BÀI HỌC 34

BÀI HÁT 107 Gương mẫu yêu thương của Ðức Chúa Trời

Thể hiện tình yêu thương và lòng thương xót với người phạm tội

Thể hiện tình yêu thương và lòng thương xót với người phạm tội

“Bởi lòng nhân từ mà [Ðức Chúa Trời] cố giúp anh ăn năn”.​—RÔ 2:4.

TRỌNG TÂM

Cách các trưởng lão cố gắng giúp những người phạm tội trọng trong hội thánh.

1. Ðiều gì có thể xảy ra sau khi một người phạm tội trọng?

 Trong bài trước, chúng ta đã thấy cách sứ đồ Phao-lô xử lý một trường hợp phạm tội trọng ở Cô-rinh-tô. Người phạm tội đã không ăn năn và phải bị loại bỏ khỏi hội thánh. Tuy nhiên, như câu Kinh Thánh chủ đề cho thấy, một số người phạm tội trọng có thể được động đến lòng và được giúp để ăn năn (Rô 2:4). Các trưởng lão có thể làm gì để giúp họ ăn năn?

2, 3. Chúng ta nên làm gì nếu biết một anh em đồng đạo phạm tội trọng, và tại sao?

2 Trước khi có thể giúp đỡ, trưởng lão cần biết vấn đề. Vậy, chúng ta nên làm gì nếu biết một anh em đồng đạo phạm tội trọng, là điều có thể khiến người đó bị loại bỏ khỏi hội thánh? Chúng ta cần khuyến khích người phạm tội đến gặp trưởng lão để được giúp đỡ.—Ê-sai 1:18; Công 20:28; 1 Phi 5:2.

3 Nhưng nếu người phạm tội không muốn đến gặp trưởng lão thì sao? Lúc đó, chính chúng ta sẽ đến gặp trưởng lão để đảm bảo rằng người ấy nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Ðó là hành động yêu thương vì chúng ta không muốn mất anh em của mình. Nếu người phạm tội tiếp tục làm điều sai trái, mối quan hệ của người ấy với Ðức Giê-hô-va sẽ bị tổn hại nhiều hơn nữa. Người ấy cũng có thể khiến hội thánh bị mang tiếng xấu. Thế nên, chúng ta cần can đảm hành động vì yêu thương Ðức Giê-hô-va và người phạm tội.—Thi 27:14.

CÁCH TRƯỞNG LÃO GIÚP NGƯỜI PHẠM TỘI TRỌNG

4. Mục tiêu của các trưởng lão là gì khi gặp người phạm tội trọng?

4 Khi một người trong hội thánh phạm tội trọng, hội đồng trưởng lão sẽ chọn ra ba anh trong vòng họ. Ba anh này sẽ hợp thành một ủy ban. a Những anh này cần khiêm tốn và khiêm nhường. Dù cố gắng giúp người phạm tội ăn năn, họ ý thức là mình không thể buộc bất cứ ai thay đổi (Phục 30:19). Các trưởng lão hiểu rằng không phải tất cả những người phạm tội đều hưởng ứng tích cực như vua Ða-vít (2 Sa 12:13). Một số người phạm tội có thể chọn lờ đi lời khuyên của Ðức Giê-hô-va (Sáng 4:​6-8). Dù vậy, mục tiêu của các trưởng lão là giúp người phạm tội ăn năn. Họ nên nhớ những nguyên tắc nào khi gặp người phạm tội?

5. Các trưởng lão cần ghi nhớ lời khuyên nào khi gặp người phạm tội? (2 Ti-mô-thê 2:​24-26) (Cũng xem hình).

5 Các trưởng lão xem người phạm tội là chiên quý giá bị lạc (Lu 15:​4, 6). Vì thế, khi gặp người ấy, họ sẽ không khắt khe trong lời nói, thái độ và cách đối xử. Họ cũng không xem cuộc gặp đó chỉ là chiếu lệ, theo một thủ tục có sẵn. Thay vì thế, họ sẽ thể hiện những phẩm chất nơi 2 Ti-mô-thê 2:​24-26. (Ðọc). Các trưởng lão luôn mềm mại và nhân từ khi cố gắng động đến lòng người phạm tội.

Giống như người chăn vào thời xưa, các trưởng lão cố gắng hết sức đem chiên bị lạc trở về (Xem đoạn 5)


6. Các trưởng lão chuẩn bị lòng như thế nào trước khi gặp người phạm tội? (Rô-ma 2:4)

6 Các trưởng lão chuẩn bị lòng mình. Họ cố gắng noi theo Ðức Giê-hô-va trong cách đối xử với người phạm tội, và ghi nhớ lời của Phao-lô: ‘Bởi lòng nhân từ mà Ðức Chúa Trời cố giúp anh em ăn năn’. (Ðọc Rô-ma 2:4). Các trưởng lão cần nhớ vai trò chính của họ là người chăn dưới sự hướng dẫn của Ðấng Ki-tô (Ê-sai 11:​3, 4; Mat 18:​18-20). Trước khi gặp người phạm tội, ủy ban sẽ cầu nguyện và nghĩ đến mục tiêu của họ, đó là giúp người phạm tội ăn năn. Họ sẽ nghiên cứu Kinh Thánh và các ấn phẩm, cũng như cầu xin sự thông sáng. Họ sẽ xem xét những điều cần biết về hoàn cảnh xuất thân và quá khứ của người phạm tội mà có thể đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, thái độ và hạnh kiểm của người đó.—Châm 20:5.

7, 8. Các trưởng lão có thể noi theo sự kiên nhẫn của Ðức Giê-hô-va như thế nào khi gặp người phạm tội?

7 Các trưởng lão noi theo sự kiên nhẫn của Ðức Giê-hô-va. Họ ghi nhớ cách Ðức Giê-hô-va đối xử với những người phạm tội trong quá khứ. Chẳng hạn, ngài kiên nhẫn lý luận với Ca-in, cảnh báo ông về hậu quả của việc phạm tội và cho biết ông sẽ được lại ơn nếu vâng lời (Sáng 4:​6, 7). Ðức Giê-hô-va khuyên bảo Ða-vít qua nhà tiên tri Na-than, người đã dùng một minh họa động đến lòng vị vua ấy (2 Sa 12:​1-7). Và “hết lần này đến lần khác”, ngài không ngừng sai các nhà tiên tri đến để khuyên bảo dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh (Giê 7:​24, 25). Ngài không đợi dân ngài ăn năn rồi mới giúp đỡ. Thay vì thế, ngài chủ động khuyến giục họ ăn năn.

8 Các trưởng lão noi theo Ðức Giê-hô-va khi cố gắng giúp người phạm tội trọng. Như 2 Ti-mô-thê 4:2 nói, họ lý luận “với tất cả lòng kiên nhẫn” khi khuyên bảo người anh em đồng đạo đang có vấn đề. Vì thế, một trưởng lão cần luôn bình tĩnh và kiên nhẫn để giúp người phạm tội có ước muốn làm điều đúng. Nếu anh tỏ ra tức giận hoặc bực bội, người phạm tội có thể không muốn nghe lời khuyên hoặc không muốn ăn năn.

9, 10. Làm thế nào các trưởng lão có thể giúp người phạm tội nhận ra điều dẫn đến hành vi sai trái?

9 Các trưởng lão cố gắng xác định hoàn cảnh dẫn đến việc phạm tội. Chẳng hạn, người đó có dần suy yếu về thiêng liêng vì đã bỏ bê việc học hỏi cá nhân hoặc thánh chức không? Có phải người đó không còn cầu nguyện đều đặn hoặc chỉ cầu nguyện máy móc không? Có phải người đó không còn kháng cự ham muốn sai trái không? Người đó có thiếu khôn ngoan trong việc chọn bạn hoặc giải trí không? Những lựa chọn ấy đã ảnh hưởng thế nào đến lòng của người đó? Người đó có nhận ra những quyết định và hành động gần đây của mình ảnh hưởng thế nào đến Cha trên trời là Ðức Giê-hô-va không?

10 Khi đặt những câu hỏi gợi suy nghĩ mà không xâm phạm sự riêng tư một cách không cần thiết, các trưởng lão nhân từ giúp người phạm tội nói ra lòng mình và thấy được điều dẫn đến hành vi sai trái (Châm 20:5). Ngoài ra, họ có thể dùng những minh họa để giúp người đó lý luận và nhận ra hành động của mình là sai, giống như Na-than đã làm với Ða-vít. Có lẽ trong cuộc gặp đầu tiên, người phạm tội sẽ bắt đầu cảm thấy đau buồn về hành vi của mình. Thậm chí người đó có thể ăn năn.

11. Chúa Giê-su đối xử với người phạm tội như thế nào?

11 Các trưởng lão cố gắng noi theo Chúa Giê-su. Khi giúp Sau-lơ quê ở Tạt-sơ, Chúa Giê-su đã đặt một câu hỏi hiệu quả: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ! Sao ngươi bắt bớ ta?”. Qua đó, ngài giúp ông nhận ra điều ông làm là sai (Công 9:​3-6). Và trong trường hợp của “ả Giê-xa-bên”, Chúa Giê-su nói: “Tôi đã cho ả thời gian để ăn năn”.—Khải 2:​20, 21.

12, 13. Các trưởng lão có thể cho người phạm tội thời gian để ăn năn bằng cách nào? (Cũng xem hình).

12 Noi theo Chúa Giê-su, các trưởng lão không vội kết luận rằng người phạm tội sẽ không ăn năn. Có thể một số người ăn năn trong cuộc gặp đầu tiên với ủy ban, nhưng số khác thì cần thêm thời gian. Vì thế, các trưởng lão có thể sắp xếp để gặp người phạm tội nhiều hơn một lần. Sau cuộc gặp đầu tiên, có lẽ người phạm tội sẽ bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về những điều các trưởng lão đã nói. Có thể người đó sẽ khiêm nhường cầu nguyện với Ðức Giê-hô-va (Thi 32:5; 38:18). Nhờ thế, trong cuộc gặp tiếp theo, người phạm tội có thể có thái độ khác so với lần đầu.

13 Ðể giúp người phạm tội ăn năn, các trưởng lão cần đồng cảm và nhân từ. Họ cầu xin Ðức Giê-hô-va ban phước cho nỗ lực của họ và mong rằng người lạc lối ấy sẽ tỉnh ngộ và ăn năn.—2 Ti 2:​25, 26.

Các trưởng lão có thể gặp người phạm tội nhiều hơn một lần để cho người ấy thời gian ăn năn (Xem đoạn 12)


14. Ai xứng đáng nhận được công trạng khi một người phạm tội ăn năn, và tại sao?

14 Nếu người phạm tội ăn năn, đó là điều mang lại niềm vui lớn lao! (Lu 15:​7, 10). Ai xứng đáng nhận được công trạng ấy? Có phải các trưởng lão không? Hãy nhớ điều Phao-lô viết về những người phạm tội: “Biết đâu Ðức Chúa Trời giúp họ ăn năn” (2 Ti 2:25). Vì thế, chính Ðức Giê-hô-va, chứ không phải bất cứ người phàm nào, giúp một tín đồ thay đổi lối suy nghĩ và thái độ. Phao-lô cho biết những kết quả tốt sau khi một người ăn năn. Người đó có thể có sự hiểu biết chính xác hơn về chân lý, tỉnh ngộ và thoát khỏi bẫy của Sa-tan.—2 Ti 2:26.

15. Làm thế nào các trưởng lão có thể tiếp tục giúp đỡ người phạm tội biết ăn năn?

15 Khi một người phạm tội ăn năn, ủy ban sẽ sắp xếp những cuộc thăm chiên. Nhờ thế, người đó có thể tiếp tục nhận được sự giúp đỡ cần thiết để chống lại bẫy của Sa-tan và làm cho thẳng con đường dưới chân mình (Hê 12:​12, 13). Dĩ nhiên, các trưởng lão không tiết lộ cho bất cứ ai những chi tiết về tội của người đó. Nhưng có thể hội thánh cần biết điều gì?

“HÃY KHIỂN TRÁCH HỌ TRƯỚC MẶT MỌI NGƯỜI”

16. Theo 1 Ti-mô-thê 5:​20, “mọi người” mà Phao-lô nói đến là ai?

16 Ðọc 1 Ti-mô-thê 5:20. Phao-lô viết những lời này cho Ti-mô-thê, cũng là trưởng lão, để cho biết điều cần làm với những người “bước đi trong tội lỗi”. Có phải ý của ông là người phạm tội nên bị khiển trách trước cả hội thánh không? Không nhất thiết. “Mọi người” mà ông đang nói đến là những người có lẽ biết về việc phạm tội ấy, chẳng hạn những người chứng kiến hoặc những người mà người phạm tội đã tiết lộ về tội của mình. Các trưởng lão cần kín đáo cho họ biết vấn đề đã được xử lý và người phạm tội đã được sửa sai.

17. Nếu nhiều người trong hội thánh biết hoặc rất có thể sẽ biết về một tội nghiêm trọng thì sẽ có thông báo nào, và tại sao?

17 Trong một số trường hợp, nhiều người trong hội thánh biết hoặc rất có thể sẽ biết về hành vi sai trái ấy. Khi đó, “mọi người” sẽ bao gồm cả hội thánh. Vì thế, một trưởng lão sẽ thông báo cho hội thánh biết anh hoặc chị đó đã bị khiển trách. Tại sao? Phao-lô trả lời: “Ðể làm gương cảnh báo cho những người khác” hầu họ không phạm tội nghiêm trọng.

18. Các trưởng lão xử lý thế nào trong những trường hợp liên quan đến trẻ vị thành niên đã báp-têm? (Cũng xem hình).

18 Nói sao về những trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi) đã báp-têm mà phạm tội trọng? Hội đồng trưởng lão sẽ sắp xếp để hai trưởng lão gặp em ấy cùng với cha mẹ là Nhân Chứng. b Các trưởng lão sẽ tìm hiểu về những điều cha mẹ đã làm để giúp con mình ăn năn. Nếu em ấy có thái độ tốt và hưởng ứng nỗ lực của cha mẹ, hai trưởng lão có thể quyết định không cần làm gì thêm để xử lý vấn đề. Suy cho cùng, Ðức Chúa Trời đã giao cho cha mẹ trách nhiệm sửa dạy con một cách yêu thương (Phục 6:​6, 7; Châm 6:20; 22:6; Ê-phê 6:​2-4). Thỉnh thoảng các trưởng lão sẽ hỏi thăm cha mẹ để đảm bảo rằng em ấy nhận được sự giúp đỡ cần thiết. Tuy nhiên, nói sao nếu một trẻ vị thành niên đã báp-têm tiếp tục làm điều sai trái mà không ăn năn? Trong trường hợp đó, một ủy ban các trưởng lão sẽ gặp em ấy cùng với cha mẹ là Nhân Chứng.

Khi một trẻ vị thành niên phạm tội trọng, hai trưởng lão sẽ gặp em cùng với cha mẹ là Nhân Chứng (Xem đoạn 18)


“ÐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ ÐẤNG GIÀU LÒNG TRẮC ẨN VÀ THƯƠNG XÓT”

19. Các trưởng lão cố gắng noi theo Ðức Giê-hô-va như thế nào khi xử lý những trường hợp phạm tội trọng?

19 Ðức Giê-hô-va đòi hỏi các trưởng lão phục vụ trong ủy ban giữ cho hội thánh thanh sạch (1 Cô 5:7). Nhưng họ cũng cố gắng hết sức để giúp người phạm tội ăn năn. Ðể làm điều đó, các trưởng lão cần có thái độ tích cực, hy vọng người ấy sẽ thay đổi. Tại sao? Vì họ muốn noi theo Ðức Giê-hô-va, là đấng “giàu lòng trắc ẩn và thương xót” (Gia 5:11). Hãy lưu ý cách sứ đồ Giăng cao tuổi đã thể hiện tinh thần như thế. Ông viết: “Hỡi các con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này để anh em không phạm tội. Tuy nhiên, nếu có ai phạm tội thì chúng ta có đấng giúp đỡ đang ở với Cha, đó là Chúa Giê-su Ki-tô, một đấng công chính”.—1 Giăng 2:1.

20. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài cuối của loạt bài này?

20 Ðáng buồn là có khi một tín đồ không chịu ăn năn. Nếu thế, người ấy phải bị loại bỏ khỏi hội thánh. Các trưởng lão xử lý trường hợp nghiêm trọng ấy như thế nào? Hãy xem lời giải đáp trong bài cuối của loạt bài này.

BÀI HÁT 103 Những anh chăn bầy​—Món quà từ Ðức Chúa Trời

a Trước đây, nhóm này được gọi là ủy ban tư pháp. Nhưng vì xét xử chỉ là một phần trong công việc của họ nên chúng ta sẽ không còn dùng cụm từ “ủy ban tư pháp”. Thay vì thế, chúng ta gọi nhóm này là ủy ban các trưởng lão.

b Ðiều được nói liên quan đến cha mẹ cũng áp dụng cho người giám hộ hợp pháp hoặc những người khác có trách nhiệm nuôi dạy trẻ vị thành niên đó. Nếu cha mẹ của em hoặc những người ấy không phải là Nhân Chứng, các trưởng lão nên gặp em cùng với một người bà con trưởng thành của em là Nhân Chứng, người dạy Kinh Thánh hoặc một Nhân Chứng trưởng thành khác mà em thấy thoải mái khi ở gần.