BÀI HỌC 27
BÀI HÁT 73 Xin giúp chúng con dạn dĩ
Hãy can đảm như Xa-đốc
“Xa-đốc [là] một thanh niên dũng mãnh và can đảm”. —1 SỬ 12:28.
TRỌNG TÂM
Xem xét làm thế nào gương của Xa-đốc có thể giúp chúng ta can đảm.
1, 2. Xa-đốc là ai? (1 Sử ký 12:22, 26-28)
Hãy hình dung cảnh sau. Một đám đông gồm hơn 340.000 người nam nhóm lại để lập Ða-vít làm vua trên cả nước Y-sơ-ra-ên. Suốt ba ngày, họ ở lại trên những ngọn đồi gần Hếp-rôn, cười nói vui vẻ và hát các bài ngợi khen Ðức Giê-hô-va (1 Sử 12:39). Trong đám đông ấy có một thanh niên không mấy nổi bật, đó là Xa-đốc. Tuy nhiên, Ðức Giê-hô-va để ý đến Xa-đốc và muốn chúng ta biết chàng trai này có mặt ở đó. (Ðọc 1 Sử ký 12:22, 26-28). Vậy Xa-đốc là ai?
2 Xa-đốc là thầy tế lễ làm việc chặt chẽ với Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm A-bi-a-tha. Xa-đốc cũng là nhà tiên kiến có khả năng hiểu ý muốn của Ðức Chúa Trời và được ngài ban cho sự khôn ngoan đặc biệt (2 Sa 15:27). Dân chúng thường tìm đến ông khi cần xin lời khuyên. Xa-đốc cũng là người can đảm. Bài này sẽ tập trung vào phẩm chất ấy của ông.
3. (a) Tại sao những người thờ phượng Ðức Giê-hô-va cần can đảm? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?
3 Trong những ngày sau cùng này, Sa-tan đang ra sức tấn công dân của Ðức Chúa Trời hơn bao giờ hết (1 Phi 5:8). Chúng ta cần can đảm trong khi chờ đợi Ðức Giê-hô-va kết liễu Sa-tan và thế gian gian ác của hắn (Thi 31:24). Hãy xem ba cách chúng ta có thể noi theo sự can đảm của Xa-đốc.
ỦNG HỘ NƯỚC TRỜI
4. Tại sao dân của Ðức Giê-hô-va cần can đảm để ủng hộ Nước Trời? (Cũng xem hình).
4 Là dân của Ðức Giê-hô-va, chúng ta hết lòng ủng hộ Nước Trời, nhưng thường thì chúng ta cần can đảm để làm thế (Mat 6:33). Chẳng hạn, trong thế gian gian ác này, chúng ta cần can đảm để sống theo tiêu chuẩn của Ðức Giê-hô-va và rao giảng tin mừng về Nước Trời (1 Tê 2:2). Chúng ta cũng cần can đảm để giữ trung lập về chính trị trong thế gian ngày càng chia rẽ này (Giăng 18:36). Nhiều người trong dân của Ðức Giê-hô-va đã phải chịu thiệt hại về tài chính, bị đánh đập hay bỏ tù vì từ chối tham gia các hoạt động chính trị hoặc quân sự.
5. Tại sao Xa-đốc cần can đảm để ủng hộ Ða-vít?
5 Xa-đốc không đến Hếp-rôn chỉ để ăn mừng việc Ða-vít được lên làm vua. Ông mang theo vũ khí và sẵn sàng chiến đấu (1 Sử 12:38). Xa-đốc sẵn sàng theo Ða-vít ra chiến trường và bảo vệ dân Y-sơ-ra-ên khỏi kẻ thù. Có thể Xa-đốc không có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, nhưng bù lại ông có sự can đảm.
6. Ða-vít nêu gương về sự can đảm cho Xa-đốc như thế nào? (Thi thiên 138:3)
6 Làm thế nào Xa-đốc, một thầy tế lễ, học được tính can đảm? Xung quanh ông là những người nam mạnh mẽ và can đảm. Chắc hẳn Xa-đốc học từ gương của họ. Chẳng hạn, Ða-vít đã nêu gương khi can đảm “dẫn đầu Y-sơ-ra-ên ra trận”, và điều này thúc đẩy toàn thể dân chúng hết lòng ủng hộ ông (1 Sử 11:1, 2). Ða-vít luôn nương cậy Ðức Giê-hô-va khi đối mặt với quân thù (Thi 28:7; đọc Thi thiên 138:3). Xa-đốc cũng học được từ những gương can đảm khác bên cạnh mình, chẳng hạn như Giê-hô-gia-đa và con trai của ông là chiến binh Bê-na-gia cũng như 22 thủ lĩnh khác, là những người đã ủng hộ Ða-vít (1 Sử 11:22-25; 12:26-28). Tất cả những người này đều hành động quyết đoán để bảo vệ vương quyền của Ða-vít.
7. (a) Chúng ta có những gương can đảm nào vào thời nay? (b) Anh chị học được gì từ gương của anh Nsilu trong video?
7 Chúng ta có sức mạnh và sự can đảm khi xem xét gương của những người đã can đảm ủng hộ sự cai trị của Ðức Giê-hô-va. Vua của chúng ta là Chúa Giê-su đã kiên quyết kháng cự áp lực dính líu đến chính trị trong thế gian của Sa-tan (Mat 4:8-11; Giăng 6:14, 15). Ngài luôn nương cậy Ðức Giê-hô-va để có sức mạnh. Chúng ta cũng có rất nhiều gương vào thời nay của các anh trẻ đã từ chối nhập ngũ vì cớ lương tâm hoặc từ chối tham gia các hoạt động chính trị. Anh chị có thể xem kinh nghiệm của họ trên jw.org. a
GIÚP ÐỠ ANH EM ÐỒNG ÐẠO
8. Khi nào các trưởng lão cần can đảm để giúp đỡ anh em?
8 Dân của Ðức Giê-hô-va muốn giúp đỡ lẫn nhau (2 Cô 8:4). Tuy nhiên, đôi lúc điều này đòi hỏi sự can đảm. Chẳng hạn, khi chiến tranh nổ ra, các trưởng lão địa phương biết rằng anh em cần được khích lệ, hỗ trợ và có lẽ cũng cần những sự cung cấp về thiêng liêng hoặc vật chất. Vì yêu thương chiên, các trưởng lão không quản ngại nguy hiểm để cung cấp những điều cần thiết (Giăng 15:12, 13). Khi làm thế, họ noi theo sự can đảm của Xa-đốc.
9. Theo 2 Sa-mu-ên 15:27-29, Ða-vít bảo Xa-đốc làm gì? (Cũng xem hình).
9 Tính mạng của Ða-vít bị lâm nguy. Con trai ông là Áp-sa-lôm nhất quyết cướp ngôi cha (2 Sa 15:12, 13). Ða-vít phải rời khỏi Giê-ru-sa-lem ngay lập tức! Ông lệnh cho các tôi tớ của mình: “Hãy trỗi dậy, chúng ta hãy chạy trốn! Nếu không thì chẳng một ai thoát khỏi Áp-sa-lôm đâu!” (2 Sa 15:14). Khi các tôi tớ đang rời đi, Ða-vít nhận thấy cần có người ở lại để cập nhật cho ông về kế hoạch của Áp-sa-lôm. Thế nên, ông phái Xa-đốc và các thầy tế lễ khác trở về Giê-ru-sa-lem để làm gián điệp. (Ðọc 2 Sa-mu-ên 15:27-29). Họ phải hành động một cách thận trọng. Nhiệm vụ mà Ða-vít giao cho các thầy tế lễ này rất nguy hiểm, thậm chí có thể khiến họ mất mạng. Hãy hình dung Áp-sa-lôm, một kẻ cao ngạo, đầy hận thù và hiểm độc, sẽ xử lý Xa-đốc và những thầy tế lễ khác như thế nào nếu hắn phát hiện ra họ là gián điệp của Ða-vít!
10. Xa-đốc và những người đi cùng ông đã bảo vệ Ða-vít như thế nào?
10 Ða-vít nghĩ ra một kế hoạch cần có sự giúp đỡ của Xa-đốc và Hu-sai, một người bạn trung thành khác của Ða-vít (2 Sa 15:32-37). Hu-sai làm theo kế hoạch đó. Ông chiếm được lòng tin của Áp-sa-lôm, và đề xuất một chiến lược quân sự giúp Ða-vít có thời gian chuẩn bị để đối phó với cuộc tấn công của Áp-sa-lôm. Rồi Hu-sai cho Xa-đốc và A-bi-a-tha biết chiến lược ấy (2 Sa 17:8-16). Sau đó, hai người này báo tin cho Ða-vít (2 Sa 17:17). Với sự hỗ trợ của Ðức Giê-hô-va, Xa-đốc và các thầy tế lễ khác đã giúp bảo vệ tính mạng của Ða-vít.—2 Sa 17:21, 22.
11. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo sự can đảm của Xa-đốc khi giúp đỡ anh em?
11 Nếu chúng ta được nhờ giúp đỡ anh em trong những lúc nguy hiểm, làm thế nào để thể hiện sự can đảm giống như Xa-đốc? (1) Hãy làm theo chỉ dẫn. Trong những tình huống như thế, điều quan trọng là chúng ta giữ sự hợp nhất. Hãy làm theo các chỉ dẫn từ văn phòng chi nhánh (Hê 13:17). Trưởng lão cần đều đặn ôn lại những sắp đặt của địa phương về việc chuẩn bị cho thảm họa và các chỉ dẫn của tổ chức về những việc cần làm khi có thảm họa (1 Cô 14:33, 40). (2) Hãy can đảm nhưng thận trọng (Châm 22:3). Dùng óc suy xét. Ðừng liều lĩnh một cách không cần thiết. (3) Hãy nương cậy Ðức Giê-hô-va. Nhớ rằng ngài rất quan tâm đến sự an toàn của anh chị và các anh em đồng đạo. Ngài có thể giúp anh chị hỗ trợ anh em một cách an toàn.
12, 13. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của hai anh Viktor và Vitalii? (Cũng xem hình).
12 Hãy xem kinh nghiệm của hai anh Viktor và Vitalii, là những trưởng lão đã mang thực phẩm và nước uống cho anh em đồng đạo ở Ukraine. Anh Viktor cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm thực phẩm ở khắp nơi. Thường có tiếng súng ở gần chúng tôi. Một anh đã đóng góp thực phẩm ở cửa hàng của mình. Nhờ thế, nhiều người công bố có đủ đồ ăn để sống sót trong một thời gian. Khi chúng tôi đang chất đồ cứu trợ lên xe tải, một quả tên lửa rơi xuống cách chỗ chúng tôi khoảng 20 mét. Cả ngày hôm đó, tôi nài xin Ðức Giê-hô-va ban cho mình sự can đảm để tiếp tục giúp anh em”.
13 Anh Vitalii chia sẻ: “Công việc này đòi hỏi nhiều sự can đảm. Chuyến đi đầu tiên của tôi kéo dài 12 tiếng. Tôi đã cầu nguyện với Ðức Giê-hô-va suốt chặng đường”. Anh Vitalii đã can đảm nhưng cũng thận trọng. Anh cho biết thêm: “Tôi không ngừng cầu xin Ðức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan và khiêm tốn. Tôi chỉ lái xe trên những con đường mà chính quyền cho phép. Tôi được củng cố đức tin khi tận mắt chứng kiến anh em hợp tác với nhau. Họ dọn những chướng ngại vật trên đường, thu gom và chất đồ cứu trợ lên xe cũng như cung cấp cho chúng tôi thức ăn và chỗ nghỉ ngơi trong suốt hành trình”.
TIẾP TỤC TRUNG THÀNH VỚI ÐỨC GIÊ-HÔ-VA
14. Chúng ta có thể bị ảnh hưởng thế nào nếu một người mà mình yêu quý từ bỏ Ðức Giê-hô-va?
14 Một trong những thử thách khiến chúng ta nản lòng nhất là khi một thành viên trong gia đình hoặc bạn thân rời bỏ Ðức Giê-hô-va (Thi 78:40; Châm 24:10). Càng thân thiết với người đó, chúng ta càng thấy khó đương đầu với hoàn cảnh ấy. Nếu anh chị có trải nghiệm đau buồn như thế, gương trung thành của Xa-đốc có thể khích lệ anh chị.
15. Tại sao Xa-đốc cần can đảm để tiếp tục trung thành với Ðức Giê-hô-va? (1 Các vua 1:5-8)
15 Xa-đốc giữ trung thành với Ðức Giê-hô-va khi bạn thân là A-bi-a-tha bất trung. Ðiều này xảy ra vào cuối triều đại của Ða-vít. Khi Ða-vít sắp qua đời, con trai ông là A-đô-ni-gia cố chiếm lấy ngôi vua mà Ðức Giê-hô-va đã hứa ban cho Sa-lô-môn (1 Sử 22:9, 10). A-bi-a-tha đã chọn ủng hộ A-đô-ni-gia. (Ðọc 1 Các vua 1:5-8). Khi làm thế, A-bi-a-tha không chỉ bất trung với Ða-vít, mà còn với Ðức Giê-hô-va! Hãy hình dung Xa-đốc cảm thấy buồn và thất vọng thế nào. Xa-đốc và A-bi-a-tha đã làm việc chặt chẽ với nhau với tư cách là thầy tế lễ trong hơn 40 năm (2 Sa 8:17). Họ đã cùng nhau trông nom “Hòm Giao Ước của Ðức Chúa Trời” (2 Sa 15:29). Cả hai đã ủng hộ vương quyền của Ða-vít và làm nhiều việc khác để phụng sự Ðức Giê-hô-va.—2 Sa 19:11-14.
16. Có lẽ điều gì đã giúp Xa-đốc tiếp tục trung thành?
16 Xa-đốc tiếp tục trung thành với Ðức Giê-hô-va dù A-bi-a-tha chọn bất trung. Ða-vít không bao giờ nghi ngờ lòng trung thành của Xa-đốc. Khi âm mưu của A-đô-ni-gia bị vạch trần, Ða-vít đã giao cho Xa-đốc, Na-than và Bê-na-gia nhiệm vụ xức dầu cho Sa-lô-môn làm vua (1 Vua 1:32-34). Hẳn Xa-đốc được khích lệ khi ở bên cạnh những người trung thành thờ phượng Ðức Giê-hô-va, chẳng hạn như Na-than và những người khác cũng ủng hộ vua Ða-vít (1 Vua 1:38, 39). Khi trở thành vua, Sa-lô-môn “lập Xa-đốc làm thầy tế lễ thay cho A-bi-a-tha”.—1 Vua 2:35.
17. Làm thế nào để noi gương Xa-đốc nếu một người mà anh chị yêu quý bất trung với Ðức Giê-hô-va?
17 Làm thế nào anh chị có thể noi gương Xa-đốc? Nếu một người mà anh chị yêu quý rời bỏ Ðức Giê-hô-va, hãy cho thấy anh chị chọn trung thành với ngài (Giô-suê 24:15). Ðức Giê-hô-va sẽ ban cho anh chị sức mạnh và sự can đảm cần thiết để làm thế. Hãy nương cậy ngài qua lời cầu nguyện và tiếp tục gắn bó với những anh chị trung thành. Ðức Giê-hô-va quý trọng lòng trung thành của anh chị và sẽ tưởng thưởng cho anh chị vì điều đó.—2 Sa 22:26.
18. Anh chị học được gì từ trường hợp của anh Marco và chị Sidse?
18 Hãy xem trường hợp của anh Marco và vợ anh là chị Sidse có hai con gái đã trưởng thành rời bỏ chân lý. Anh Marco chia sẻ: “Từ khi con chào đời, chúng ta thương con rất nhiều. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì để bảo vệ con khỏi những mối nguy hại. Vì thế, khi con chọn rời bỏ Ðức Giê-hô-va thì thật sự rất đau lòng”. Anh nói tiếp: “Nhưng Ðức Giê-hô-va luôn ở bên cạnh chúng tôi. Ngài đảm bảo rằng khi tôi yếu đuối thì vợ tôi mạnh mẽ. Còn khi vợ tôi yếu đuối thì tôi lại mạnh mẽ”. Chị Sidse cho biết thêm: “Chúng tôi không thể nào chịu đựng nổi nếu Ðức Giê-hô-va không ban cho mình sức mạnh cần thiết. Tôi phải tranh đấu với cảm giác có lỗi, nên đã giãi bày cảm xúc với Ðức Giê-hô-va. Ít lâu sau, một chị mà tôi không gặp suốt nhiều năm đã đến nói chuyện với tôi. Chị ấy đặt tay lên vai tôi, nhìn vào mắt tôi và nói: ‘Em ơi, hãy nhớ rằng đó không phải là lỗi của em!’. Với sự trợ giúp của Ðức Giê-hô-va, tôi đã có thể giữ được niềm vui trong việc phụng sự ngài”.
19. Anh chị quyết tâm làm gì?
19 Ðức Giê-hô-va muốn tất cả những người thờ phượng ngài can đảm như Xa-đốc (2 Ti 1:7). Tuy nhiên, ngài không muốn chúng ta nương cậy vào sức riêng của mình mà nương cậy nơi ngài. Vì thế, khi anh chị gặp một tình huống cần có sự can đảm, hãy hướng tới Ðức Giê-hô-va. Hãy tin chắc là ngài sẽ giúp anh chị can đảm giống như Xa-đốc!—1 Phi 5:10.
BÀI HÁT 126 Hãy luôn tỉnh thức, đứng vững và mạnh mẽ
a Xem video Tại sao tín đồ đạo Ðấng Ki-tô cần lòng can đảm?—Ðể giữ trung lập trên jw.org.
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)