BÀI HỌC 32
BÀI HÁT 44 Lời cầu nguyện của người khốn cùng
Ðức Giê-hô-va muốn mọi người đều ăn năn
“Ðức Giê-hô-va… chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt mà muốn mọi người đều ăn năn”.—2 PHI 3:9.
TRỌNG TÂM
Giúp chúng ta hiểu ăn năn là gì, lý do chúng ta cần ăn năn và cách Ðức Giê-hô-va giúp mọi loại người ăn năn.
1. Một người ăn năn thì làm gì?
Khi chúng ta phạm tội, điều thiết yếu là chúng ta ăn năn. Theo Kinh Thánh, một người ăn năn thì thay đổi suy nghĩ về hành động nào đó, ngưng làm điều ấy và quyết tâm không tái phạm.—Mat 3:8; Cv 3:19; 2Ph 3:9.
2. Tại sao tất cả chúng ta cần hiểu về sự ăn năn? (Nê-hê-mi 8:9-11)
2 Mọi người đều cần hiểu về sự ăn năn. Tại sao? Vì tất cả chúng ta đều phạm tội hằng ngày. Là con cháu của A-đam và Ê-va, mỗi chúng ta đều bị di truyền tội lỗi và sự chết (Rô 3:23; 5:12). Không ai là ngoại lệ. Ngay cả những người có đức tin nổi bật, chẳng hạn như sứ đồ Phao-lô, cũng phải đấu tranh với tội lỗi (Rô 7:21-24). Vậy chúng ta có nên luôn cảm thấy khốn khổ về tội lỗi của mình không? Không. Ðức Giê-hô-va là đấng giàu lòng thương xót, và ngài muốn chúng ta hạnh phúc. Hãy xem trường hợp của những người Do Thái vào thời Nê-hê-mi. (Ðọc Nê-hê-mi 8:9-11). Ðức Giê-hô-va không muốn họ chìm ngập trong đau buồn vì những tội trong quá khứ, nhưng muốn họ có niềm vui khi thờ phượng ngài. Ðức Giê-hô-va biết rằng sự ăn năn dẫn đến hạnh phúc. Vì thế, ngài dạy chúng ta về sự ăn năn. Nếu ăn năn tội lỗi, chúng ta có thể tin chắc là Cha đầy lòng thương xót sẽ tha thứ cho chúng ta.
3. Bài này sẽ xem xét điều gì?
3 Giờ đây, hãy tìm hiểu thêm về sự ăn năn. Bài này sẽ xem xét ba khía cạnh. Trước hết, chúng ta sẽ xem Ðức Giê-hô-va dạy dân Y-sơ-ra-ên điều gì về sự ăn năn. Sau đó, chúng ta thảo luận cách ngài chủ động giúp người tội lỗi để họ ăn năn. Cuối cùng, hãy xem các môn đồ của Chúa Giê-su học được gì về sự ăn năn.
ÐỨC GIÊ-HÔ-VA DẠY DÂN Y-SƠ-RA-ÊN ÐIỀU GÌ VỀ SỰ ĂN NĂN?
4. Ðức Giê-hô-va dạy dân Y-sơ-ra-ên điều gì về sự ăn năn?
4 Khi Ðức Giê-hô-va tổ chức người Y-sơ-ra-ên thành một dân, ngài lập giao ước với họ, tức một thỏa thuận chính thức. Nếu vâng theo các điều luật của ngài, họ sẽ được bảo vệ và ban phước. Qua những lời của Môi-se, Ðức Giê-hô-va đảm bảo với họ như sau về những điều luật ấy: “Ðiều răn mà tôi truyền dặn anh em hôm nay không phải là quá khó đối với anh em hay nằm ngoài tầm tay của anh em” (Phục 30:11, 16). Nhưng nếu họ phản nghịch ngài, chẳng hạn như qua việc thờ các thần khác, ngài sẽ không còn ban phước và họ sẽ chịu đau khổ. Ngay cả trong trường hợp đó, họ vẫn có thể nhận lại được ân huệ của Ðức Giê-hô-va bằng cách ‘trở về với ngài và lắng nghe tiếng phán của ngài’ (Phục 30:1-3, 17-20). Nói cách khác, dân Y-sơ-ra-ên có thể ăn năn. Nếu họ làm thế, Ðức Giê-hô-va sẽ đến gần họ và lại ban phước cho họ.
5. Ðức Giê-hô-va cho thấy ngài vẫn cố gắng giúp dân ngài như thế nào? (2 Các vua 17:13, 14)
5 Dân được chọn của Ðức Giê-hô-va đã nhiều lần phản nghịch ngài. Ngoài việc thờ thần tượng, họ còn làm những việc đồi bại khác. Hậu quả là họ phải chịu khổ. Nhưng Ðức Giê-hô-va vẫn cố gắng giúp dân ương ngạnh của ngài. Hết lần này đến lần khác, ngài phái các nhà tiên tri đến khuyến giục họ ăn năn và trở về với ngài.—Ðọc 2 Các vua 17:13, 14.
6. Làm thế nào Ðức Giê-hô-va dùng các nhà tiên tri để dạy dân ngài về tầm quan trọng của sự ăn năn? (Cũng xem hình).
6 Ðức Giê-hô-va nhiều lần dùng các nhà tiên tri để cảnh báo và chỉnh sửa dân ngài. Chẳng hạn, ngài phán qua Giê-rê-mi: “Hỡi Y-sơ-ra-ên phản bội, hãy trở về!… Ta sẽ không sầm mặt với các ngươi vì ta là thành tín. . . Ta sẽ không căm giận mãi, chỉ cần ngươi nhìn nhận tội vì đã phản nghịch Giê-hô-va Ðức Chúa Trời” (Giê 3:12, 13). Qua Giô-ên, Ðức Giê-hô-va nói: “Hãy hết lòng trở về cùng ta” (Giô-ên 2:12, 13). Ngài cũng bảo Ê-sai tuyên bố: “Hãy tẩy uế mình, làm cho thanh sạch, bỏ việc dữ đi cho khuất mắt ta; đừng làm điều xấu xa nữa” (Ê-sai 1:16-19). Và qua Ê-xê-chi-ên, Ðức Giê-hô-va hỏi: “Ta há có vui chút nào trước cái chết của kẻ ác? Ta há chẳng muốn kẻ ác từ bỏ đường lối nó để được sống sao?. . . Ta không vui trước cái chết của bất cứ ai. Vậy, hãy trở lại và được sống” (Ê-xê 18:23, 32). Ðức Giê-hô-va vui khi thấy người ta ăn năn vì ngài muốn họ được sống, sống cho đến mãi mãi! Vậy Ðức Giê-hô-va không thụ động chờ đợi người tội lỗi thay đổi, rồi mới giúp họ. Hãy xem một số trường hợp khác cho thấy điều này.
7. Qua trường hợp của nhà tiên tri Ô-sê và vợ ông, Ðức Giê-hô-va dạy dân ngài điều gì?
7 Hãy lưu ý điều Ðức Giê-hô-va dạy dân ngài qua một trường hợp có thật. Ðó là trường hợp của Gô-me, vợ của nhà tiên tri Ô-sê. Sau khi phạm tội ngoại tình, bà bỏ Ô-sê để đến với những người đàn ông khác. Phải chăng bà đã vô phương cứu chữa? Ðức Giê-hô-va, đấng có thể đọc được lòng người ta, đã nói với Ô-sê: “Hãy yêu lại người đàn bà được một người khác yêu thương và đang phạm tội ngoại tình, giống như Ðức Giê-hô-va yêu thương dân Y-sơ-ra-ên trong khi họ đi theo các thần khác” (Ô-sê 3:1; Châm 16:2). Hãy lưu ý là lúc đó vợ của Ô-sê vẫn đang phạm tội trọng, nhưng Ðức Giê-hô-va bảo Ô-sê sẵn lòng tha thứ và chủ động hàn gắn mối quan hệ với bà. a Tương tự, Ðức Giê-hô-va đã không từ bỏ dân ương ngạnh của ngài. Dù họ đang phạm những tội khủng khiếp, ngài vẫn yêu thương họ cũng như tiếp tục chủ động giúp họ ăn năn và thay đổi con đường mình. Trường hợp này dạy chúng ta rằng Ðức Giê-hô-va, “đấng dò xét lòng”, sẽ chủ động và cố gắng giúp những người đang phạm tội trọng để họ ăn năn (Châm 17:3). Hãy xem ngài làm điều đó như thế nào.
LÀM THẾ NÀO ÐỨC GIÊ-HÔ-VA GIÚP NGƯỜI TỘI LỖI ÐỂ HỌ ĂN NĂN?
8. Ðức Giê-hô-va chủ động làm gì để giúp Ca-in ăn năn? (Sáng thế 4:3-7) (Cũng xem hình).
8 Ca-in là con đầu lòng của A-đam và Ê-va. Ông bị di truyền khuynh hướng tội lỗi từ cha mẹ. Ngoài ra, Kinh Thánh nói về Ca-in: “Các việc làm của người là gian ác” (1 Giăng 3:12). Có lẽ điều này giải thích lý do Ðức Giê-hô-va “không hài lòng về Ca-in và lễ vật của ông”. Thay vì thay đổi con đường mình, “Ca-in tức giận và sầm nét mặt”. Ðức Giê-hô-va đã làm gì sau đó? Ngài nói chuyện với ông. (Ðọc Sáng thế 4:3-7). Hãy lưu ý là Ðức Giê-hô-va đã tử tế lý luận với Ca-in, cho ông hy vọng và cảnh báo ông về mối nguy hiểm của tội lỗi. Ðáng buồn là Ca-in đã không chịu nghe. Ông không để ngài giúp mình ăn năn. Sau khi Ca-in phản ứng tiêu cực, Ðức Giê-hô-va có quyết định là sẽ ngưng cố gắng giúp những người tội lỗi khác ăn năn không? Hoàn toàn không!
9. Làm thế nào Ðức Giê-hô-va giúp Ða-vít ăn năn?
9 Ðức Giê-hô-va yêu thương vua Ða-vít rất nhiều. Thậm chí ngài còn gọi ông là “người vừa lòng ta” (Công 13:22). Nhưng Ða-vít đã phạm những tội trọng, trong đó có ngoại tình và giết người. Theo Luật pháp Môi-se, Ða-vít đáng bị xử tử (Lê 20:10; Dân 35:31). Nhưng Ðức Giê-hô-va đã nhân từ giúp ông ăn năn. b Ngài phái nhà tiên tri Na-than đến gặp Ða-vít, dù lúc đó ông chưa có dấu hiệu nào của sự ăn năn. Na-than đã dùng một minh họa để động đến lòng ông. Ða-vít được tác động mạnh mẽ và đã ăn năn (2 Sa 12:1-14). Ông viết một bài Thi thiên cho thấy thái độ ăn năn của mình (Thi 51, ghi chú đầu bài). Bài Thi thiên đó đã an ủi nhiều người phạm tội và thúc đẩy họ ăn năn. Chúng ta rất vui vì Ðức Giê-hô-va đã yêu thương giúp tôi tớ yêu dấu này của ngài ăn năn.
10. Anh chị cảm thấy thế nào về sự kiên nhẫn và tha thứ của Ðức Giê-hô-va đối với con người tội lỗi?
10 Ðức Giê-hô-va ghét tội lỗi và không dung túng bất cứ hình thức tội lỗi nào (Thi 5:4, 5). Tuy nhiên, ngài biết rằng tất cả chúng ta là người tội lỗi, và vì yêu thương chúng ta nên ngài muốn giúp chúng ta chống lại tội lỗi. Thậm chí ngài luôn cố gắng giúp những người phạm tội nặng nhất để họ ăn năn và đến gần với ngài. Thật an ủi khi biết điều đó! Khi suy ngẫm về sự kiên nhẫn và tha thứ của Ðức Giê-hô-va, chúng ta quyết tâm giữ trung thành với ngài và nhanh chóng ăn năn khi phạm tội. Hãy xem hội thánh đạo Ðấng Ki-tô học được điều gì khác về sự ăn năn.
CÁC MÔN ÐỒ CỦA CHÚA GIÊ-SU HỌC ÐƯỢC GÌ VỀ SỰ ĂN NĂN?
11, 12. Chúa Giê-su dạy điều gì về sự tha thứ của Cha ngài? (Xem hình).
11 Vào thế kỷ thứ nhất, Ðấng Mê-si đã xuất hiện. Như được đề cập trong bài trước, Ðức Giê-hô-va dùng cả Giăng Báp-tít và Chúa Giê-su để dạy người ta về tầm quan trọng của sự ăn năn.—Mat 3:1, 2; 4:17.
12 Suốt thời gian thi hành thánh chức, Chúa Giê-su đã dạy rằng Cha ngài sẵn lòng tha thứ. Chúa Giê-su làm thế một cách sống động qua ngụ ngôn về người con lầm lạc. Trong một khoảng thời gian, người thanh niên đó chọn đi theo lối sống tội lỗi. Nhưng anh đã “tỉnh ngộ” và trở về nhà. Người cha phản ứng thế nào? Chúa Giê-su nói rằng khi người con “còn ở đằng xa, người cha vừa thấy anh thì động lòng thương cảm, chạy đến ôm choàng lấy cổ anh mà hôn cách trìu mến”. Người con định xin làm tôi tớ trong nhà cha, nhưng người cha đã gọi anh là “con ta” và khôi phục vị trí của anh trong gia đình. Ông nói: ‘Con ta đã mất nay tìm lại được’ (Lu 15:11-32). Khi ở trên trời, chắc chắn Chúa Giê-su đã thấy Cha ngài thể hiện lòng trắc ẩn như thế với vô số người tội lỗi biết ăn năn. Chúa Giê-su quả đã phác họa hình ảnh rất ấm lòng và an ủi về Cha giàu lòng thương xót là Ðức Giê-hô-va!
13, 14. Sứ đồ Phi-e-rơ học được gì về sự ăn năn, và ông dạy người khác điều gì về sự ăn năn? (Cũng xem hình).
13 Sứ đồ Phi-e-rơ đã học được những điều quan trọng về sự ăn năn và tha thứ từ Chúa Giê-su. Nhiều lần Phi-e-rơ cần được tha thứ, và Chúa Giê-su đã rộng lòng làm thế với ông. Chẳng hạn, sau khi ba lần chối là không biết Chúa Giê-su, Phi-e-rơ cảm thấy vô cùng đau khổ (Mat 26:34, 35, 69-75). Nhưng sau khi được sống lại, ngài hiện ra với Phi-e-rơ, hẳn là khi ông đang một mình (Lu 24:33, 34; 1 Cô 15:3-5). Vào dịp đó, chắc hẳn Chúa Giê-su đã yêu thương tha thứ và trấn an sứ đồ biết ăn năn này.
14 Sau khi chính mình trải qua những điều đó, Phi-e-rơ có thể dạy người khác về sự ăn năn và tha thứ. Một thời gian sau Lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ đã trình bày bài giảng trước một nhóm người Do Thái không tin đạo, cho biết là họ đã giết Ðấng Mê-si. Nhưng ông cũng yêu thương khuyến giục họ: “Hãy ăn năn và thay đổi con đường mình để tội lỗi anh em được xóa sạch, hầu chính Ðức Giê-hô-va mang lại kỳ thanh thản cho anh em” (Công 3:14, 15, 17, 19). Qua đó, Phi-e-rơ cho thấy rằng sự ăn năn thúc đẩy một người tội lỗi thay đổi con đường mình, tức thay đổi suy nghĩ và hành động sai trái và đi theo đường lối mới làm vui lòng Ðức Chúa Trời. Sứ đồ này cũng cho thấy Ðức Giê-hô-va sẽ xóa sạch tội lỗi của họ. Nhiều thập kỷ sau, Phi-e-rơ đảm bảo với các tín đồ đạo Ðấng Ki-tô: “Ðức Giê-hô-va… kiên nhẫn với anh em vì chẳng muốn bất cứ ai bị hủy diệt mà muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9). Thật an ủi vì biết rằng khi chúng ta ăn năn tội lỗi, ngay cả tội trọng, Ðức Giê-hô-va hoàn toàn tha thứ cho chúng ta!
15. Làm thế nào Phao-lô đã học về sự tha thứ? (1 Ti-mô-thê 1:12-15)
15 Hiếm có ai cần ăn năn và được tha thứ hơn Sau-lơ người Tạt-sơ. Ông đã bắt bớ tàn nhẫn các môn đồ yêu dấu của Ðấng Ki-tô. Có lẽ đa số các tín đồ đều xem ông là vô phương cứu chữa, không bao giờ ăn năn. Nhưng Chúa Giê-su biết rằng Sau-lơ có thể thay đổi. Ngài và Cha ngài thấy được những phẩm chất tốt nơi Sau-lơ. Chúa Giê-su nói: “Tôi đã chọn người này” (Công 9:15). Thậm chí ngài còn dùng phép lạ để giúp ông ăn năn (Công 7:58–8:3; 9:1-9, 17-20). Sau khi trở thành tín đồ đạo Ðấng Ki-tô, Sau-lơ (sau này được biết đến là sứ đồ Phao-lô) nhiều lần bày tỏ lòng biết ơn về sự nhân từ cũng như lòng thương xót của Ðức Giê-hô-va và Chúa Giê-su. (Ðọc 1 Ti-mô-thê 1:12-15). Ông nói: ‘Bởi lòng nhân từ mà Ðức Chúa Trời cố giúp anh em ăn năn’.—Rô 2:4.
16. Bài sau sẽ xem xét điều gì?
16 Khi Phao-lô nghe về một vấn đề gây tai tiếng liên quan đến sự vô luân trong hội thánh ở Cô-rinh-tô, ông đã xử lý như thế nào? Cách Phao-lô xử lý giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự sửa trị đầy yêu thương của Ðức Giê-hô-va và tầm quan trọng của việc thể hiện lòng thương xót. Chúng ta sẽ xem xét chi tiết về lời tường thuật này trong bài sau.
BÀI HÁT 33 Hãy trút gánh nặng cho Ðức Giê-hô-va
a Ðây là trường hợp đặc biệt. Ngày nay, khi một người phạm tội ngoại tình, Ðức Giê-hô-va không đòi hỏi người hôn phối vô tội tiếp tục cuộc hôn nhân với người ấy. Thực tế, Ðức Giê-hô-va hướng dẫn Con ngài giải thích rằng một người có thể chọn ly dị người hôn phối phạm tội ngoại tình.—Mat 5:32; 19:9.
b Xem bài “Hãy tin cậy Ðấng Phán Xét đầy lòng thương xót của toàn thể trái đất!” trong Tháp Canh, tháng 5 năm 2024, trg 4-5, đ. 12.
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)