BÀI HỌC 22
BÀI HÁT 127 Tôi xem mình thuộc loại người nào
Làm thế nào để có giai đoạn tìm hiểu thành công?
“Con người bề trong… có giá trị lớn”. —1 PHI 3:4.
TRỌNG TÂM
Những điều các cặp đang hẹn hò có thể làm để có giai đoạn tìm hiểu thành công, và cách những anh chị trong hội thánh có thể hỗ trợ họ.
1, 2. Một số người cảm thấy thế nào về giai đoạn tìm hiểu?
Giai đoạn tìm hiểu có thể là khoảng thời gian vui vẻ và hào hứng. Nếu đang tìm hiểu, hẳn anh chị muốn mọi chuyện diễn ra tốt đẹp. Nhiều cặp đôi có trải nghiệm đó. Một chị ở Ethiopia tên là Tsion a chia sẻ: “Một trong những thời điểm hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi là khi tôi và chồng tìm hiểu nhau. Có lúc chúng tôi đã thảo luận các vấn đề một cách nghiêm túc, nhưng cũng có lúc vui cười với nhau. Tôi rất vui khi nhận ra mình đã tìm được người mà mình yêu và cũng yêu mình”.
2 Tuy nhiên, một anh ở Hà Lan tên là Alessio nói: “Tôi rất vui khi hiểu hơn về vợ mình trong giai đoạn tìm hiểu, nhưng giai đoạn đó cũng có những khó khăn”. Trong bài này, hãy xem một số khó khăn mà các cặp đang hẹn hò có thể gặp phải, và những nguyên tắc Kinh Thánh giúp họ có giai đoạn tìm hiểu thành công. Chúng ta cũng sẽ xem cách các anh chị trong hội thánh có thể hỗ trợ những cặp đôi này.
MỤC ÐÍCH CỦA GIAI ÐOẠN TÌM HIỂU
3. Mục đích của giai đoạn tìm hiểu là gì? (Châm ngôn 20:25)
3 Dù việc tìm hiểu có thể mang lại nhiều niềm vui, nhưng đây cũng là bước quan trọng có thể dẫn đến hôn nhân. Vào ngày cưới, cô dâu và chú rể hứa nguyện trước Ðức Giê-hô-va là sẽ yêu thương và tôn trọng nhau cho đến chừng nào cả hai còn sống. Trước khi đưa ra bất cứ lời hứa nguyện nào, chúng ta nên cân nhắc kỹ. (Ðọc Châm ngôn 20:25). Chúng ta cũng cần làm thế với lời hứa nguyện trong hôn nhân. Giai đoạn tìm hiểu giúp một cặp hiểu rõ về nhau và đưa ra quyết định sáng suốt. Một số trường hợp đi đến quyết định kết hôn, còn số khác thì quyết định ngưng tìm hiểu. Nếu hai người quyết định chia tay, điều đó không có nghĩa là giai đoạn tìm hiểu của họ thất bại. Thay vì thế, giai đoạn tìm hiểu ấy đã đạt được mục đích của nó, đó là giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt.
4. Tại sao chúng ta nên có quan điểm đúng về giai đoạn tìm hiểu?
4 Tại sao điều quan trọng là có quan điểm đúng về giai đoạn tìm hiểu? Khi người độc thân có quan điểm đúng, họ sẽ không tìm hiểu người mà mình không có ý định kết hôn. Tuy nhiên, không chỉ những người độc thân cần có quan điểm đúng. Tất cả chúng ta đều nên ghi nhớ mục đích của giai đoạn tìm hiểu. Chẳng hạn, một số người nghĩ rằng một cặp đang tìm hiểu thì phải kết hôn. Suy nghĩ ấy tác động thế nào đến các tín đồ độc thân? Melissa, một chị độc thân ở Hoa Kỳ, cho biết: “Các cặp đôi đang tìm hiểu thường cảm thấy áp lực khi một số anh chị rất kỳ vọng là họ sẽ kết hôn. Vì thế, một số cặp tiếp tục tìm hiểu ngay cả khi họ không phù hợp với nhau. Còn những tín đồ độc thân khác thì quyết định không tìm hiểu ai hết. Thật vậy, áp lực ấy có thể khiến họ cảm thấy choáng ngợp”.
TÌM HIỂU RÕ VỀ NHAU
5, 6. Một cặp đang tìm hiểu nên biết điều gì về nhau? (1 Phi-e-rơ 3:4)
5 Nếu anh chị đang tìm hiểu nhau, điều gì sẽ giúp anh chị quyết định là nên kết hôn hay không? Hãy tìm hiểu rõ về nhau. Rất có thể anh chị đã biết một số điều về người kia trước khi bắt đầu tìm hiểu. Nhưng giờ đây, anh chị có cơ hội để biết “con người bề trong”. (Ðọc 1 Phi-e-rơ 3:4). Ðiều này bao gồm việc tìm hiểu nhiều hơn về tình trạng thiêng liêng, cá tính và suy nghĩ của người đó. Theo thời gian, anh chị cần trả lời được những câu hỏi như: “Người đó sẽ là bạn đời phù hợp với mình không?” (Châm 31:26, 27, 30; Ê-phê 5:33; 1 Ti 5:8). “Hai người có thể đáp ứng nhu cầu tình cảm của nhau không? Mình có thể chấp nhận những nhược điểm của người kia không?” (Rô 3:23). Trong giai đoạn tìm hiểu, hãy nhớ rằng điều quan trọng nhất không phải là hai người giống nhau đến mức nào, mà là có thể thích nghi ra sao với sự khác biệt của nhau.
6 Anh chị cần biết điều gì khác về người mình đang tìm hiểu? Trước khi anh chị có tình cảm sâu đậm với người kia, điều tốt là thảo luận những vấn đề quan trọng, chẳng hạn như mục tiêu của người đó là gì. Nhưng nói sao về những điều riêng tư như vấn đề sức khỏe, khó khăn về tài chính hoặc sang chấn tâm lý? Anh chị không cần thảo luận tất cả những điều riêng tư khi mới bắt đầu tìm hiểu. (So sánh Giăng 16:12). Nếu anh chị cảm thấy quá sớm để trả lời một số câu hỏi như thế, hãy cho người kia biết. Tuy nhiên, theo thời gian, người đó cần biết những thông tin này để đưa ra quyết định sáng suốt. Vì vậy, vào một thời điểm nào đó, anh chị cần cởi mở nói về những điều ấy.
7. Làm thế nào một cặp đang tìm hiểu có thể biết rõ về nhau? (Cũng xem khung “ Hẹn hò từ xa”). (Cũng xem các hình).
7 Làm thế nào anh chị có thể biết rõ con người bề trong của người kia? Một trong những cách tốt nhất là nói chuyện cởi mở và thành thật, đặt câu hỏi và chăm chú lắng nghe (Châm 20:5; Gia 1:19). Ðể làm thế, anh chị có thể cùng làm một số việc giúp hai người dễ nói chuyện hơn, chẳng hạn như cùng nhau dùng bữa, tản bộ nơi công cộng và đi rao giảng. Anh chị cũng có thể hiểu nhau hơn khi cùng dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Ngoài ra, hãy sắp xếp để tham gia những hoạt động giúp anh chị biết người kia cư xử thế nào trong các tình huống khác nhau và với những người khác nhau. Hãy lưu ý điều anh Aschwin ở Hà Lan đã cố gắng làm. Anh nói về giai đoạn tìm hiểu chị Alicia: “Chúng tôi tìm những hoạt động giúp cả hai hiểu nhau hơn. Thường thì đó là những hoạt động đơn giản như cùng nhau chuẩn bị bữa ăn hoặc làm một số việc nhà khác. Trong những lúc ấy, chúng tôi thấy được điểm mạnh và điểm yếu của nhau”.
8. Một cặp đang tìm hiểu có thể nhận được lợi ích nào khi cùng học hỏi?
8 Anh chị cũng có thể hiểu nhau hơn bằng cách cùng thảo luận các chủ đề trong Kinh Thánh. Nếu kết hôn, anh chị sẽ cần dành thời gian cho buổi thờ phượng của gia đình, nhờ thế Ðức Chúa Trời trở thành phần thiết yếu trong hôn nhân của anh chị (Truyền 4:12). Vì thế, trong giai đoạn tìm hiểu, anh chị có thể dành thời gian để cùng học hỏi. Dĩ nhiên, một cặp đang tìm hiểu thì chưa phải là gia đình, và anh đó cũng chưa là đầu của chị đó. Tuy nhiên, nhờ đều đặn học hỏi cùng nhau, anh chị có thể biết được tình trạng thiêng liêng của người kia. Anh Max và chị Laysa, một cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ, nhận thấy một lợi ích khác. Anh cho biết: “Khi mới tìm hiểu, chúng tôi bắt đầu học các ấn phẩm về đề tài hẹn hò, hôn nhân và đời sống gia đình. Những ấn phẩm này mở ra các cuộc nói chuyện về các chủ đề quan trọng mà thường không dễ nói ra”.
NHỮNG YẾU TỐ KHÁC CẦN CÂN NHẮC
9. Khi quyết định nói cho ai biết về việc mình tìm hiểu, một cặp đôi nên cân nhắc điều gì?
9 Anh chị nên cho ai biết về việc mình tìm hiểu? Một cặp đang tìm hiểu cần quyết định điều đó. Lúc mới tìm hiểu, anh chị có thể chỉ nói cho một số người biết (Châm 17:27). Nhờ thế, anh chị có thể tránh được những áp lực và câu hỏi không cần thiết. Nhưng nếu không nói cho ai, có lẽ anh chị sẽ dành thời gian với nhau mà không có người ở cùng, vì sợ người khác biết chuyện. Trường hợp này rất nguy hiểm vì có thể dẫn đến những hành vi sai trái. Thế nên, sẽ là điều khôn ngoan nếu ít nhất anh chị nói với những người có thể cho mình lời khuyên hữu ích và sự hỗ trợ thực tế (Châm 15:22). Chẳng hạn, anh chị có thể nói với một số thành viên trong gia đình, những người bạn thành thục hoặc trưởng lão.
10. Một cặp có thể làm gì để giữ cho giai đoạn tìm hiểu được trong sạch? (Châm ngôn 22:3)
10 Anh chị có thể làm gì để giữ cho giai đoạn tìm hiểu được trong sạch? Khi tình cảm càng sâu đậm, tự nhiên anh chị sẽ càng thu hút nhau hơn. Ðiều gì có thể giúp anh chị giữ trong sạch về đạo đức? (1 Cô 6:18). Hãy tránh nói về những điều vô luân, tránh ở cùng nhau mà không có ai xung quanh và tránh uống rượu bia quá độ (Ê-phê 5:3). Những hành động này có thể khơi dậy ham muốn, và làm suy yếu lòng quyết tâm của anh chị trong việc làm điều đúng. Ðiều khôn ngoan là đều đặn thảo luận những cách để giữ cho giai đoạn tìm hiểu của anh chị được trong sạch. (Ðọc Châm ngôn 22:3). Hãy lưu ý điều đã giúp anh Dawit và chị Almaz ở Ethiopia. Họ nói: “Chúng tôi dành thời gian cùng nhau ở những nơi có nhiều người xung quanh hoặc có bạn bè đi cùng. Chúng tôi không bao giờ ở trong nhà hoặc trong xe hơi mà chỉ có hai chúng tôi thôi. Nhờ thế, chúng tôi tránh được những tình huống có thể khiến mình bị cám dỗ”.
11. Khi quyết định về các cử chỉ thể hiện sự trìu mến, một cặp đôi nên cân nhắc những yếu tố nào?
11 Nói sao về các cử chỉ thể hiện sự trìu mến? Một số cử chỉ có lẽ là thích hợp khi mối quan hệ tiến triển. Tuy nhiên, khi ham muốn được khơi dậy, rất có thể anh chị sẽ thấy khó có cái nhìn khách quan về người kia (Nhã 1:2; 2:6). Các cử chỉ thể hiện sự trìu mến có thể dễ trở nên mất kiểm soát và dẫn đến hành vi sai trái (Châm 6:27). Vì vậy, trong giai đoạn đầu tìm hiểu, hãy cùng nhau thảo luận các nguyên tắc Kinh Thánh và đặt ra giới hạn liên quan đến các cử chỉ ấy b (1 Tê 4:3-7). Hãy thảo luận với nhau những câu hỏi sau: “Người ở nơi mình sống thường có quan điểm nào về các cử chỉ thể hiện sự trìu mến? Những hành động này có thể khơi dậy ham muốn của hai chúng ta không?”.
12. Một cặp đôi nên nhớ điều gì về những vấn đề và bất đồng xảy ra trong khi tìm hiểu?
12 Làm thế nào anh chị có thể giải quyết những bất đồng? Nếu thỉnh thoảng anh chị có bất đồng thì sao? Có phải điều này nghĩa là anh chị không phù hợp với nhau không? Không nhất thiết. Tất cả các cặp đôi đều thỉnh thoảng có mâu thuẫn. Hôn nhân trở nên bền chặt khi hai người cùng hợp tác để giải quyết những bất đồng. Vì thế, cách anh chị giải quyết những bất đồng ngay bây giờ có thể cho thấy liệu hôn nhân của anh chị sẽ thành công hay không. Hãy cùng nhau xem xét những câu hỏi sau: “Chúng mình có thảo luận các vấn đề một cách bình tĩnh và tôn trọng không? Chúng mình có sẵn sàng thừa nhận những thiếu sót của bản thân và nỗ lực cải thiện không? Chúng mình có nhanh chóng nhường nhịn, xin lỗi và tha thứ cho nhau không?” (Ê-phê 4:31, 32). Tuy nhiên, nếu anh chị luôn có bất đồng và cãi nhau trong lúc tìm hiểu, rất có thể tình hình sẽ không được cải thiện sau khi anh chị kết hôn. Nếu anh chị nhận ra rằng người kia không phù hợp với mình, quyết định tốt nhất cho cả hai là ngưng tìm hiểu.
13. Ðiều gì có thể giúp một cặp đôi quyết định họ nên tìm hiểu nhau bao lâu?
13 Giai đoạn tìm hiểu nên kéo dài bao lâu? Quyết định hấp tấp thường dẫn đến hậu quả (Châm 21:5). Vì thế, anh chị nên tìm hiểu trong một thời gian đủ dài để hiểu rõ về nhau. Tuy nhiên, anh chị không nên kéo dài giai đoạn tìm hiểu một cách không cần thiết. Kinh Thánh cũng nói: “Ước vọng bị trì hoãn khiến cho lòng đau đớn” (Châm 13:12). Hơn nữa, khi anh chị càng dành nhiều thời gian với nhau, thì càng khó để kháng cự cám dỗ vô luân (1 Cô 7:9). Thay vì tập trung vào việc tìm hiểu bao lâu, anh chị hãy tự hỏi: “Mình cần biết thêm điều gì về người kia để đưa ra quyết định?”.
LÀM THẾ NÀO ÐỂ HỖ TRỢ CÁC CẶP ÐÔI ÐANG TÌM HIỂU?
14. Các anh chị khác có thể hỗ trợ cặp đôi đang tìm hiểu qua những cách thực tế nào? (Cũng xem hình).
14 Nếu biết một cặp đôi đang tìm hiểu nhau, làm thế nào chúng ta có thể hỗ trợ họ? Chúng ta có thể mời họ dùng bữa, tham gia buổi thờ phượng của gia đình hoặc cùng giải trí (Rô 12:13). Trong những dịp đó, anh chị ấy có thể hiểu nhau rõ hơn. Chúng ta cũng có thể giúp đỡ bằng cách đi cùng, đi chung xe với họ hoặc mời họ đến nhà chúng ta nếu họ cần nơi để nói chuyện riêng (Ga 6:10). Chị Alicia được đề cập ở trên nhớ lại điều mà chị và anh Aschwin biết ơn. Chị chia sẻ: “Chúng tôi thấy ấm lòng khi một số anh chị nói rằng chúng tôi có thể đến nhà họ chơi nếu cần một nơi để dành thời gian với nhau nhưng vẫn có người ở xung quanh”. Nếu anh chị được nhờ đi cùng, hãy xem đó là cơ hội tốt để giúp bạn mình. Hãy cẩn thận để tránh xảy ra tình huống chỉ có hai người họ ở với nhau, nhưng cũng nên nhận ra khi nào họ cần thời gian và không gian riêng để nói chuyện.—Phi-líp 2:4.
15. Chúng ta có thể hỗ trợ cặp đôi đang tìm hiểu qua những cách nào khác? (Châm ngôn 12:18)
15 Chúng ta cũng có thể hỗ trợ các cặp đôi qua những điều mình nói hoặc không nói. Có những lúc, chúng ta cần tính tự chủ và không nói gì hết về việc họ tìm hiểu. (Ðọc Châm ngôn 12:18). Chẳng hạn, chúng ta có thể rất háo hức muốn cho người khác biết về việc một cặp đôi đã bắt đầu tìm hiểu, nhưng có lẽ họ muốn tự chia sẻ thông tin này. Chúng ta không nên ngồi lê đôi mách về cặp đôi ấy hay chỉ trích họ về những vấn đề riêng tư (Châm 20:19; Rô 14:10; 1 Tê 4:11). Hơn nữa, chúng ta cũng không nên nói hay hỏi những điều khiến anh chị ấy cảm thấy bị áp lực là phải kết hôn. Một chị tên là Elise và chồng nhớ lại: “Chúng tôi đã cảm thấy ngại khi các anh chị khác hỏi về kế hoạch kết hôn, trong khi chúng tôi chưa bàn với nhau về điều đó”.
16. Chúng ta nên phản ứng thế nào nếu một cặp đôi ngưng tìm hiểu?
16 Nói sao nếu một cặp đôi quyết định ngưng tìm hiểu? Chúng ta nên tránh gặng hỏi chuyện của họ hay đứng về phía một trong hai người (1 Phi 4:15). Một chị tên là Lea chia sẻ: “Tôi đã nghe đồn rằng các anh chị khác suy đoán về lý do tôi và một anh chia tay. Tôi cảm thấy bị tổn thương”. Như đã đề cập ở trên, chia tay không nhất thiết có nghĩa là cặp đôi đã thất bại. Ðiều đó thường chỉ có nghĩa là giai đoạn tìm hiểu đã đạt được mục đích của nó, đó là giúp cặp đôi đưa ra quyết định sáng suốt. Tuy nhiên, quyết định ấy có lẽ vẫn khiến họ đau lòng và cảm thấy cô đơn. Vì thế, chúng ta nên tìm cách để hỗ trợ họ.—Châm 17:17.
17. Các cặp đôi đang tìm hiểu nên tiếp tục làm gì?
17 Như chúng ta đã thảo luận, giai đoạn tìm hiểu có thể có những khó khăn nhưng cũng có thể mang lại niềm vui. Chị Jessica chia sẻ: “Thật lòng mà nói, đối với tôi, giai đoạn tìm hiểu đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng rất đáng công”. Nếu anh chị đang tìm hiểu, hãy tiếp tục cố gắng để hiểu nhau hơn. Khi làm thế, giai đoạn tìm hiểu của anh chị sẽ thành công vì giúp anh chị đưa ra quyết định sáng suốt.
BÀI HÁT 49 Làm Cha Giê-hô-va vui lòng
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)