-su và sự dạy dỗ của ngài (Mat 10:14, 15; 11:23, 24; Lu 10:12). Ý của ngài là gì? Có phải ngài dùng phép tu từ phóng đại để cho thấy những người vào thời ngài rất tồi tệ không? Dường như là không. Hãy nhớ rằng khi Chúa Giê-su nói dân thành Ni-ni-ve ‘sẽ được sống lại trong kỳ phán xét’, thì ngài không phóng đại nhưng muốn nói điều đó thật sự sẽ xảy ra. Rất có thể lời ngài nói về dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ cũng thế. Hẳn “Ngày Phán Xét” mà ngài nói đến liên quan tới hai thành này cũng chính là “kỳ phán xét” mà ngài nhắc đến khi nói về thành Ni-ni-ve. Ngoài ra, Chúa Giê-su nói trong số những người “sống lại để được xét xử”, có những người “đã làm điều đê mạt” (Giăng 5:29). Giống như dân thành Ni-ni-ve, dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ đã làm điều ác. Nhưng dân thành Ni-ni-ve có cơ hội ăn năn. Vậy, dường như có hy vọng cho dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Có thể ít nhất một số người trong số họ sẽ được sống lại, và có lẽ chúng ta có cơ hội để dạy họ về Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.

16. Chúng ta biết điều gì về cách Ðức Giê-hô-va quyết định ai được sống lại? (Giê-rê-mi 17:10)

16 Ðọc Giê-rê-mi 17:10. Câu này giúp chúng ta tóm tắt những điều chúng ta biết, đó là Ðức Giê-hô-va luôn “dò thấu lòng người, xem xét tư tưởng thầm kín nhất”. Liên quan đến sự sống lại trong tương lai, ngài sẽ “báo mỗi người tùy đường họ đi”, như ngài luôn làm. Ðức Giê-hô-va sẽ cứng rắn khi cần, nhưng cũng thương xót mỗi khi có thể. Vậy, chúng ta không nên cho rằng một người không có hy vọng được sống lại, trừ khi chúng ta biết điều đó!

“ÐẤNG PHÁN XÉT CỦA TOÀN THỂ TRÁI ÐẤT” SẼ “LÀM ÐIỀU ÐÚNG”

17. Ðiều gì sẽ xảy ra với những người đã chết?

17 Kể từ khi A-đam và Ê-va đứng về phe Sa-tan và phản nghịch Ðức Giê-hô-va, hàng tỷ người đã chết. ‘Kẻ thù là sự chết’ được bội thu! (1 Cô 15:26). Ðiều gì sẽ xảy ra với tất cả những người này? Một số lượng người nhất định, tổng cộng là 144.000 môn đồ trung thành của Ðấng Ki-tô, được sống lại để sống bất tử trên trời (Khải 14:1). Rất đông những người nam và nữ trung thành yêu mến Ðức Giê-hô-va sẽ nhận được “sự sống lại của người công chính”, và họ sẽ sống mãi mãi trên đất nếu tiếp tục là người công chính trong Triều Ðại Một Ngàn Năm của Ðấng Ki-tô và trong thử thách cuối cùng (Ða 12:13; Hê 12:1). Cũng trong Triều Ðại Một Ngàn Năm, những ‘người không công chính’, kể cả những người chưa bao giờ phụng sự Ðức Giê-hô-va hoặc thậm chí những người “đã làm điều đê mạt”, sẽ được cho cơ hội để thay đổi đời sống và trở thành tôi tớ trung thành (Lu 23:42, 43). Tuy nhiên, một số người quá gian ác, ngoan cố phản nghịch Ðức Giê-hô-va và chống lại ý định của ngài nên ngài đã quyết định là họ sẽ không được sống lại.—Lu 12:4, 5.

18, 19. (a) Tại sao chúng ta có thể tin cậy sự phán xét của Ðức Giê-hô-va dành cho những người đã chết? (Ê-sai 55:8, 9) (b) Bài tới sẽ xem xét điều gì?

18 Chúng ta có thể chắc chắn là Ðức Giê-hô-va luôn đưa ra quyết định đúng khi phán xét không? Có! Ðúng như những gì Áp-ra-ham hiểu rõ, Ðức Giê-hô-va là Ðấng Phán Xét hoàn hảo, khôn ngoan tột bậc và đầy lòng thương xót của toàn thể trái đất. Ngài đã huấn luyện Con ngài và trao cho Con ấy mọi quyền phán xét (Giăng 5:22). Cả Cha lẫn Con đều có thể đọc được lòng của mỗi người trên đất (Mat 9:4). Trong mọi trường hợp, hai đấng ấy sẽ “làm điều đúng”!

19 Hãy quyết tâm tin cậy Ðức Giê-hô-va và sự phán xét của ngài. Chúng ta thừa nhận là mình không đủ điều kiện để phán xét, nhưng Ðức Giê-hô-va thì có! (Ðọc Ê-sai 55:8, 9). Vì thế, chúng ta tin cậy để mọi sự phán xét trong tay ngài và Con ngài, là vị vua phản ánh hoàn hảo công lý và lòng thương xót của Cha (Ê-sai 11:3, 4). Nhưng chúng ta có thể nói gì về sự phán xét của Ðức Chúa Trời liên quan đến hoạn nạn lớn? Chúng ta không biết điều gì? Và chúng ta biết điều gì? Bài tới sẽ giải đáp những câu hỏi này.

BÀI HÁT 57 Rao giảng cho mọi loại người

a Xem Tháp Canh tháng 9 năm 2022, trg 14-19.

b Cụm từ “đứa con của sự hủy diệt” được dùng nơi Giăng 17:12 có nghĩa là khi Giu-đa chết, hắn sẽ phải chịu sự hủy diệt vĩnh viễn mà không có hy vọng được sống lại.