BÀI HỌC 28

BÀI HÁT 123 Trung thành phục tùng sự sắp đặt thần quyền

Anh chị có phân biệt được sự thật và sự giả dối không?

Anh chị có phân biệt được sự thật và sự giả dối không?

“Hãy đứng vững, đeo dây thắt lưng là chân lý”.Ê-PHÊ 6:14.

TRỌNG TÂM

Biết cách nhận ra sự khác biệt giữa những sự thật học được từ Ðức Giê-hô-va với những sự giả dối mà Sa-tan và những kẻ chống đối đẩy mạnh.

1. Anh chị cảm thấy thế nào về chân lý?

 Dân Ðức Giê-hô-va yêu mến chân lý trong Lời ngài. Ðức tin của chúng ta dựa trên chân lý ấy (Rô 10:17). Chúng ta tin rằng Ðức Giê-hô-va lập hội thánh đạo Ðấng Ki-tô làm “trụ cột và thành lũy của chân lý” (1 Ti 3:15). Và chúng ta sẵn sàng vâng phục “những người đang dẫn đầu” trong vòng chúng ta, là những người giải thích chân lý trong Kinh Thánh và đưa ra chỉ dẫn phù hợp với ý muốn của Ðức Chúa Trời.—Hê 13:17.

2. Theo Gia-cơ 5:19, chúng ta đối mặt với nguy cơ nào sau khi chấp nhận chân lý?

2 Tuy nhiên, sau khi chấp nhận chân lý và vai trò của tổ chức Ðức Chúa Trời trong việc cung cấp sự hướng dẫn đáng tin cậy, chúng ta vẫn có thể bị dẫn đi lạc lối. (Ðọc Gia-cơ 5:19). Sa-tan không mong muốn gì hơn là khiến chúng ta mất lòng tin cậy nơi Kinh Thánh hoặc chỉ dẫn mình nhận được từ tổ chức của Ðức Chúa Trời.—Ê-phê 4:14.

3. Tại sao chúng ta cần nắm chặt chân lý? (Ê-phê-sô 6:13, 14)

3 Ðọc Ê-phê-sô 6:13, 14. Không lâu nữa, Ác Quỷ sẽ dùng những lời tuyên truyền có sức thuyết phục để lừa gạt các nước, khiến họ chống lại Ðức Giê-hô-va (Khải 16:13, 14). Chúng ta cũng biết rằng Sa-tan sẽ ngày càng ra sức lừa gạt dân ngài (Khải 12:9). Vì thế, điều quan trọng là chúng ta học cách phân biệt giữa sự thật và sự giả dối cũng như vâng theo chân lý (Rô 6:17; 1 Phi 1:22). Sự sống sót của chúng ta trong hoạn nạn lớn tùy thuộc vào điều đó!

4. Bài này sẽ xem xét điều gì?

4 Bài này cho biết hai phẩm chất mà chúng ta cần để nhận ra những sự thật dựa trên Kinh Thánh và chấp nhận chỉ dẫn đến từ tổ chức. Chúng ta cũng sẽ xem ba điều cần làm để tiếp tục nắm chặt chân lý.

NHỮNG PHẨM CHẤT CẦN THIẾT ÐỂ NHẬN RA SỰ THẬT

5. Làm thế nào sự kính sợ Ðức Giê-hô-va giúp chúng ta nhận ra sự thật?

5 Sự kính sợ Ðức Giê-hô-va. Khi đã vun trồng lòng kính sợ Ðức Giê-hô-va, chúng ta yêu thương ngài đến mức không bao giờ muốn làm bất cứ điều gì khiến ngài buồn lòng. Chúng ta rất muốn học cách phân biệt điều đúng và điều sai, sự thật và sự giả dối để có thể được Ðức Giê-hô-va chấp nhận (Châm 2:3-6; Hê 5:14). Ðừng bao giờ để cho nỗi sợ loài người mạnh hơn tình yêu thương dành cho Ðức Giê-hô-va, vì những điều làm vui lòng con người thường khiến ngài buồn lòng.

6. Nỗi sợ loài người đã khiến mười thủ lĩnh Y-sơ-ra-ên bóp méo sự thật như thế nào?

6 Nếu nỗi sợ loài người lớn hơn sự kính sợ Ðức Chúa Trời, chúng ta có thể bị dẫn đi lạc khỏi chân lý. Hãy xem trường hợp của 12 thủ lĩnh đi do thám xứ mà Ðức Giê-hô-va hứa ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Ðối với mười người trong số họ, nỗi sợ dân Ca-na-an mạnh hơn tình yêu thương dành cho Ðức Giê-hô-va. Họ nói với anh em người Y-sơ-ra-ên: “Chúng ta không đi lên chống lại dân ấy được, vì họ mạnh hơn chúng ta” (Dân 13:27-31). Theo quan điểm của con người thì đúng là dân Ca-na-an mạnh hơn dân Y-sơ-ra-ên. Nhưng khi nói dân Y-sơ-ra-ên không thể chiến thắng kẻ thù, mười người ấy đã lờ đi Ðức Giê-hô-va. Lẽ ra họ nên tập trung vào điều ngài muốn dân Y-sơ-ra-ên làm. Họ cũng nên suy ngẫm về những điều ngài đã thực hiện cho họ trước đó không lâu. Nếu làm thế, họ có thể nhận ra rằng sức mạnh của dân Ca-na-an không là gì so với quyền năng vô song của Ðức Giê-hô-va. Khác với những người do thám thiếu đức tin đó, Giô-suê và Ca-lép muốn được ngài chấp nhận. Họ nói với dân chúng: “Nếu Ðức Giê-hô-va hài lòng về chúng ta, ngài chắc chắn sẽ đưa chúng ta vào xứ ấy và ban nó cho chúng ta”.—Dân 14:6-9.

7. Chúng ta có thể củng cố lòng kính sợ Ðức Giê-hô-va bằng cách nào? (Cũng xem hình).

7 Ðể củng cố lòng kính sợ Ðức Giê-hô-va, chúng ta cần tập trung vào việc làm hài lòng ngài mỗi khi đưa ra quyết định (Thi 16:8). Khi đọc các lời tường thuật trong Kinh Thánh, hãy tự hỏi: “Nếu ở trong tình huống đó, mình sẽ quyết định thế nào?”. Chẳng hạn, hãy hình dung anh chị đang nghe mười thủ lĩnh Y-sơ-ra-ên báo cáo tiêu cực. Anh chị sẽ tin báo cáo đó và khuất phục trước nỗi sợ loài người, hay tình yêu thương dành cho Ðức Giê-hô-va và ước muốn làm hài lòng ngài sẽ chiến thắng nỗi sợ ấy? Cả một thế hệ của dân Y-sơ-ra-ên đã không nhận ra sự thật mà Giô-suê và Ca-lép nói. Hậu quả là họ mất cơ hội vào Ðất Hứa.—Dân 14:10, 22, 23.

Nếu có mặt ở đó, anh chị sẽ tin ai? (Xem đoạn 7)


8. Chúng ta cần nỗ lực vun trồng phẩm chất nào, và tại sao?

8 Khiêm nhường. Ðức Giê-hô-va tiết lộ chân lý cho những ai khiêm nhường (Mat 11:25). Chúng ta đã khiêm nhường nhận sự giúp đỡ để học chân lý (Công 8:30, 31). Dù vậy, chúng ta vẫn phải cẩn thận để không trở nên kiêu ngạo. Sự kiêu ngạo có thể khiến chúng ta xem quan điểm của mình khôn ngoan không kém gì các nguyên tắc Kinh Thánh và chỉ dẫn đến từ tổ chức Ðức Giê-hô-va.

9. Làm thế nào để giữ sự khiêm nhường?

9 Ðể giữ sự khiêm nhường, chúng ta cần nhớ rằng mình rất nhỏ bé so với sự vĩ đại của Ðức Giê-hô-va (Thi 8:3, 4). Chúng ta cũng có thể cầu xin ngài giúp mình trở nên khiêm nhường và dễ uốn nắn hơn. Ðức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta đặt tư tưởng của ngài, là những điều chúng ta học được qua Lời ngài và tổ chức, lên trên tư tưởng của chính mình. Khi anh chị đọc Kinh Thánh, hãy tìm những điểm cho thấy Ðức Giê-hô-va yêu sự khiêm nhường cũng như ghét sự kiêu ngạo và ngạo mạn. Hãy đặc biệt cẩn thận để giữ sự khiêm nhường nếu anh chị nhận được đặc ân phụng sự khiến mình phần nào nổi bật.

LÀM THẾ NÀO ÐỂ NẮM CHẶT CHÂN LÝ?

10. Ðức Giê-hô-va dùng ai để cung cấp chỉ dẫn cho dân ngài?

10 Luôn tin cậy chỉ dẫn thần quyền. Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, Ðức Giê-hô-va dùng Môi-se và sau đó là Giô-suê để đưa ra chỉ dẫn cho dân ngài (Giô-suê 1:16, 17). Dân Y-sơ-ra-ên được ban phước khi họ xem những người này là đại diện của Ðức Giê-hô-va. Nhiều thế kỷ sau, khi hội thánh đạo Ðấng Ki-tô vừa được thành lập, một nhóm gồm 12 sứ đồ đưa ra chỉ dẫn (Công 8:14, 15). Sau này, nhóm ấy cũng bao gồm các trưởng lão khác ở Giê-ru-sa-lem. Nhờ làm theo chỉ dẫn từ những người trung thành này, “các hội thánh tiếp tục vững mạnh về đức tin và số người tin đạo ngày càng gia tăng” (Công 16:4, 5). Thời nay, chúng ta cũng được ban phước khi làm theo các chỉ dẫn đến từ tổ chức của Ðức Giê-hô-va. Nhưng ngài sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng ta không chịu nhìn nhận những người mà ngài bổ nhiệm? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó bằng cách xem xét điều đã xảy ra với dân Y-sơ-ra-ên trên đường đến Ðất Hứa.

11. Ðiều gì đã xảy ra với những người Y-sơ-ra-ên không tôn trọng người mà Ðức Chúa Trời chọn để dẫn đầu? (Cũng xem hình).

11 Trong chuyến hành trình đến Ðất Hứa của dân Y-sơ-ra-ên, những người nam có quyền thế đã thách thức Môi-se và nghi ngờ vai trò mà Ðức Giê-hô-va ban cho ông. Họ nói: “Hết thảy dân chúng [chứ không chỉ Môi-se] là thánh, tất cả họ đều là thánh, và Ðức Giê-hô-va ở giữa họ” (Dân 16:1-3). Dù đúng là “hết thảy dân chúng” là thánh trong mắt Ðức Giê-hô-va, nhưng ngài đã chọn Môi-se để dẫn đầu dân ngài (Dân 16:28). Khi chỉ trích Môi-se, thật ra những kẻ phản nghịch ấy đang chỉ trích Ðức Giê-hô-va. Họ không tập trung vào điều ngài muốn, mà tập trung vào điều mình muốn, đó là có thêm quyền lực và sự nổi bật. Ðức Chúa Trời đã tiêu diệt những kẻ dẫn đầu cuộc phản nghịch ấy và hàng ngàn người ủng hộ họ (Dân 16:30-35, 41, 49). Ngày nay, chúng ta có thể tin chắc rằng Ðức Giê-hô-va không chấp nhận những ai xem thường chỉ dẫn đến từ tổ chức của ngài.

Nếu có mặt ở đó, anh chị sẽ ủng hộ ai? (Xem đoạn 11)


12. Tại sao chúng ta có thể luôn tin cậy tổ chức của Ðức Giê-hô-va?

12 Chúng ta có thể luôn tin cậy tổ chức của Ðức Giê-hô-va. Khi thấy rõ là cần điều chỉnh sự hiểu biết về một sự thật trong Kinh Thánh hoặc cách tổ chức công việc Nước Trời, các anh dẫn đầu không ngần ngại thực hiện những thay đổi cần thiết (Châm 4:18). Họ làm thế vì điều họ mong muốn nhất là làm hài lòng Ðức Giê-hô-va. Họ cũng cố gắng hết sức để đưa ra những quyết định dựa trên Lời Ðức Chúa Trời, là tiêu chuẩn mà mọi người trong dân ngài cần vâng theo.

13. “Tiêu chuẩn của sự dạy dỗ hữu ích” là gì, và chúng ta cần làm gì? (2 Ti-mô-thê 1:13)

13 “Hãy luôn giữ tiêu chuẩn của sự dạy dỗ hữu ích” (2 Ti 1:13). “Tiêu chuẩn của sự dạy dỗ hữu ích” nói đến những sự dạy dỗ của đạo Ðấng Ki-tô được tìm thấy trong Kinh Thánh (Giăng 17:17). Những sự dạy dỗ đó là nền tảng của mọi điều chúng ta tin. Tổ chức của Ðức Giê-hô-va dạy chúng ta bám chặt tiêu chuẩn ấy. Bao lâu còn làm thế, bấy lâu chúng ta sẽ được che chở về thiêng liêng.

14. Một số tín đồ đã không còn nắm chắc “tiêu chuẩn của sự dạy dỗ hữu ích” như thế nào?

14 Ðiều gì có thể xảy ra nếu chúng ta đi chệch khỏi “tiêu chuẩn của sự dạy dỗ hữu ích”? Hãy xem một trường hợp. Vào thế kỷ thứ nhất, một số tín đồ đã lan truyền lời đồn là ngày của Ðức Giê-hô-va đã đến. Có thể có một lá thư đã nói điều đó, và người ta cho rằng thư ấy là do Phao-lô viết. Một số tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca không dành thời gian để kiểm chứng thông tin, nên đã tin lời đồn và thậm chí còn lan truyền nó. Họ sẽ không bị lừa gạt nếu nhớ những điều Phao-lô đã dạy khi còn ở với họ (2 Tê 2:1-5). Ông khuyên các anh em đừng tin mọi điều họ nghe. Và để giúp họ sau này, Phao-lô đã kết thúc lá thư thứ hai viết cho các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca bằng những lời sau: “Ðây là lời chào của tôi, do chính tay tôi là Phao-lô viết. Chữ viết này xác nhận mọi lá thư tôi viết. Ðây là kiểu chữ viết của tôi”.—2 Tê 3:17.

15. Chúng ta có thể bảo vệ mình như thế nào khỏi những sự giả dối có vẻ như thật? Hãy nêu ví dụ. (Cũng xem các hình).

15 Chúng ta học được gì từ những lời Phao-lô viết cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca? Khi nghe một điều không phù hợp với những gì mình học từ Kinh Thánh hoặc một tin đồn giật gân, chúng ta cần dùng óc suy xét. Ở Liên bang Xô Viết cũ, những kẻ thù của chúng ta đã gửi cho anh em một lá thư có vẻ như đến từ trụ sở trung ương. Lá thư ấy khuyến khích một số anh em thành lập tổ chức riêng và độc lập. Lá thư nhìn có vẻ là thật, nhưng những anh em trung thành đã không bị lừa. Họ nhận ra thông điệp trong thư ấy không phù hợp với những gì mình được dạy. Ngày nay, đôi khi những kẻ thù của chân lý dùng công nghệ hiện đại để cố khiến chúng ta bối rối và bị chia rẽ. Thay vì “vội để tâm trí bị lung lay”, chúng ta có thể bảo vệ mình bằng cách xem xét liệu điều mình nghe hoặc đọc có phù hợp với những sự thật đã học không.—2 Tê 2:2; 1 Giăng 4:1.

Ðừng để bị lừa gạt bởi những điều giả dối có vẻ như thật (Xem đoạn 15) a


16. Theo Rô-ma 16:17, 18, chúng ta nên làm gì nếu một số người đi chệch khỏi chân lý?

16 Tiếp tục hợp nhất với những người trung thành với Ðức Giê-hô-va. Ðức Chúa Trời muốn chúng ta hợp nhất trong sự thờ phượng. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp nhất, miễn là bám chặt lấy chân lý. Những người đi chệch khỏi chân lý thì gây chia rẽ trong hội thánh. Vì thế, Ðức Chúa Trời cảnh báo chúng ta “hãy tránh họ đi”. Nếu không, chính chúng ta có thể bị trôi dạt khỏi chân lý.—Ðọc Rô-ma 16:17, 18.

17. Chúng ta nhận được lợi ích nào khi nhận ra sự thật và bám chặt chân lý?

17 Khi nhận ra sự thật và bám chặt chân lý, chúng ta sẽ được an toàn và mạnh mẽ về thiêng liêng (Ê-phê 4:15, 16). Chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi những sự dạy dỗ và lời tuyên truyền giả dối của Sa-tan, và sẽ được an toàn dưới sự chăm sóc của Ðức Giê-hô-va trong hoạn nạn lớn. Hãy tiếp tục giữ chặt những điều chân thật, ‘và Ðức Chúa Trời của sự bình an sẽ ở cùng anh chị’.—Phi-líp 4:8, 9.

BÀI HÁT 122 Hãy kiên định, không lay chuyển!

a HÌNH ẢNH: Cảnh diễn lại: Nhiều thập kỷ trước, các anh ở Liên bang Xô Viết cũ nhận được lá thư có vẻ như đến từ trụ sở trung ương, nhưng thật ra là từ các kẻ thù. Vào thời nay, các kẻ thù có thể dùng Internet để lan truyền điều giả dối về tổ chức của Ðức Giê-hô-va.