BÀI HỌC 37
BÀI HÁT 118 ‘Xin cho chúng con thêm đức tin’
Một lá thư giúp chúng ta trung thành chịu đựng đến cuối cùng
‘Chúng ta giữ vững cho đến cuối cùng niềm tin chắc mình có từ lúc đầu’.—HÊ 3:14.
TRỌNG TÂM
Những bài học thực tế rút ra từ thư gửi các tín đồ người Hê-bơ-rơ sẽ giúp chúng ta trung thành chịu đựng cho đến khi thế gian này kết thúc.
1, 2. (a) Tình hình ở Giu-đê ra sao khi sứ đồ Phao-lô viết thư cho các tín đồ người Hê-bơ-rơ? (b) Tại sao thư được soi dẫn ấy đã đến đúng lúc?
Các tín đồ người Hê-bơ-rơ sống ở Giê-ru-sa-lem và xứ Giu-đê gặp nhiều khó khăn trong những năm sau khi Chúa Giê-su chết. Không lâu sau khi hội thánh được thành lập, tín đồ đạo Ðấng Ki-tô bị bắt bớ dữ dội (Công 8:1). Rồi khoảng 20 năm sau, họ gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, có lẽ do nạn đói trước đó đã ảnh hưởng đến xứ (Công 11:27-30). Tuy nhiên, khoảng năm 61 CN, họ trải qua một giai đoạn bình an tương đối so với những gì sắp xảy ra. Trong giai đoạn đó, họ nhận thư được soi dẫn từ sứ đồ Phao-lô, là thư chứa đựng những lời khuyên đúng lúc.
2 Thư gửi các tín đồ người Hê-bơ-rơ đã đến đúng lúc vì sự bình an mà họ đang có sẽ không kéo dài mãi. Phao-lô đưa ra lời khuyên thiết thực giúp họ chịu đựng hoạn nạn sắp đến. Sự hủy diệt hệ thống Do Thái mà Chúa Giê-su báo trước đang tới gần (Lu 21:20). Dĩ nhiên, cả Phao-lô lẫn các tín đồ ở Giu-đê không biết chính xác khi nào sự hủy diệt đó xảy ra. Tuy nhiên, các tín đồ ấy có thể dùng thời gian còn lại để chuẩn bị bằng cách vun trồng những phẩm chất như đức tin và sự chịu đựng.—Hê 10:25; 12:1, 2.
3. Tại sao các tín đồ ngày nay cần đặc biệt chú ý đến sách Hê-bơ-rơ?
3 Chúng ta sắp đối mặt với một hoạn nạn lớn hơn nhiều so với hoạn nạn mà các tín đồ người Hê-bơ-rơ đã trải qua (Mat 24:21; Khải 16:14, 16). Vì thế, hãy xem một số lời khuyên thực tế mà Ðức Giê-hô-va đã ban cho họ. Những lời khuyên đó cũng mang lại lợi ích cho chúng ta.
“HÃY TIẾN ÐẾN SỰ THÀNH THỤC”
4. Các tín đồ gốc Do Thái đối mặt với thử thách nào? (Cũng xem hình).
4 Các tín đồ gốc Do Thái đối mặt với một thử thách. Có một thời người Do Thái là dân được Ðức Giê-hô-va chọn. Các vua đại diện cho Ðức Giê-hô-va thì cai trị ở Giê-ru-sa-lem, và đền thờ là trung tâm của sự thờ phượng thanh sạch. Tất cả những người Do Thái trung thành đều đã làm theo Luật pháp Môi-se và những điều luật của các nhà lãnh đạo tôn giáo. Những dạy dỗ này chi phối cách ăn uống, quan điểm của họ về việc cắt bì và ngay cả cách đối xử với dân ngoại. Tuy nhiên, sau khi Chúa Giê-su chết, Ðức Giê-hô-va không còn chấp nhận vật tế lễ của người Do Thái. Ðó là thử thách đối với các tín đồ gốc Do Thái vì họ đã quen với việc làm theo Luật pháp (Hê 10:1, 4, 10). Ngay cả những tín đồ thành thục như sứ đồ Phi-e-rơ cũng thấy khó thích nghi với một số thay đổi đó (Công 10:9-14; Ga 2:11-14). Vì những niềm tin mới, các tín đồ này trở thành mục tiêu tấn công của các nhà lãnh đạo Do Thái giáo.
5. Các tín đồ đạo Ðấng Ki-tô đối mặt với điều gì?
5 Các tín đồ gốc Do Thái bị chống đối từ hai phía. Thứ nhất, những nhà lãnh đạo Do Thái giáo xem họ là kẻ bội đạo. Thứ hai, những người tự nhận là tín đồ đạo Ðấng Ki-tô khăng khăng cho rằng môn đồ của Chúa Giê-su phải tiếp tục giữ một số điều trong Luật pháp Môi-se, có lẽ vì họ muốn tránh bị ngược đãi (Ga 6:12). Ðiều gì giúp các tín đồ trung thành bám chặt chân lý?
6. Phao-lô khuyến khích anh em đồng đạo làm gì? (Hê-bơ-rơ 5:14–6:1)
6 Trong thư gửi các tín đồ người Hê-bơ-rơ, Phao-lô khuyến khích anh em đào sâu Lời Ðức Chúa Trời. (Ðọc Hê-bơ-rơ 5:14–6:1). Phao-lô dùng phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ để cho thấy cách thờ phượng của đạo Ðấng Ki-tô vượt trội so với cách thờ phượng của Do Thái giáo. a Ông biết rằng việc gia tăng kiến thức và hiểu sâu hơn về chân lý sẽ giúp các tín đồ nhận ra và bác bỏ những lập luận giả dối để không bị dẫn đi lạc lối.
7. Ngày nay, chúng ta đối mặt với những thử thách nào?
7 Giống như các tín đồ người Hê-bơ-rơ, chúng ta đối mặt với những thông tin và lập luận trái với tiêu chuẩn công chính của Ðức Giê-hô-va. Những kẻ chống đối thường tấn công niềm tin dựa trên Kinh Thánh của chúng ta về đạo đức và sắp đặt khai trừ, cho rằng chúng ta khắt khe và tàn nhẫn. Thái độ và quan điểm của thế gian ngày càng khác biệt với quan điểm hoàn hảo của Ðức Giê-hô-va (Châm 17:15). Vì thế, chúng ta cần nhận ra và bác bỏ những suy nghĩ sai trái mà những kẻ chống đối dùng để cố khiến chúng ta nản lòng hoặc dẫn chúng ta đi lạc lối.—Hê 13:9.
8. Ðiều gì có thể giúp chúng ta tiến đến sự thành thục?
8 Chúng ta cần ghi nhớ lời Phao-lô khuyên các tín đồ người Hê-bơ-rơ, đó là tiến đến sự thành thục. Ðiều này bao gồm việc có sự hiểu biết sâu sắc về chân lý và có cùng lối suy nghĩ với Ðức Giê-hô-va. Tiến trình này vẫn tiếp tục ngay cả sau khi chúng ta đã dâng mình và báp-têm. Dù ở trong chân lý bao lâu đi nữa, tất cả chúng ta cần đều đặn đọc và học hỏi Lời Ðức Chúa Trời (Thi 1:2). Thói quen học hỏi tốt sẽ giúp chúng ta trau dồi một phẩm chất mà Phao-lô nhấn mạnh trong thư gửi các tín đồ người Hê-bơ-rơ, đó là đức tin.—Hê 11:1, 6.
“CÓ ÐỨC TIN ÐỂ BẢO TOÀN MẠNG SỐNG”
9. Tại sao các tín đồ người Hê-bơ-rơ cần có đức tin mạnh?
9 Các tín đồ người Hê-bơ-rơ cần có đức tin mạnh để sống sót qua hoạn nạn sắp xảy ra ở Giu-đê (Hê 10:37-39). Chúa Giê-su đã cảnh báo các môn đồ là khi thấy thành Giê-ru-sa-lem bị quân lính bao vây, họ phải chạy trốn lên núi. Lời cảnh báo của ngài áp dụng cho mọi tín đồ, dù họ sống trong thành ấy hoặc ở vùng thôn quê (Lu 21:20-24). Thời đó, khi đứng trước sự đe dọa của quân xâm lăng, người ta thường sẽ vào các thành có tường bao quanh như Giê-ru-sa-lem để được bảo vệ. Chạy trốn lên núi dường như là điều không hợp lý và đòi hỏi phải có đức tin mạnh.
10. Ðức tin mạnh thôi thúc các tín đồ làm gì? (Hê-bơ-rơ 13:17)
10 Các tín đồ người Hê-bơ-rơ cũng cần tin cậy những người mà Chúa Giê-su dùng để hướng dẫn hội thánh. Rất có thể những anh dẫn đầu đã đưa ra chỉ dẫn cụ thể giúp mọi người trong hội thánh làm theo lời cảnh báo của ngài vào đúng lúc và một cách trật tự. (Ðọc Hê-bơ-rơ 13:17). Từ Hy Lạp nơi Hê-bơ-rơ 13:17 được dịch là “vâng lời” hàm ý rằng một người được thuyết phục để vâng lời vì tin cậy người đưa ra chỉ dẫn. Ðiều này bao hàm nhiều hơn là chỉ vâng lời vì người kia có quyền làm thế. Vì vậy, các tín đồ người Hê-bơ-rơ cần xây dựng lòng tin cậy nơi những anh dẫn đầu trước khi hoạn nạn xảy ra. Nếu họ vâng theo chỉ dẫn từ các anh dẫn đầu trong giai đoạn bình an thì sẽ dễ làm thế hơn trong lúc khó khăn.
11. Tại sao các tín đồ ngày nay cần có đức tin mạnh?
11 Giống như các tín đồ người Hê-bơ-rơ, chúng ta cần có đức tin mạnh. Chúng ta sống trong một thời kỳ mà phần lớn người ta bác bỏ, thậm chí chế giễu lời cảnh báo của Kinh Thánh về sự kết thúc của thế gian này (2 Phi 3:3, 4). Ngoài ra, dù Kinh Thánh tiết lộ một số chi tiết về những điều xảy ra trong hoạn nạn lớn, nhưng vẫn có nhiều điều mà chúng ta không biết. Chúng ta cần có đức tin mạnh và tin chắc rằng sự kết thúc của thế gian này sẽ đến vào đúng lúc và Ðức Giê-hô-va sẽ chăm sóc chúng ta.—Ha-ba 2:3.
12. Ðiều gì sẽ giúp chúng ta sống sót qua hoạn nạn lớn?
12 Chúng ta cũng cần củng cố lòng tin cậy nơi phương tiện mà Ðức Giê-hô-va dùng ngày nay để hướng dẫn mình, đó là “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45). Khi hoạn nạn lớn bắt đầu, có lẽ chúng ta sẽ nhận những chỉ dẫn cụ thể để được cứu mạng, giống như các tín đồ người Hê-bơ-rơ có lẽ đã nhận được chỉ dẫn khi quân La Mã bao vây Giê-ru-sa-lem. Giờ là lúc để củng cố lòng tin cậy nơi chỉ dẫn mà chúng ta nhận được từ các anh dẫn đầu trong tổ chức của Ðức Giê-hô-va. Nếu không tin cậy và vâng theo chỉ dẫn của họ bây giờ thì chúng ta sẽ khó làm thế trong hoạn nạn lớn.
13. Tại sao lời khuyên nơi Hê-bơ-rơ 13:5 rất thích hợp?
13 Trong khi chờ đợi dấu hiệu để chạy trốn, các tín đồ người Hê-bơ-rơ cũng cần giữ lối sống đơn giản, tránh tinh thần “ham tiền”. (Ðọc Hê-bơ-rơ 13:5). Một số tín đồ từng trải qua thời kỳ đói kém và nghèo túng (Hê 10:32-34). Dù từng sẵn sàng chịu đựng gian nan vì cớ tin mừng, có lẽ một số người bắt đầu xem tiền của là điều thiết yếu để bảo vệ mình. Nhưng tiền của không thể cứu họ khỏi sự hủy diệt sắp tới (Gia 5:3). Hẳn những ai yêu của cải vật chất thấy khó để chạy trốn và bỏ lại nhà cửa cùng tài sản của họ.
14. Ðức tin mạnh có thể tác động thế nào đến những quyết định của chúng ta về của cải vật chất?
14 Chúng ta sẽ kháng cự chủ nghĩa vật chất nếu có đức tin mạnh và tin chắc rằng sự kết thúc của thế gian này đang gần kề. Trong hoạn nạn lớn, tiền bạc sẽ không có giá trị. Kinh Thánh nói rằng người ta sẽ “quăng bạc của mình ra đường” vì nhận ra “bạc hay vàng cũng không thể cứu [họ] trong ngày thịnh nộ của Ðức Giê-hô-va” (Ê-xê 7:19). Thay vì tập trung vào việc tích lũy càng nhiều tiền càng tốt, chúng ta cần đưa ra những quyết định giúp mình sống đơn giản nhưng thăng bằng. Ðiều này bao hàm việc tránh nợ nần không cần thiết và tránh dành nhiều thời gian để bảo dưỡng tài sản. Chúng ta cũng cẩn thận để không quyến luyến với những tài sản mình đang có (Mat 6:19, 24). Trong khi chúng ta chờ đợi sự kết thúc của thế gian này, đức tin của mình có thể bị thử thách liên quan đến của cải vật chất và những vấn đề khác.
“ANH EM CẦN CÓ TÍNH CHỊU ÐỰNG”
15. Tại sao các tín đồ người Hê-bơ-rơ đặc biệt cần tính chịu đựng?
15 Các tín đồ người Hê-bơ-rơ sẽ phải chịu đựng những thử thách về đức tin khi tình hình ở Giu-đê trở nên tồi tệ (Hê 10:36). Dù một số tín đồ từng đương đầu với sự ngược đãi dữ dội nhưng nhiều người đã trở thành tín đồ đạo Ðấng Ki-tô trong giai đoạn tương đối bình an. Phao-lô nói rằng dù họ chịu đựng những thử thách về đức tin nhưng vẫn chưa chịu khổ đến độ phải chết như Chúa Giê-su (Hê 12:4). Tuy nhiên, khi đạo Ðấng Ki-tô lan rộng, những kẻ chống đối gốc Do Thái ngày càng cay đắng và cuồng tín. Chỉ vài năm trước đó, sự xuất hiện của Phao-lô ở Giê-ru-sa-lem đã gây ra cuộc náo loạn. Hơn 40 người Do Thái “thề độc với nhau, họ nói sẽ không ăn uống chi hết cho đến khi giết được Phao-lô” (Công 22:22; 23:12-14). Bất kể môi trường ghen ghét và cuồng tín đó, các tín đồ vẫn cần họp lại để thờ phượng, rao giảng tin mừng và giữ đức tin mạnh.
16. Thư gửi các tín đồ người Hê-bơ-rơ giúp chúng ta thế nào để có quan điểm đúng về sự ngược đãi? (Hê-bơ-rơ 12:7)
16 Ðiều gì sẽ giúp các tín đồ người Hê-bơ-rơ chịu đựng sự chống đối? Phao-lô biết rằng họ cần có quan điểm đúng về thử thách. Vì thế, ông giải thích Ðức Chúa Trời có thể để cho những thử thách về đức tin xảy ra để huấn luyện họ. (Ðọc Hê-bơ-rơ 12:7). Sự huấn luyện đó có thể giúp một người vun trồng và trau dồi những phẩm chất thiết yếu của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô. Khi tập trung vào kết quả cuối cùng của những thử thách ấy, các tín đồ người Hê-bơ-rơ sẽ thấy dễ chịu đựng hơn.—Hê 12:11.
17. Phao-lô biết điều gì về việc chịu đựng sự ngược đãi?
17 Phao-lô khuyến giục các tín đồ người Hê-bơ-rơ chịu đựng thử thách và không bỏ cuộc. Ông ở trong vị thế tốt để viết về điều này. Là người từng bắt bớ tín đồ đạo Ðấng Ki-tô, ông biết họ phải đối mặt với khó khăn nào. Ông cũng biết cách để chịu đựng sự ngược đãi. Suy cho cùng, Phao-lô đã trải qua nhiều hình thức chống đối sau khi trở thành một tín đồ (2 Cô 11:23-25). Vì thế, Phao-lô có thể nói với lòng tin chắc về những điều cần làm để chịu đựng. Ông nhắc các tín đồ ấy nhớ rằng khi chịu đựng thử thách, họ cần nương cậy Ðức Giê-hô-va, chứ không phải bản thân. Ðó là điều đã giúp Phao-lô can đảm, nên ông có thể nói: “Ðức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ chẳng sợ hãi gì”.—Hê 13:6.
18. Ðiều gì sẽ xảy ra với tất cả chúng ta trong tương lai, và chúng ta có thể chuẩn bị như thế nào?
18 Một số anh em của chúng ta đang chịu đựng sự ngược đãi vào lúc này. Chúng ta có thể trung thành ủng hộ họ qua việc cầu nguyện cho họ, và đôi khi qua những cách thực tế (Hê 10:33). Tuy nhiên, Kinh Thánh nói rõ rằng: “Hết thảy những ai muốn sống cuộc đời tin kính của môn đồ Ðấng Ki-tô Giê-su cũng sẽ bị ngược đãi” (2 Ti 3:12). Vì thế, tất cả chúng ta cần chuẩn bị cho những điều sắp xảy ra. Hãy tiếp tục hết lòng tin cậy Ðức Giê-hô-va, tin chắc rằng ngài sẽ giúp chúng ta chịu đựng bất cứ thử thách nào có thể xảy đến. Vào đúng lúc, ngài sẽ giải thoát tất cả tôi tớ trung thành của ngài.—2 Tê 1:7, 8.
19. Những điều thực tế nào có thể giúp chúng ta chuẩn bị cho hoạn nạn lớn? (Cũng xem hình).
19 Chắc chắn thư của Phao-lô gửi các tín đồ người Hê-bơ-rơ đã giúp các tín đồ thời ban đầu chuẩn bị cho hoạn nạn mà họ sẽ đương đầu. Phao-lô khuyến giục anh em thu thập kiến thức và sự hiểu biết sâu sắc hơn về Kinh Thánh. Làm thế sẽ giúp họ nhận ra và bác bỏ những dạy dỗ có thể làm suy yếu đức tin. Ông khuyến khích họ củng cố đức tin để có thể nhanh chóng làm theo chỉ dẫn của Chúa Giê-su và những anh dẫn đầu trong hội thánh. Ðể giúp các tín đồ vun trồng tính chịu đựng, ông cho biết họ cần có quan điểm đúng về thử thách và xem chúng là cơ hội để được Cha yêu thương huấn luyện. Mong sao chúng ta cũng áp dụng những lời khuyên được soi dẫn này. Khi làm thế, chúng ta có thể trung thành chịu đựng cho đến cuối cùng.—Hê 3:14.
BÀI HÁT 126 Hãy luôn tỉnh thức, đứng vững và mạnh mẽ
a Chỉ trong chương đầu, Phao-lô đã trích phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ ít nhất bảy lần để chứng minh cách thờ phượng của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô vượt trội so với cách thờ phượng của người Do Thái.—Hê 1:5-13.
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)