BÀI HỌC 29

BÀI HÁT 121 Chúng ta cần có tính tự chủ

Hãy luôn cảnh giác trước cám dỗ

Hãy luôn cảnh giác trước cám dỗ

“Hãy luôn thức canh và không ngừng cầu nguyện, để anh em không sa vào cám dỗ”.MAT 26:41.

TRỌNG TÂM

Bài này giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của việc tránh phạm tội và tránh những điều dẫn đến việc phạm tội.

1, 2. (a) Chúa Giê-su đưa ra lời cảnh báo nào cho các môn đồ? (b) Tại sao các môn đồ bỏ Chúa Giê-su? (Cũng xem các hình).

 “Tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” a (Mat 26:41b). Qua lời này, Chúa Giê-su cho thấy ngài hiểu chúng ta là người bất toàn và sẽ mắc lỗi. Nhưng lời của ngài cũng bao hàm sự cảnh báo: Hãy cảnh giác trước việc quá tự tin. Vài giờ trước đó, các môn đồ đã tự tin nói rằng họ sẽ luôn gắn bó với Chủ mình (Mat 26:35). Họ có ý tốt, nhưng không nhận ra là họ rất dễ trở nên yếu đuối khi bị áp lực. Vì thế, Chúa Giê-su cảnh báo họ: “Hãy luôn thức canh và không ngừng cầu nguyện, để anh em không sa vào cám dỗ”.—Mat 26:41a.

2 Ðáng buồn là các môn đồ đã không thức canh. Khi Chúa Giê-su bị bắt, họ có gắn bó với ngài không? Hay họ sa vào cám dỗ và bỏ chạy? Vì mất cảnh giác, các môn đồ đã làm điều mà họ nói là sẽ không bao giờ làm, đó là bỏ Chúa Giê-su.—Mat 26:56.

Chúa Giê-su khuyên các môn đồ luôn thức canh và cảnh giác trước cám dỗ, nhưng họ đã bỏ ngài (Xem đoạn 1, 2)


3. (a) Ðể giữ lòng trung thành với Ðức Giê-hô-va, tại sao chúng ta cần tránh quá tự tin? (b) Bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Chúng ta cần tránh quá tự tin. Ðúng là chúng ta quyết tâm không để bất cứ điều gì khiến mình quay lưng lại với Ðức Giê-hô-va. Nhưng chúng ta là người bất toàn và dễ bị cám dỗ (Rô 5:12; 7:21-23). Chúng ta có thể bất ngờ bị cám dỗ làm điều sai trái. Ðể giữ lòng trung thành với Ðức Giê-hô-va và Con ngài, chúng ta cần làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su là luôn cảnh giác trước cám dỗ. Bài này có thể giúp chúng ta làm thế. Trước hết, hãy xem mình cần đặc biệt cảnh giác trong những khía cạnh nào. Sau đó, chúng ta sẽ thảo luận cách để cảnh giác trước cám dỗ. Cuối cùng, hãy xem cách để luôn cảnh giác.

LUÔN CẢNH GIÁC TRONG NHỮNG KHÍA CẠNH NÀO?

4, 5. Tại sao chúng ta phải luôn cảnh giác để không phạm ngay cả những tội nhẹ?

4 Có những tội nhẹ hơn tội khác nhưng cũng có thể làm suy yếu mối quan hệ của chúng ta với Ðức Giê-hô-va. Ngoài ra, những tội ấy có thể dẫn đến tội nghiêm trọng hơn.

5 Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ làm điều sai trái. Nhưng mỗi người có điểm yếu khác nhau nên chúng ta dễ bị cám dỗ trong một khía cạnh nào đó hơn những khía cạnh khác. Chẳng hạn, một người có thể phải đấu tranh với cám dỗ phạm tội vô luân. Người khác có thể phải nỗ lực kháng cự khuynh hướng làm những điều ô uế như thủ dâm hoặc xem tài liệu khiêu dâm. Cũng có người phải tranh đấu với nỗi sợ loài người, suy nghĩ độc lập, tính dễ nóng giận hoặc điểm yếu khác. Như Gia-cơ cho biết, “mỗi người gặp thử thách khi bị lôi cuốn và cám dỗ bởi ham muốn của chính mình”.Gia 1:14.

6. Chúng ta phải trung thực về điều gì?

6 Anh chị có biết anh chị dễ bị cám dỗ trong khía cạnh nào nhất không? Thật nguy hiểm khi lừa dối chính mình bằng cách phủ nhận những điểm yếu của bản thân hoặc nghĩ là mình đủ mạnh mẽ để không sa vào cám dỗ (1 Giăng 1:8). Hãy nhớ rằng Phao-lô cho biết ngay cả “những người hội đủ điều kiện về thiêng liêng” cũng có thể chiều theo cám dỗ nếu không tiếp tục cảnh giác (Ga 6:1). Chúng ta phải trung thực với bản thân và nhận ra những khía cạnh mà mình yếu đuối.—2 Cô 13:5.

7. Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến điều gì? Hãy minh họa.

7 Khi đã xác định được những khía cạnh mà mình dễ bị cám dỗ nhất, chúng ta cần làm gì? Hãy tăng cường sức kháng cự! Ðể minh họa, vào thời Kinh Thánh, cổng là phần dễ bị tấn công nhất của tường thành, nên phải được canh gác nghiêm ngặt nhất. Tương tự, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến những khía cạnh mà mình yếu đuối nhất.—1 Cô 9:27.

LÀM THẾ NÀO ÐỂ CẢNH GIÁC?

8, 9. Người thanh niên nơi Châm ngôn chương 7 đã có thể làm gì để tránh phạm tội trọng? (Châm ngôn 7:8, 9, 13, 14, 21)

8 Làm thế nào chúng ta có thể cảnh giác trước cám dỗ? Hãy xem điều chúng ta có thể học được từ trường hợp của người thanh niên nơi Châm ngôn chương 7. Anh ta phạm tội vô luân với một người đàn bà gian dâm. Câu 22 cho biết anh “đột ngột” đi theo ả. Nhưng những câu trước đó cho thấy anh làm một số điều thiếu khôn ngoan mà đã dần dần dẫn đến việc phạm tội.

9 Ðiều gì dẫn đến việc anh phạm tội? Trước hết, lúc chiều tà, anh “đi ngang đường gần góc phố [của người đàn bà gian dâm]”. Rồi anh tiến về hướng đưa đến nhà ả. (Ðọc Châm ngôn 7:8, 9). Sau đó, khi thấy người đàn bà ấy, anh không bỏ đi. Thay vì thế, anh để ả hôn mình và cũng nghe ả kể về những vật tế lễ hòa thuận mà ả dâng, có lẽ vì muốn anh nghĩ rằng ả không phải là người xấu. (Ðọc Châm ngôn 7:13, 14, 21). Nếu không làm những điều thiếu khôn ngoan ấy, người thanh niên này đã tránh được cám dỗ và không phạm tội.

10. Một người có thể mắc phải sai lầm tương tự như người thanh niên trong Châm ngôn như thế nào?

10 Lời tường thuật của Sa-lô-môn cho thấy điều có thể xảy ra với bất cứ tôi tớ nào của Ðức Giê-hô-va. Một người có thể phạm tội trọng và sau đó cảm thấy chuyện này xảy ra một cách “đột ngột”. Hoặc người ấy có thể nói: “Tôi đâu ngờ chuyện này lại xảy ra”. Nhưng nếu nhìn lại những điều đã diễn ra, rất có thể người ấy sẽ nhận thấy mình đã làm những điều thiếu khôn ngoan dẫn đến việc phạm tội trọng. Những điều đó có thể bao gồm việc kết hợp với bạn bè xấu, giải trí không lành mạnh hoặc hay lui tới những nơi đáng ngờ, dù là trực tiếp hoặc qua Internet. Có lẽ người ấy cũng đã ngưng cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tham dự buổi nhóm họp hoặc tham gia thánh chức. Giống như trường hợp của người thanh niên trong Châm ngôn, hẳn người ấy không phạm tội một cách “đột ngột”.

11. Ðể không phạm tội, chúng ta cần tránh điều gì?

11 Bài học là gì? Chúng ta không chỉ tránh việc phạm tội, mà còn tránh những điều dẫn đến việc phạm tội. Sa-lô-môn đã nhấn mạnh điểm đó sau khi nói về người thanh niên và người đàn bà gian dâm. Ông nói như sau về người đàn bà ấy: “Chớ đi lạc vào các lối của ả” (Châm 7:25). Thậm chí ông còn nói: “Hãy tránh xa người đàn bà ấy; đừng lại gần cửa nhà ả ta” (Châm 5:3, 8). Ðúng vậy, chúng ta cảnh giác bằng cách tránh xa những hoàn cảnh dẫn đến việc phạm tội. b Ðiều này có thể bao gồm tránh những tình huống hoặc hoạt động nhìn chung không phải là sai đối với tín đồ đạo Ðấng Ki-tô nhưng lại dễ khiến chúng ta gặp cám dỗ.—Mat 5:29, 30.

12. Gióp quyết tâm làm gì, và điều đó giúp ông cảnh giác trước cám dỗ như thế nào? (Gióp 31:1)

12 Ðể tránh những tình huống dẫn đến việc phạm tội, chúng ta cần quyết tâm cảnh giác. Ðó là điều mà Gióp đã làm. Ông “kết ước với mắt mình” để không bao giờ nhìn người phụ nữ khác với lòng ham muốn. (Ðọc Gióp 31:1). Quyết tâm làm thế giúp ông tránh xa việc phạm tội ngoại tình. Chúng ta cũng có thể quyết tâm tránh bất cứ điều gì khiến mình dễ bị cám dỗ.

13. Tại sao chúng ta phải bảo vệ suy nghĩ của mình? (Cũng xem các hình).

13 Chúng ta cũng phải bảo vệ suy nghĩ của mình (Xuất 20:17). Một số người cho rằng không có vấn đề gì nếu tơ tưởng về điều sai trái, miễn là không làm những điều ấy. Nhưng suy nghĩ như thế là sai lầm. Một người nuôi dưỡng ham muốn sai trái thì làm cho ham muốn ấy ngày càng mãnh liệt. Theo một nghĩa nào đó, người ấy tự tạo ra một cám dỗ mà mình sẽ phải kháng cự. Dĩ nhiên, đôi khi những suy nghĩ sai trái xuất hiện trong tâm trí chúng ta. Ðiều quan trọng là loại bỏ những suy nghĩ đó ngay lập tức và thay thế bằng những suy nghĩ lành mạnh. Khi làm thế, chúng ta không để cho những suy nghĩ sai trái nảy nở thành ham muốn mãnh liệt khó kháng cự và thậm chí dẫn đến việc phạm tội trọng.—Phi-líp 4:8; Cô 3:2; Gia 1:13-15.

Chúng ta cần tránh bất cứ điều gì có thể dẫn đến cám dỗ (Xem đoạn 13)


14. Ðiều gì khác có thể giúp chúng ta cảnh giác trước cám dỗ?

14 Chúng ta có thể làm gì khác để cảnh giác trước cám dỗ? Chúng ta cần hoàn toàn tin chắc là mình sẽ luôn nhận được lợi ích khi vâng theo luật pháp của Ðức Giê-hô-va. Ðôi khi chúng ta phải tranh đấu để có suy nghĩ và ước muốn phù hợp với ý muốn ngài. Nhưng điều đó rất đáng công vì chúng ta sẽ có sự bình an trong tâm trí.

15. Việc vun trồng ước muốn đúng đắn giúp chúng ta thế nào để cảnh giác trước cám dỗ?

15 Chúng ta cần vun trồng ước muốn đúng đắn. Nếu tập “ghét điều dữ và yêu điều lành”, chúng ta sẽ càng quyết tâm làm điều đúng và tránh xa những tình huống dẫn đến việc phạm tội (A-mốt 5:15). Những ước muốn đúng đắn cũng sẽ giúp chúng ta đứng vững khi gặp cám dỗ bất ngờ hoặc không tránh được.

16. Làm thế nào các hoạt động thiêng liêng có thể giúp chúng ta luôn cảnh giác? (Cũng xem các hình).

16 Làm thế nào để vun trồng những ước muốn đúng đắn? Chúng ta cần bận rộn với các hoạt động thiêng liêng. Khi có mặt tại buổi nhóm họp hoặc đang tham gia thánh chức, chúng ta không dễ bị cám dỗ làm điều sai trái. Thay vì thế, chúng ta củng cố ước muốn làm vui lòng Ðức Giê-hô-va (Mat 28:19, 20; Hê 10:24, 25). Qua việc đọc, học hỏi và suy ngẫm Lời ngài, chúng ta ngày càng yêu điều lành và ghét điều dữ (Giô-suê 1:8; Thi 1:2, 3; 119:97, 101). Hãy nhớ là Chúa Giê-su khuyên các môn đồ “không ngừng cầu nguyện, để anh em không sa vào cám dỗ” (Mat 26:41). Khi dành thời gian cầu nguyện với Cha trên trời, chúng ta tận dụng sự giúp đỡ của ngài và củng cố quyết tâm làm ngài vui lòng.—Gia 4:8.

Nề nếp thiêng liêng tốt thêm sức cho chúng ta để kháng cự cám dỗ (Xem đoạn 16) c


HÃY LUÔN CẢNH GIÁC

17. Phi-e-rơ phải tiếp tục tranh đấu với khuynh hướng nào?

17 Rất có thể chúng ta bỏ được một số khuynh hướng bất toàn, nhưng vẫn phải tiếp tục tranh đấu với những khuynh hướng xấu khác. Hãy xem trường hợp của sứ đồ Phi-e-rơ. Ông khuất phục trước nỗi sợ loài người khi chối bỏ Chúa Giê-su ba lần (Mat 26:69-75). Phi-e-rơ dường như đã vượt qua được nỗi sợ đó khi can đảm làm chứng trước Tòa Tối Cao (Công 5:27-29). Nhưng nhiều năm sau, vì “sợ những người thuộc nhóm đã cắt bì”, ông ngưng ăn chung với những tín đồ gốc dân ngoại (Ga 2:11, 12). Nỗi sợ loài người đã quay trở lại. Có lẽ sau đó, Phi-e-rơ vẫn phải tranh đấu với nỗi sợ ấy.

18. Dù chúng ta nghĩ mình đã vượt qua một số khuynh hướng sai trái, nhưng điều gì có thể xảy ra?

18 Chúng ta cũng có thể ở trong hoàn cảnh tương tự. Như thế nào? Ðôi khi một khuynh hướng mà chúng ta tưởng là đã vượt qua được có thể quay trở lại. Chẳng hạn, một anh thừa nhận: “Tôi đã kháng cự tài liệu khiêu dâm được mười năm và nghĩ rằng vấn đề đó đã qua rồi. Nhưng thói nghiện ấy vẫn tiềm ẩn như con thú nằm im chờ thời cơ để tấn công”. Ðáng khen là anh đã không bỏ cuộc. Anh nhận ra mình cần nỗ lực kháng cự thói xấu đó mỗi ngày, có lẽ là đến cuối đời hoặc tới khi thế giới mới đến. Với sự trợ giúp của vợ anh và các trưởng lão, anh đã áp dụng những biện pháp mạnh hơn để kháng cự tài liệu khiêu dâm.

19. Làm thế nào chúng ta có thể kháng cự một khuynh hướng dai dẳng?

19 Làm thế nào để kháng cự một khuynh hướng sai trái mà cứ dai dẳng bám lấy chúng ta? Bằng cách làm theo lời khuyên của Chúa Giê-su: “Hãy luôn thức canh”, tức cảnh giác trước cám dỗ. Ngay cả trong những lúc anh chị cảm thấy mạnh mẽ, hãy tiếp tục tránh những tình huống có thể dẫn đến việc bị cám dỗ (1 Cô 10:12). Hãy luôn áp dụng những biện pháp mà bấy lâu nay đã giúp anh chị thành công. Châm ngôn 28:14 nói: “Người nào luôn luôn cảnh giác thật hạnh phúc”.—2 Phi 3:14.

PHẦN THƯỞNG CỦA VIỆC LUÔN CẢNH GIÁC

20, 21. (a) Chúng ta sẽ nhận được phần thưởng nào khi luôn cảnh giác trước cám dỗ? (b) Nếu chúng ta làm phần của mình, Ðức Giê-hô-va sẽ làm gì cho chúng ta? (2 Cô-rinh-tô 4:7)

20 Chúng ta có thể chắc chắn là việc luôn cảnh giác trước cám dỗ là đáng công. Dù tội lỗi có thể mang lại lạc thú chóng qua nào đi nữa, nhưng việc sống theo tiêu chuẩn của Ðức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn rất nhiều (Hê 11:25; Thi 19:8). Lý do là vì chúng ta được thiết kế để sống theo đường lối của ngài (Sáng 1:27). Khi làm thế, chúng ta có lương tâm trong sạch và có thể được hưởng sự sống vĩnh cửu trong tương lai.—1 Ti 6:12; 2 Ti 1:3; Giu 20, 21.

21 Ðúng là ‘thể xác thì yếu đuối’, nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta bất lực trước những yếu đuối của mình. Ðức Giê-hô-va sẵn sàng ban cho chúng ta sức lực cần thiết. (Ðọc 2 Cô-rinh-tô 4:7). Hãy lưu ý rằng đó là sức lực hơn mức bình thường. Sức lực bình thường là nỗ lực mỗi ngày của chúng ta để cảnh giác trước cám dỗ, và chúng ta có trách nhiệm dùng sức lực đó trước. Nếu làm phần của mình, chúng ta có thể tin chắc Ðức Giê-hô-va sẽ đáp lời cầu nguyện để chúng ta có thêm sức mạnh khi cần (1 Cô 10:13). Ðúng vậy, với sự trợ giúp của ngài, chúng ta có thể luôn cảnh giác trước cám dỗ.

BÀI HÁT 47 Hãy cầu nguyện với Cha Giê-hô-va hằng ngày

a GIẢI NGHĨA: “Tinh thần” được nói đến nơi Ma-thi-ơ 26:41 là lực bên trong thúc đẩy chúng ta nói hoặc hành động theo cách nào đó. “Thể xác” là tình trạng tội lỗi và bất toàn của chúng ta. Vì thế, dù chúng ta có ý tốt và muốn làm điều đúng, nhưng nếu không cẩn thận, chúng ta có thể chiều theo cám dỗ để làm điều Kinh Thánh nói là sai trái.

b Một người phạm tội trọng có thể tìm sự giúp đỡ trong sách Vui sống mãi mãi!, bài 57, điểm 1-3 và bài “Hãy nhìn về phía trước!” trong Tháp Canh tháng 11 năm 2020, trg 27-29, đ. 12-17.

c HÌNH ẢNH: Một anh đọc câu Kinh Thánh mỗi ngày vào buổi sáng, đọc Kinh Thánh vào giờ ăn trưa và tham dự buổi nhóm họp giữa tuần vào buổi tối.