KINH THÁNH THAY ÐỔI ÐỜI SỐNG

Ðời tôi trước đây thật tồi tệ

Ðời tôi trước đây thật tồi tệ
  • NĂM SINH: 1952

  • NƠI SINH: HOA KỲ

  • QUÁ KHỨ: TÍNH KHÍ HUNG HĂNG

ÐỜI SỐNG TRƯỚC ÐÂY:

Tôi lớn lên ở Los Angeles, bang California, Hoa Kỳ, trong những khu nổi tiếng có các băng đảng đường phố và ma túy. Cha mẹ tôi có sáu người con, tôi là con thứ hai.

Mẹ tôi nuôi dạy chúng tôi trở thành các thành viên thuộc nhà thờ phái Phúc âm của Tin Lành. Tuy nhiên, đến tuổi thanh thiếu niên, tôi sống hai mặt. Chủ nhật, tôi hát trong ca đoàn nhà thờ. Những ngày còn lại trong tuần, tôi dấn thân vào các buổi tiệc tùng liên miên, lạm dụng ma túy và sống vô luân.

Tôi có tính khí hung hăng. Tôi dùng bất cứ vật gì để làm vũ khí. Những gì học được ở nhà thờ không giúp ích cho tôi. Tôi từng nói: “Sự trả thù thuộc về Chúa và tôi là công cụ của ngài!”. Vào cuối thập niên 1960, khi đang học trung học, tôi bị băng nhóm Báo Ðen (Black Panthers) tác động, một nhóm chính trị nổi tiếng đứng lên chiến đấu bảo vệ dân quyền. Tôi gia nhập công đoàn sinh viên bảo vệ dân quyền. Nhiều lần, chúng tôi tổ chức những cuộc phản kháng, mỗi lần như thế thì trường học tạm đóng cửa.

Dường như những cuộc phản kháng ấy không thỏa mãn tính khí hung hăng của tôi. Vì thế, tôi bắt đầu dính líu đến những tội ác vì kỳ thị chủng tộc. Chẳng hạn, có lần tôi và đồng bọn xem phim tái diễn cảnh ngày xưa nô lệ châu Phi bị đày đọa ở Hoa Kỳ. Vì căm hờn trước cảnh bất công như thế, nên chúng tôi đã tấn công những thanh niên da trắng trong rạp. Rồi chúng tôi đến khu người da trắng tìm thêm người để đánh.

Khi gần đến tuổi đôi mươi, tôi cùng một anh và hai em trai phạm nhiều tội ác. Chúng tôi gặp rắc rối với chính quyền. Một em trai tôi thuộc về một băng đảng khét tiếng và tôi đã cấu kết với họ. Ðời tôi ngày càng tồi tệ.

CÁCH KINH THÁNH THAY ÐỔI ÐỜI SỐNG:

Một người bạn tôi có cha mẹ là Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ mời tôi đến tham dự các buổi họp ở hội thánh và tôi nhận lời. Ngay từ đầu, tôi có thể nhìn thấy sự khác biệt của Nhân Chứng. Mọi người đều có Kinh Thánh và dùng trong suốt buổi họp. Ngay cả người trẻ cũng làm bài giảng! Tôi ấn tượng khi biết Ðức Chúa Trời có tên là Giê-hô-va, và nghe tên ngài được nhắc đến trong buổi nhóm (Thi-thiên 83:18). Hội thánh gồm nhiều người thuộc mọi quốc tịch, nhưng rõ ràng không có sự phân biệt chủng tộc.

Lúc đầu, tôi không muốn tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng, nhưng tôi thích đi nhóm họp. Một tối nọ, khi tôi đang tham dự buổi họp của Nhân Chứng thì một nhóm bạn tôi đi nghe hòa nhạc. Ở đấy, họ đánh một thanh niên đến chết vì người này không đưa cho họ áo khoác da. Ngày hôm sau, họ còn khoe khoang thành quả đó. Ngay cả khi đứng trước tòa, họ dửng dưng trước hành động của mình, không xem đó là tội ác. Hầu hết đều bị kết án chung thân. Dĩ nhiên, tôi rất mừng vì mình không đi với họ đêm hôm ấy. Tôi quyết tâm thay đổi đời mình và bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh.

Từng chứng kiến nhiều cảnh phân biệt chủng tộc, nên tôi kinh ngạc trước những gì mình thấy trong vòng Nhân Chứng. Chẳng hạn, khi một Nhân Chứng da trắng phải đi nước ngoài, anh ấy nhờ một gia đình da đen chăm sóc các con mình. Tương tự, một gia đình da trắng cho một anh da đen sống trong nhà vì anh ấy cần chỗ ở. Tôi tin chắc Nhân Chứng Giê-hô-va áp dụng lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Giăng 13:35: “Bởi điều này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đồ tôi: Ðó là có tình yêu thương giữa anh em”. Tôi biết mình đã tìm được tình anh em chân chính.

Nhờ tìm hiểu Kinh Thánh, tôi bắt đầu nhận ra là mình cần thay đổi lối suy nghĩ. Tôi phải biến đổi tâm trí, không chỉ để biểu hiện tính hiếu hòa, mà còn cảm nhận đây là đường lối tốt nhất của cuộc đời (Rô-ma 12:2). Tôi tiến bộ dần dần. Vào tháng 1 năm 1974, tôi làm báp-têm để trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Tôi phải biến đổi tâm trí, không chỉ để biểu hiện tính hiếu hòa, mà còn cảm nhận đây là đường lối tốt nhất của cuộc đời

Tuy nhiên, ngay cả sau khi làm báp-têm, tôi vẫn phải phấn đấu kiềm chế tính khí của mình. Chẳng hạn, có lần khi đi truyền giáo từng nhà, tôi đuổi theo một tên trộm ăn cắp radio trong xe tôi. Lúc tôi sắp bắt được hắn, hắn vứt radio lại và chạy thoát. Khi tôi kể cho các anh chị đi chung về cách tôi lấy lại radio, một trưởng lão trong nhóm hỏi: “Stephen, anh sẽ làm gì nếu bắt được hắn?”. Câu hỏi ấy khiến tôi suy nghĩ và thôi thúc tôi tiếp tục biểu hiện tính hiếu hòa.

Tháng 10 năm 1974, tôi bắt đầu phụng sự trọn thời gian, tức dành 100 giờ mỗi tháng để giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh. Sau đó, tôi có đặc ân làm tình nguyện viên tại trụ sở trung ương của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn, New York. Năm 1978, tôi trở về Los Angeles để chăm sóc mẹ bị bệnh. Hai năm sau, tôi kết hôn với Aarhonda. Cô ấy hỗ trợ tôi rất nhiều trong việc chăm sóc mẹ cho đến khi bà qua đời. Với thời gian, hai vợ chồng tôi được tham dự Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh và được bổ nhiệm đến Panama. Chúng tôi làm giáo sĩ ở đấy cho đến nay.

Kể từ khi báp-têm, tôi đối mặt với nhiều tình huống, nếu như trước kia thì có lẽ tôi đã dùng vũ lực. Nhưng giờ đây, tôi giữ được bình tĩnh hoặc biết cách tránh xa những người cố tình khiêu khích tôi. Nhiều người, kể cả vợ tôi, thường khen vì tôi đã biết cách xử lý những tình huống ấy. Chính tôi còn ngạc nhiên về mình! Tôi không hề nghĩ mình có thể tự thay đổi nhân cách. Thay vì thế, tôi tin rằng những thay đổi này chứng thực quyền lực biến đổi của Kinh Thánh.—Hê-bơ-rơ 4:12.

LỢI ÍCH:

Kinh Thánh giúp tôi tìm được mục đích đời sống và dạy tôi trở thành người hiếu hòa. Tôi không còn đánh người ta nữa, nhưng giúp họ về tâm linh. Tôi còn học Kinh Thánh với một người vốn là kẻ thù của tôi thời trung học! Sau khi anh ấy làm báp-têm, chúng tôi ở chung phòng trong một thời gian. Hiện nay, chúng tôi vẫn là bạn thân. Tính đến nay, qua việc tìm hiểu Kinh Thánh với người khác, vợ chồng tôi đã giúp hơn 80 người trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Tôi vô cùng biết ơn Ðức Giê-hô-va đã cho tôi đời sống đầy ý nghĩa và hạnh phúc giữa một đoàn thể anh em chân chính.