Ðộng đến lòng người thân không cùng đức tin
Chúa Giê-su Ki-tô nói: “Hãy đi về gặp người thân, kể cho họ nghe mọi điều Ðức Giê-hô-va đã làm cho anh và lòng thương xót của ngài đối với anh”. Lúc đó, có lẽ Chúa Giê-su đang ở Ga-đa-ra, một thành nằm phía đông nam của biển Ga-li-lê, và đang nói chuyện với một người đàn ông muốn trở thành môn đồ ngài. Những lời của Chúa Giê-su cho thấy ngài hiểu một đặc tính căn bản của con người, đó là muốn chia sẻ những điều thú vị và quan trọng cho người thân.—Mác 5:19.
Chúng ta cũng thường thấy đặc tính đó ngày nay, dù nó được thể hiện khác nhau tùy nền văn hóa. Vì thế, khi trở thành người thờ phượng Giê-hô-va Ðức Chúa Trời, một người thường muốn chia sẻ niềm tin mới với người thân. Nhưng người ấy nên làm điều này như thế nào? Bằng cách nào người ấy có thể động đến lòng của người thân theo đạo khác, thậm chí không có đạo? Kinh Thánh đưa ra lời khuyên tích cực và thực tế về điều này.
“CHÚNG EM ÐÃ GẶP ÐẤNG MÊ-SI”
Vào thế kỷ thứ nhất, Anh-rê là một trong những người đầu tiên nhận ra Chúa Giê-su là Ðấng Mê-si. Ông đã nói ngay với ai về điều mình vừa khám phá? Kinh Thánh tường thuật: “Trước tiên ông [Anh-rê] đi gặp anh mình là Si-môn rồi nói: ‘Chúng em đã gặp Ðấng Mê-si’ (nghĩa là Ðấng Ki-tô)”. Anh-rê dẫn Phi-e-rơ đến gặp Chúa Giê-su, qua đó ông tạo cơ hội cho Phi-e-rơ trở thành môn đồ của ngài.—Giăng 1:35-42.
Khoảng sáu năm sau, khi đang ở Giốp-bê, Phi-e-rơ được mời đến Sê-sa-rê, một thành phía bắc, để thăm nhà của đại đội trưởng Cọt-nây. Ông thấy những ai đang nhóm lại ở nhà Cọt-nây? “Lúc ấy, Cọt-nây đang chờ [Phi-e-rơ và những người đi cùng], ông đã gọi họ hàng cùng bạn bè thân thiết đến”. Như vậy, Cọt-nây cho người thân cơ hội nghe Phi-e-rơ nói, rồi quyết định dựa trên những gì họ nghe.—Công 10:22-33.
Chúng ta học được gì qua cách Anh-rê và Cọt-nây đối xử với người thân?
Cả Anh-rê và Cọt-nây đều không để người thân tự biết sự thật. Chính Anh-rê giới thiệu Phi-e-rơ cho Chúa Giê-su và Cọt-nây sắp xếp để người thân nghe những điều Phi-e-rơ phải nói. Nhưng Anh-rê và Cọt-nây không gây áp lực hoặc lập mưu để lôi kéo người thân trở thành môn đồ Chúa Giê-su. Bạn có thấy được bài học không? Chúng ta cũng nên hành động như thế. Chúng ta có thể chia sẻ một vài ý tưởng với người thân và tạo cơ hội cho họ biết những sự thật trong Kinh Thánh và tiếp xúc với anh em đồng đạo. Dù vậy, chúng ta tôn trọng quyền tự do lựa chọn của họ và tránh gây áp lực cho họ. Ðể hiểu cách chúng ta có thể giúp người thân, hãy xem xét trường hợp của anh Jürgen và chị Petra, một cặp vợ chồng ở Ðức.
Chị Petra tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, và với thời gian chị đã làm báp-têm. Chồng chị là anh Jürgen, từng là sĩ quan quân đội. Thoạt đầu, anh Jürgen không vui vì quyết định đó của vợ. Nhưng với thời gian, anh nhận ra Nhân Chứng Giê-hô-va rao giảng sự thật trong Kinh Thánh. Anh cũng dâng mình cho Ðức Giê-hô-va, và hiện nay anh là trưởng lão tại hội thánh địa phương. Anh đưa ra lời khuyên nào về việc động đến lòng người thân không cùng đức tin?
Anh Jürgen nói: “Chúng ta không nên cố ép và làm người thân cảm thấy choáng ngợp bởi những điều thiêng liêng. Ðiều đó chỉ làm họ lập hàng rào phòng thủ. Về lâu về dài, tốt hơn chúng ta nên tế nhị chia sẻ những thông tin thú vị từng ít một. Một điều cũng giúp ích là tạo điều kiện để người thân tiếp xúc với những anh chị cùng độ tuổi và có sở thích tương tự. Ðiều này có thể xóa dần khoảng cách”.
Sứ đồ Phi-e-rơ và người thân của Cọt-nây đã nhanh chóng hưởng ứng thông điệp Kinh Thánh. Những người khác nghe sự thật vào thế kỷ thứ nhất thì cần nhiều thời gian hơn để quyết định.
CÁC EM CỦA CHÚA GIÊ-SU THÌ SAO?
Một số người thân của Chúa Giê-su thể hiện đức tin nơi ngài trong thời gian ngài làm thánh chức trên đất. Chẳng hạn, dường như sứ đồ Gia-cơ và Giăng là anh em họ của Chúa Giê-su và mẹ của họ, Sa-lô-mê, là dì của ngài. Có thể bà là một trong ‘nhiều phụ nữ đã dùng của cải mình mà phục vụ ngài và các sứ đồ’.—Lu 8:1-3.
Tuy nhiên, những thành viên khác trong gia đình của Chúa Giê-su không thể hiện đức tin ngay. Chẳng hạn, vào một dịp sau khi Chúa Giê-su làm báp-têm được hơn một năm, đám đông nhóm lại tại một nhà để nghe ngài giảng. “Khi người nhà của ngài nghe chuyện ấy thì đi bắt ngài về vì cho rằng ngài bị mất trí”. Một thời gian sau, khi những người em cùng mẹ khác cha với Chúa Giê-su muốn biết về lịch trình những chuyến đi của ngài, Chúa Giê-su không trả lời thẳng cho họ. Tại sao? Vì “thật ra, các em ngài không tin ngài”.—Mác 3:21; Giăng 7:5.
Chúng ta học được gì qua cách Chúa Giê-su đối xử với người thân? Ngài không giận khi một số người thân cho rằng ngài mất trí. Thậm chí sau khi bị giết và được sống lại, Chúa Giê-su đã khích lệ họ thêm bằng cách hiện ra với một người em là Gia-cơ. Ðiều này dường như đã thuyết phục được không chỉ Gia-cơ mà cả các em khác của Chúa Giê-su tin rằng ngài thật sự là Ðấng Mê-si. Vì thế, vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, họ đã có mặt với các sứ đồ và những người khác trong một phòng trên lầu tại Giê-ru-sa-lem và hẳn họ đã nhận được thần khí. Với thời gian, Gia-cơ và một người em khác của Chúa Giê-su là Giu-đe đã nhận được nhiều đặc ân vô giá.—Công 1:12-14; 2:1-4; 1 Cô 15:7.
MỘT SỐ NGƯỜI CẦN NHIỀU THỜI GIAN
Như vào thế kỷ thứ nhất, một số người thân ngày nay cần khá nhiều thời gian để quyết định bước đi trên con đường dẫn đến sự sống. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của chị Roswitha, một người từng là giáo dân sốt sắng của Công giáo khi chồng chị làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va vào năm 1978. Vì sùng đạo, lúc đầu chị Roswitha chống đối chồng. Nhưng năm tháng trôi qua, chị bớt chống đối hơn và bắt đầu nhận thấy Nhân Chứng Giê-hô-va dạy sự thật. Năm 2003, chính chị làm báp-têm. Ðiều gì đã góp phần làm chị thay đổi? Thay vì tức giận trước sự chống đối ban đầu của chị Roswitha, chồng chị đã cho chị cơ hội để thay đổi quan điểm. Chị đưa ra lời khuyên nào? Chị nói: “Thành quả có được là nhờ kiên nhẫn, kiên nhẫn và tiếp tục kiên nhẫn”.
Chị Monika làm báp-têm năm 1974, và hai con trai của chị trở thành Nhân Chứng khoảng mười năm sau. Dù chồng chị là anh Hans không bao giờ chống đối, nhưng mãi đến năm 2006 anh mới làm báp-têm. Qua kinh nghiệm của gia đình, họ đưa ra lời khuyên nào? “Hãy luôn gắn bó với Ðức Giê-hô-va, và không thỏa hiệp trước những thử thách về đức tin”. Dĩ nhiên, một điều quan trọng là các thành viên thường xuyên trấn an anh Hans rằng họ luôn yêu thương anh. Ngoài ra, họ không bao giờ từ bỏ hy vọng rằng cuối cùng anh sẽ chấp nhận sự thật.
ÐƯỢC KHOAN KHOÁI BỞI NƯỚC SỰ THẬT
Chúa Giê-su từng ví thông điệp Kinh Thánh như nước mang lại sự sống vĩnh cửu (Giăng 4:13, 14). Chúng ta muốn người thân được khoan khoái bằng cách uống nước sự thật tinh khiết và tươi mát. Chắc chắn, chúng ta không muốn họ bị sặc vì bị ép uống quá nhiều trong một lúc. Việc họ cảm thấy khoan khoái hay bị sặc có thể tùy thuộc vào cách chúng ta giải thích niềm tin cho họ. Kinh Thánh nói rằng “lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”, “lòng khôn ngoan dạy dỗ miệng mình, và làm cho môi tăng sự thuyết phục”. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng lời khuyên này?—Châm 15:28; 16:23, Bản Dịch Mới.
Một người vợ có lẽ muốn giải thích niềm tin cho chồng. Nếu “suy-nghĩ lời phải đáp”, chị sẽ cẩn thận chọn từ ngữ và không nói hấp tấp. Chị không nên tỏ ra quá công bình hoặc chứng tỏ mình giỏi hơn chồng. Lời nói có suy xét của chị có thể tạo cảm giác khoan khoái cho chồng và đẩy mạnh sự hòa thuận. Khi nào chồng cảm thấy thư thái và dễ nói chuyện? Anh thích nói chuyện hay đọc về những chủ đề nào? Anh quan tâm đến khoa học, chính trị hay thể thao? Làm thế nào chị có thể gợi sự tò mò của anh về Kinh Thánh mà vẫn tôn trọng cảm xúc và quan điểm của anh? Suy nghĩ trước những điều đó sẽ giúp chị nói và hành động một cách khôn khéo.
Việc động đến lòng của người thân không cùng đức tin không chỉ là giải thích từng ít một về niềm tin. Lời nói của chúng ta phải đi kèm với hạnh kiểm tốt.
HẠNH KIỂM MẪU MỰC
Anh Jürgen, người được đề cập ở trên, nói: “Hãy luôn áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống hằng ngày. Ðây là cách rất hiệu quả để làm người thân chú ý đến sự thật, cho dù người đó không thừa nhận”. Anh Hans, người làm báp-têm gần 30 năm sau vợ, đồng ý với điều đó khi nói: “Hạnh kiểm mẫu mực của tín đồ đạo Ðấng Ki-tô rất quan trọng, vì qua đó người thân thấy sự thật ảnh hưởng tốt đến đời sống của chúng ta”. Người thân cần thấy rằng sự thật làm chúng ta khác với người khác, theo cách tích cực chứ không phải tiêu cực.
Sứ đồ Phi-e-rơ đưa ra lời khuyên hữu ích cho những người vợ có chồng không cùng đức tin: “Hãy vâng phục chồng, hầu cho nếu có người chồng nào không vâng theo lời Ðức Chúa Trời thì cũng được cảm hóa bởi hạnh kiểm của chị, mà không cần phải nói lời nào, vì anh ấy chứng kiến cách ăn ở thanh sạch và lòng kính trọng sâu xa của chị. Ðừng quá chú trọng vào việc chưng diện bề ngoài, như kết bím tóc và đeo trang sức bằng vàng hoặc mặc đồ đẹp; nhưng hãy tô điểm lòng mình, tức con người bề trong, bằng trang sức không mục nát như tính tình mềm mại và điềm đạm, là điều có giá trị lớn trước mắt Ðức Chúa Trời”.—1 Phi 3:1-4.
Phi-e-rơ viết rằng một người chồng có thể được cảm hóa bởi hạnh kiểm mẫu mực của vợ. Ghi nhớ câu Kinh Thánh đó, một chị tên là Christa đã cố gắng động đến lòng của chồng qua hạnh kiểm từ khi chị làm báp-têm năm 1972. Dù chồng chị từng tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va, nhưng anh chưa bước đi theo sự thật. Anh đã tham dự một số buổi nhóm họp và có mối quan hệ tốt với các anh chị trong hội thánh. Các anh chị cũng tôn trọng quyền lựa chọn của anh. Chị Christa cố gắng động đến lòng của chồng như thế nào?
Chị cho biết: “Tôi quyết tâm gắn bó với đường lối mà Ðức Giê-hô-va muốn tôi đi. Ðồng thời, tôi cố gắng thuyết phục chồng ‘không qua lời nói’ nhưng qua hạnh kiểm tốt. Trong những vấn đề không liên quan đến các nguyên tắc Kinh Thánh, tôi cố gắng hết sức làm theo ý anh. Dĩ nhiên, tôi cũng tôn trọng quyền tự do ý chí của anh và để vấn đề trong tay Ðức Giê-hô-va”.
Cách của chị Christa cho thấy giá trị của sự linh động. Chị duy trì các hoạt động thiêng liêng, bao gồm việc đều đặn tham dự nhóm họp và tích cực tham gia thánh chức. Mặt khác, chị tỏ ra thấu cảm, hiểu rằng chồng có quyền được chị yêu thương, dành thời gian và quan tâm. Thật khôn ngoan nếu những anh chị có người thân không cùng đức tin tỏ ra linh động và thấu cảm. Kinh Thánh giải thích: “Mọi việc dưới trời có kỳ định”. Ðiều này bao hàm việc chúng ta dành thời gian cho các thành viên trong gia đình, nhất là người hôn phối không cùng đức tin. Thời gian ở cùng người thân sẽ giúp chúng ta cải thiện việc trò chuyện với họ. Kinh nghiệm cho thấy trò chuyện thân tình giúp người thân không cùng đức tin bớt cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi hoặc ghen tuông.—Truyền 3:1.
ÐỪNG BAO GIỜ TỪ BỎ HY VỌNG
Anh Holger, người có bố làm báp-têm 20 năm sau những thành viên khác trong gia đình, nhận xét: “Ðiều quan trọng là cho người thân thấy chúng ta yêu thương và cầu nguyện cho họ”. Chị Christa nói thêm rằng chị ‘sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng là cuối cùng chồng chị sẽ đứng về phía Ðức Giê-hô-va và chấp nhận sự thật’. Chúng ta nên luôn có thái độ tích cực, ánh lên hy vọng về người thân không cùng đức tin.
Mục tiêu của chúng ta là giữ mối quan hệ gần gũi với người thân, cho họ cơ hội nhận ra sự thật và động đến lòng họ bằng thông điệp Kinh Thánh. Ngoài ra, trong mọi việc, chúng ta nên làm “với thái độ ôn hòa và lòng kính trọng sâu xa”.—1 Phi 3:15.
THÁP CANH (ẤN BẢN HỌC HỎI)