BÀI HỌC 24
BÀI HÁT 24 Hãy lên núi của Ðức Giê-hô-va
Hãy làm khách của Ðức Giê-hô-va cho đến mãi mãi!
“Lạy Ðức Giê-hô-va, ai được làm khách trong lều ngài?”—THI 15:1.
TRỌNG TÂM
Xem chúng ta cần làm gì để tiếp tục có tình bạn với Ðức Giê-hô-va và xem ngài muốn chúng ta đối xử với bạn ngài như thế nào.
1. Tại sao chúng ta có thể nhận được lợi ích khi xem xét Thi thiên 15:1-5?
Trong bài trước, chúng ta học được rằng các tôi tớ đã dâng mình của Ðức Giê-hô-va có thể làm khách trong lều theo nghĩa bóng của ngài bằng cách vun trồng mối quan hệ mật thiết với ngài. Nhưng làm thế nào để có mối quan hệ đó? Thi thiên 15 cho biết câu trả lời. (Thi thiên 15:1-5). Bài Thi thiên này chứa đựng các bài học thực tế giúp chúng ta đến gần ngài hơn.
2. Khi nhắc tới lều của Ðức Giê-hô-va, có lẽ Ða-vít đang nghĩ đến điều gì?
2 Thi thiên 15 mở đầu với những lời sau: “Lạy Ðức Giê-hô-va, ai được làm khách trong lều ngài? Ai được ngụ tại núi thánh ngài?” (Thi 15:1). Khi nhắc tới “lều” của Ðức Giê-hô-va, người viết Thi thiên là Ða-vít có lẽ đang nghĩ đến lều thánh, là lều tọa lạc tại Ga-ba-ôn trong một thời gian. Ða-vít cũng nhắc đến “núi thánh” của Ðức Chúa Trời, có lẽ ông muốn nói đến núi Si-ôn ở Giê-ru-sa-lem, nằm cách phía nam của Ga-ba-ôn gần 10km. Tại đây, Ða-vít đã dựng lều để đặt Hòm Giao Ước cho đến khi đền thờ được xây cất.—2 Sa 6:17.
3. Tại sao chúng ta nên chú ý đến Thi thiên 15? (Cũng xem hình).
3 Dĩ nhiên, đa số người Y-sơ-ra-ên không được phụng sự ở lều thánh, và chỉ rất ít người được vào trong lều đặt Hòm Giao Ước. Nhưng tất cả tôi tớ trung thành của Ðức Giê-hô-va đều có thể là khách trong lều của ngài bằng cách trở thành bạn ngài và duy trì tình bạn ấy. Ðó là điều mà tất cả chúng ta đều mong muốn. Thi thiên 15 nhắc đến một số phẩm chất mà chúng ta cần vun trồng và thể hiện để tiếp tục làm bạn với Ðức Giê-hô-va.
BƯỚC ÐI CÁCH TRỌN VẸN VÀ NĂNG THỰC HIỆN ÐIỀU ÐÚNG ÐẮN
4. Tại sao chúng ta biết việc báp-têm không phải là điều duy nhất mà Ðức Giê-hô-va đòi hỏi nơi chúng ta? (Ê-sai 48:1)
4 Nơi Thi thiên 15:2, bạn của Ðức Chúa Trời được miêu tả là “người bước đi cách trọn vẹn, năng thực hiện điều đúng đắn”. Những động từ “bước đi” và “năng thực hiện” trong câu này muốn nói đến hành động liên tục và tiến triển. Nhưng chúng ta có thật sự bước đi cách trọn vẹn được không? Có. Dù không người nào là hoàn hảo, Ðức Giê-hô-va xem chúng ta là người “bước đi cách trọn vẹn” nếu chúng ta cố gắng hết sức để vâng lời ngài. Khi dâng mình cho Ðức Chúa Trời và báp-têm, chúng ta mới chỉ bắt đầu bước đi với ngài. Hãy lưu ý vào thời Kinh Thánh, chỉ riêng việc thuộc về dân Y-sơ-ra-ên không có nghĩa là một người đương nhiên được làm khách của Ðức Giê-hô-va. Một số người trong dân ấy kêu cầu ngài nhưng “không phải bởi sự chân thật và công chính”. (Ðọc Ê-sai 48:1). Những người Y-sơ-ra-ên có lòng thành cần tìm hiểu và làm theo các đòi hỏi của ngài. Ngày nay cũng vậy, để được Ðức Giê-hô-va chấp nhận, chúng ta cần làm nhiều hơn là chỉ báp-têm và kết hợp với hội thánh tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Chúng ta phải “năng thực hiện điều đúng đắn”. Ðiều này bao hàm những gì?
5. Vâng lời Ðức Giê-hô-va trong mọi việc bao gồm điều gì?
5 Trong mắt Ðức Giê-hô-va, việc “bước đi cách trọn vẹn” và “năng thực hiện điều đúng đắn” bao gồm nhiều hơn là chỉ đều đặn tham gia một số hoạt động tại nơi thờ phượng (1 Sa 15:22). Chúng ta cần nỗ lực vâng lời Ðức Giê-hô-va trong mọi khía cạnh của đời sống, ngay cả khi ở một mình (Châm 3:6; Truyền 12:13, 14). Ðiều quan trọng là chúng ta cố gắng vâng lời ngài, thậm chí trong những vấn đề nhỏ. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình thật sự yêu thương Ðức Giê-hô-va và trở nên đáng quý hơn đối với ngài.—Giăng 14:23; 1 Giăng 5:3.
6. Theo Hê-bơ-rơ 6:10-12, điều gì quan trọng hơn những hành động trung thành chúng ta làm trong quá khứ?
6 Ðức Giê-hô-va rất quý những gì chúng ta đã làm vì ngài. Tuy nhiên, chỉ những hành động trung thành trong quá khứ thôi thì không đủ để chúng ta tiếp tục làm khách trong lều của Ðức Giê-hô-va. Chúng ta thấy rõ điều này nơi Hê-bơ-rơ 6:10-12. (Ðọc). Ðức Giê-hô-va không quên những việc tốt của chúng ta trong quá khứ. Nhưng ngài muốn chúng ta tiếp tục hết lòng phụng sự ngài “cho đến cuối cùng”. Ngài sẽ làm bạn của chúng ta mãi mãi nếu chúng ta “không thoái chí nản lòng”.—Ga 6:9.
NÓI SỰ THẬT TỪ TRONG LÒNG
7. Nói sự thật từ trong lòng bao gồm điều gì?
7 Một người muốn làm khách trong lều của Ðức Giê-hô-va phải “nói sự thật từ trong lòng” (Thi 15:2). Ðiều này bao gồm nhiều hơn là không nói dối. Ðức Giê-hô-va muốn chúng ta trung thực trong mọi lời nói và hành động (Hê 13:18). Ðó là điều quan trọng, “bởi Ðức Giê-hô-va ghê tởm kẻ lươn lẹo, nhưng kết tình bạn thiết với những người ngay thẳng”.—Châm 3:32.
8. Chúng ta cần tránh hạnh kiểm nào?
8 Những người “nói sự thật từ trong lòng” thì không giả vờ vâng lời Ðức Chúa Trời trước mặt người khác mà lại vi phạm luật pháp của ngài khi ở một mình (Ê-sai 29:13). Họ tránh hành động một cách lươn lẹo. Một người lươn lẹo có thể bắt đầu nghĩ rằng các điều luật của Ðức Giê-hô-va không phải lúc nào cũng khôn ngoan (Gia 1:5-8). Người ấy có thể không vâng lời ngài trong những vấn đề mà mình xem là ít quan trọng. Rồi nếu dường như không phải gánh chịu hậu quả cho việc không vâng lời đó, có thể người ấy sẽ bạo dạn làm những điều xấu xa hơn, và sự thờ phượng của người ấy trở thành giả hình (Truyền 8:11). Nhưng chúng ta thì muốn trung thực trong mọi việc.
9. Chúng ta học được gì từ cuộc gặp đầu tiên của Chúa Giê-su với Na-tha-na-ên? (Cũng xem hình).
9 Chúng ta có thể học được tầm quan trọng của việc có tấm lòng chân thật từ cuộc gặp đầu tiên của Chúa Giê-su với Na-tha-na-ên. Khi Phi-líp đưa bạn mình là Na-tha-na-ên đến gặp ngài, một điều đáng chú ý đã xảy ra. Dù chưa bao giờ gặp Na-tha-na-ên, nhưng ngài nói: “Kìa, một người Y-sơ-ra-ên không có chút dối trá nào trong lòng” (Giăng 1:47). Hẳn Chúa Giê-su cũng xem các môn đồ khác là những người trung thực, nhưng ngài thấy Na-tha-na-ên đặc biệt chân thật. Na-tha-na-ên là người bất toàn giống như chúng ta. Nhưng ông không có chút giả tạo hoặc thiếu chân thật. Chúa Giê-su quý trọng điều đó và khen Na-tha-na-ên. Quả là vinh dự nếu chúng ta cũng được ngài khen như thế!
10. Tại sao chúng ta cần tránh lạm dụng món quà lời nói? (Gia-cơ 1:26)
10 Ða số những đòi hỏi nơi Thi thiên 15 liên quan đến cách chúng ta đối xử với người khác. Thi thiên 15:3 cho biết khách trong lều của Ðức Giê-hô-va “không dùng lưỡi vu khống ai, không làm hại người đồng loại, không bôi nhọ bạn hữu mình”. Việc lạm dụng lời nói theo những cách như thế có thể gây hại cho người khác và khiến chúng ta không còn hội đủ điều kiện để làm khách trong lều của Ðức Giê-hô-va.—Ðọc Gia-cơ 1:26.
11. Vu khống là gì, và điều gì xảy ra với người vu khống mà không ăn năn?
11 Người viết Thi thiên đề cập cụ thể đến việc vu khống. Vu khống là gì? Nhìn chung, đó là nói những lời giả dối có thể hủy hoại danh tiếng của người khác. Người vu khống mà không ăn năn sẽ bị khai trừ khỏi hội thánh.—Giê 17:10.
12, 13. Chúng ta có thể vô tình bôi nhọ bạn hữu mình trong những trường hợp nào? (Cũng xem hình).
12 Thi thiên 15:3 cũng nhắc chúng ta rằng khách của Ðức Giê-hô-va không làm hại người đồng loại và không bôi nhọ bạn hữu mình. Bôi nhọ bạn mình có thể bao gồm điều gì?
13 Chúng ta có thể vô tình bôi nhọ một người khi lan truyền thông tin tiêu cực về người ấy. Chẳng hạn, chúng ta được biết (1) một chị ngưng phụng sự trọn thời gian, (2) một cặp vợ chồng không còn phụng sự ở Bê-tên, hoặc (3) một anh không còn làm trưởng lão hay phụ tá hội thánh. Thật không thích hợp khi suy đoán lý do nằm sau những trường hợp ấy và nói với người khác. Có thể có những lý do mà chúng ta không biết. Ðúng vậy, khách trong lều của Ðức Giê-hô-va thì “không làm hại người đồng loại, không bôi nhọ bạn hữu mình”.
XEM TRỌNG NGƯỜI KÍNH SỢ ÐỨC GIÊ-HÔ-VA
14. “Khinh bỏ kẻ đê tiện” có nghĩa gì?
14 Thi thiên 15:4 nói rằng bạn của Ðức Giê-hô-va “khinh bỏ kẻ đê tiện”. Làm thế nào để biết một người có phải là kẻ đê tiện hay không? Chúng ta không có quyền xác định điều đó. Tại sao? Là người bất toàn, có thể chúng ta được thu hút đến gần những người có các phẩm chất mà mình thích nhưng lại không muốn đến gần những người có tính tình mà mình không ưa. Vì thế, chúng ta chỉ nên “khinh bỏ” những người mà Ðức Giê-hô-va xem là “kẻ đê tiện” (1 Cô 5:11). Trong số đó có kẻ làm điều xấu xa nhưng không ăn năn, khinh thường niềm tin của chúng ta hoặc cố hủy hoại mối quan hệ của chúng ta với Ðức Giê-hô-va.—Châm 13:20.
15. Một cách để “xem trọng người kính sợ Ðức Giê-hô-va” là gì?
15 Mặt khác, Thi thiên 15:4 nói rằng khách trong lều của Ðức Giê-hô-va cần ‘xem trọng người kính sợ ngài’. Vì thế, chúng ta tìm cách để thể hiện sự tử tế và tôn trọng với bạn của ngài (Rô 12:10). Như thế nào? Dựa trên Thi thiên 15:4, một cách để làm thế là ‘không rút lại lời thề hứa, dù chịu thiệt’. Việc chúng ta không giữ lời hứa hẳn sẽ khiến người khác tổn thương (Mat 5:37). Chẳng hạn, một lời hứa mà Ðức Giê-hô-va đòi hỏi khách của ngài giữ là lời thề ước hôn nhân. Ngài cũng hài lòng khi các bậc cha mẹ cố gắng hết sức để giữ lời hứa với các con. Tình yêu thương dành cho Ðức Chúa Trời và người lân cận thôi thúc chúng ta làm tất cả những gì có thể để giữ lời hứa.
16. Một cách khác để xem trọng bạn của Ðức Giê-hô-va là gì?
16 Một cách khác để xem trọng bạn của Ðức Giê-hô-va là thể hiện lòng hiếu khách và rộng rãi (Rô 12:13). Dành thời gian thư giãn với anh em đồng đạo giúp chúng ta củng cố mối quan hệ với họ và với Ðức Giê-hô-va. Ngoài ra, khi thể hiện lòng hiếu khách, chúng ta đang noi gương ngài.
ÐỪNG HAM TIỀN
17. Tại sao Thi thiên 15 nhắc đến tiền bạc?
17 Kinh Thánh cho biết khách của Ðức Giê-hô-va “không cho vay đặng lấy lãi, không ăn hối lộ hại người vô tội” (Thi 15:5). Tại sao bài Thi thiên ngắn này nhắc đến tiền bạc? Vì nếu có quan điểm không thăng bằng về tiền bạc, chúng ta có thể gây hại cho người khác và hủy hoại tình bạn với Ðức Chúa Trời (1 Ti 6:10). Vào thời Kinh Thánh, một số người lợi dụng anh em nghèo khó bằng cách cho vay lấy lãi. Ngoài ra, một số quan xét đã nhận hối lộ, rồi xét xử người vô tội một cách bất công. Những hành động như thế là đáng ghê tởm đối với Ðức Giê-hô-va.—Ê-xê 22:12.
18. Những câu hỏi nào có thể giúp chúng ta đánh giá thái độ của mình về tiền bạc? (Hê-bơ-rơ 13:5)
18 Chúng ta nên đánh giá thái độ của mình về tiền bạc. Hãy tự hỏi: “Mình có thường nghĩ đến tiền và những thứ có thể mua không? Nếu mượn tiền của người khác, mình có chậm trả và nghĩ rằng người cho mượn không cần khoản tiền đó không? Việc có tiền có khiến mình cảm thấy cao trọng hơn người khác không? Mình có thấy khó thể hiện lòng rộng rãi không? Mình có xét đoán anh em là ham mê vật chất chỉ vì họ có nhiều tiền không? Mình có thích làm bạn với người giàu nhưng lại thờ ơ với người nghèo không?”. Chúng ta đã nhận được cơ hội tuyệt vời là được làm khách của Ðức Giê-hô-va. Chúng ta có thể nắm chắc đặc ân đó bằng cách giữ lối sống không ham tiền. Nếu chúng ta làm thế, Ðức Giê-hô-va sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta!—Ðọc Hê-bơ-rơ 13:5.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA YÊU QUÝ BẠN NGÀI
19. Mục đích chính của những đòi hỏi của Ðức Giê-hô-va là gì?
19 Bài Thi thiên 15 kết thúc với lời hứa: “Người nào như thế sẽ luôn vững vàng” (Thi 15:5). Trong câu này, người viết Thi thiên cho biết mục đích chính của những đòi hỏi của Ðức Chúa Trời, đó là ngài muốn chúng ta hạnh phúc. Vì vậy, ngài ban những chỉ dẫn giúp chúng ta được che chở và có đời sống tốt hơn.—Ê-sai 48:17.
20. Khách của Ðức Giê-hô-va có thể trông mong điều gì?
20 Khách của Ðức Giê-hô-va có thể trông mong một tương lai tươi sáng. Các tín đồ được xức dầu sẽ được vào “nhiều chỗ ở” mà Chúa Giê-su đã chuẩn bị cho họ trên trời (Giăng 14:2). Những người có hy vọng sống trên đất trông mong lời hứa nơi Khải huyền 21:3 thành hiện thực. Chắc chắn tất cả chúng ta đều vô cùng vinh dự khi nhận được lời mời nồng ấm của Ðức Giê-hô-va là làm khách trong lều của ngài cho đến mãi mãi!
BÀI HÁT 39 Tạo danh tiếng tốt trước mắt Chúa
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)